Cảng Lạch Huyện đang xây dựng.
Thấy gì từ “Hai hành lang, một vành đai”
Ngày 2.9.2018 tới đây, con đường cao tốc ven biển Hải Phòng – Hạ Long sẽ thông xe. Đây là phân đoạn trong dự án cao tốc CT09 nối liền các tỉnh duyên hải Bắc Bộ từ Móng Cái – Hải Phòng – Nam Định – Ninh Bình, thay thế cho quốc lộ 10 cũ.
Dự án cũng nằm trong chương trình hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với Trung Quốc – một hợp phần của dự án đầy tham vọng về địa kinh tế chính trị, bao trùm ¾ thế giới thông qua “Con đường tơ lụa” của Tập Cận Bình.
Như vậy, cùng với “hành lang” Côn Minh – Hà Khẩu – Lào Cai – Hải Phòng đã hoàn thiện năm 2014, cả hai “hành lang kinh tế” nằm trong kế hoạch “hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai” giữa hai nước cộng sản, đang hoàn thiện sớm hơn dự kiến với “nỗ lực” của cả hai bên. Đây là kết quả kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đồng ý đưa cảng biển Hải Phòng tham gia vào “Con đường tơ lụa” vào 2015, cũng như ký kết 12 hiệp định và 7 văn kiện hợp tác với Tập Cận Bình trong tất cả các lĩnh vực quan yếu như quốc phòng, tài chính ngân hàng, đào tạo nhân sự đảng cao cấp, giao thông, thương mại, văn hóa, xuất bản… vào ngày 11.12.2017 tại Hà Nội.
Với tuyến cao tốc này, khoảng cách Hải Phòng – Hạ Long sẽ chỉ còn 45km so với 70km theo lý trình cũ và thời gian di chuyển chỉ còn 30 phút. Các phân đoạn cao tốc còn lại, đoạn từ Móng Cái nối với phân đoạn Hải Phòng – Hạ Long và các phân đoạn qua Nam Định, Ninh Bình sẽ sớm hoàn thành trước 2020.
Cảng Hải Phòng có vai trò là cảng biển trung tâm, chiến lược trong “vành đai kinh tế Bắc Bộ”. Việt Nam hy vọng thông qua việc kết nối với kinh tế Trung Quốc, xây dựng hệ thống xa lộ hiện đại, đô thị, và khu kinh tế dọc theo “hai hành lang, một vành đai”, sẽ đem lại động lực cho cả khu vực Bắc Bộ, trở thành những “phiên bản” Thẩm Quyến, Thượng Hải nay mai như Trung Quốc đã từng thành công ở các đặc khu kinh tế ven biển cách đây 40-50 năm.
Dự án “hai hành lang, một vành đai kinh tế” mà Hà Nội đồng thuận với Bắc Kinh có tác động bao trùm toàn bộ miền Bắc Việt Nam. Hệ thống đường cao tốc nối liền cảng biển chiến lược Hải Phòng với trục cao tốc Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh và Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái là những trục giao thông chiến lược có thể làm thay đổi cục diện kinh tế miền Bắc Việt Nam và vùng Vân Nam Trung Quốc.
Về mặt “lý thuyết”, lợi ích to lớn của dự án sẽ được “chia đều” cả hai bên. Tuy nhiên, thực tế thì “luật chơi” trong chương trình hợp tác đó như thế nào, ai sẽ làm chủ tuyến đường và cảng biển chiến lược Hải Phòng mới là điều đáng quan tâm. Cảng biển Hải Phòng sau khi được nâng cấp thành cảng nước sâu và xây dựng thêm các cảng mới như Lạch Huyện, Nam Đình Vũ, Tân Vũ… chuyên dụng cho tàu container cỡ lớn, hàng hóa qua cảng Hải Phòng có thể vận chuyển sâu vào lục địa Trung Quốc, cao nguyên Vân Nam theo những tuyến cao tốc xuất phát từ Hải Phòng và ngược lại, với lộ trình, thời gian và chi phí giảm hơn nhiều so với cảng Hongkong và Thượng Hải.
Tuyến đường giao thương Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh là một dự án có tầm nhìn thế kỷ có từ thời thực dân Pháp. Ngay khi bình định miền Bắc Việt Nam, người Pháp đã cho xây dựng hệ thống cảng Hải Phòng và tuyến đường sắt chiến lược Hải Phòng – Côn Minh từ 1901-1911 để phục vụ xuất cảng nguồn khoáng sản trên cao nguyên Vân Nam cũng như mỏ than Quảng Ninh.
Tham vọng của người Pháp bị dang dỡ bởi chiến tranh và sự thay đổi của thời cuộc. Giờ đây, Tập Cận Bình đã làm được điều mà người Pháp hơn một thế kỷ trước tiếc nuối. Bắc Kinh đã vươn cánh tay xuống tận cảng biển Hải Phòng, xây dựng những “hành lang và vành đai” vững chắc để tận lực khai thác cảng biển chiến lược số 1 vùng vịnh Bắc Bộ.
Với địa kinh tế, địa chính trị, quân sự có một không hai, nếu được đầu tư và quản lý hiệu quả, loại trừ những vấn nạn cố hữu mà bộ máy cồng kềnh tiêu cực, tham nhũng của chính quyền CSVN, Hải Phòng trong vòng 20 năm nữa sẽ là cảng biển lớn nhất Đông Dương và cạnh tranh với cảng Hongkong về lượng hàng hóa thông qua.
Có thể khẳng định, Hải Phòng là mục tiêu số 1 mà Bắc Kinh muốn thâu tóm thông qua những dự án “hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai” với CSVN. Năm 2015, Tập đoàn Vingroup đã nhiều lần đề nghị chính phủ Việt Nam cho mua 80% cổ phần của cảng Hải Phòng và cảng Saigon. Cho đến nay không rõ là những thỏa thuận ngầm về phi vụ thế kỷ này đã thực hiện được tới đâu. Phía sau những Vingroup, FLC, Sungroup… là những thế lực quốc tế nào?
Vấn đề ở chỗ, Việt Nam sẽ được gì từ kế hoạch to lớn này? Lợi ích mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc “vẽ” ra cho Hà Nội liệu có được đảm bảo?
Nếu như “Giấc mơ Trung Hoa” bỗng trở thành cơn ác mộng như những gì người ta đang thấy ở các nước như Venezuela, Phi Châu… nơi mà thể chế độc tài ngập chìm trong núi Nợ từ người bạn vàng Trung quốc và trở thành chư hầu, thuộc địa của “con rồng Trung Hoa”, liệu rằng Hà Nội có là trường hợp ngoại lệ hay không? Thường thì những tham vọng vĩ đại có kết thúc không mấy tốt lành. Tuy vậy, người cộng sản luôn thừa sự kiêu ngạo và những dự án “vĩ đại” luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ.
Những bước đi của sói
Thời gian qua, khi dư luận cả nước quan tâm việc quốc hội bù nhìn của nhà nước CSVN chuẩn bị thông qua dự luật Đặc khu kinh tế trong đó có những điều khoản đặc biệt về thời hạn thuê đất, miễn thuế quan, miễn thị thực nhập cảnh… với các doanh nghiệp và khách du lịch Trung Quốc tại đặc khu kinh tế Vân Đồn – Quảng Ninh, cũng như hai đặc khu kinh tế Vân Phong – Khánh Hòa, Phú Quốc – Kiên Giang. Những cuộc biểu tình nổ ra ngày 10.06.2018 trên nhiều tỉnh thành để phản đối dự luật mà người dân cho rằng là “phản quốc, bán nước” của đảng csvn. Tuy nhiên, mọi người đa phần, không có thông tin một cách toàn diện về lộ trình này.
Năm 2009, theo quyết định số 34/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, đã phê duyệt “Qui hoạch phát triển vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ đến năm 2020”. Theo như qui hoạch, mục tiêu chủ yếu nhằm “Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trong vành đai kinh tế, đặc biệt là tuyến trục chính ven biển từ Móng Cái đến Đồ Sơn và các cảng biển, sân bay… để nối kết với hai hành lang kinh tế Việt – Trung và khu vực ven biển Nam Trung Quốc thuộc vành đai kinh tế, tạo điều kiện mở rộng giao thương và hợp tác phát triển với Trung Quốc và ASEAN một cách chủ động, hiệu quả.”.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thể hiện quyết tâm và mong muốn kết nối với hệ thống giao thương ven biển Nam Trung Hoa, thông qua việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng các đô thị và đặc khu kinh tế dọc theo trục giao thông “xương sống”, cũng như điều chỉnh hệ thống hành chính, thuế quan, quốc phòng…, để có thể “tuy hai là một”, gắn kết chặt chẽ với người bạn “4 tốt, 16 chữ vàng”.
Tiếp sau đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã cụ thể hóa từng bước bằng hàng loạt những văn kiện, hiệp định, văn bản hợp tác trong tất cả các lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng, thuế quan, hải quan, an ninh, chính trị… Hà Nội đã hoàn toàn mở cửa và rỡ bỏ mọi khả năng miễn dịch của nền kinh tế cũng như thể chế chính trị và an ninh quốc phòng trước Bắc Kinh.
Trong kế hoạch “phát triển các vùng động lực” dọc theo “hai hành lang và vành đai kinh tế”, việc xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn là ưu tiên số 1, tiếp đó là khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Đình Vũ – Lạch Huyện với vai trò là khu công nghiệp gắn liền cảng biển nước sâu, cảng chuyên chở container quốc tế…
Việc Vân Đồn được lựa chọn xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp quốc tế vì cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của vùng Bái Tử Long là điều hoàn toàn thuyết phục. Nhưng việc xây dựng nó thành một đặc khu và cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tiếp cận, thuê mượn tới gần 1 thế kỷ thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Vùng đất giàu lịch sử và danh lam thắng cảnh tuyệt vời liền kề với Hạ Long này cũng là một vùng đất mang ý nghĩa cực kỳ quan yếu về quốc phòng, là phên dậu vùng Đông Bắc. Cũng chính tại nơi đây, năm 1287, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đánh tan đoàn tàu lương của Trương Văn Hổ, góp công lớn trong cuộc kháng chiến vệ quốc oai hùng chống quân giặc phương Bắc Nguyên Mông lần thứ 2.
Vân Đồn, cho đến tận những năm 2010, vẫn là một huyện đảo rất nghèo, hệ thống cơ sở hạ tầng không có gì ngoài tuyến đường đất nhỏ xuyên đảo từ thời Pháp. Quảng Ninh có tiềm năng to lớn về khai khoáng, du lịch và lợi thế cửa khẩu, nhưng mặt bằng chung, mức độ công nghiệp hóa còn thấp, đặc biệt nguồn lao động kỹ thuật cao cực kỳ thiếu.
Việc xây dựng một “đặc khu kinh tế” giữa một vùng núi non bao bọc, trên một nền tảng hạ tầng hoàn toàn là con số 0 và với một thị trường lao động cho “công nghiệp 4.0” thiếu vắng là bất khả thi. Điều quan trọng nhất, yếu tố thời cuộc đã thay đổi, cục diện kinh tế khu vực và thế giới hoàn toàn khác xa với 40-50 năm trước.
Vân Đồn dù có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đặc sắc cũng chỉ dừng lại một khu nghỉ dưỡng cao cấp, nơi du hí, sòng bài cho những đại gia Trung Quốc, hay quan chức CSVN mà thôi. Tuy vậy, đặc khu kinh tế Vân Đồn đang được xây dựng với tốc độ nhanh chóng nhất trong cả 3 đặc khu kinh tế đang chờ thông qua bộ Luật đặc khu. Ước tính để đầu tư hạ tầng cho Vân Đồn khoảng 4 tỷ USD gấp đôi con số dự kiến cho Bắc Vân Phong.
Sân bay Vân Đồn được xây dựng bằng tiền của tập đoàn Sungroup theo phương thức đầu tư BOT. Xét về khía cạnh kinh tế, thật khó có thể tin, dự án này có khả năng thu hồi vốn và mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ đầu tư là tập đoàn Sungroup đúng như dự kiến. Với 2 tỷ USD bỏ ra chỉ riêng cho sân bay Vân Đồn, rõ ràng ông Lê Viết Lam không thừa tiền cho một thương vụ không chắc chắn, quá dài và nhiều rủi ro chính trị. Vậy điều gì khiến cho “những con sói Nga” bỏ hàng chục tỷ USD vào những hạ tầng đắt đỏ từ sân bay, cảng biển, đường cao tốc chỉ để khai thác những resort nghỉ dưỡng ven biển và sòng bài ở hòn đảo Vân Đồn hoang sơ? Thực sự nguồn tài chính khổng lồ từ những tập đoàn này đến từ đâu?
Xét về mặt địa quân sự, thì “đặc khu” Vân Đồn có một ví trị thực sự lý tưởng, với núi non bao bọc, có sân bay, vịnh biển kín đáo, dễ dàng phòng thủ cũng như khống chế toàn bộ vùng biển, trời vùng Đông Bắc, các tuyến giao thông quan trọng và đặc biệt là cảng Hải Phòng.
Nếu một ngày đẹp trời những dự án đầu tư và hạng mục hạ tầng của những doanh nghiệp như Sungroup, Vingroup này được chuyển sang tay những “doanh nghiệp” Trung Quốc thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nhưng chắc chắn một điều, một khi cảng Hải Phòng và Vân Đồn rơi vào vòng kiểm soát của Bắc Kinh, miền Bắc Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh huyện của Trung Hoa.
Trong một buổi chiều mưa gió, khi ngồi trong một quán café của mấy bạn trẻ, tôi chợt thấy rằng họ đang xem một bộ phim của đài truyền hình Trung Quốc, nghe những bản nhạc Hoa, và cũng nói với nhau bằng thứ tiếng Việt pha lẫn tiếng Trung Quốc. Giới trẻ ở những thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh ưa thích học tiếng Trung hơn tiếng Anh và những bạn nữ cũng thích kết hôn với đàn ông Trung Quốc hơn đàn ông Việt.
Không hiểu sao, khi nhìn trên tấm bản đồ qui hoạch “hai hành lang, một vành đai kinh tế” của người bạn 4 tốt, tôi mường tượng hình dung như một chiếc thòng lọng đang siết vào cổ mẹ Việt Nam và treo lên hình hài tổ quốc đau đớn của dân tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét