Ánh Liên (VNTB)
Tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: Chính phủ sẽ không để xảy ra cú sốc với nền kinh tế.
Cú sốc kinh tế được hiểu là sự khủng hoảng về nhiều mặt: nợ công, vỡ nợ. Tuy nhiên, sự lo lắng đang được đẩy mạnh về nhịp độ khi mà tin tức về nợ công tăng cao và việc Chính phủ chú ý tìm cách huy động 60 tỷ USD trong dân trong thời gian gần đây. Thủ tướng có thể có những phát biểu mang tính trấn an nhà đầu tư (nội lẫn ngoại). Nhưng giới đầu tư thực tế lại dựa vào hành động hơn là lời nói.
Thực tế, nếu nhìn vào tổng thể chỉ đạo và hành động thực sự của Chính phủ kiến tạo gần đây là không đồng bộ với nhau.
Trong khi Chính phủ liên tục trao danh hiệu cho các tỉnh thành, thì ở đâu đó - động lực cải cách lại không được thực hiện theo, ngay trong lĩnh vực cải cách hành chính theo hướng điện tử cũng gặp nhiều rào cản. Rõ ràng, từ khi giải thể Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cải cách hành chính vẫn trong trạng thái 'chậm chạp', không dừng ở địa phương mà ngay cả trung ương. Cần Thơ - một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, tuy nhiên trong buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng chính phủ vào trung tuần tháng Tám vừa qua đã cho thấy một nghịch lý trong công tác cải cách hành chính khi bãi bỏ 1.223 thủ tục hành chính, nhưng đồng thời lại ban hành 1.113 thủ tục hành chính mới. Xét trên tỷ lệ này thì cải cách hành chính của thành phố này, thì sự huy động của cả bộ máy chính trị cũng chỉ giúp loại bỏ tạm thời 110 thủ tục. Về chương trình cải cách hành chính trong các thành viên thuộc Chính phủ thì có tiến triển hơn nhưng dừng ở khoản 'nợ văn bản hướng dẫn/ văn bản cụ thể', như chỉ tính riêng về cắt giảm điều kiện kinh doanh, dù lên phương án 40% nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, thành ra vẫn diện 'cải cách treo'. [https://bit.ly/2wnmlhW]
Một con đường tại Tp. Hồ Chí Minh, đầu cầu thương mại của Việt nam. Ảnh: Bloomberg |
Cuộc cách mạng 4.0 vẫn dừng ở dạng lễ tiết hơn là hành động thực sự. Gần nhất đây, Chính phủ đã mời 100 trí thức người Việt trên thế giới về giúp xây dựng CMCN 4.0, tuy nhiên theo đánh giá của những người trong cuộc thì Hội nghị chỉ dừng ở mức... hội hè, tức chưa đưa ra giải pháp, chưa dựa trên nền tảng giải pháp. Kỹ sư Dương Ngọc Thái - người tham gia Hội nghị chia sẻ về một hội nghị hội tụ 4 không (không nhân lực, không dữ liệu, không hạ tầng tính toán lớn và không có chiến lược giải quyết ba cái không vừa rồi). Trong những ngày tham gia hội nghị (vốn được kỳ vọng là kết nối được tham vọng để khởi tạo cuộc cách mạng 4.0), tuy nhiên, 'chỉ là màn PR cho chính phủ.'.
Vấn đề của Chính phủ Việt nam là nói quá nhiều về 4.0 nhưng chưa có một giải pháp bổ trợ hợp lý, cuộc cách mạng dù nông nghiệp, công nghiệp hay công nghệ cũng cần phải có những cơ chế và giải pháp ban đầu. Vậy thì 4.0 sẽ được hỗ trợ bởi chính sách thực tế như thế nào, có thể triển khai trong giai đoạn bao lâu, nguồn lực hiện có được xây dựng ra sao. Chính vì chưa đề cập đến giai đoạn 'gieo mầm', nhưng đã tìm cách đề cập đến 'gặt ngọn', nên bản thân vị kỹ sư CNTT này khuyến cáo, thay vì nói những thông tin không mới, Chính phủ có thể hướng đến việc hỗ trợ tận lực cho các tập đoàn tư nhân có triển vọng như Vingroup. [https://bit.ly/2NoYSU4]
Người viết đồng tình với quan điểm này của kỹ sư Dương Ngọc Thái. Những tại sao lại là Vingroup - một tập đoàn mà bản thân tác giả từng nhiều lần phê phán về tình trạng 'ăn đất' dựa vào thể chế!? Đó là vì, xét một cách toàn diện về hoạt động của các tập đoàn đủ lớn và mạnh hiện nay, thì Vingroup là nơi đã tạo ra tiềm năng cho chính mình trong gánh vác tính tiên phong của nền công nghệ nước nhà. Cụ thể, tập đoàn này đang có những hoạt động thực chuyển đổi nền tảng từ buôn bán đất sang hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ (Bigdata). Mới đây nhất, tập đoàn này đã mời GS Vũ Hà Văn (từng đạt giải thưởng danh giá Polya về toán học ứng dụng) làm người đứng đầu Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (Instiute of Big Data). Nói cách khác, Vingroup đang có xu hướng đầu tư sâu về mặt chất xám để trở thành một Chaebol như tại Hàn Quốc. Và chỉ cần xác lập một vị trí và vai trò thực tế như một Chaebol thì nền công nghệ, hay cuộc cách mạng 4.0 mới có cơ hội được nảy mầm ở Việt nam. Nếu so với những 'qua đấm thép' thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng (người kỳ vọng xây dựng những tập đoàn nhà nước theo hướng Chaebol), thì xuất phát điểm đầu tư trong nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn tư nhân Vingroup (từ định hướng thành lập viện cho tới mời được GS Vũ Hà Văn về làm) tạo được một giá trị sâu và có nền tảng hơn, loại bỏ thuộc tính 'ăn xổi ở thì', phát triển dựa chủ yếu vào nguồn tiền quốc gia hay cơ chế ưu đãi bất công bằng.
Nếu bản thân Vingroup chuyên tâm đầu tư R&D trong bigdata thì Chính phủ có làm nên tính kiến tạo hay không, chạm được giá trị 4.0 hay không phụ thuộc rất nhiều về hệ hỗ trợ của Chính phủ đến đâu theo nguyên tắc: mở đường cho chính sách hỗ trợ mạnh khu vực tư nhân như việc nhấn mạnh kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt nam. Tất nhiên, ở đây là hỗ trợ thực và bản thân Vingroup cũng có cam kết đi lâu dài trong lĩnh vực Bigdata này.
Một vấn đề gây cản trở cho sự 'chuẩn bị' tránh cú sốc kinh tế từ Chính phủ là tình trạng địa phương chi tiêu công quá tay chưa được kiểm soát chặt chẽ!. Thực trạng tượng đài hay trung tâm hành chính tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng 'kiên trì gia tăng', trong bối cảnh nợ công vẫn nhích lên từng ngày. Vào tháng Năm, 2018 - tỉnh Hà Giang có đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng trung tâm hành chính mới tập trung của tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 692 tỷ đồng, và tất nhiên đề xuất này bị Bộ Tài chính bác bỏ. Trong khi Hà Giang chưa hạ nhiệt thì mới đây, UBND tỉnh Hải Dương lại xin Thủ tướng xây Trung tâm văn hóa Xứ Đông 700 tỷ đồng, trước đó đề xuất này từng bị trung ương bác bỏ ít nhất một lần.
Hiện trạng nêu trên cho thấy, khâu chỉ đạo về 'thắt lưng buộc bụng' trong quản lý và chi tiêu công của Chính phủ có vấn đề, hay đúng hơn là hiệu lực chỉ đạo cấp cơ sở dường như không có, và nhu cầu chi tiêu quá tay ngân sách công ở địa phương chưa bao giờ là đủ. Chính những chi tiêu công này gián tiếp đưa con số nợ công của quốc gia 35 triệu đồng/ người. Nguy cơ nợ công và vỡ nợ có phần đe dọa nền kinh tế đến mức, gần đây, một số bài báo đưa tin trở lại về 'bài học vỡ nợ của Hy Lạp'.
Rõ ràng, Chính phủ Việt nam thể hiện tính kiến tạo có đảm bảo sự chân thành và nghiêm túc hay không sẽ phụ thuộc vào tính kỷ luật trong 3 vấn đề: thắt chặt đầu tư công, đầu tư cơ chế cho tư nhân và cuối cùng là cải cách hành chính. Nếu ba yếu tố này (theo tác giả), vẫn trong tình trạng nói nhiều hơn làm, hay chỉ đạo một đằng - hỗ trợ đi một nẻo, thì cú sốc kinh tế chắc chắn xảy ra với mức độ lớn hơn gấp nhiều lần dự báo. Bởi xuất phát từ chính việc, Chính phủ chưa chuẩn bị gì cho việc 'đón đầu' cú sốc đó đó, mà chỉ cố duy trì sự ổn định tạm thời trên cơ sở những cái bánh vẽ. Hoặc giả như, chính Chính phủ đang có sự bất lực trong chuẩn bị đón đầu cú sốc, cả về nguồn lực lẫn rào cản thể chế, như chính hiện trạng 'cải cách thủ tục hành chính' đang diễn ra ở Tp. Cần Thơ vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét