Trang web của sứ quán Việt Nam tại Chile
Đại sứ quán Việt Nam tại Chile xác nhận số vây cá mập, bị báo địa phương chụp hình, đã được một cán bộ thương vụ mua tại chợ 'để sử dụng trong gia đình'.
Thông cáo được truyền thông Việt Nam hôm 23/1 dẫn lại nói: "Văn phòng Thương vụ Việt Nam báo cáo số vây cá mập trên được thân nhân của một cán bộ thuộc văn phòng mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình".
Sứ quán Việt Nam nói họ đang làm việc với bộ ngoại giao Chile để "phối hợp xác minh", và "sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm" trong vụ phơi vây cá mập này.
Vụ việc gây xôn xao mấy ngày qua bắt đầu từ bài báo trên tờ El Mostrador của Chile cho hay vây cá mập được nhìn thấy trên nóc tòa nhà thương vụ của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile, ở địa chỉ 2897 Eliodoro Yáñez, thủ đô Santiago.
Theo đó, bức ảnh được chụp ngày 18/1 khi người dân báo cáo ngửi thấy mùi hôi bốc ra từ khu vực Đại Sứ Quán.
Bài báo cũng cho hay cộng đồng khoa học quốc tế bày tỏ sự 'bối rối và kinh ngạc' trước sự việc.
Theo mô tả từ bài báo, các vây cá mập này xuất hiện trên mái nhà Đại Sứ Quán Việt Nam từ ngày 13/1. Hàng xóm cho hay ban đầu chỉ thấy một số lượng nhỏ, nhưng năm ngày sau thì đã có ít nhất 100 cái.
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh ngày 22/1 đã yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ gồm Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc.
Bộ Công thương cũng gửi văn bản tới Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp, chỉ đạo Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile xác minh sự việc.
"Mua ở chợ"?
Thông cáo của ngành ngoại giao Việt Nam cho hay số vi cá mập này được mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago, theo báo Tuổi Trẻ.
Nhưng tờ El Mostrador dẫn lời chuyên gia bảo vệ cá mập Max Bello của The Pew Charitable Trust nói: "Chile không có trung tâm chế biến nào để lấy vây cá".
"Có thể quan sát thấy đây là những vết cắt tươi, có thể thấy cả cấu trúc xương", bài báo trên El Mostrador viết.
"Số vây cá mập được cho là đang trải qua quá trình phơi khô, một giai đoạn trước khi xử lý các yếu tố độc hại để tạo nguyên liệu cho món canh đắt nhất thế giới: súp vây cá mập. Món ăn này được tiêu thụ chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam. Mỗi năm có thêm gần 100 triệu con cá mập bị giết trên thế giới."
"Ở Chile, việc cắt xén vây cá mập còn sống và sau đó ném thân cá xuống biển từng bị phát hiện và xử phạt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những mảnh vi cá mập được phát hiện đang trong quá trình sấy khô,"
Ông Alex Munoz - giám đốc National Geographic khu vực Mỹ La Tinh - phát biểu: "Không thể tin được. Tôi luôn muốn biết rằng vây cá được phơi khô ở đâu nhưng tôi không thể ngờ rằng người ta phơi ngay trong khu vực Providence. Đây là lần đầu tiên tôi thấy điều này tại Chile".
Ông Matías Asun, giám đốc Greenpeace, chỉ ra rằng "cá mập là một loài nguy cấp, từ nhiều năm nay, các tổ chức bảo vệ động vật đã cố gắng bảo vệ loài này. Việc bắt và cắt vây cá mập, thường được sử dụng trong nhà bếp, là một hành động tàn bạo và bất hợp pháp bị xử phạt tại Chile."
Nhận định về vụ việc vây cá mập phơi trên mái Đại Sứ Quán Việt Nam, ông Matías Asun nói: "Một tình huống như thế này xảy ra ở lãnh thổ Chile là điều nghiêm trọng."
Bị cấm theo luật Chile?
Cũng theo tờ El Mostrador, "Theo luật pháp Chile, nước này cấm buôn bán và tiêu thu vây cá mập từ năm 2011. Luật cấm này áp dụng với vây của tất cả các loài cá mập, gồm 53 loài sinh sống tại vùng biển của Chile, chứ không phải chỉ vây của những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng."
"Việc khám phá vây cá mực phơi trên nóc nhà toà đại sứ có thể gây một vấn đề ngoại giao, vì nhân viên sứ quán đã lạm dụng quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở lãnh sự để làm chuyện phi pháp."
"Vụ việc phơi vây cá mập phơi trên nóc nhà một toà đại sứ gây rúng động. Nó diễn ra vào đúng lúc bà Sylvia Earle, một trong những chuyên viên bảo vệ môi trường được kính nể nhất thế giới, đang thuyết trình về hiểm họa diệt chủng của cá mập, và từ đó, hiểm họa mất cân bình của biển cả, tại hội nghị về tương lai của trái đất, một hội nghị khoa học quan trọng nhất tại Nam Mỹ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét