Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

2370 - Những vòng tròn nghịch đảo

FB Luân Lê

Image may contain: 4 people, crowd and text

Chúng ta có ba tấm gương lớn trên thế giới cần phải nhìn vào đó để thấy “thế nước mạnh và vận nước lên” có chuẩn xác hay không trước khi thậm xưng một vấn đề nào đó mà trong lúc ấy, họ đã bị cảm xúc chi phối và xoá bỏ tất cả lý trí và nhận thức bình thường của một con người khách quan nhất.
Hy Lạp đã tham dự cúp Châu Âu năm 2004, và với một kỳ tích đáng kinh ngạc, họ đã lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Bồ Đào Nha trong trận chung kết trước sự ngỡ ngàng của toàn thế giới.
Nếu hiểu theo nghĩa mà kẻ cầm bút đặt cho tựa bài viết dưới đây thì ắt nhẽ Hy Lạp thực sự đã lên đến đỉnh cao và đứng trên cả phần còn lại của thế giới, bởi lục địa già là cái nôi của văn minh phương Tây và cũng là phần lớn của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, vào năm 2012, Hy Lạp đã chính thức bị tuyên bố là phá sản quốc gia với khoản nợ công lên tới hàng trăm tỷ Euro, và sau hai đợt giải cứu của EU, đất nước này mới thoát khỏi cảnh vỡ nợ vì nợ công đối với nước ngoài quá lớn (mà trước đó, chính Hy Lạp đã khai khống điều kiện về tỷ lệ thâm thụt GDP nhằm có thể được tham gia vào khối liên minh kinh tế và thịnh vượng chung châu Âu (EU) với mức dưới 3%). Con tàu Titanic tưởng như không thể chìm đắm sau khi chiếm lĩnh bục vô địch trong bóng đá lại bị một tảng băng về nợ công đánh sụp chỉ trong vòng một, hai năm vỏn vẹn.
Ở Nam Mỹ, đất nước Argentia lừng danh với người có bàn tay ma Maradona, đội tuyển bóng đá của họ đã đi thẳng đến trận cuối cùng và mang cúp vàng thế giới về cho đất nước năm 1986. Tiếp tục, năm 1991 và năm 1993, họ lại liên tiếp vô địch cúp các quốc gia Nam Mỹ (Copa America). Nhưng thật không may, đến năm 2001, Chính phủ của đất nước này lại không thể trả nổi số tiền 81 tỷ đô-la cho các chủ nợ nước ngoài và buộc lòng phải tuyên bố vỡ nợ.
Chưa dừng lại ở đó, chỉ 13 năm sau, năm 2014, quốc gia này lại rơi vào cảnh vỡ nợ (trái phiếu chính phủ đối với các chính phủ, tổ chức nước ngoài) khi hết tiền tích trữ ngoại tệ trong ngân khố để chi trả cho một khoản nợ khoảng 180 tỷ Mỹ kim. Với những chiếc cúp huy hoàng của đội bóng, vận thế nước họ lênh đênh và vận mệnh cũng nổi trôi không có gì đáng để nhắc tới hơn là những thất bại đầy đau đớn.
Cũng ở Nam Mỹ, một nước XHCN khác nổi tiếng về dầu mỏ và số lượng hoa hậu nhiều nhất thế giới, Chính phủ của Hugo Chavez cũng đã từng tuyên bố 20 năm trước rằng, Venezuela không cần Mỹ và phương Tây, họ sẽ xây dựng thành công CNXH đầu tiên trên trái đất. Và nay, nhân dân của đất nước khốn khổ ấy đang chìm trong cuộc khủng hoảng bi kịch nhất trong lịch sử khi hàng triệu người phải rời bỏ quê hương (di dân) đi tìm cuộc sống ở quốc gia khác, hàng triệu người thường xuyên xuống đường biểu tình yêu cầu chính quyền trao trả quyền lực về cho nhân dân, và hàng triệu người hàng ngày phải bới rác tìm thực phẩm để ăn và không có giấy vệ sinh để dùng. Cả đất nước chìm trong hỗn loạn, đói nghèo và tình trạng vô pháp luật.
Chỉ vì một giải bóng đá và vài trận thắng, họ đã thổi phồng tất cả lên mang tính quốc gia và hoà trộn nó vào hình hài và sự sống của cả dân tộc, đất nước.
Những kẻ ngu xuẩn, hoặc những kẻ bất chấp sự thật hay hiểu biết thông thường nhất, thường sẽ tìm mọi cách để làm cho những giá trị bị hiểu đi một cách lệch lạc đến mức điên rồ nhất.
Trong khi giải đấu đang diễn ra, giá xăng, điện và các loại phí, thuế vẫn trên đà tăng, mà mức lương của người lao động của Việt Nam đang thấp hơn 10 lần so với mặt bằng chung của khu vực. Nợ công của Việt Nam đang ở mức sắp vượt ngưỡng trần cao nhất 65% (so với GDP). Nhưng có nhiều quan chức vẫn khăng khăng đến mức quyết liệt: không thể để giá xăng, điện thấp hơn (mức cao nhất của các quốc gia phát triển nhất) của thế giới được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét