TNS Mỹ John McCain qua đời vào lúc 16h28 giờ Phoenix ngày 25/8, sau thời gian chống chịu với bệnh ung thư.
Ông được người Việt nhắc đến nhiều, vì những đóng góp trong việc bình thường hoá Việt - Mỹ, gần nhất là nỗ lực gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt nam. Ông là người bạn quan trọng của Hà nội thời hậu chiến. Khi lãnh đạo Việt nam qua thăm Mỹ, ông cũng dành nhiều thời gian đón tiếp, và nói về tương lai Việt - Mỹ. Hầu như trong mọi bài viết được đăng tải bởi truyền thông nước thế giới về ông, luôn gắn liền với chiến tranh Việt nam. Đây là vùng đất mà ông buộc phải từ bỏ tất cả, trừ tính cách của mình. Cụ thể, trong chuyến thi hành nhiệm vụ đánh bom lần thứ 23 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, phi cơ của ông bị bắn rơi và ông bị bắt giữ.
Hà nội biệt giam và tra tấn ông, theo như hầu hết truyền thông quốc tế đưa tin. Hệ quả, ông bị chấn thương tâm lý, tổn thương nặng về tay và chân, cân nặng của ông John McCain giảm xuống còn 47kg (tức mức suy dinh dưỡng của người Mỹ).
Ông từ chối được trả tự do, vì không muốn biến mình trở thành công cụ tuyên truyền hay làm suy yếu tinh thần đồng đội (những người cũng bị bắt bởi Hà nội).
Khi ông được thả ra, báo chí Hà nội nhấn mạnh thuộc tính 'vì nhân đạo', nhưng hơn ai hết, John McCain và người Mỹ biết rõ, ông được thả vì sau khi khai thác, người ta nhận ra cha ông là chỉ huy của tất cả các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương. Và ông là một tù binh có giá trị.
Quá khứ là 'kẻ thù', hiện tại là 'bạn'
Trong khi tại Việt nam, nỗi căm thù Mỹ vẫn còn dai dẳng, thì ông - người lính bị bắt nhốt và tra tấn năm xưa, người nay trở thành Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hoà đã dốc hết sức để hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó nỗ lực đẩy mạnh bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ trên nhiều lĩnh vực.
Lý do, ông đã thực sự coi cuộc chiến Việt nam đã khép lại, nhưng người Việt nam dường như vẫn coi đó là một sự huy hoàng cần duy trì mãi mãi. Đến mức, chiến thắng phải trả giá đắt đó đôi khi còn được dùng để biện hộ cho những yếu kém trong điều hành kinh tế - xã hội.
Không những vậy, có lúc, lãnh đạo Hà nội còn tìm cách nhắc nhở lại cuộc chiến năm xưa.
Năm 2014, trong lúc chủ quyền biển Đông đang nổi sóng với dàn khoan sâu HD-981, thì Bí thư thành uỷ Hà Nội có chuyến thăm Mỹ. Trong buổi gặp John McCain, người đứng đầu Tp. Hà nội tặng ông Thượng nghị sĩ một bức ảnh bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch với dòng chữ: Ngày 20-10-1967 tại Hồ Trúc Bạch, Quân và dân Thủ đô Hà Nội bắt sống tên John Sney Ma Can - Thiếu tá không quân Mỹ.....
Đáp lại, ngài Thượng Nghị sĩ đã có lời cảm ơn, nhưng đồng thời ông cho biết, ông cảm thấy 'xúc phạm' bởi, 'Ngài có biết không, tôi là thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng'. Cố nhiên, cũng có thể ông Thượng Nghị sĩ nói giảm, nói tránh. Báo Vietnamnet sau đó có một bài viết dài về 'Món quà ông Phạm Quang Nghị tặng TNS McCain' với đầy vẻ tự tôn, tự hào quá khứ dân tộc, xen lẫn ghi nhận sự giải thích về bức ảnh nhằm xoa dịu tình hình. Nhưng câu chuyện 'ngoại giao Phạm Quang Nghị' theo hướng khoét lại vết thương chiến tranh trở thành một câu chuyện đầy rôm rả của nhiều người.
Một món quà ghi chiến tích bắn giặc lái năm xưa, dành cho người đang nỗ lực bình thường hoá với Việt nam. Người bị Hà nội tra tấn tới mức không thể giơ tay lên đầu, và luôn cần người chải tóc cho mình.
John McCain là một 'kẻ thù đáng kính' của Việt nam (theo cách gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), đáng kính vì ông trong sự thảo luận với Hà nội, luôn nhân mạnh về một tương lai, không phải là kẻ thù, mà là bạn bè. Còn đối với người lãnh đạo Hà nội, sự vụng về lẫn sự kiêu ngạo cộng sản trong ngoại giao biến ông TNS trong cái vòng 'kẻ thù' đầy bất hảo.
Năm 2015, khi TBT Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Mỹ, Thượng Nghị sĩ cũng dẫn ngài TBT vào phòng riêng của ông, nơi có những bức ảnh về Việt nam, không rõ có bức ảnh của ngài Bí thư Hà Nội tặng được hiện diện hay không, nếu có, liệu ông Tổng Bí thư có cảm thấy ngượng ngùng cho chính đồng chí của mình?
Có thể thấy được người Mỹ qua ông John McCain, đó là họ sẵn sàng phụng sự tổ quốc cho đến hết cuộc đời; biết khép lại quá khứ; biết hòa giải dân tộc; biết hướng tới tương lai; biết nhấn mạnh 'bạn bè' hơn là kẻ thù. Và người Mỹ luôn là kẻ chiến thắng. Người Mỹ (một lần nữa) nhìn về tương lai, và người Mỹ phát triển. Trong khi người Việt thì nhìn về quá khứ, tự hào, kiêu ngạo, và dẫm chân về sự phát triển.
Có lẽ chính vì vậy, mà vào năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, John McCain cũng có lời chia buồn, trong đó - dù ông đánh giá cao Đại tướng, nhưng ông cũng không đồng ý 'chiến lược đạo đức' thông qua cuộc chiến biển người. Và chính vì vậy, ông nhắc lại lời nói: Mỹ không bao giờ thua trận chiến chống Bắc Việt Nam, nhưng Mỹ đã thua cuộc chiến. Thật khó để bảo vệ đạo đức của chiến lược. Nhưng bạn không thể phủ nhận thành công của nó.
Người Mỹ nhìn thẳng thất bại và cay đắng, thành công trước mắt lẫn lâu dài. Nhưng đúng như Ngài thượng nghị sĩ nhận định, họ thua một cuộc chiến hơn là một trận chiến với Bắc Việt. Bởi từ khi Bắc Việt chiến thắng, họ xác lập một thể chế XHCN trên toàn lãnh thổ, thì tính thể chế không mang lại nhiều mong đợi. Kỳ vọng 'mỗi nhà một tủ lạnh' đối với người dân Việt vẫn còn là giấc mơ xa vời,...
Lãnh đạo Việt nên học gì?
TNS John McCain mất đi, Hà nội mất một người bạn vận động hành lang vô hình. Do vậy, trong tương lai, Việt nam cần phải nhìn nhận về trường hợp của ông John McCain như một ví dụ điển hình về việc, nên tận dụng 'sự thiện cảm với Việt nam; như thế nào để phát huy tối đa mối quan hai nước. Ông John McCain mất đi, nó không phải là sự mất đi của riêng nước Mỹ, mà mất cả sự tận dụng cơ hội chưa phù hợp đối với cả Việt nam, bởi John McCain mang biểu tượng hoà giải và cơ hội cho chính mảnh đất hình chữ S này. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Hà nội dường như vẫn chưa bao giờ tận dụng được hết bởi 'quá khứ chống đế quốc huy hoàng'.
Khi kinh tế và cả chủ quyền an ninh quốc gia gặp nhiều rủi ro, đe doạ trong thời kỳ Trung Quốc bành trướng, thì Việt nam cũng nên một lần nữa đứng trước sự lựa chọn: nên thực sự chơi với ai. Ai là bạn thực sự, ai là thù thực sự. Có hay không tiếp tục đắm mình quan điểm cực kỳ lạc hậu và có phần lạc lõng: Mỹ là đế quốc, là kẻ thù trong quá khứ, không phải là bạn (hay như cách nói đầy tính lạc điệu của ông Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn/TCCT/QĐNDVN - về cái gọi là, loại trừ âm mưa 'phò Mỹ').
Rõ ràng, lãnh đạo Hà nội cần tiếp thu tư tưởng nói về 'tương lai, bạn bè' để phát triển hơn là một tư tưởng 'đế quốc, tư bản' để thỏa lòng mình trong quá khứ và cái vòng luẩn quẩn ý thức hệ với phương Bắc. Nhất khi đảo nhân tạo Trung Quốc với đầy đủ vũ khí, đe dọa trực tiếp Việt nam, và Mỹ là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất.
Quá khứ là 'kẻ thù', hiện tại là 'bạn' cần được nhấn mạnh trong thời gian tới, trong sự thành tâm giữa lãnh đạo hai quốc gia (Việt - Mỹ) và dựa trên giá trị nhân quyền phổ quát.
TNS Kerry trong tưởng niệm đã bày tỏ: Tôi yêu quý quyết tâm chiến đấu của John, nhưng kính trọng ông ấy hơn nữa về sự tha thứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét