Có thể mô tả nền chính trị Philippines như một cuộc đấu
tranh quyền lực trong giới đầu sỏ, những người quan tâm nhiều đến quyền lợi của
cá nhân và giai tầng riêng của họ thay vì quyền lợi của đa số người nghèo. Chức
vụ trở thành tài sản gia đình, được giới này dùng để bảo vệ các lợi ích kinh
doanh và các lợi ích khác của các gia tộc, và bảo vệ họ khỏi các đe dọa chính
trị. Vi Yên
Ông Phó Chủ Tịch Quận I, Sài Gòn – người phát động
chiến dịch giành lại vỉa hè – vừa được trang Tạp Chí Luật Khoa bình
chọn là một trong mười nhân vật chính trị Việt Nam năm 2017, cùng với
nhận xét (nghe) không được “ưu ái” gì cho lắm:
“Đoàn Ngọc Hải là đại
diện tiêu biểu cho một lối tư duy máy móc về pháp luật và thượng tôn pháp luật.
Những văn bản về giao thông đường bộ được ông coi như một thanh thượng phương bảo
kiếm, có thể dùng để sát phạt bất cứ hành vi vi phạm nào mà không cần cân nhắc
đến tính hợp lý của văn bản và quy trình áp dụng, đến văn hoá kinh tế vỉa hè của
một đất nước có trình độ phát triển thấp, và đến hiệu quả của việc thực thi
pháp luật.”
Cùng lúc, trên trang Một Góc Nhìn Khác, nhà báo
Trương Duy Nhất cũng có đôi lời (không mấy nhẹ nhàng) về sự xốc nổi
của vị quan chức cách mạng này:
“Sau vài tháng tan hoang như chiến trận, quận 1 vẫn không thể
thành… Singapore, vỉa hè vẫn trở lại muôn dặm vỉa hè như cũ.”
Đời không ít kẻ sinh bất phùng thời. Riêng trường
hợp Đoàn Ngọc Hải thì hơi khác. Ông ấy (chả may) lại sinh trật chỗ.
Nếu ông Hải giữ một chức vụ tương tự ở Manila thì chắc chắn đã
không phải lãnh búa rìu dư luận. Thủ đô của Philippines rất ít hàng
rong, và đường xá – đôi nơi – chả có tí vỉa hè nào ráo trọi.
Đôi khi, khách bộ hành phải đi me mé bên mấy con lộ
hẹp (không lề) nghe tiếng gió vù vù mà hồi hộp thấy bà luôn. Xe
“tin” chết như không. Chỉ được cái là quan chức ở Phi không vị nào
phải từ chức vì thất bại trong “trận chiến dành lại lề đường,” như
ông Đoàn Ngọc Hải.
Tôi chỉ tạt qua Manila vài bữa nhưng đổi phòng ngủ
mỗi ngày, ở mấy quận hạt khác nhau: Makati, Malabon, Parañaque ... Nơi
đâu cũng thấy nét nổi bật là sự
nghèo nàn. Nhà cửa, đường xá, cầu cống đều cũ kỹ và tàn tạ.
Phương tiện vận chuyển cũng vậy. Xe cộ thô sơ, cổ lỗ, ọp ẹp ... thấy
mà ghê.
Thủ đô của Phi – ngó bộ – thua xa Bangkok và chắc chỉ nhỉnh hơn
Phnom Penh, Vientiane hay Rangoon chút xíu xiu thôi. Có thể đổ lỗi cho
chủ nghĩa độc tài cộng sản hay đám quân phiệt toàn trị về chuyện
nghèo nàn ở Miên, ở Lào, hay Miến nhưng giải thích sao về sự lam lũ
của Phi?
Chỉ qua cái tên (Philippines) cũng biết đất nước này
rất gần gụi với phương Tây. Được tự trị từ năm 1935, hoàn toàn độc
lập từ năm 1946. Hiến pháp và chính phủ
tổ chức theo khuôn mẫu Hoa Kỳ. Tam quyền phân lập đàng hoàng.
Người dân có tất tần tật mọi quyền tự do căn bản: cư trú, di chuyển,
ngôn luận, tín ngưỡng, sở hữu tài sản đất đai ...
Theo World Bank, GPD của Phi Luật Tân (2,951.07 USD) vượt
hẳn Lào (2,353.01) và hơn gấp đôi Miên (1,269.91) với Miến (1,195.02).
Tuy thế, Manilla trông cũng “nhếch nhác” chả khác gì Phnom Penh,
Vientiane hay Rangoon cả.
Hiện tượng “bất thường” này được lý giải, phần
nào, qua một bài viết ngắn (“Giới Chính Khách Giầu Có Ở
Philippines”) của nhà báo Vi Yên:
Từ thời Philippines còn là thuộc địa của Tây Ban Nha
(1565-1898), giới địa chủ kiểm soát phần lớn đất đai và chi phối luôn nền chính
trị nước này.
Dưới thời kỳ thuộc địa của Mỹ (1898-1946), quyền lực của những
người này không những không bị phá hủy mà còn được củng cố. Họ có thể sử dụng địa
vị của mình trong chính quyền thuộc địa để mở rộng kiểm soát sang các lĩnh vực
khác như công nghiệp, thương mại, và ngân hàng.
Bằng việc nắm quyền trong một thời gian dài, nhiều chính trị
gia đã coi chức vụ chính trị như thuộc về gia đình để truyền từ thế hệ này sang
thế hệ kế tiếp. Điều đó có nghĩa là quyền lực chính trị được vĩnh viễn hóa, dẫn
đến sự xuất hiện của các gia tộc chính trị.
Từ khi độc lập năm 1946 tới trước thời của Tổng thống
Marcos, Philippines đã trải qua nhiều thay đổi. Các thiết chế dân chủ đại diện
theo mô hình phương Tây được thiết lập. Tuy nhiên, cấu trúc quyền lực thực tế vẫn
như cũ, khi mà quyền lực luôn nằm trong tay các gia tộc giàu có ấy.
Năm 1965, Marcos lên nắm quyền, và điều hành đất nước bằng
thiết quân luật từ năm 1972 đến năm 1981. Dựa vào đó, ông thay thế những tay đầu
sỏ thời hậu chiến bằng nhóm của riêng mình, gọi là Marcoses. Nhưng rồi ông bị lật
đổ trong cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dân (EDSA) sau 21 năm tại vị, nhường chỗ
cho giới giàu có quay trở lại và tái lập sự cai trị mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Giờ đây, nhìn con số thu nhập quốc gia gia tăng hàng năm của
Philippines, ít ai nghĩ rằng hết ba phần tư số này nằm trong tay 40 người giàu
nhất đất nước.
Manila: ảnh chụp năm 2017
Cứ nhìn vào con số hằng chục tỷ Mỹ Kim bị nuốt
gọn, qua những “phiên toà xét xử đại án kinh tế năm 2017” ở xứ Việt,
cũng có thể đoán được rằng “thu nhập quốc gia” của đất nước này
đang nằm trong tay những ai. Phiên toà vào ngày 3 tháng 1 năm 2018, và
“bản án tử hình dành cho ông Đặng Văn Hiến” ở Dak Nong cũng cho mọi
người thấy rõ là cái đảng của giai cấp công nông VN đang đứng về
phía nông dân hay địa chủ.
Trong tương lai gần, Thể Chế Chính Trị Đại Gia
(Oligarchy) rất có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam để thay thế cho cái
Chủ Nghĩa Xã Hội bệnh hoạn hiện nay. Rồi ra nước Việt cũng sẽ có
đa nguyên đa đảng, thượng viện hạ viện, tam quyền phân lập. Người Việt
cũng sẽ có tất cả những quyền tự do căn bản: ngôn luận, tín ngưỡng,
sở hữu tài sản đất đai ... nhưng tình trạng nghèo đói và bất công
thì e vẫn không khác hiện cảnh là bao. Nguy cơ này có thể tránh được
hay không thì còn tùy, tùy vào dân trí và dân khí của người dân
Việt. Hay nói cách khác, đỡ mất lòng hơn, là tùy vào phúc phận của
chúng ta thôi. Mà phúc phận của dân tộc mình, xem chừng, hơi mỏng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét