Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

7881 - Các Nước Đang Lên Trong Biến Động Mới



Đồng Lyra của Thổ NhÄ© Kỳ chạm mức thấp nhất trong lịch sá»­ so vá»›i Mỹ kim hôm 23 tháng 5Đồng Lyra của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp nhất trong lịch sử so với Mỹ kim hôm 23 tháng 5. AFP

Tuần này, giới chuyên gia ở cấp Thứ trưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có hai ngày thảo luận nhằm khắc phục mâu thuẫn mậu dịch mà ít hy vọng đẩy lui trận thương chiến giữa hai nền kinh tế trên hai bờ Thái Bình Dương. Trong khi đó, các nền kinh tế đang lên có thể lại chết kẹt vì những biến động vừa xảy ra tại xứ Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nỗi éo le đó....

Hy vọng khai thông?

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào tái ngộ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần này, hai phái bộ Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có cuộc đàm phán của các chuyên gia kinh tế ở cấp Thứ trưởng nhằm giải tỏa những mâu thuẫn thương mại giữa đôi bên. Ông đánh giá thế nào về hy vọng khai thông giữa hai nền kinh tế trên hai bờ Thái Bình Dương?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau hội nghị bất thành vào Tháng Năm ở cấp cao, lần này Thứ trưởng Thương Mại của Bắc Kinh qua gặp Thứ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ để giải quyết các mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước, trước khi nước Mỹ sẽ áp thuế một đợt nữa trên hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào ngày 23. Dù có thể đoán sai, tôi không tin cuộc đàm phán ở cấp chuyên gia sẽ khai thông bế tắc song phương.
- Lý do là từ phía Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump, mâu thuẫn không thu gọn vào thương mại mà nằm trong nhiều lãnh vực khác và trận thương chiến chỉ là một phần mà thôi. Mâu thuẫn đó xuất phát từ chính sách bành trướng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh tại Đông Á nay tràn xuống vùng biển Đông Nam Á và đe dọa an ninh lẫn quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ và các đồng minh. Sau đó mới là năm sáu mối xung khắc về đầu tư, thương mại, như chính sách công nghiệp của Bắc Kinh với kế hoạch bảo vệ doanh nghiệp bản địa là “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025”, chủ trương củng cố vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốc, hoặc cưỡng bách chuyển giao công nghệ và không thi hành luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm ăn cắp và ăn cướp kiến năng của khối kinh tế tiên tiến, v.v....
- Chính quyền Trump cố phô bày sự bất nhất mà thật ra vẫn nói hàng hai, chẳng khác gì Bắc Kinh, cụ thể là bộ Ngân Khố cứ “đàm” chứ các cơ quan hữu trách khác đều chuẩn bị “đánh”, trong ngoặc kép, từ Quốc Phòng qua bộ Thương Mại hay Đại sứ Thương mại của Nội các.
Nguyên Lam: Nếu như vậy trận thương chiến như ông gọi tắt thì mới chỉ là bước mở màn hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quen với món “mì ăn liền” của truyền thông, là loại tin nóng và nông cạn, nhiều người chỉ tập trung vào việc phân tích và đả kích thái độ hay phát biểu hàm hồ ông Trump. Phía Bắc Kinh thì thâm hơn nên Tổng bí thư Tập Cận Bình vừa phát biểu rằng Hoa Kỳ muốn làm suy yếu Trung Quốc. Đấy mới là vấn đề thật! Trận thương chiến do Chính quyền Trump phát động từ đầu năm không nhằm “lấy lại” vài trăm tỷ đô la trong số nhập siêu của Mỹ với Tầu.
- Nhược điểm xương tủy của kinh tế chính trị Bắc Kinh là phải giữ đà tăng trưởng cao bằng mọi giá, khi đà tăng trưởng đó hết còn như xưa. Cuộc chiến mậu dịch giữa đôi bên có thể làm giảm đà tăng trưởng đó, khiến Bắc Kinh phải bơm tiền kích thích sản xuất và sẽ mắc nợ nhiều hơn trong khi gánh nợ qua lớn hiện nay đã gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc. Đây đó đã có nhiều địa phương hay doanh nghiệp bị vỡ nợ.

Khu vực được bảo vệ

Nguyên Lam: Như vậy, phải chăng là trận thương chiến này chỉ là phần nổi và sẽ còn kéo dài nhiều năm? Nếu vậy, các quốc gia khác nên tính thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cứ tưởng hiện tượng toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu của thế giời mà không thấy là đằng sau nguyên tắc tự do mậu dịch, xứ nào cũng có khu vực được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh. Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ phát huy lý tưởng đó rồi bị cạnh tranh thua sút từ vài chục năm nay, vì vậy dân Mỹ bất mãn mới bầu cho ông Trump. Bắc Kinh khai thác lý tưởng tự do của các nước nhưng vẫn bảo vệ cả quốc gia chứ không chỉ một số khu vực khỏi sự cạnh tranh trong khi lại bành trướng quân sự ra ngoài và dùng tiền tài tranh thủ các nước. Đấy là bối cảnh chung cho các nước.
- Tùy điều kiện, mỗi quốc gia lại có thể tính một khác. Chẳng hạn, Malaysia bọc xuôi theo chính sách ngoại giao bằng tiền của Bắc Kinh cho đến khi thấy là đồng tiền đó chỉ là cái mồi, cái móc câu là làm xứ sở mắc nợ. Nhờ có dân chủ và bầu cử, người dân xứ này đã bầu lên một hệ thống lãnh đạo khác. Là người quá cao tuổi, xưa nay nghi ngờ Tây phương vì đã từng sống dưới chế độ thuộc địa, Thủ tướng Mohamad Mahathir thấy ra tính chất “thuộc địa mới” của Trung Quốc qua chính sách bành trướng kinh tế và quân sự, cho nên trong năm ngày thăm viếng Trung Quốc vừa qua, ông ta ôn tồn nhưng dứt khoát điều chỉnh. Nhiều xứ khác, như Pakistan hay Sri Lanka cũng nhìn ra nhược điểm giao lưu khắng khít với Bắc Kinh mà rà soát lại chiến lược của họ, đôi khi là quá trễ vì những bất cập trong chính sách kinh tế tài chính của họ nên có thể lại xin Hoa Kỳ đằng sau khối Tây phương hay các định chế tài chính quốc tế tung tiền cấp cứu.
Nguyên Lam: Như vậy, thưa ông có phải là mỗi quốc gia lại có một cảnh ngộ riêng, giả dụ như bên ngoài là quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay Hoa Kỳ mà bên trong là chính sách kinh tế tài chính của mình? Và bây giờ họ mới lâm vào khó khăn khi mâu thuẫn giữa hai cường quốc kinh tế kia chỉ tăng chứ không giảm mà chính sách kinh tế bên trong lại gây ra những bất ổn mới như người ta đang chứng kiến tại Thổ Nhĩ Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đang thấy ra một nghịch lý phi phàm! Các nước đang phát triển đều mong hợp tác với Trung Quốc để kiếm lời kinh tế vì Bắc Kinh không có điều kiện quá khắt khe như các nước dân chủ Tây phương. Trong khi đó, khi vay tiền cho phát triển, họ lại vay đồng đô la Mỹ hay đồng Euro Âu Châu. Điều ấy đã cho thấy vấn đề trong chính sách kinh tế của các nước này.
- Thứ nhất, đồng Mỹ kim hay Euro là các ngoại tệ phổ biến mà tỷ giá hay hối suất lên xuống chủ yếu là do quy luật thị trường và thuộc thẩm quyền của các cơ chế độc lập là Ngân hàng Trung ương. Thí dụ nổi bật và rất thời sự khi Tổng thống Mỹ than phiền việc Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất, lần cuối là Thứ Hai 20, người ta cho rằng ông đã xen vào một lãnh vực không có thẩm quyền.
- Ngược lại, dù đã được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đưa vào rổ ngoại tệ chính từ ba năm qua, đồng Nguyên của Trung Quốc vẫn thuộc quyền tính toán của Bắc Kinh chứ chưa hoàn toàn được thả nổi. Do đó, các nước đang lên đều vay tiền Tây phương, nhất là đô la Mỹ, và vất vả khi Mỹ kim lên giá, còn hiệu ứng của Bắc Kinh với các nền kinh tế đó nằm ở chỗ khác chứ không thuộc vào tỷ giá đồng Nguyên.
Nguyên Lam: Câu chuyện quả là rắc rối hơn người ta thường nghĩ. Như vậy, thưa ông,, vấn đề không nằm tại Trung Quốc mà nằm trong chính sách kinh tế và tiền tệ của từng quốc gia, có đúng như vậy không? Còn Việt Nam thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy. Bắc Kinh có kế hoạch khuynh đảo các nước để trở thành siêu cường. Lãnh đạo xứ nào không thấy hoặc cứ nhập cuộc thì có khi chết như chư hầu khi Đế quốc Tầu bị suy sụp. Nhưng các nước đang lên lại có vấn đề khác, như vay mượn để đầu tư. Vay ai, vay tiền gì và đầu tư vào đâu để kinh tế có lợi nhất hầu còn có thể trả nợ? Vụ khủng hoảng vừa qua tại Turkey cho thấy sự bất cập trong chính sách kinh tế tài chính của nhiều nước, chứ không trực tiếp liên hệ tới Trung Quốc.
-Khi thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ, nhiều người cho rằng đấy là cơ hội cho xứ khác. Thật ra chẳng mấy ai có lợi trong chiến tranh, dù là chiến tranh mậu dịch, và xứ nào mơ việc trám vào khoảng trống đó đã đi quá chậm. Kinh tế Trung Quốc đi hết vận hành sau 30 chuyển hướng kể từ đầu năm 1979 và cần cải cách, chẳng khác gì nhiều nền kinh tế đi trước. Nhưng với đất rộng người đông và tham vọng vô bờ vì mặc cảm lạc hậu từ nhiều thế kỷ trước, Bắc Kinh tưởng mình là ngoại lệ và nuôi chí bá quyền để khuynh đảo thiên hạ, lại còn được thế giới nuông chiều vì cũng tưởng vậy. Ngày nay, sự lầm tưởng ấy đã chạm đáy.
- Các nước đang phát triển đi vào một không gian mở rộng từ sau Thế chiến II thì dần dần mới thấy quan hệ đa phương lại đặt ra bài toán mới. Xứ nào cũng tìm ra một chính sách kinh tế cho mình, nhưng khi buôn bán với nhiều xứ khác, như Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc hay Nhật Bản, và sử dụng nhiều đồng tiền để thanh toán và đầu tư thì cũng bị chính sách kinh tế của các nước đó chi phối. Vụ khủng hoảng tại Turkey năm nay hay vụ khủng hoảng tài chính 10 năm trước, hay vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997 là những cơ hội học hỏi.

Bài học từ Turkey

Nguyên Lam: Người ta có thể học hỏi những gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi vận dụng phương tiện của xứ khác để phát triển, như tư bản hay tín dụng, thì mình bị chính sách của xứ khác chi phối. Kinh tế và ngân hàng giao dịch bằng đồng Euro hay Đô la Mỹ với các nước thì bị khối Âu Châu hay Hoa Kỳ chi phối khi đồng bạc của họ lên hay xuống giá, cho nên nếu chỉ nhìn vào trong thì sẽ gặp rủi ro khủng hoảng vì các chuyển động lớn từ bên ngoài.
- Chẳng xứ nào bị lây vì khủng hoảng tại Turkey nếu bên trong không có nhược điểm nội tại. Yếu tố lây lan là các nhược điểm làm suy yếu khả năng đề kháng. Bây giờ, khi Mỹ và Trung Quốc lâm trận thương chiến, hơn chục quốc gia đang phát triển lại thấy rằng mình vay mượn quá nhiều, lại vay bằng đô la Mỹ vì tiền Mỹ quá rẻ từ 2008 tới 2014, thì rất dễ bị nạn.
Nguyên Lam: Nếu vậy thì có lẽ các nước đang phát triển đã từng buôn bán với cả Trung Quốc và khối Tây phương như Âu-Mỹ-Nhật mới đang gặp rủi ro lớn như ông vừa trình bày. Ông kết luận thế nào về tương lai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong ngắn hạn thì các nước đang phát triển nên cố gắng để khỏi bị nạn như Turkey, một xứ hồ hởi đi vay để bành trướng và mắc nợ, nay viện dẫn chủ nghĩa quốc gia hay giáo luật của đạo Hồi và đả kích Hoa Kỳ mà vẫn sẽ không thoát nạn. Trong trung hạn, từ hai tới năm năm, thì tìm cách ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc và vào việc đi vay để phát triển, tạo dựng một khối dự trữ ngoại tệ an toàn hơn so với khoản nợ bằng ngoại tệ là chuyện cần thiết. Sau cùng, ta không nên quên rằng giải pháp hay sách lược kinh tế nào cũng chỉ có giá trị giai đoạn và cần xét lại. Cấm xét lại vì sợ ra khỏi định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam chỉ là cách lao vào khủng hoảng.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét