Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

6874 - Croatia và một trang sử đen tối

BBC

Croatia
Trong Thế Chiến 2, quân đội phát-xít Croatia đã hỗ trợ cho Đức và Ý. KEYSTONE-FRANCE

Sự quan tâm đến Đội Croatia ở giải bóng đá World Cup 2018 cũng thu hút dư luận châu Âu nói về lịch sử quốc gia gốc cộng sản thuộc Nam Tư cũ này.
Nổi bật nhất là chuyện về chế độ phân biệt chủng tộc ở Croatia trong Thế chiến 2 và vai trò của Quốc trưởng Ante Pavelic và Tổng Giám mục Aloysius Stepinac. Vào năm 1918, quốc hội Croatia, dân tộc bị trị dưới thời Đế quốc Áo Hung đã bỏ phiếu để trở thành thành viên Vương quốc của người Serbia, Croatia và Slovenia.
Năm 1929, cả vương quốc đổi tên thành Nam Tư (Yugoslavia) để ủng hộ chế độ độc đoán. Ustashe, một phong trào cách mạng cực hữu ra đời tại Croatia với mục tiêu lật đổ chế độ của Vua nước Nam Tư Alexander I.
Nhân vật đứng đầu của Ustashe, Ante Pavelic nêu ra thuyết rằng người Croatia thuộc 'chủng tộc Dinaric' thuộc dòng Goth (German), không phải người Slavơ.
Bất chấp sự thật rằng người Croatia và Serbia có cùng ngôn ngữ, ông Pavelic nói cần thanh lọc các giống dân như Serbia, Do Thái để lập lại Đế quốc Croatia.
Bị trục xuất khỏi Nam Tư, Pavelic trốn sang Ý và được nhà độc tài Benito Mussolini hỗ trợ.
Sau khi phát-xít Đức chiếm Nam Tư, Ante Pavelic về nước, lập ra Quốc gia Croatia Độc lập (NDH, 1941-45), đứng về phe Trục để chống lại Đồng Minh.
Quốc trưởng Pavelic lập ra Binh đoàn Áo Đen (Black Legion) để giúp Đức, Ý chống lại Liên Xô.
Trong nước, chính quyền Ustashe dựa vào Giáo hội Công giáo để đề cao tinh thần dân tộc và tiêu diệt người Serbia mà đa số theo Chính thống giáo.
Croatia dưới thời kỳ phát-xít này đã đưa việc giết người Serbia, Do Thái và Di Gan thành chính sách.
Quân đội Ustashe nổi tiếng tàn bạo với các vụ giết phụ nữ, trẻ em bằng cả mổ bụng, chặt đầu, thiêu sống và các vụ hành quyết tập thể.
Theo BBC News hồi 2005, khi Croatia xin gia nhập EU, bóng đen của chế độ diệt chủng Ustashe đã trở lại ám ảnh dư luận.
Phóng viên BBC đã tìm về trại 'tử thần' Jasenovac từng được cho là 'Auschwitz' của vùng Balkans, ghi nhận chuyện của những người sống sót.
Tại đây, các con số của người Serbia nêu ra là 700 nghìn người đã bị chế độ Pavelic giết chết.
Con số thực hơn có thể vào khoảng 100 nghìn.
Về Hồng y Stepinac
Một phần của trang sử đen tối tại Croatia là vai trò gây nhiều tranh cãi của Tổng Giám mục, Hồng y Aloysius Stepinac (1898-1960).
Người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã tại Zagreb, Croatia khi đó đã từng ủng hộ chế độ của Pavelic.
Nhưng những người ngưỡng mộ Stepinac nói sau này ông đã từng lên án các vụ giết chóc phân biệt chủng tộc trong một buổi thánh lễ năm 1942.


Hồng y Aloysius Stepinac.Bản quyền hình ảnhULLSTEIN BILD
Image captionDư luận Serbia và Israel nói nhiều về vai trò gây nhiều tranh cãi của Tổng Giám mục, Hồng y Aloysius Stepinac

Người Công giáo Croatia lại nhấn mạnh đến vai trò của ông như một nhà đấu tranh chống cộng sản, bị tù ở Nam Tư sau 1945.
Vụ việc được nói lại nhiều vào năm 1998 khi Giáo hoàng John Paul II, người Ba Lan, đã phong á thánh cho Hồng y Aloysius Stepinac.
Vào lúc đó, không chỉ cộng đồng Serbia phản đối, mà các báo ở Israel cũng lên tiếng phản đối.
Sang năm 2014, khi có tin Vatican đã sẵn sàng phong thánh cho Hồng y Stepinac, giới chức Chính thống giáo Serbia và các viện của người Do Thái lại lên tiếng.
Theo tờ Jerusalem Post, dư luận châu Âu cần biết dù Aloysius Stepinac có cứu một số người Do Thái ở Zagreb, nhưng biết rất rõ về trại Jasenovac.
Một bằng chứng để lại là thư của Aloysius Stepinac xin chế độ "đối xử nhân đạo" cho tù nhân Do Thái, và nhiều thư từ của ông xin Vatican công nhận chế độ Ustashe vốn công khai phổ biến thuyết diệt chủng.
"Jasenovac không có lò thiêu bằng hơi ngạt, không có máy giết người nên mỗi người đều bị giết bằng cách thô sơ: dao, gậy sắt, rìu, búa,"
Các báo châu Âu cũng đăng ảnh Hồng y Stepinac nhiều lần xuất hiện cùng Quốc trưởng Pavelic, một tên tội phạm chiến tranh.


CroatiaBản quyền hình ảnhSTRINGER
Image captionNgười Croatia mặc quân phục Ustasha tuần hành với Thánh giá và chân dung cố thủ lĩnh phát-xít Ante Pavelic

Trong các bức hình tư liệu khác, Hồng y này đứng cạnh các sỹ quan phát-xít và ban phước cho những đơn vị Ustashe.
Theo Michael Freund viết trên Jerusalem Post, chế độ Ustashe đã giết 30 nghìn người Do Thái, 75% dân Do Thái ở Croatia khi đó.
Chừng 200 nghìn người Serbia bị cưỡng bức cải đạo theo Công giáo La Mã, với sự khuyến khích của Aloysius Stepinac, ý kiến trên cho biết.
Tờ báo Israel bày tỏ sự phẫn nộ về việc lễ tưởng niệm Ante Pavelic vẫn diễn ra năm 2011 ở Zabreb, với câu hỏi "Liệu có ai thể tưởng tượng được nếu ở Rome và Berlin có lễ tưởng niệm to cho Mussolini và Hitler?"
Có vẻ như Đức Giáo hoàng Francis đã lắng nghe những ý kiến này và tạm thời chưa phong thánh cho Tổng giám mục Aloysius Stepinac.
Sang năm 2017, Vatican đồng ý rằng kết quả của một hội đồng hỗn hợp gồm cả người Serbia đã "không đồng ý được" về quá khứ của Hồng y Stepinac.
Hội đồng này cho hay việc phong thánh có tiếp tục hay không nay tùy vào chính Giáo hoàng Francis.
Nhưng với người Croatia ngày nay, ngôi mộ của Stepinac vẫn nằm ở vị trí trang trọng nhất trong Giáo đường ở Zagreb, bất chấp tranh cãi về vị Hồng y.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét