Logo của Made in China 2025. Và bãi xỉ than nhà máy nhiệt điện TQ ở Trà Vinh. Ảnh: VOV
Lâu nay, made in China là một tên gọi nhạy cảm. Thực phẩm ư? Không, không đáng tin. Người TQ cũng không tin luôn. Hàng công nghệ ư? Thường rẻ, nhanh cập nhật kiểu nhờ… sao chép. Nhiều năm qua, là công xưởng và cũng là trung tâm xuất khẩu của thế giới, người Trung Quốc chỉ được hưởng khoảng 5% giá bán một chiếc iPhone (từ 5 $ đến 10$ trên giá bán từ $500 đến $1000 mỗi chiếc).Hôm thứ sáu 29/6, nói chuyện tại SURF 2018 Đà Nẵng, ông Đại sứ Israel nhấn mạnh, người Do Thái rất tò mò, tôi chúc các bạn thanh niên Việt Nam luôn tò mò. Và sau một thời gian tò mò với nhiều tài liệu, tôi xin cung cấp đôi điều của đề tài mà tôi đang rất tò mò: Made in China 2025.
Ông Tập Cận Bình không muốn vậy, ông muốn lật ngược nghĩa của mấy từ Made in China. TQ phải thống lĩnh kinh tế và công nghệ thế giới.
Theo Tân Hoa Xã công bố cuối năm 2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) Trung quốc công bố ưu tiên tài trợ nhiều nhất cho Internet of Things, thiết bị thông minh và thiết bị điện tử với 1,5 tỷ USD. Chính quyền địa phương trên toàn quốc cũng hỗ trợ mức tương tự còn Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng để hỗ trợ các dự án lớn, với khoảng 300 tỷ ND tệ (45 tỷ USD) nữa.
KHÔNG CHỈ KHẨU CHIẾN, THỰC SỰ LÀ MỘT CUỘC CHIẾN.
Made in China 2025 thực sự đang là trung tâm của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, nhưng trong nội bộ nước TQ, đang được cổ vũ mạnh mẽ, có lúc có dáng dấp của một loại chủ nghĩa dân tộc “thượng đẳng” của TQ. Made in China 2025 nhằm nâng cao chất lượng tất cả mọi sản phẩm mà TQ đã SX qua con đường tích hợp công nghệ số vào quy trình công nghệ và đưa các công ty TQ cạnh tranh thẳng với các công ty lớn của TG. Đây mới chỉ là cột mốc đầu tiên của một kế hoạch 3 bước, kết thúc năm 2049, khi đó, TQ dẫn đầu các cường quốc TG và thống trị kinh tế, công nghệ thế giới.
Các nước Âu Mỹ thì lại cho rằng Made in China 2025 có 3 yếu tố: ủng hộ chủ trương và hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ (IP); cưỡng chế hoặc gần như ép buộc chuyển giao công nghệ và bảo hộ rất cứng rắn thị trường TQ.Một báo cáo 200 trang mà Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố vào ngày 22 tháng 3/2018 về các kết quả của việc điều tra Hành vi, Chính sách và Thực tiễn của Trung Quốc liên quan đến Chuyển giao Công nghệ, Sở hữu Trí tuệ và Đổi mới theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại HK năm 1904, đã cáo buộc một loạt các hành vi lạm dụng như ăn cắp bí mật thương mại, đặc biệt là các công nghệ cốt lõi, và phân tích thực chất việc hợp tác về công nghệ của TQ.
Ngày 30/6/2018, công ty nghiên cứu CB Insights cho biết, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ đã tăng vọt từ 2,3 tỷ (2014) lên 9,9 tỷ USD vào năm 2015, năm bắt đầu kế hoạch Made in China 2025. Tính ra, trong 5 năm qua, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 44 tỷ để thủ đắc công nghệ của Mỹ.
GIẢM TỐC VÀ ĐIỀU CHỈNH?
Và bây giờ, trước phản ứng của Mỹ và phương Tây, ngay trong nội bộ TQ cũng có những điều chỉnh. Trong 12 tháng qua, Bắc Kinh đã cho đăng 190 bài cổ động cho Made in China 2025. Nhưng trong ba tháng vừa rồi, con số tụt giảm dần, trong 30 ngày gần đây nhất chỉ còn một bài thôi.
Giáo Sư Trọng Vĩ (仲伟, Zhong Wei), trường Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh, là một nhà giáo đã khuyên Trung Quốc không nên nói nhiều về Made in China 2025 nữa khi thực lực còn thua xa các nước Tây phương. Cũng tuần qua, tờ Khoa học-Kỹ thuật Nhật Báo đăng một loạt bài nêu rõ , hiện nay còn 29 lãnh vực kỹ thuật mà TQ còn kém các nước tiên tiến, và nêu ví dụ là chuyện công ty ZTE bị cấm không được mua các bộ phận làm ở Mỹ.
Ông Lưu Á Đông (Liu Yadong, 刘亚东), chủ bút tờ báo này đã đọc bài diễn văn ở Bắc Kinh hôm 28/6 nói rõ, dù Trung Quốc đã phát triển kỹ thuật đáng kể, song vẫn còn nhiều chướng ngại, chậm tiến. Thí dụ, ngành nghiên cứu khoa học thuần túy chưa phát triển; thiếu “tay nghề” trong nhiều ngành kỹ thuật vì thiếu kinh nghiệm…Ông cũng nêu một bài của Tân Hoa Xã đã đề cao bốn “sáng chế lớn” của TQ là xe lửa cao tốc, mua bán trên mạng, thanh toán tiền trên mạng, và xe đạp sử dụng chung (bike sharing) ở các thành phố, nhưng theo ông, bốn “sáng chế” này đều được tìm ra và sử dụng ở các nước khác trước đó rồi…
Xuống thang rồi lại leo thang, ta còn phải xem tuồng này rất dài. Quan trọng nhãn tiền với VN là cái “hậu” của việc họ đổi mới, họ chuyển chất thải, xà bần, công nghệ phế bỏ đi đâu…
(Tiếng Dân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét