Biên dịch: Nguyễn Phú Lợi
Sự thật là chúng ta đã đạt tới giai đoạn cáo chung của lịch sử hay chưa? Hay nói cách khác, liệu còn có những “mâu thuẫn” cơ bản nào trong đời sống nhân loại vẫn không thể giải quyết được trong bối cảnh chủ nghĩa tự do hiện đại, mà có thể giải quyết được bằng một cấu trúc kinh tế – chính trị khác hay không? Nếu chấp nhận những tiên đề duy tâm ở trên, chúng ta phải tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi này trong địa hạt ý thức và tư tưởng. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là trả lời tường tận những thách thức đối với chủ nghĩa tự do gây ra bởi những kẻ gàn dở lập dị trên khắp thế giới mà chỉ tập trung vào những gì tiêu biểu hiện thân trong các phong trào và lực lượng chính trị xã hội trọng yếu, những nhân tố góp phần định hình lịch sử thế giới. Với mục đích đó, những tư tưởng lạ lẫm xuất hiện ở Albania hay Burkina Faso không quan trọng, bởi vì chúng ta chỉ lưu tâm đến những gì mà người ta theo một nghĩa nào đó có thể gọi là di sản tư tưởng chung của nhân loại.
Trong thế kỉ vừa qua, có hai thách thức chính đối với chủ nghĩa tự do đến từ chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa phát xít[11] coi sự yếu đuối về chính trị, chủ nghĩa vật chất, sự bất ổn và thiếu tinh thần cộng đồng của phương Tây như là những mâu thuẫn cơ bản trong các xã hội tự do mà chỉ có thể được giải quyết bởi một nhà nước mạnh rèn dũa nên một “dân tộc” mới dựa trên nền tảng thịnh vượng của quốc gia. Chủ nghĩa phát xít với tư cách là một hệ tư tưởng sống đã bị kết liễu bởi Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Dĩ nhiên đây là một sự thất bại chủ yếu trên cấp độ vật chất, song nó cũng tương đương với một sự thất bại về mặt tư tưởng. Thứ hủy diệt chủ nghĩa phát xít trong vai trò một tư tưởng không phải là sự chối bỏ phổ quát về mặt đạo đức chống lại nó, bởi vì nhiều người sẵn sàng tán đồng tư tưởng này chừng nào nó còn được xem là làn sóng tương lai, mà chính là vì sự thiếu thành công của nó. Sai chiến tranh, hầu hết mọi người dường như thấy chủ nghĩa phát xít Đức cũng như những biến thể của nó ở Châu Âu và Châu Á chắc chắc sẽ tự hủy diệt. Không có lí do vật chất nào cho thấy vì sao các phong trào phát xít có thể đã không tái nổi dậy sau chiến tranh ở những nơi khác, mà bởi thực tế là chủ nghĩa dân tộc cực đoan bành trướng, vốn hứa hẹn những xung đột bất tận dẫn đến thất bại quân sự thảm hại, đã đánh mất tính hấp dẫn của nó. Đống đổ nát của của đế chế Đức quốc xã cũng như những quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã giết chết ý thức hệ này trên cấp độ ý thức cũng như vật chất, và mọi làn sóng ủng hộ chủ nghĩa phát xít noi gương các ví dụ ở Đức và Nhật Bản điển hình như phong trào theo tư tưởng của Peron ở Achentina hoặc lực lượng Quân đội Quốc gia Ấn Độ của Subhas Chandra Bose đã bị tàn lụi sau chiến tranh.
Những thách thức về tư tưởng được đưa ra bởi những ý thức hệ cạnh tranh với chủ nghĩa tự do, như chủ nghĩa cộng sản chẳng hạn, là lớn hơn nhiều. Mác, phát biểu theo ngôn ngữ của Hegel, khẳng định xã hội tự do chứa đựng mâu thuẫn cơ bản giữa tư bản và người lao động không thể giải quyết được trong nội bộ, và chính mâu thuẫn này từ đó đã cấu thành nên cáo buộc chính chống lại chủ nghĩa tự do. Nhưng chắc chắn là, vấn đề giai cấp thực tế đã được giải quyết thành công ở phương Tây. Như Kojève (cùng với những người khác) đã chỉ ra, chủ nghĩa quân bình của nước Mỹ hiện đại đại diện cho sự đạt được về cơ bản một xã hội không giai cấp như Mác từng hình dung. Điều này không có nghĩa là không có người giàu và người nghèo ở Mỹ, hay là khoảng cách giữa họ không gia tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên nguyên nhân cội rễ của bất bình đẳng kinh tế không liên quan tới cấu trúc xã hội và luật pháp làm nền tảng của xã hội chúng ta, vốn về cơ bản là quân bình và mang tính chất phân phối phúc lợi tương đối bình đẳng, mà chủ yếu liên quan tới đặc tính xã hội của các nhóm dân cư cấu tạo nên xã hội đó, vốn là di sản lịch sử của các điều kiện tiền hiện đại. Do đó người da đen bần cùng ở Mỹ không phải là sản phẩm vốn có của chủ nghĩa tự do, mà là “di sản của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc” vốn tồn tại kéo dài sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ.
Do sự thoái lui của vấn đề giai cấp, có thể nói một cách tự tin rằng sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản ở thế giới phương Tây phát triển ngày nay thấp hơn so với bất cứ thời điểm nào khác kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Điều này có thể đo lường được qua nhiều cách: trong việc giảm thành viên và sức hút trong bầu cử của các đảng cộng sản lớn ở Châu Âu cũng như các chương trình mang tính xét lại công khai của họ; trong sự thành công tương ứng trong bầu cử của các đảng bảo thủ từ nước Anh và Đức cho đến nước Mỹ và Nhật vốn có xu hướng ủng hộ thị trường (tự do) và chống lại vai trò quá lớn của nhà nước một cách rõ ràng; và trong môi trường tri thức mà ở đó hầu hết thành viên “tiên tiến” không còn tin rằng xã hội tư sản là thứ mà rốt cuộc cần phải đánh đổ. Điều này không có nghĩa là quan điểm của giới trí thức tiến bộ ở các quốc gia phương Tây không cực đoan theo nhiều cách khác nhau. Song những ai vẫn tin tưởng tương lai chắc chắn phải là xã hội chủ nghĩa thường là những người đã rất lớn tuổi, hoặc rất ít can dự vào những tranh luận chính trị thực tế của xã hội họ đang sống.
Ai đó có thể tranh luận rằng lựa chọn thay thế mà chủ nghĩa xã hội mang lại chưa bao giờ được hưởng ứng nghiêm túc ở thế giới Bắc Đại Tây Dương (tức Bắc Mỹ và Châu Âu), và nó được duy trì trong nhiều thập niên qua chủ yếu bởi sự thành công bên ngoài khu vực của nó. Tuy nhiên chính ở phần thế giới ngoài Châu Âu này lại là nơi chứng kiến sự xuất hiện của những chuyển biến ý thức hệ lớn lao. Chắc chắn rằng sự thay đổi đáng kể nhất đã diễn ra ở Châu Á. Do sức mạnh và khả năng thích ứng của văn hóa bản địa, Châu Á đã trở thành chiến trường cho một lượng lớn những ý thức hệ phương Tây khác nhau du nhập vào từ đầu thế kỉ này. Chủ nghĩa tự do ở Châu Á rất yếu thế vào thời điểm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất; ngày nay thật dễ quên rằng tương lai chính trị Châu Á trông mịt mờ đến dường nào vào khoảng cách đây mới mười hoặc mười lăm năm. Cũng thật dễ bỏ qua việc kết quả của cuộc đấu tranh ý thức hệ ở Châu Á tác đã động đến sự phát triển chính trị thế giới nói chung mạnh mẽ đến dường nào.
Lựa chọn thay thế đầu tiên đối với chủ nghĩa tự do mà đã bị đánh bại hoàn toàn ở Châu Á chính là chủ nghĩa phát xít đại diện bởi đế quốc Nhật. Chủ nghĩa phát xít Nhật (cũng giống như ở Đức) đã bị đánh bại bởi quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, và nước Mỹ chiến thắng đã buộc Nhật phải lựa chọn nền dân chủ tự do. Chủ nghĩa tự do chính trị và chủ nghĩa tư bản phương Tây khi cấy ghép vào Nhật Bản đã được thích ứng và chuyển đổi bởi người Nhật theo cách làm chúng khó còn có thể nhận ra.[12] Ngày nay nhiều người Mỹ đã nhận thấy rằng tổ chức công nghiệp của Nhật rất khác với những gì thịnh hành ở Mỹ hay Châu Âu, và khó có thể tin rằng những thủ đoạn bè phái diễn ra với Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền lại có chút gì đó dính dáng tới dân chủ. Tuy nhiên, chính thực tế rằng những nhân tố kinh tế và chính trị thiết yếu của chủ nghĩa tự do đã được chắt ghép thành công vào các thể chế và truyền thống Nhật Bản độc đáo đã đảm bảo sức sống trong dài hạn của nó. Quan trọng hơn là sự đóng góp ngược lại của Nhật Bản đối với lịch sử thế giới bằng cách theo chân Mỹ để tạo nên nền văn hóa tiêu dùng phổ quát thực sự, điều vốn đã trở thành biểu tượng lẫn nền móng cho nhà nước đồng nhất phổ quát. V.S. Naipaul khi đi tham quan Iran của Giáo chủ Khomeini không lâu sau khi cách mạng Iran nổ ra đã ghi nhận sự hiện diện khắp mọi nơi các biển quảng cáo các sản phẩm của Sony, Hitachi và JVC, những sản phẩm vẫn giữ nguyên được sức hấp dẫn không cưỡng lại được của mình và cho thấy bản chất giả tạo trong việc chế độ (Cộng hòa Hồi giáo Iran) vờ như đang phục hồi một nhà nước dựa trên sự thống trị của luật Hồi giáo Shariah. Khát khao tiếp cận văn hóa tiêu dùng được tạo nên trên phạm vi rộng lớn của Nhật đã đóng vai trò sống còn trong thúc đẩy sự lan tỏa của chủ nghĩa tự do kinh tế khắp Châu Á, và do đó cũng giúp thúc đẩy chủ nghĩa tự do về chính trị.
Thành tựu kinh tế của các nước công nghiệp mới (NICs) khác ở châu Á noi theo tấm gương của Nhật giờ đã trở thành câu chuyện quen thuộc. Từ lập trường của Hegel, điều quan trọng là tự do chính trị đã diễn ra theo sau tự do kinh tế, tuy chậm hơn nhiều người vẫn mong đợi nhưng là điều gần như chắc chắn. Ở đây một lần nữa ta thấy sự thắng thế của ý tưởng về nhà nước đồng nhất phổ quát. Hàn Quốc đã phát triển thành một xã hội đô thị hóa, hiện đại với tầng lớp trung lưu có học thức cao ngày càng tăng và không thể bị biệt lập với những trào lưu dân chủ rộng lớn bao quanh. Trong những điều kiện này, một điều dường như vượt quá sức chịu đựng đối với một bộ phận lớn dân cư nước này là việc bị thống trị bởi một chế độ quân sự lỗi thời trong khi Nhật Bản, vốn chỉ phát triển trước Hàn Quốc khoảng một thập kỉ về kinh tế, lại đã có các thể chế (dân chủ) nghị viện suốt hơn bốn mươi năm nay. Thậm chí các chế độ xã hội chủ nghĩa trước đây như ở Miến Điện, vốn từng bị cô lập khỏi những xu hướng lớn áp đảo ở Châu Á trong hàng thập kỷ, cũng đã bị chèn ép bởi các áp lực trong năm qua phải tự do hóa cả hệ thống kinh tế lẫn chính trị của nó. Người ta nói rằng sự bất mãn với lãnh đạo độc tài Ne Win đã bắt đầu khi một sĩ quan cấp cao của Miến Điện sang Singapore chữa bệnh và đã bật khóc khi chứng kiến Miến Điện xã hội chủ nghĩa đã bị các láng giềng ASEAN bỏ lại đằng sau xa đến dường nào.
Tuy nhiên tác động của tư tưởng tự do đã không gây ấn tượng mạnh đến vậy nếu nó không xâm nhập nền văn hóa lâu đời lớn nhất Châu Á, đó là Trung Quốc. Đơn giản là sự hiện diện của Trung Quốc cộng sản chủ nghĩa đã tạo nên một cực thay thế về hấp dẫn ý thức hệ, qua đó cấu thành nên một mối đe dọa đối với chủ nghĩa tự do. Tuy nhiên mười lăm năm qua đã chứng kiến một hệ thống kinh tế Mácxít – Lêninnít bị sụt giảm uy tín gần như hoàn toàn. Từ kì họp thứ ba nổi tiếng của Ban chấp hành Trung ương khóa 10 năm 1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng nông nghiệp sang kinh tế thị trường cho 800 triệu dân Trung Quốc vẫn còn sống ở nông thôn. Vai trò của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp đã được giảm xuống chỉ còn việc thu thuế, trong khi nền sản xuất hàng hóa tiêu dùng ngày càng tăng mạnh để giúp nông dân được hưởng chút hương vị của nhà nước đồng nhất phổ quát và bằng cách đó khuyến khích sản xuất. Công cuộc cải cách đã làm nhân đôi sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc chỉ trong vòng 5 năm, tạo cho Đặng Tiểu Bình một nền tảng chính trị vững chắc mà từ đó ông đã có thể mở rộng cải cách sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Các số liệu kinh tế vẫn chưa mô tả hết được động lực, sáng kiến và sự cởi mở rõ ràng ở Trung Quốc kể từ khi cải cách bắt đầu.
Ngày nay không thể nào mô tả Trung Quốc như một nền dân chủ tự do bằng bất cứ cách nào. Hiện tại, mới dưới 20 phần trăm nền kinh tế đã được thị trường hóa, và quan trọng hơn cả là nó vẫn tiếp tục được điều hành bởi một Đảng Cộng sản tự chỉ định không có dấu hiệu cho thấy mong muốn chia sẻ quyền lực. Đặng Tiểu Bình đã không thực hiện lời hứa nào của Gorbachev về dân chủ hóa hệ thống chính trị và Trung Quốc cũng không có phiên bản nào giống với chương trình công khai hóa (glasnost) của Liên Xô. Thực tế giới lãnh đạo Trung Quốc thận trọng hơn trong việc phê phán Mao và chủ nghĩa Mao so với Gorbachev khi phê phán Brezhnev và Stalin, và chế độ vẫn tiếp tục lấy chủ nghĩa Mác – Lênin như là nền tảng ý thức hệ trên danh nghĩa. Tuy nhiên những ai quen với quan điểm và ứng xử của giới tinh hoa đang lãnh đạo Trung Quốc đều biết rằng chủ nghĩa Mác và nguyên tắc ý thức hệ đã trở nên không còn thích hợp để điều hướng chính sách, và rằng chủ nghĩa tiêu dùng tư sản lần đầu tiên có ý nghĩa thật sự ở quốc gia này kể từ sau cách mạng. Sự tiến triển chậm của cải cách, những cuộc vận động chống “tha hóa tinh thần” và những vụ đàn áp bất đồng chính kiến nên được coi là những điều chỉnh sách lược trong quá trình kiểm soát một sự quá độ chính trị vô cùng khó khăn. Bằng cách né tránh câu hỏi về cải cách chính trị trong khi chuyển nền kinh tế sang nền tảng mới, Đặng Tiểu Bình đã phòng ngừa sự sụp đổ quyền lực vốn đã đi kèm với công cuộc cải tổ (perestroika)của Gorbachev. Tuy nhiên sự hấp dẫn của tư tưởng tự do vẫn rất mạnh mẽ khi quyền lực kinh tế được pha loãng và nền kinh tế trở nên cởi mở hơn với thế giới bên ngoài. Hiện tại có trên 20.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, hầu hết trong số họ là con cháu của giới tinh hoa Trung Quốc. Thật khó tưởng tượng rằng khi những người này trở về quê hương để điều hành đất nước, họ sẽ hài lòng với việc Trung Quốc là quốc gia duy nhất ở Châu Á không bị ảnh hưởng bởi trào lưu dân chủ hóa rộng lớn trên thế giới. Các cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh nổ ra lần đầu tiên vào tháng 12/1986 và tái diễn gần đây khi Hồ Diệu Bang qua đời mới chỉ là sự khởi đầu của áp lực chắc chắn ngày càng gia tăng đòi hỏi thay đổi hệ thống chính trị.
…..
IV.
V.
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Su cao chung cua lich su.pdf
[1] Tác phẩm nổi tiếng nhất của Kojeve là Introduction à la lecture de Hegel (Paris: Editions Gallimard, 1947), là bản ghi chép các bài giảng ở trường Ecole Practique từ những năm 1930. Quyển sách này có phiên bản tiếng Anh mang tựa đề Introduction to the Reading of Hegel do Raymond Queneau thu xếp xuất bản, Allan Bloom biên tập và Nichols biên dịch (New York: Basic Books, 1969).
[2] Về khía cạnh này Kojeve đứng trên quan điểm hoàn toàn đối lập với những nhà diễn dịch Hegel hiện đại người Đức như Herbet Marcuse vốn cùng quan điểm với Mác, coi Hegel như một triết gia chưa hoàn hảo và bị giới hạn bởi lịch sử.
[3] Kojeve cũng nhận diện sự cáo chung của lịch sử giống với “kiểu sống Mĩ” sau chiến tranh mà ông cho rằng Liên Xô cũng đang hướng tới.
[4] Quan niệm này được đưa ra trong câu cách ngôn nổi tiếng ở phần lời bạt quyển sách Triết học của lịch sử (Philosophy of History) với nghĩa nôm na rằng “thứ gì duy lý thì là thật, thứ gì thật là duy lý”.
[5] Quả thật, đối với Hegel thì sự phân đôi giữa thế giới tư tưởng và thế giới vật chất bản thân nó là một sự phân đôi tạm thời mà cuối cùng sẽ bị vượt qua bởi chủ thể tự ý thúc; trong hệ thống của ông, thế giới vật chất bản thân nó chỉ là một khía cạnh của tư duy.
[6] Thực tế, các nhà kinh tế hiện đại thừa nhận rằng con người không luôn luôn cư xử như một chủ thể tối đa hóa lợi ích, họ đề ra khái niệm “tiện ích”, tiện ích ở đây có thể là thu nhập hoặc một vài dạng hàng hóa khác có thể tối đa hóa được, ví dụ như sự nghỉ ngơi, thỏa mãn tính dục hay thú vui triết học. Việc lợi nhuận phải được thay thế bằng một giá trị như “tiện ích” chỉ ra được sức thuyết phục của quan điểm duy tâm.
[7] Chỉ cần nhìn vào kết quả học tập gần đây của những người nhập cư gốc Việt trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ so với những bạn học gốc Tây Ban Nha hoặc da đen là có thể thấy được nền tảng văn hóa và nhận thức có vai trò quan trọng đến dường nào trong việc giải thích không chỉ hành vi kinh tế mà còn cả những khía cạnh khác của đời sống con người.
[8] Tôi hiểu rằng một sự lí giải đầy đủ về nguồn gốc của những trào lưu cải cách ở Trung Quốc và Nga phức tạp hơn nhiều so với những gì một công thức duy nhất này có thể làm được. Lấy thí dụ, cuộc cải tổ của Liên Xô được thúc đẩy theo một phần lớn bởi cảm giác mất an ninh của Matxcơva trong lĩnh vực kĩ thuật – quân sự. Tuy nhiên, cả hai quốc gia trong đêm trước cải cách đều không vướng phải khủng hoảng vật chất tới mức có thể tiên liệu trước con đường cải cách đáng ngạc nhiên mà hai nước đã thực hiện.
[9] Vẫn chưa rõ là liệu người dân Liên Xô có mang tính chất “người Tin Lành” như Gorbachev và sẽ đi theo con đường của ông hay không.
[10] Chính trị nội bộ của đế quốc Byzantine vời thời kỳ Justinian tập trung vào mối xung đột giữa những người tin rằng sự hợp nhất của Chúa Ba Ngôi là tự nhiên và những người tin rằng sự hợp nhất đó thuộc về ý chí. Xung đột này ở một mức độ nào đó đã dẫn tới một cuộc xô xát giữa các cổ động viên của các đội đua khác nhau ở sân vận động Hippodrome ở Byzantium và dẫn tới một mức độ bạo lực chính trị đáng kể. Các nhà sử học hiện đại có khuynh hướng tìm kiếm gốc rễ của những xung đột đó trong sự đối lập giữa các giai cấp xã hội hay các phạm trù kinh tế hiện đại khác mà không tin là con người có thể tàn sát lẫn nhau chỉ vì tranh cãi về bản chất của Thánh Ba Ngôi.
[11] Tôi không dùng thuật ngữ “chủ nghĩa phát xít” ở đây theo nghĩa chính xác nhất của nó, vì tôi hoàn toàn nhận thức được sự lạm dụng thường xuyên thuật ngữ này để phản bác bất kỳ ai theo chủ ý của người nói. “Chủ nghĩa phát xít” ở đây chỉ bất cứ phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoạn nào với những ý định phổ quát – dĩ nhiên không phải phổ quát liên quan đến chủ nghĩa dân tộc bởi vì chủ nghĩa dân tộc mang nghĩa giới hạn về bản chất, mà liên quan đến niềm tin của phong trào đó về quyền được thống trị các dân tộc khác. Do đó đế quốc Nhật Bản được coi là phát xít trong khi Parauguay của Stoessner hay Chile của Pinochet thì không. Hiển nhiên là tư tưởng phát xít không thể mang tính phổ quát như chủ nghĩa Mác-Lenin hay chủ nghĩa tự do, nhưng cấu trúc của học thuyết đó vẫn có thể được chuyển từ quốc này sang quốc gia khác.
[12] Tôi thận trọng khi lấy ví dụ của Nhật Bản, bởi lẽ Kojève vào lúc cuối đời đã đúc kết rằng Nhật Bản với nền tảng văn hóa chủ yếu dựa trên nghệ thuật chính thống cho thấy nhà nước đồng nhất phổ quát chưa thể giành chiến thắng và lịch sử có lẽ chưa chấm dứt ở đó. Xem chú thích dài ở cuối ấn bản lần hai của Introduction à là Lecture de Hegel, 462-3.
Nguồn: Francis Fukuyama (1989). “The End of History?”, The National Interest, No. 16 (Summer
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét