Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

6831 - Cũng một chuyến đi

Lê Phan


Tuần rồi Hoàng Tử William của Anh Quốc và ông Jared Kushner, một người mà nếu Hoa Kỳ có vua thì sẽ là một hoàng tế, liên tiếp thay phiên nhau đến thăm Israel và Jerusalem. Thực là một sự trùng hợp kỳ lạ khi hai người kế vị đều độ tuổi 30, đại diện cho những cường quốc với những vai trò quan trọng trong quá khứ hay trong hiện tại về số phận của Israel và Palestine, lại chọn viếng thăm đồng thời. Nhưng nếu so với chuyến công du của ông Kushner thì ít nhất chuyến đi của cựu đế quốc Anh còn có một chút công bình.
Chuyến công du chính thức là của Hoàng Tử William, quận công Cambridge và người đứng thứ nhì trong hàng kế vị của hoàng gia Anh – một phần của một chuyến công du năm ngày đến vùng Trung Đông gồm có Jordan, Israel và Palestine. Ở một khía cạnh nào đó đây là một chuyến đi lịch sử, lần đầu tiên một đại diện của Hoàng Gia Anh đến viếng thăm Israel và Palestine kể từ khi sự bảo hộ của Anh Quốc cho khu vực lúc đó được gọi là Palestine kết thúc.
Và trên bình diện đó, cuộc viếng thăm đã được chào đón. Israel, phần vì đây là một cử chỉ thân thiện dầu chỉ là biểu tượng trong khi chính sách của Âu Châu ngày càng xa lánh Israel. Dĩ nhiên đây cũng là bộ ngoại giao Anh nhờ hoàng gia giúp nâng cao vị trí của Anh trong vùng mà có thời họ chế ngự. Và cũng dĩ nhiên một cử chỉ biểu tượng là điều duy nhất mà Hoàng Tử William có thể cung ứng cho cả hai bên Do Thái và Palestine. Có những nhà bình luận ở Israel cay đắng chỉ ra là hoàng tử đã đến bảy thập niên quá trễ để có thể tạo nên thay đổi.
Ông Kushner, vốn rời Jerusalem đúng lúc hoàng tử đến, đã đến đó với tư cách đại diện của cường quốc cho đến nay vẫn còn là duy nhất trên thế giới. Ông đã được ủy nhiệm để theo đuổi “một thỏa thuận cuối cùng” giữa Israel và Palestine mà nhạc phụ, Tổng Thống Donald Trump, đã hứa hẹn. Nhưng ông ta cũng có vẻ sẽ không tạo nên mấy thay đổi.
Hôm Chủ Nhật, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với một tờ nhật báo của Palestine, ông Kushner khẳng định là “triển vọng cho hòa bình vẫn còn rất nhiều sinh khí” và rằng kế hoạch hòa bình của ông “hầu như đã hoàn tất.” Nhưng khung thỏa thuận mà ông và ông Jason Greenblatt, đặc sứ của tổng thống cho tiến trình hòa bình, đã theo đuổi trên toàn vùng Trung Đông trong suốt 17 tháng qua vẫn còn mơ hồ và triển vọng thì không mấy sáng sủa.
Trong cuộc phỏng vấn ông Kushner đã cố tình chỉ trích lãnh tụ Palestine, Tổng Thống Mahmood Abbas, nói là nếu ông Abbas bác bỏ kế hoạch này, chính phủ Hoa Kỳ sẽ đem nó đến thẳng nhân dân Palestine, vốn sẽ “thích nó.” Thật khó hiểu làm sao mà ông Kushner, một người lạ, dầu cho là một viên chức của “đế quốc” Hoa Kỳ, có thể trực tiếp đòi nhân dân Palestine phải trả lời có chấp nhận hay không đề nghị của ông cho tương lai của họ. Quả là ông Abbas có từ chối gặp ông Kushner, nhưng sự từ chối đó có lẽ được nhân dân Palestine hưởng ứng vì chính phủ Trump, mà ông Kushner đại diện, đã quá thiên vị phe Israel trong giai đoạn gần đây.
Người Palestine khó có thể nào chấp nhận được đề nghị của một chính phủ Hoa Kỳ vốn đã dời tòa đại sứ về Jerusalem, phá vỡ ước mơ một ngày nào đó Đông Jerusalem có thể trở thành thủ đô của một Palestine thống nhất.
Có thể là ông Abbas nay không có bao nhiêu ủng hộ trong dân chúng Palestine, nhưng dân chúng Palestine cũng chẳng mấy mặn mà với Hoa Kỳ và những đề nghị hòa bình mà họ tin là thiên vị Isael. Và với thái độ ở Palestine ngày càng tuyệt vọng, với sự quá khích gia tăng, thật khó có một lãnh tụ nào của Palestine có thể hăng say hơn ông Abbas trong việc tiếp nhận những đề nghị của Washington.
Chính phủ Trump, qua việc dời tòa đại sứ về Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô duy nhất của quốc gia Israel, đã từ bỏ ngay cả chỉ là một giả định bề ngoài, là một trung gian thành thực trong cuộc chiến. Ấy là chưa kể trong nghi thức dời tòa đại sứ về Jerusalem, đại diện của tổng thống không ai khác chính là ông Jared Kushner. Cái hình ảnh một nghi thức hào nhoáng ở Jerusalem trong khi máu đổ ở biên giới với giải Gaza vẫn còn đó.
Cũng phải thêm là việc Hoa Kỳ dời tòa đại sứ đã là điều mà đặc biệt chính phủ bảo thủ của Thủ Tướng Benyamin Netanyahu ao ước. Ngoài ra, trước đó, chính phủ Trump đã cắt tài trợ cho cơ quan Liên Hiệp Quốc mà nhiệm vụ chính là hỗ trợ cho những người tị nạn Palestine bởi theo lập luận của Washington, người Palestine đã tỏ ra không đủ “biết ơn và kính trọng” đối với Tổng Thống Trump. Ngoài ra, làm sao người Palestine có thể tin tưởng được ông Kushner sẽ là một nhà hòa giải nghiêm chỉnh khi doanh nghiệp của gia đình ông có những liên hệ đáng kể với Israel.
Có thể là ông Kushner đã tìm thấy một khán giả chấp nhận luận điệu của ông hơn ở các quốc gia Ả Rập mà ông đã viếng thăm, nơi lập trường cứng rắn của Tổng Thống Trump – và cũng là lập trường của Israel – đối với Iran được tán thưởng. Nhưng dầu cho Saudi Arabia và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có hứa hẹn bao nhiêu trợ giúp kinh tế cho người Palestine cũng sẽ không đủ, nếu không có thỏa thuận về biên giới, các khu định cư, dân tị nạn hay Jerusalem, để tạo nên một hiệp ước hòa bình. Khi dân chúng Palestine ở giải Gaza vẫn tiếp tục bị cô lập, phong tỏa, lay lứt trước sự bao vây của Israel và sự tiếp tay của Ai Cập thì không có lý do gì để họ chào đón cái gọi là giải pháp hòa bình của ông Kushner cả.
Hoàng Tử William có thể không có gì cho người Palestine ngoài những lời nói nhưng ông đã nói với họ là họ “đã không bị bỏ quên.” Khi đến thăm trại tị nạn Jalazone gần Ramallah, thủ phủ không chính thức của chính phủ Palestine, hoàng tử nói ông đã chứng kiến “sự khó khăn kinh khủng mà người tỵ nạn phải đối đầu và tôi chỉ có thể tưởng tượng về những khó khăn của cuộc sống trong điều kiện này, tài nguyên giới hạn và thiếu cơ hội. Thông điệp của tôi hôm nay cho các bạn là các bạn không bị bỏ quên.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét