Du khách chụp ảnh dưới bức tượng khắc hình
tên lửa đạn đạo trên băng đá tại công viên Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, ngày
01/01/2018 - REUTERS
Lãnh đạo Kim Jong Un trong bài phát biểu chúc mừng năm mới
khẳng định Bắc Triều Tiên sẽ sản xuất nhiều hơn nữa đầu đạn hạt nhân, cảnh cáo
Hoa Kỳ về sức mạnh nguyên tử của nước này, nhưng đồng thời có một cử chỉ hòa dịu
với miền Nam. Một dấu hiệu hòa hoãn thật tâm từ Bình Nhưỡng ?
Nhìn lại một năm qua, Bắc Triều Tiên đã khiến thế giới ngỡ
ngàng trước sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ tên lửa đạn đạo sau mỗi lần thử,
bất chấp các lệnh trừng phạt nối tiếp nhau của Liên Hiệp Quốc.
Thế giới bất lực trước việc cản trở Bình Nhưỡng phát triển
chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Tương lai bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ
mù mịt khi mà bản thân Hoa Kỳ cho đến giờ chưa có được một kế hoạch cụ thể nào
ngoài việc gia tăng các biện pháp trừng phạt.
Chính quyền tổng thống Donald Trump chỉ biết tìm cách « tán tỉnh
» Trung Quốc với hy vọng nước này ngưng cung cấp dầu hỏa cho chế độ Bình Nhưỡng.
Một biện pháp mà cho đến giờ Bắc Kinh luôn phản đối do e sợ sự sụp đổ chế độ Bắc
Triều Tiên và viễn cảnh lính Hàn Quốc và Mỹ ngay sát cửa nhà mình. Theo như nhận
định của báo Anh The Guardian, tổng thống Mỹ dường như chẳng có trong tay một
quân bài ngoại giao quan trọng nào phòng cho lúc hữu dụng.
Vẫn theo nhật báo Anh, việc Washington gạt bỏ mọi lo ngại là
tên lửa Bắc Triều Tiên có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ có thể gây ra những hậu
quả nghiêm trọng cho hai đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả Tokyo và Seoul đều
ngày càng lo sợ rằng cam kết an ninh của họ với Washington sẽ bị lung lay và
Hoa Kỳ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc đều nằm trong tầm ngắm của Kim Jong Un.
Trong bối cảnh này, mọi thách thức giờ như đặt trong tay thủ
tướng Shinzo Abe. Với thắng lợi cuộc bầu cử Quốc Hội hồi mùa thu năm 2017, vị
thủ tướng bảo thủ mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc này mong muốn tăng cường
hơn nữa an ninh cho đất nước trong vòng 12 tháng tới. Đồng thời ông thông báo
mua tên lửa hành trình cho phép đánh phủ đầu các mục tiêu quân sự của Bắc Triều
Tiên.
Có điều, để làm được điều đó, thủ tướng Nhật Bản tuy đã có
được đa số ở Nghị Viện, nhưng vẫn phải thuyết phục người dân thay đổi một số điều
khoản trong Hiến Pháp chủ hòa, mà ông và các đồng minh chính trị cho rằng giờ
không còn hợp thời nữa và bất công trong bối cảnh đe dọa hạt nhân Bắc Triều
Tiên và tranh chấp biển đảo với Trung Quốc tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nói tóm lại, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đã thống trị cảnh
quan địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương trong suốt năm 2017 và vẫn sẽ tiếp
tục ngự trị, phủ bóng đen lên khu vực trong năm 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét