Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

7980 - Đưa ảnh người khác gán vào mộ mẹ cụ Hồ




Mẹ cụ Hồ, bà Hoàng Thị Loan, sinh năm 1868, mất năm 1901, hưởng dương 33 tuổi.  Bà mất tại Huế, sau đó được đưa về quê, đến 1942 hài cốt của bà được cát táng trên triền núi Động Tranh (nằm trong dãy núi Đại Huệ) thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Sau một năm tôn tạo, khu mộ bà Hoàng Thị Loan được khánh thành ngày 16/5/1985, và trở thành điểm di tích đặc biệt trong chuỗi các di tích lịch sử về chủ tịch Hồ Chí Minh.Tại khu mộ bà Hoàng thị Loan, ngày nào cũng vậy, luôn có nhiều du khách viếng thăm. Lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ của các nhiệm kỳ đều về đây kính cẩn dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính với người đã sinh ra vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.


Ảnh giả trên ngôi mộ của bà Hoàng Thị Loan. Nguồn: Tác giả Bá Tân gửi Tiếng Dân

Bà Hoàng Thị Loan trước khi mất không để lại di ảnh. Trong các tài liệu lịch sử về bà Loan đều không có ảnh, hình ảnh của bà chỉ được mô tả bằng chữ viết và lời nói.
Suốt hàng chục năm qua, trên mộ bà Loan không có ảnh, bởi người đã mất không để lại di ảnh. Vấn đề này đã được lịch sử khẳng định. Từ dòng họ (kể cả bên nội và bên ngoại) cũng như lãnh đạo tối cao của trung ương không ai đặt ra vấn đề phải có ảnh đặt trên mộ mẹ cụ Hồ.
Trớ trêu thay, kể từ tháng 5/2018, chẳng biết ma đưa lối quỷ đưa đường thế nào, bổng dưng xuất hiện bức ảnh đặt trên mộ bà Hoàng Thị Loan. Người vẽ ra ảnh và đơn vị gán bức ảnh ấy vào mộ, tự huyễn hoặc, gọi đó là ảnh mẹ cụ Hồ.
Nhìn thoáng qua và nhất là chịu khó quan sát cho kỹ, không ai thừa nhận đó là bà Hoàng Thị Loan. Thứ nhất, đây là tiêu chí lịch sử không thể bác bỏ, bà Loan trước khi mất không để lại di ảnh. Thứ hai, gương mặt và thần thái của bức ảnh vẽ hoàn toàn khác biệt với bà Loan được mô tả qua tài liệu lịch sử cũng như lời kể của người thân bên ngoại, bên nội.
Công nghệ truyền thần có cách làm tạo ra chân dung của người không để lại di ảnh (ảnh gốc). Cho dù là vậy, kể cả tay nghề cao siêu, ảnh truyền thần vẽ theo tưởng tượng vẫn là ảnh giả. Bức chân dung mẹ cụ Hồ “sáng tác” theo kiểu đó (được đặt trên mộ) là ảnh giả, bịa ra một người lạ hoắc nhưng lại gọi đó là bà Hoàng Thị Loan. Đó là cách gán ghép vô chính trị, thậm chí phản chính trị, gây ra sự phản cảm trong dư luận xã hội.
Hôm vừa rồi có dịp ghé vào khu mộ bà Hoàng Thị Loan, hòa mình vào đám đông du khách, tôi vô tình nghe được ai đó thốt lên: nhìn người trong bức ảnh giống như người đã gặp ở bến xe, cổng chợ. Nghe vậy mà xót xa, thảm thương cho người bị dùng ảnh giả đặt lên mộ.
Theo quy định hiện hành, muốn đưa di vật vào điểm di tích lịch sử đặc biệt phải thông qua hội đồng thẩm định và được người đứng đầu ngành chuyên trách quyết định bằng văn bản. Đặt ảnh giả lên mộ bà Hoàng Thị Loan, không chỉ bịa ra ảnh giả, mà còn bất chấp và phớt lờ các quy định, quy trình vẫn còn hiệu lực.
Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn ngập khắp nơi. Thức ăn, đồ uống, vật dụng dân sinh đều bị làm giả. Hồ sơ lý lịch, bằng cấp, thành tích… la liệt hàng giả. Loạn đến mức ảnh mẹ cụ Hồ cũng bị làm giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét