Vùng đất của lịch sử và danh thắng
Vân Đồn, có nghĩa là Mây Núi, vùng đất phía Đông Bắc của tổ quốc, nơi trùng điệp hơn 600 ngọn núi lớn nhỏ, kết thành một vòng cung Bái Tử Long, phong cảnh như một tấm họa đồ, sơn thủy vô cùng hữu tình.
Vào năm 1172, vua Lý Anh Tông tuần du vùng Đông Bắc, nhận thấy đây là phên dậu quan trọng, dân cư còn thưa thớt, đã cho lập những tiền đồn và đơn vị hành chính cơ sở cho việc di dân, khai hoang, xây dựng hải cảng, thông thương buôn bán. Năm ngôi đình từ vùng Trà Cổ, Móng Cái giáp ranh biên giới với Trung Quốc cho đến các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Hà Nam được vua Lý Anh Tông xây dựng trên vùng biên viễn Đông Bắc, xác lập chủ quyền quốc gia, cho thấy tầm nhìn chiến lược sáng suốt của vị vua hiền tài.
Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, phát triển thịnh vượng suốt mấy trăm năm cho tới đời nhà Mạc. Trong lịch sử giữ nước, vùng biên ải này chứng kiến chiến thắng hiển hách của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2. Cũng là nơi gắn liền sử tích của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng – con trai thứ ba của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn – người trấn ải vùng Cửa Ông Vân Đồn, giữ yên bờ cõi, “sống vi tướng, tử vi thần”, hiển linh vô cùng.
Cách thành phố Hạ Long về phía Đông 50km, theo quốc lộ 18 và cách Cửa Ông 7km, theo tuyển tỉnh lộ 334 mới được hoàn thành cách đây vài năm, Vân Đồn có huyện lỵ Cái Rồng ở trung tâm đảo Cái Bầu, là đảo lớn nhất trong quần đảo Vân Đồn. Đảo Cái Bầu rộng 17.212 ha, có đỉnh cao nhất là núi Vạn Hoa 397m, đường xuyên đảo hiện nay là tỉnh lộ 334 dài 40km tính từ Cửa Ông tới điểm cuối cùng là mũi Vạn Hoa.
Vân Đồn có 12 xã và thị trấn, trên đảo Cái Bầu có 6 xã và thị trấn Cái Rồng, ở phía vành đai tuyến đảo Vân Hải có 5 xã đảo khác là Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Yên, Thắng Lợi chạy theo hình vòng cung ôm lấy đảo chính. Đảo Cái Bầu cách đất liền bằng một vịnh biển nhỏ thông từ Cửa Ông đến mũi Vạn Hoa, người dân gọi là sông Voi lớn. Đây là vùng đất dày đặc những di chỉ khảo cổ, dấu vết hưng thịnh một thương cảng sầm uất suốt ba triều đại phong kiến Việt Nam là Lý, Trần, Lê.
Người ta đang làm gì ở Vân Đồn?
Vân Đồn, theo qui hoạch của nhà cầm quyền CSVN, sẽ thành một đặc khu kinh tế nằm trong dự án kết nối “hai hành lang, một vành đai kinh tế” của Trung Quốc khởi xướng. Hai hành lang kinh tế là Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh và Hải Phòng – Móng Cái – Quảng Tây, là hợp phần dự án trong tham vọng địa chính trị, kinh tế lớn nhất lịch sử Trung Quốc là “Nhất đới, Nhất lộ” hay “Con đường Tơ lụa” do Tập Cận Bình khởi xướng ‒ một lộ trình toàn cầu hóa dưới màu sắc Trung Hoa xuất phát từ cảm hứng tuyến đường thông thương xuyên qua vùng Trung Á, nối liền Âu Châu và các cuộc chinh phục biển khơi của Trịnh Hòa thời cổ đại.
Đặc khu kinh tế Vân Đồn được thành lập vào giữa năm 2007 theo quyết định 120/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng. Hai năm sau, cùng với quyết định 34/2009/QĐ-TTg về việc qui hoạch “phát triển vành đai kinh tế Bắc Bộ” kết nối với các khu vực phát triển của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, những dự án đầu tư đầu tiên ở Vân Đồn bắt đầu được tiến hành. Đặc khu này được nhà cầm quyền CSVN xây dựng với mong muốn biến vùng biển danh thắng này trở thành vùng động lực kinh tế, trên tuyến thông thương ven vinh Bắc Bộ, nối với Nam Ninh, Trung Quốc.
Mô hình Đặc khu kinh tế không còn là một hình mới mẻ với thế giới và với cả Việt Nam. Trước đó, thì mô hình kinh tế này cũng đã từng được Hà Nội thử nghiệm ở Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng không thành công. Sau đó, những khu công nghiệp như Formosa, dự án Tân Rai Nhân Cơ… cũng là những nơi mà CSVN đã thực hiện mô hình đặc khu ở mức độ thấp hơn nhưng đều không đạt mục tiêu mong muốn, mà thực tế mang lại rất nhiều hệ lụy về môi trường, quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản và cả an ninh quốc phòng. Năng lực quản trị, nguồn lực nhân sự và hệ thống pháp luật của CSVN không đủ sức để thực hiện mô hình đặc khu kinh tế dù những ý tưởng manh nha từ rất lâu. Cả ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được quyết định thành lập từ thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng nhưng cũng không có chuyển biến gì đáng kể suốt hơn một thập kỷ, ngoài những chiêu trò vẽ dự án, tranh cướp đất đai của các nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau của quan chức địa phương, trung ương.
Tuy vậy, mọi chuyện đã thay đổi khi có yếu tố Trung Quốc xuất hiện với những dự án to lớn và viễn cảnh huy hoàng mà người bạn vàng 4 tốt “vẽ ra” cùng với “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, “nhất đới, nhất lộ” hay “con đường tơ lụa”. Hàng núi tiền đã được đầu tư vào hệ thống cao tốc, sân bay, cảng biển, casino, resort nghỉ dưỡng cao cấp. Hạ tầng của Vân Đồn cũng thay đổi nhanh chóng cùng với những cơn sốt BĐS điên rồ. Vân Đồn cũng là 1 trong 3 đặc khu được đầu tư lớn nhất về hạ tầng.
Bên cạnh những ông lớn có mặt trong đặc khu kinh tế Vân Đồn như Sungroup, FLC, Viglacera, CEO group, MB land.. có những công ty mà công chúng ít thông tin hơn đã “nằm vùng” ở đây từ lâu như Mai Quyền, Việt Mỹ. Cũng có những công ty có dự án khủng nhưng mới được thành lập vài tháng như Trường Giang Vân Đồn, tranh nhau các điểm địa lợi có phong cảnh đẹp ở khu vực bãi Dài, đảo Cái Bầu.
Nhiều nghi vấn những công ty này có sự hậu thuẫn lớn từ người bạn vàng Trung Quốc và những quan chức CSVN cấp cao đứng sau. Dự án Chùa Cái Bầu – một cơ sở tâm linh được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng của những quan chức tôn giáo và chính phủ Việt Nam gần đó đã hoàn thiện những hạng mục chính, tiếp tục mở rộng, xây dựng thêm nhiều hạng mục mới. Bên cạnh đó, những đơn vị quân đội đang “tích cực” phân lô bán nền dưới hình thức cấp đất nhà ở cho cán bộ chiến sỹ mà thực ra là cắt đất quốc phòng ra bán. Điển hình là lữ đoàn 242, đóng tại Vân Đồn. Sai phạm của lữ đoàn này cũng đã bị báo chí phản ánh nhưng các bài viết sau đó đã bị xóa.
Căn cứ quân sự chiến lược?
Hạng mục xây dựng gây khó hiểu nhất được đầu tư tới 2 tỷ USD bởi tập đoàn Sungroup là sân bay Vân Đồn. Vì hiện sân bay Cát Bi ở Hải Phòng đã được nâng cấp có thể đón các loại máy bay lớn và chuyến bay quốc tế. Hệ thống cao tốc Hải Phòng – Hạ Long đã hoàn thành và phân đoạn Hạ Long – Vân Đồn đang triển khai.
Khi toàn tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn thông xe trong năm tới, đoạn đường từ sân bay Cát Bi đi Vân Đồn chỉ còn 45 phút xe chạy. Đây là cảng hàng không được xây dựng bằng vốn tư nhân. Mặc dù trong “qui hoạch” là cảng hàng không phục vụ phát triển kinh tế cho Đặc khu Vân Đồn và cả an ninh quốc phòng. Nhưng chẳng ai có thể cấm ông Lê Viết Lam bán lại cổ phần cho một công ty Trung cộng sau này.
Cảng hàng không Vân Đồn nằm trong một thung lũng nhỏ, thuộc địa phận xã Đoàn Kết, một bên giáp với sông Voi Lớn – một vịnh biển nhỏ ngăn cách đảo Cái Bầu với đất liền, thông từ mũi Vạn Hoa xuống Cửa Ông. Một con đường độc đạo chạy từ bến xe khách Cái Rồng vào sân bay khoảng chừng 5km, xung quanh núi non bao bọc.
Kế bên sân bay Vân Đồn là khu công nghiệp sạch và phi thuế quan. Không rõ tỉnh Quảng Ninh qui hoạch phát triển công nghiệp sạch gồm những gì ở đây? Khi mà hạ tầng, cũng như nhân lực kỹ thuật cao hoàn toàn từ con số không. Có thể nói, để xây dựng một khu công nghệ cao giữa một vùng rừng núi biệt lập như ở Vân Đồn, đối với bất cứ tập đoàn nào ở Việt Nam đều bất khả thi. Nhưng nếu để lựa chọn một căn cứ quân sự chiến lược gồm cả hải, lục, không quân kết hợp, thì đây là một địa điểm có một không hai.
Từ những đỉnh cao Vạn Hoa 397m và Nàng Tiên ở Bản Sen 450m có thể bảo vệ căn cứ sân bay, khống chế cả một vùng trời biển vùng Đông Bắc, cửa ngõ Hải Phòng. Sân bay Vân Đồn cũng cho phép các máy bay hiện đại tác chiến, tiếp cận dễ dàng với tất cả mục tiêu trọng yếu ở miền Bắc Việt Nam.
Nếu vấn đề pháp lý không rõ ràng trong qui định về thời hạn thuê đất, các loại hình dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, đối tượng được phép trong đặc khu kinh tế… như trong dự luật Đặc Khu hết sức “mập mờ” mà vừa qua Quốc hội bù nhìn VN tạm hoãn thông qua, cùng với cách thức, năng lực quản lý đầy rẫy tiêu cực, tham nhũng của hệ thống chính quyền Việt Nam, thì chẳng gì có thể đảm bảo Vân Đồn không trở thành một Crimea thứ 2. Khi đó, “Con đường tơ lụa” thực sự trở thành con đường diệt vong cho Việt Nam.
Tân Phong, ngày 25.08.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét