Ánh Liên (VNTB)
Ông Đinh La Thăng hai lần khóc khi tự bào chữa, và để nhẹ tội - ông dẫn hoàn cảnh gia đình, cũng như lời nhắn nhủ ông Tổng Bí thư về ‘kỷ luật nhân văn’.
Biện chứng và khoa học tham nhũng?
Ông Nguyễn Phú Trọng trong một buổi tiếp xúc cử tri trước đây từng nhấn mạnh rằng: Có quyền lực trong tay thì có tham nhũng. Và như ‘Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng’.
Khoa học và biện chứng thực tế là: Có quyền lực trong tay thì có tham nhũng.
Và nếu xét trên phương diện này thì cơ chế nào sẽ nảy sinh ra thứ quyền lực tham nhũng đó. Nếu Đường Tăng đi vào cơ chế tại Việt Nam, thì Đường Tăng cũng phải biết cách 'hối lộ' mới mong thỉnh được kinh phật về.
Bởi cơ chế Việt Nam là cơ chế của tham nhũng và hối lộ! Cũng chính vì lý do này, mà không bất kỳ nhà đấu tranh nhân quyền nào nổi bật nhất của Việt Nam cũng lo ngại một 'anh hùng' xuất hiện, nhưng nếu không có sự cải đổi thiết chế theo hướng kiểm soát quyền lực thì chẳng mấy chốc, từ người anh hùng sẽ chuyển sang tên đại tham nhũng.
Mugabe - từ anh hùng dân tộc Zimbabwe đến tổng thống tham nhũng bậc nhất cũng là vì vậy.
Nhìn lại vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh thì có thể thấy rõ, nếu cả hai ông 'tướng' này được đặt trong một thể chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, thì có lẽ, cả hai ông đã không 'biến tướng' một cách xấu xa, hoặc đã bị 'trừng phạt' từ cái thời ngồi ở văn phòng trụ sở PVN rồi, chứ không phải leo cao lên chức Ủy viên Bộ Chính trị hay Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Do vậy, nếu khoa học và biện chứng, thì sẽ đặt tiếp vấn đề là làm thế nào để Đường Tăng đi thỉnh kinh không phải hối lộ hay giới công - nhân - viên chức nhà nước như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh khi thực hiện nhiệm vụ nhà nước sẽ hạn chế thấp nhất tham ô, hối lộ?
Bổ nhiệm cán bộ một cách chặt chẽ hơn? Đúng - nhưng nó chỉ là một phần! Con người nằm trong guồng máy, nếu con người được kiểm soát, mà guồng máy vẫn như cũ thì sẽ đến một lúc con người đó sẽ bị tha hóa.
Kiểm soát quyền lực bằng cách nâng cao vị thế của sự kiểm soát chéo giữa các cơ quan quyền lực nhà nước là điều cần thiết. Và điều này chỉ tồn tại khi và chỉ khi Nhà nước thực hiện được mô hình tam quyền phân lập.
Nhưng vừa qua, Quy định 102/QĐ năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN ban hành cho biết: Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, ‘xã hội dân sự’.
Vậy là Đảng viên - những người nằm trong vị trí chủ chốt vận hành bộ máy nhà nước, thể chế hiện tại sẽ chỉ còn dựa vào cái 'đạo đức cách mạng' cực kỳ mơ hồ và có phần phiêu lưu trong thể chế còn nhiều yếu kém về ý thức pháp luật để trở thành một người công chính!
Đó là điều không tưởng! Bởi ông Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh ra tòa cũng xuất phát từ chính sự kỳ vọng về 'đạo đức cách mạng' để không nhúng chàm đó chứ đâu?
Cần nhắc lại, tam quyền phân lập và xã hội dân sự từng nhiều lần bị ‘đấu tố’. Vào tháng 3/2013, ông GS.TS Phan Xuân Sơn, khi ‘góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992’, đã khẳng định, mô hình hoàn toàn tam quyền phân lập không phù hợp với mô hình nhà nước chúng ta, và lý do trọng yếu nhất là lo sợ ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo của ĐCSVN.
Nỗi lo về tam quyền phân lập hay xã hội dân sự không khác gì nỗi lo về ‘cơ chế kinh tế thị trường’ trước đây liên quan đến nỗi sợ phai nhạt con đường tiến lên XHCN của Việt Nam.
Nhưng tiến triển xã hội cho thấy, những thành tựu của mô hình Nhà nước tư bản là thành tựu chung của xã hội loại người, và nó sẽ không loại trừ bất kỳ mô hình chính trị riêng biệt nào – nếu mô hình đó không muốn chết yểu và bị cô lập.
Phá và khóc!
Trở về với tham nhũng, liệu các vị Ủy viên Bộ Chính trị sẽ nhìn thấy gương của ông Đinh La Thăng mà không nhúng chàm? Sợ thì có! Nhưng dứt khoát về bản chất sẽ trở về với chiếc cối xoay tham nhũng, bởi cơ chế kiểm soát quyền lực mang tính độc lập đã bị cấm,…
Ông Đinh La Thăng, suy cho cùng cũng chỉ là con bài bị lật ngửa ra trước mà thôi.
Và biện chứng lẫn khoa học về ‘tham nhũng’ nếu loại trừ cơ chế tam quyền phân lập hay xã hội dân sự, thì nó cũng bóc trần đây chỉ là biện chứng ngụy biện, khoa học thụt lùi; tránh né sự thật về tham nhũng; tin tưởng một giải pháp dung hòa giữa giữ quyền lực tuyệt đối nhưng vẫn phòng chống được lạm dụng quyền lực.
Tất nhiên, đó chỉ là điều viển vông.
Và vì viển vông nhưng vẫn được 'kỳ vọng', nên ông Đinh La Thăng mới kỳ vọng vào một 'kỷ luật nhân văn' của Đảng. Một kỷ luật phá cứ phá, nhưng khi phá xong vẫn mong muốn được hưởng một mức án nhẹ hơn dân thường.
Phá - khóc và cười khi giảm án? Một quy trình đặc quyền của đảng viên khi không có cơ chế kiểm soát.
Như với người viết, thì: Hòa Thân cũng phải chết!
Công – tội phải phân minh, không thể lấy lý do gia đình hay câu nói của bất kỳ ai làm bệ đỡ nhằm giảm đi những tội trạng của mình. Bởi đó là thực thi đúng về nguyên tắc thượng tôn pháp luật (án tại hồ sơ). Nếu không, giá trị phiên tòa về phòng chống tham nhũng sẽ trở về giá trị 0.
Càng đáng xấu hổ hơn nếu đòi hỏi một người như ông Đinh La Thăng phải ‘trắng án’! Và điều kiện như thế mà đặt trong bối cảnh phiên tòa, đồng nghĩa ông Đinh La Thăng và những cán bộ như ông Đinh la Thăng tiếp tục 'nhúng chàm', tiếp tục quy trình phá xong rồi khóc, khóc xong rồi cười!
Pháp luật XHCN, tính biện chứng và khoa học về tham nhũng của nhà nước CHXHCNVN có phải là 'kỷ luật nhân văn', là sự cổ động 'các chú cứ phá' để rồi 'khoan hồng' theo tình đồng chí?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét