Ảnh chụp màn hình trang bìa Courrier International (18-24/01/2018), thể hiện tác phẩm hội họa Tiếng Hét (Le Cri) của danh họa Na Uy Edvard Munch. RFI / Tiếng Việt
Phát hành vào đúng dịp kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump, các tuần báo Pháp dĩ nhiên đã dành nhiều trang bài điểm lại một năm cầm quyền của người lãnh đạo cường quốc số một trên thế giới. Nổi bật nhất là hồ sơ chính của Courrier International, trong đó tuần báo Pháp nêu bật sự kiện là những hành động « thái quá » của ông Trump trong vai trò lãnh đạo nước Mỹ đã gây chấn động khắp nơi.Trang bìa của Courrier International rất ấn tượng.
Trên nền cờ Mỹ, người ta thấy hình vẽ một người ôm đầu, mắt và miệng đều mở to, ngay bên cạnh dòng tựa « Làm người Mỹ dưới thời Trump » và câu hỏi bên dưới : « Làm sao để sống ở một đất nước đã bầu lên một tổng thống như thế ». Bức hình mô phỏng tấm tranh nổi tiếng Tiếng Thét (Le Cri) của danh họa Na Uy Edvard Munch vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thường được cho là thể hiện nỗi lo âu, tuyệt vọng.
Trên nền cờ Mỹ, người ta thấy hình vẽ một người ôm đầu, mắt và miệng đều mở to, ngay bên cạnh dòng tựa « Làm người Mỹ dưới thời Trump » và câu hỏi bên dưới : « Làm sao để sống ở một đất nước đã bầu lên một tổng thống như thế ». Bức hình mô phỏng tấm tranh nổi tiếng Tiếng Thét (Le Cri) của danh họa Na Uy Edvard Munch vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thường được cho là thể hiện nỗi lo âu, tuyệt vọng.
Trong hồ sơ chính bên trong, Courrier International trước hết đã trích dịch một bài viết của nhà văn Canada Omar El-Akkad đăng trên báo The Globe and Mail, ghi nhận rằng một năm sau ngày nhậm chức, chủ nhân Nhà Trắng vừa gây lo ngại, vừa kích động một nước Mỹ bị chia rẽ giữa hai xu hướng bảo thủ và chủ nghĩa tiến bộ.
Về câu hỏi làm sao để sống trong một quốc gia đã bầu một người như ông Trump lên làm tổng thống, một người có tính tình dễ nổi nóng và tính khí thất thường, người Mỹ đã có những phản ứng khác nhau, người thì tìm cách trường kỳ kháng chiến, kẻ thì nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đặt lại vấn đề lịch sử và bản sắc Mỹ.
Một điều chắc chắn, theo Courrier International, là người Mỹ trong thời Donald Trump không dễ dàng chút nào.
Donald Trump và sự thái quá
Trong bài xã luận tựa đề : « Vị tổng thống thái quá », Courrier International cho rằng một năm cầm quyền của ông Trump quả đúng là một năm của những sự quá đáng. Tổng thống Mỹ không chỉ thái quá trong ngôn từ, với những tin nhắn Twitter hay lời lẽ đầy tính chất khiêu khích, kỳ thị chủng tộc hay thô lỗ, mà ông còn chạm đến điểm sâu xa nhất của nước Mỹ.
Theo tờ báo Pháp, thực tế hàng ngày thời tổng thống Trump là một sự xúc phạm đến cử tri Mỹ, đến hình ảnh nước Mỹ.
Nếu diễn văn của ông không thay đổi từ khi được bầu, vẫn xen kẽ giọng điệu hùng hồn thời vận động tranh cử với những tuyên bố công phẫn đầy tính chất dân túy, thì bảng sơ kết một năm cầm quyền của ông cho thấy một sự thụt lùi ngày càng xa trên bình diện xã hội.
Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/01/2017, ông đã hứa : « Mỗi quyết định về thương mại, thuế khóa, nhập cư, ngoại giao sẽ được đưa ra vì lợi ích của các gia đình, các người lao động Mỹ ». Thế nhưng, ông đã nuốt lời hứa. Không những người lao động Mỹ bị phớt lờ mà chính sách của tổng thống còn chia rẽ thêm nước Mỹ và chỉ quan tâm đến những kẻ giàu có.
Còn ở nước ngoài thì quả là thảm hại. Cứ mỗi một tuần là có một vụ tai tiếng mới. Nước Mỹ của ông Trump đã trở về « thời đại của lửa và sự cuồng nộ » như tuần báo Đức Der Spiegel đã chạy tựa. Và người ta rất muốn nói (như trong phim) « Washington, we’ve got a problem - Washington ơi, chúng tôi đang có chút vấn đề » nhưng không phải là một cách hóm hỉnh.
L’Obs : Nền dân chủ Hoa Kỳ trong cơn hấp hối ?
Cũng đánh giá về nước Mỹ sau một năm cầm quyền của tổng thống Trump như Courrier International, nhưng tuần báo L’Obs lại rất bi quan, và ở trang quốc tế đã cho rằng « Nền dân chủ Hoa Kỳ đang thoi thóp ».
Tờ báo ghi nhận là cho đến giờ này, mọi sự đều êm ả, theo quan điểm của một phần nước Mỹ, không chỉ ở những người ủng hộ ông Trump, mà cả ở nhiều người khác, từng sợ rằng Hoa Kỳ sẽ gặp thảm họa. Nhìn chung, kinh tế vẫn tăng trưởng, thị trường chứng khoán vẫn khỏi sắc, không một cuộc chiến nào nổ ra, kể cả chiến tranh thương mại.
Đối với L’Obs, các cơ chế của nền dân chủ Mỹ vẫn vận hành tốt, nhưng câu hỏi đặt ra là với cách hành xử hiện nay của tổng thống Trump, liệu các cơ chế này còn vững vàng được hay không.
Trong lãnh vực đối ngoại cũng thế, L’Obs công nhận là thế giới không bùng nổ trong năm 2017, nhưng trong năm 2018 này, không có gì là chắc chắn cả. Theo tuần báo Pháp : « Trump đã rải ra nhiều quả mìn, đến mức mà ngày nay, ta chỉ còn cách cầu trời cho những trái mìn đó đừng nổ ».
Và L’Obs nêu bật ba ví dụ : Bắc Triều Tiên, với trò « nút bấm của tôi lớn hơn nút bấm của anh », vùng Trung Đông với ưu tiên quan hệ với Ả Rập Xê Út, với ý định phá hủy hiệp định hạt nhân Iran, và với việc đứng hẳn về phe Israel trong cuộc tranh chấp với Palestine.
Theo tạp chí Pháp, trên trường quốc tế, chưa bao giờ có tổng thống Mỹ nào bị cô lập như ông Trump hiện nay, và ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập một liên minh quân sự nếu chiến tranh bùng lên.
Mặt khác, đường lối ngoại giao của ông không chỉ thiếu nhất quán đối với các đồng minh của Mỹ, mà còn mở rộng cửa cho Nga, và nhất là cho Trung Quốc, vốn rất sung sướng khi được dịp chiếm lấy quyền lãnh đạo thế giới 10 năm sớm hơn thời hạn mà chính Bắc Kinh dự trù.
Nhật Bản : Nghề làm thế thân
Riêng về châu Á, Courrier International trích tờ báo Mỹ The Atlantic, đã nhìn sang Nhật Bản và chú ý đến một hiện tượng xã hội ngày càng phổ biến : Đó là thuê người đóng đủ vai trò từ bạn bè, đồng nghiệp cho đến người thân, thậm chí người chồng… để giữ thể diện hoặc do nhu cầu hành chính !
Phóng viên của báo The Atlantic đã gặp một nhân vật đảm trách dịch vụ này : Yuichi Ishii, 36 tuổi, đã đóng rất thành thạo những vai từ bạn đời, cha, anh, người thân buồn bã trong đám tang...
Cách đây 8 năm, Yuichi đã thành lập công ty Family Romance, cung cấp dịch vụ nói trên với khoảng 800 diễn viên chuyên nghiệp - có cả trẻ em lẫn người già - đóng đủ mọi vai trò trong đời sống riêng tư. Công ty rất hãnh diện cho là có thể đáp ứng mọi yêu cầu, trong mọi tình huống có thể tưởng tượng được, giúp lấp những khoảng thiếu vắng quá nặng nề hay những khoảng trống mà nhiều người xem như những thất bại trong cuộc đời họ. Trong một xã hội mà cuộc sống ngày thêm cô độc, thì loại dịch vụ này phát triển vô cùng nhanh chóng.
Trả lời phóng viên The Atlantic, Yuichi kể lại rằng vai đầu tiên của anh, là đã đóng vai người chồng cho một cô bạn gái, một người mẹ đơn thân muốn ghi tên cho con trai vào một trường tư thục nhưng bị từ chối vì lý do duy nhất là đứa bé không có cha. Bất bình trước bất công xã hội này, Yuchi đã đóng vai người cha đứa bé. Nhưng lần đó anh đã không thành công, không thuyết phục được nhà trường.
Chính sau sự kiện đó mà Yuchi đã nghĩ đến thành lập công ty dịch vụ và đã gặt hái thành công đầu tiên. Khách hàng cũng là một bà mẹ đơn thân, tìm người đóng vai người cha cho cô gái 12 tuổi, thường bị sách nhiễu vì không có cha.
Yuchi Ishii đã đóng vai này 8 năm nay và là người cha duy nhất mà cô bé biết đến. Nay cô bé này đã học xong trung học, và bà mẹ vẫn không cho biết sự thật. Yuchi sẽ phải tiếp tục vai trò của mình, có lẽ cho đến khi cô bé lấy chồng và sau đó đóng nốt vai trò ông ngoại !
Nếu cô bé khám phá sự thật thì sẽ là một cú sốc, cho nên câu hỏi đầu tiên đối với khách hàng là có thể nói dối lâu dài được không. Đây là khó khăn lớn nhất. Đối với cô bé gái nói trên khả năng cô khám phá sự thật không phải không có. Tại Family Romance mỗi diễn viên chỉ có thể đóng song song 5 vai mà thôi, để bí mật được giữ kín…
Trung Quốc : Sách sử bỏ chương về Cách Mạng Văn Hóa
Courrier International trích các trang mạng và báo Hồng Kông tiết lộ thông tin về sách sử mới cho học sinh trung học, bỏ đi chương về Cách Mạng Văn Hóa thời Mao như giảng dậy hiện nay.
Thông tin này đã được tiết lộ trên trang mạng Giảng Sử Đường (Jiangshitang) ngày 10/01 và đã được cư dân mạng phố biến nhanh chóng, gây tranh luận sôi nổi, theo website Hồng Kông HK01. Trang tiết lộ thông tin đã bị kiểm duyệt chỉ sau 4 tiếng đồng hồ, tài khoản bị đóng.
Trong sách giáo khoa mới sắp được sử dụng thì giai đoạn 1966-1976, giai đoạn mà Trung Quốc bị xáo trộn dữ dội, một thời kỳ tai ác, sẽ được nêu ngắn trong 6 đoạn, đưa vào mục thời khởi đầu của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (từ năm 1949).
Chi tiết ít hơn, ca ngợi nhiều hơn
Các quyết định của Mao trong thời gian này không còn được cho là « sai lầm » như trong bản cũ. Sách mới khẳng định là việc khởi động Cách Mạng Văn Hóa « đã có những nguyên nhân lịch sử và xã hội phức tạp » và đối với với đảng Cộng Sản Trung Quốc đó là « một đường vòng trong những mò mẫm (của đảng) » và kết luận « trong thế giới này, không có gì tiến triển chỉ dưới một ngọn gió thuận lợi, lịch sử thế giới kinh qua những diễn tiến ngoằn ngoèo, những thành công và thất bại ».
Theo tờ Minh Báo Hồng Kông, sách sử mới do bộ Giáo Dục Trung Quốc biên soạn và dĩ nhiên là phần phân tích thì họ đã đưa bộ Tuyên Truyền đọc lại. Do đó người ta có thể tự hỏi là sự thay đổi này có phải là dấu hiệu một sự chuyển biến chính trị chính thức hay không ?
Đối với tờ báo Hồng Kông, « Việc bình thường hóa Cách Mạng Văn Hóa là một ý định không tốt, vào lúc kỷ niệm cải cách thì không nên quên lịch sử ». Tạp chí Courrier International nhắc lại là năm 2018 đánh dấu 40 năm cải cách của ông Đặng Tiểu Bình.
L’Obs : Nữ văn sĩ bí ẩn với 2 triệu độc giả
Trở lại với trang bìa và hồ sơ đặc biệt của các tuần báo Pháp, L’Obs tuần này đã giới thiệu bài phỏng vấn độc quyền một nữ văn sĩ Ý với tựa lớn : « Rốt cuộc Elena Ferrante đã lên tiếng », bên cạnh một tiểu tựa mang tính giải thích : « Người mà không ai biết với 2 triệu độc giả ».
Ở trang trong, L’Obs nói rõ hơn : « Kể từ khi công bố tập đầu tiên của tiểu thuyết “Người bạn gái phi thường” vào năm 2011, nữ tiểu thuyết gia người Ý đã gặt hái thành công lớn trên toàn thế giới. Thế nhưng, bà không đồng ý tiết lộ danh tính của mình ».
Tuy nhiên, nhân dịp tập thứ tư trong tiểu thuyết của mình ra mắt độc giả, nhà văn đã dành riêng cho tuần báo L’Obs bài phỏng vấn duy nhất tại Pháp. Ba tập đầu tiên của tiểu thuyết Người bạn gái phi thường của Elena Ferrante dịch ra tiếng Pháp, đã bán được cả triệu bản.
Pháp : Hơn 600 công chức có lương cao hơn tổng thống Macron
Về nước Pháp, L’Obs có một hồ sơ rất thú vị, tìm hiểu về những công chức cao cấp có mức lương cao hơn cả tổng thống Emmanuel Macron.
Tuần báo đã giới thiệu quyển biên khảo Những kẻ bất khả xâm phạm trong guồng máy Nhà Nước của Vincent Jauvert, phóng viên của L’Obs chuyên theo dõi những vấn đề liên quan đến giới công chức cao cấp.
Ghi nhận của nhà báo này rất cay đắng khi phát hiện ra sự suy đồi, bất chấp các quy tắc đạo đức của giới trên nguyên tắc là phải phục vụ Nhà Nước. Nhà báo đã nêu ví dụ của những người nguyên là « trùm sò » tại Bercy, tức là bộ Kinh Tế Tài Chánh, đã « bán mình » cho các công ty đa quốc gia để chỉ cho những ông chủ mới của họ tất cả những kẽ hở trong luật thuế do chính họ đề ra.
Nhà báo cũng tiết lộ mức lương khổng lồ của các công chức cao cấp, với hơn sáu trăm người có mức cao hơn cả mức lương của tổng thống Pháp, từng được ấn định từ thời tổng thống François Hollande là 150.000 euro mỗi năm.
Theo số liệu của năm 2012, có sáu trăm người kiếm được hơn khoản tiền nói trên, đứng đầu là các công chức bộ Ngoại Giao, với 300 người. Còn năm 2015, riêng bộ Kinh Tế-Tài Chánh, cũng đã có 150 người được khoản lương cao ngất ngưởng.
L’Express gáy vang về kinh tế Pháp !
Cũng chú ý đến nước Pháp, nhưng tuần báo L’Express đã nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế, với hình trên trang bìa là một con gà trống với lông ba màu xanh trắng đỏ của quốc kỳ Pháp. Đặc điểm là con gà này đang chống nạng để đi. L’Express giải thích bằng hàng tựa lớn « Vực dậy rồi, nhưng mà... », ý muốn nói đến sự hồi phục kinh tế.
Tiểu tựa ở trang bìa L’Express nói rõ thêm : « Tăng trưởng kinh tế vẫn mong manh, các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng thêm người một cách khó khăn ». Bên trang trong, tuần báo còn đi sâu vào phân tích các « lợi thế và khuyết điểm » của kinh tế Pháp.
Thế nhưng, L’Express vẫn rất lạc quan khi ghi nhận uy tín của nước Pháp bắt đầu tăng cao trở lại trên trường quốc tế : « Phải chăng thời kỳ nước Pháp bị bêu riếu đã qua rồi? Dẫu sao thì trong khoảng thời gian vài tháng nay, tình yêu nước Pháp ở ngoại quốc đã trở lại, thậm chí láng giềng Anh Quốc, thường khi hay đả kích những “Froggies” (“Lũ ếch”, biệt danh người Anh dùng để chỉ người Pháp, nổi tiếng là thích ăn đùi ếch), cũng phải công nhận thực tế đó ».
Theo L’Express, trên bình diện chính trị, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được các tờ báo và tạp chí lớn ở Anh, Mỹ và Đức đưa lên trang nhất để khen ngợi. Kết quả là nước Pháp đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng thường niên Soft Power 30 của các nước có ảnh hưởng nhất trên thế giới, vượt qua cả Mỹ.
Kết quả này đã được công bố trước khi Paris giành được quyền tổ chức Thế Vận Hội 2024, trước lúc Viện Bảo Tàng Louvre ở Abu Dhabi mở cửa hồi tháng 11/2017, và trước cả ngày công bố số liệu rất tốt về thành tích của điện ảnh Pháp ở nước ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét