Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

7882 - Vì sao Hứa Hoàng Anh chết: liệu trường hợp "Nguyễn Hữu Tấn" tái diễn?

Vũ Quốc Ngữ (VNTB) 

Ngày 02/8/2018, chủ trại ấp vịt Hứa Hoàng Anh thuộc ấp Bình Lợi, xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã chết trong khi làm việc với công an và cái chết của anh có nhiều lời đồn đoán. Liệu có một vụ "Nguyễn Hữu Tấn" thứ hai không?

Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) có đưa tin về vụ việc ngay trong ngày Hứa Hoàng Anh bị chết. Tuy nhiên, phải đến trưa 25/8, hơn ba tuần sau cái chết của Hứa Hoàng Anh, DTD mới có thể liên lạc trực tiếp với cô Huỳnh Thuý Hằng, là người vợ thứ hai của người quá cố, và được goá phụ này cung cấp thông tin khá đầy đủ về vụ việc.

Hứa Hoàng Anh, một người chuyên cung cấp vịt giống cho nhiều trang trại vịt trong vùng, đã từng tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2014, và lần gần đây nhất là cuộc biểu tình chống hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ngày 10/6.

Chị Hằng kể rằng khoảng 21.30 tối 01/8, công an huyện Châu Thành đã đến nhà của hai vợ chồng chị ở ấp Bình Lợi và tiến hành bắt khẩn cấp Hứa Hoàng Anh. Công an đã đập cửa và lôi người chồng ra xe và đưa lên trụ sở công an huyện để tra khảo về một vụ nổ ở gần nhà của hai vợ chồng trước đó hơn một tháng. Tuy nhiên, công an không công bố lệnh bắt nào cả, chị vợ cho biết.


Chị Hằng cũng lấy xe máy chạy theo xe công an và đến ngồi gần phòng xét hỏi. Chị cho biết quá trình làm việc cũng không quá căng thẳng, thái độ của hai bên đều giữ ở mức ôn hoà.

Khoảng 4g sáng ngày 02/8, chị được phía công an nói về nhà để lấy chiếc điện thoại của chồng đem đến cho công an. Khoảng 7g sáng, công an gọi điện cho chị và chị đem chiếc điện thoại này giao nộp cho họ.

Sau đó chị mua một suất cơm gửi cho chồng vì chị nghĩ chồng mình đã đói vì bị tra khảo suốt đêm. 

Khoảng 10.30, công an đưa Hứa Hoàng Anh lên xe và quay về nhà để khám xét, và có công bố lệnh khám xét nhà. Chị Hằng có ngạc nhiên, hỏi chồng "Tại sao đã làm việc suốt đêm rồi lại khám nhà?' thì chị được chồng cho biết là vụ nổ cách đó hơn một tháng là do anh ta gây ra và giờ công an đến khám nhà. Người chồng có kể với người vợ là anh ta có được một người bạn từ Rạch Giá đưa cho một trái mìn hẹn giờ, anh ta đem trái mìn đó đặt ở một khoảng trống cách nhà không xa, và về nhà bấm nút điều khiển. Vụ nổ khá to nhưng không gây thiệt hại gì, chị Hằng nói.

Sau khi gây nổ, Hứa Hoàng Anh vất điều khiển vào bồn cầu phía sau nhà, và đó là lý do công an cho người cưa bồn cầu để tìm cách lấy điều khiển từ xa vào sáng hôm 02/8.

Có hơn một chục công an vào nhà của hai vợ chồng để lục soát. Còn có một đội khác bao vây ở ngoài nhà, Hằng cho biết. Khoảng hơn 12h, Hứa Hoàng Anh kêu đói và chị Hằng định đi nấu cơm cho chồng nhưng anh ta bảo chắc không kịp và có thể ăn cơm nguội còn lại từ tối qua. Hằng dọn cơm nguội với một ít thức ăn cho chồng. Khi chị quay ra chiếc tủ lạnh cách đó 3-4 m để lấy đá cho vào cốc nước uống thì Hứa Hoàng Anh bất ngờ cầm một con dao tự cắt cổ, Hằng cho biết. Khi đó anh ta mới và được vài đũa cơm, người vợ cho biết.

Chị Hằng cho biết trong suốt đêm trước và sáng hôm sau, Hứa Hoàng Anh không bị còng và do vậy, khi kêu đói, thì được phía công an đồng ý cho đi xuống nhà dưới để lấy cơm ăn. Có một công an đi theo, nhưng ngồi quan sát ở khá xa.

Chị Hằng nói rằng cả chị và những người công an đang ở trong nhà rất bất ngờ. Chị lao vào chống để ngăn cản nhưng không được. Sau khi Hứa Hoàng Anh đổ gục xuống, công an đã đưa anh ta ra xe để đưa đi cấp cứu. Hằng cũng đi theo nhưng ngồi trên một xe khác đến bệnh viện huyện cách nhà chừng 15 phút.

Con dao mà Hứa Hoàng Anh dùng để tự cứa cổ mình là do anh ta mua từ Nhật trong một chuyến đi du lịch, Hằng cho biết. Công an Châu Thành đã thu giữ con dao này, chị ta nói.

Xe đến bệnh viện và Hứa Hoàng Anh được đưa vào phòng cấp cứu, nhưng chị Hằng không được vào phòng đó, mà chỉ được đứng ở bên ngoài. Một lát sau thì bác sỹ đi ra, nói Hứa Hoàng Anh đã chết vì mất nhiều máu trên đường đi cấp cứu.

Lúc đó vào khoảng 13.30h, chị Hằng nói, và công an nói đưa xác chồng chị về nhà. Hằng muốn được ngồi cùng xe chở xác chồng nhưng chị lại bị buộc ngồi xe khác. Tuy nhiên, đoàn xe không quay về nhà chị mà đến nhà xác của công an tỉnh, và tại đây công an mổ tử thi để khám nghiệm mà không có sự chứng kiến của bất cứ một người thân nào của người đã chết, kể cả vợ, người bị buộc phải ngồi ở bên ngoài phòng khám nghiệm. Hằng có gọi điện cho anh chị em của chồng đến, và họ cũng phải đứng ngoài.

Mãi đến hơn 19 h thì việc khám nghiệm mới xong và công an đưa xác Hứa Hoàng Anh về để gia đình tổ chức an táng. Chị Hằng cho biết công an đã quấn băng gần như kín từ cổ lên đầu, chị muốn xem mặt chồng lần cuối mà không thể xé lớp băng. Chị có mở xuống phía dưới và thấy một vết mổ dài từ ngực tới rốn, và được khâu lại.

Hằng cho biết gia đình có đi lên chùa để xem giờ và được một vị sư nói nên niệm vào lúc 21 h và an táng vào lúc 16 h ngày hôm sau.

Chị Hằng cho biết mọi kế hoạch viếng và an táng đều do gia đình quyết định. Tuy nhiên, công an bao vây khu vực gần nhà, và không cho người đến viếng quay video hay chụp hình. Một người quay video và phát trực tiếp (live stream) được một thời gian ngắn thì bị công an bắt giữ và đưa lên đồn để tra khảo, chị Hằng nói rằng chị biết việc này khi người khác kể lại. Gia đình có thuê người thợ chụp hình ở địa phương đến ghi lại đám tang thì bị công an khống chế lúc gần hạ huyệt và bị buộc phải xoá toàn bộ hình đã chụp. Mấy hôm sau, Hằng mới được người thợ này kể lại khi cô định ra lấy hình về và thanh toán tiền ghi hình.

Gia đình đã quyết định mua mộ phần ở trong chùa cho Hứa Hoàng Anh và anh được đặt nằm cạnh mộ của ông ngoại mình. Chi phí cho việc chôn cất và đám tang cũng khá tốn kém trong khi hai người vẫn còn một số nợ, chị Hằng cho biết.

Điều chị Hằng bức xúc nhất là công an đã lừa dối chị, nói rằng sẽ đưa xác anh từ bệnh viện huyện Châu Thành về nhà chị, nhưng thực ra lại chở đến nhà xác tỉnh để khám nghiệm mà không cho gia đình chứng kiến. 

Chị Hằng nói rằng chị rất bất ngờ về việc chồng mình tự cắt cổ, và chị không thể giải thích được hành động của chồng mình, một người hoàn toàn bình thường trước khi bị bắt lên đồn công an vào tối hôm trước. Nếu không chứng kiến trực tiếp vụ việc, có lẽ chị không bao giờ hình dung được cái chết của chồng mình.

Hằng và Anh đều từng có gia đình riêng trước khi đến với nhau vào 4 năm trước. Hằng có đứa con năm nay lên 12 tuổi nhưng ở với ông bà ngoại còn Anh có đứa con học lớp 4 và ở với mẹ. Hai người vẫn chưa có con chung.

Chị cho biết công an theo dõi chị và gia đình sát sao kể từ ngày chồng bị chết. Công an đưa người canh gác, theo dõi người trong gia đình và những người đến viếng trong nhiều ngày. Hiện ngôi nhà của họ vẫn có công an để mắt tới cho dù người vợ về nhà bố mẹ để sống.

Sau đám tang, công an đã hai lần đến nhà và một lần mời chị Hằng đến đồn công an để lấy lời khai về sự việc trưa hôm 02/8. Tất cả các cuộc làm việc đều được ghi hình và lập biên bản, chị cho biết.

Cũng xin nhắc lại là vào ngày 10/6, hai vợ chồng Hứa Hoàng Anh-Huỳnh Thuý Hằng có lên Sài Gòn để tham gia biểu tình. Hứa Hoàng Anh bị bắt cùng với anh Huỳnh Tấn Tuyên, người bị mật vụ đánh gẫy 3 răng cửa. Chính Hứa Hoàng Anh đã đạp cửa xe oto của cảnh sát để giải thoát cho hai người và một số người khác.

Do tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà từ năm 2014, Hứa Hoàng Anh từng nhiều lần bị công an Châu Thành triệu tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét