Ông Phan Văn Anh Vũ (giữa, áo trắng) thời còn oanh liệt năm
2016-Getty Images
Một nhà quan sát nước ngoài cho rằng nếu ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt và đưa trở về Việt Nam, vụ việc sẽ tác động đến cả Bộ Công an Việt Nam và thành phố Đà Nẵng.
Singapore đã xác nhận đang tạm giữ ông Anh Vũ, còn có biệt danh Vũ 'nhôm', từ hôm 28/12 vì "vi phạm theo Luật Di trú". Việt Nam đã phát lệnh truy nã ông Anh Vũ sau khi khởi tố ông này về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".
'Có thể cung cấp tin về Trịnh Xuân Thanh'
Từ Úc, chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam, giáo sư Carl Thayer, nói với BBC rằng nếu ông Anh Vũ bị Việt Nam bắt, vụ này sẽ có "tác động tức thì" tới Bộ Công an Việt Nam và thành phố Đà Nẵng.
Còn theo đài phát thanh quốc tế của Đức Deutsche Welle, một luật sư Đức, Victor Pfaff, đại diện cho ông Anh Vũ, đã tuyên bố ông Anh Vũ là Thượng tá ngành tình báo của Tổng cục 5, Bộ Công an.
Một lá thư của luật sư Victor Pfaff nói rằng Tổng cục 5 "thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và kêu gọi chính phủ Đức cho ông Vũ vào Đức vì "nguyên do nhân đạo khẩn cấp".
Các luật sư người Singapore của ông Anh Vũ cũng đã tuyên bố gia đình ông Vũ thừa nhận ông là sĩ quan an ninh Việt Nam.
Đức cáo buộc an ninh Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, trong khi Việt Nam bác bỏ, nói rằng ông Thanh tự nguyện quay về nước.
Luật sư Đức Victor Pfaff đang thúc giục chính phủ Đức can thiệp vào trường hợp Anh Vũ, với lý do ông Vũ "có thể cung cấp thông tin giá trị về vụ bắt cóc ông Xuân Thanh và các vấn đề khác", theo thư luật sư này gửi cho Sứ quán Đức ở Singapore.
Giáo sư Carl Thayer chỉ ra rằng hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Phan Văn Anh Vũ có điểm trùng hợp là hai người này đều tìm cách sang Đức để xin tị nạn.
"Luật pháp Đức không cho phép dẫn độ sang các nước nơi có thể có án tử hình," ông Thayer giải thích.
Nhưng ông Thayer nói tội danh Việt Nam quy cho hai người này khác nhau.
Trịnh Xuân Thanh bị truy tố tội tham ô theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình.
Trong khi đó, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" mà ông Anh Vũ bị khởi tố có thể lĩnh mức án cao nhất là 15 năm tù.
Điều gì tiếp theo?
Trả lời BBC từ Ottawa, Canada, hôm 03/01, luật sư Vũ Đức Khanh bình luận:
"Theo quan điểm của cá nhân tôi, trường hợp của ông Anh Vũ không hề đơn giản chút nào vì thế ông mới bị tạm giam đến hôm nay.
"Theo quy định pháp luật của Singapore, các cơ quan chấp pháp chỉ được quyền giữ người trong vòng 48 giờ. Sau đó, người bị tạm giam phải được đưa đến một thẩm phán để được quyết định về lệnh tạm giam này. Nếu cơ quan chấp pháp không thuyết phục được thẩm phán về quyết định tạm giam của họ, thẩm phán sẽ thả ngay. Tuy nhiên, điều 27 khoản 1 và 2 luật Di trú Singapore cho phép cơ quan di trú tạm giữ ông không quá bảy ngày để tiếp tục điều tra.
Theo nhận xét của tôi thì có nhiều khả năng Cục Di trú Singapore (ICA) đã ra quyết định tạm giam đối với ông Anh Vũ và đã được thẩm phán đồng ý hôm 30 hoặc 31/12/2017. Nếu không thì ngày 3/1, ICA buộc phải đưa ông ra tòa theo luật định. Cũng cần nói thêm là ông Anh Vũ theo luật vẫn có quyền kháng cáo quyết định tạm giữ của ICA.
Theo luật này, nếu ông Anh Vũ bị kết tội thì Chính phủ Singapore có quyền giam ông tối đa 6 tháng hoặc phạt 1.000 đôla hoặc cả hai."
Tác động tình hình Đà Nẵng?
Hôm 26/12, UBND TP Đà Nẵng có quyết định đóng băng tài sản của ông Anh Vũ.
Được biết đến là đại gia bất động sản ở Đà Nẵng, ông Anh Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, và là chủ tịch công ty Sunrise Bay.
Báo Người Lao Động nói trong 9 dự án tại Đà Nẵng đang bị Bộ Công an điều tra, có tới 5 dự án được cho là liên quan ông Anh Vũ.
Ông Anh Vũ cũng bị cáo buộc là có khả năng tác động đến chính trường Đà Nẵng.
Mới đây, khi gặp các sĩ quan quân đội nghỉ hưu, tân Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa bị đặt câu hỏi rằng có nhiều tin đồn về ông Anh Vũ, mà dân không biết thực hư.
Ông Nghĩa trả lời rằng cơ quan chức năng sẽ làm rõ câu trả lời Vũ "nhôm" là ai.
Trong bối cảnh này, giáo sư Carl Thayer cho rằng ông Vũ "có thể biết, hay liên quan tới, những bê bối nhà đất mà đã dẫn tới việc cách chức Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh".
Từ Mỹ, một chuyên gia khác, Tiến sĩ Zachary Abuza, lại quan tâm tới việc Việt Nam truy nã những người chạy trốn ra nước ngoài.
"Cánh tay luật pháp Việt Nam đang kéo dài hơn."
"Mặc dù những biện pháp ngoài luật pháp được dùng trong vụ Trịnh Xuân Thanh, có vẻ như Việt Nam cũng đang tìm cách hợp tác song phương để xúc tiến dẫn độ."
"Việc này quan trọng, vì Việt Nam sẽ cần đủ bằng chứng để có thể được tòa án Singapore chấp nhận trước khi quá trình dẫn độ có thể diễn ra", tiến sĩ Zachary Abuza bình luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét