Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

2337 - Lực lượng 47: liệu có 'xử lý' được mạng xã hội?





Tin tức “Lực lượng 47” thành lập do thượng tướng phó Tổng cục chính trị đưa ta trong hội nghị Tuyên giáo gây hoang mang rung động nhẹ cho dân mạng. Sau đó đích thân Thủ tướng lại công bố “thành lập Bộ tư lệnh tác chiến trên mạng”.

Bộ quốc phòng hồi này chả cần giữ bí mật quân sự gì hết. Thông báo công khai hết.

Trước đó, thượng tướng Nghĩa công bố tự hào rằng10 ngàn lính “vừa hồng vừa chuyên, giỏi công nghệ thông tin” sẵn sàng chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. 

Vậy là, đội ngũ báo chí hùng hậu của Nhà nước đã bó tay, đành phải bận đến quân đội bách chiến bách thắng. 

Về đội ngũ báo chí của Đảng

Về báo giấy, có 849 cơ quan báo và chí in, trong đó có 185 báo trung ương, 99 địa phương; 664 tạp chí, trung ương có 530, địa phương 134.

Về báo điện tử, hiện có 195 cơ quan báo chí điện tử được cấp phép, trong đó, 171 cơ quan báo, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử và hiện có 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

Về phát thanh, truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh (thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết).

Hệ thống Ban tuyên giáo và trường chính trị, trường đảng dày đặc. 

Hệ thống các khoa Lý luận chính trị (tên cũ khoa Mác Lê) rải kín khắp hệ thống đại học cao đẳng. 

Trùng trùng điệp điệp.

Hỏi rằng, ngân sách nhà nước đã hao tốn bao nhiêu tiền của để nuôi hệ thống trên rồi mà vẫn không hiệu quả?

Dư luận viên

Nhắc lại lịch sử ông Hồ Quang Lợi cha đẻ của công trình Dư luận viên cách đây đã 5 năm.

Ông Hồ Quang Lợi trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu kinh nghiệm "Tổ chức nhóm chuyên gia" đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

“Phát biểu tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012, Hồ Quang Lợi đã dùng từ “tuần hành, biểu tình” liên quan đến “biển Đông” với số lượng lên tới "hàng chục cuộc" ở Hà Nội. Theo ông Lợi, về các biện pháp tuyên giáo, thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh.

Ông Hồ Quang Lợi
“Tổ chức nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng. Thành phố cũng đã tổ chức: đối thoại, thuyết phục” với tác giả cuốn "Không thể một lúc đi trên 2 con đường”. Qua đó, tác giả nhận ra sai lầm, cam kết không in, hứa thu hồi những gì đã phát tán. 7 kinh nghiệm - cũng là bài học được ông Lợi rút ra. Trong đó, báo chí, truyền thông cần đưa tin chính xác, kịp thời sẽ ngăn chặn kẻ xấu kích động nhân dân. Chủ động đối thoại trong các vụ việc liên quan đến tư tưởng, đường lối, không để họ đối đầu với chính quyền. Tổ chức các lực lượng quần chúng tham gia đấu tranh (theo báo Lao động).

Từ bấy đến nay, đánh trống bỏ dùi, 5 năm trôi qua, Ban tuyên giáo Hà Nội không hề tổng kết thành tích của đội ngũ “dư luận viên” đặng rút ra “bài học kinh nghiệm” gì nữa. Bởi vì dân chúng đã coi rẻ đội ngũ này, đến nỗi không hề có quan chức nào dám nhắc tới ba chữ ấy nữa.

Đội quân tuyên giáo đã chán chê, bây giờ quân đội lại chi tiền khủng cho 1 đội quân tương tự, hoạt động trong bóng tối, lại càng tha hồ chi tiền không cần hoá đơn đỏ.

Không có đại biểu quốc hội nào đưa vấn đề ra nghị trường. Hình như việc quân sự nước ta thì Quốc hội chớ có hỏi đến. Chưa bao giờ bộ trưởng quốc phòng phải trả lời chất vấn của nghị trường ! Việt Nam cứ như thời chiến tranh ác liệt hoặc là “chế độ quân quản” ngày xưa của Myanmar vậy.

Nhìn lại chặng đường sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, internet Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu, thể hiện qua những chỉ số rất đáng tự hào. Tự hào về tinh thần hội nhập và khao khát thông tin của Nhân dân. Nếu như thời đầu của internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, số người sử dụng internet chỉ đạt đến 205.000 người, thì 10 năm sau, con số này đạt 17 triệu người. Thế nhưng, so sánh với con số hơn 31 triệu người dùng internet vào năm 2012 với hơn 50 triệu người năm 2017 mới thấy được sự phát triển như vũ bão của internet ở Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Internet Việt Nam, với hơn 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số (cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới). 

Ông thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội hôm 25/12 cho biết quân đội hiện có 10.000 người (cán bộ chiến sĩ) lập trường cách mạng vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vừa hồng vừa chuyên, làm nhiệm vụ đấu tranh trên mạng, phản bác, đè bẹp các thế lực thù địch lợi dụng internet.

Đội quân khoảng 1 sư đoàn này được ông Nghĩa gọi là "lực lượng 47". Còn dân gian gọi nôm na là “Dư luận viên đời mới”.

Nước Anh đã từng có “Lực lượng 79” gọi tắt (nguyên nghĩa The 79th Armoured Division: Lữ đoàn vỏ bọc số 79). “Lực lượng 79” của nước Anh là đơn vị quốc phòng chống xâm lược.

“Lực lượng 79” ra đời nhằm chống lại phát xít Đức mở chiến dịch tuyên truyền do tên tiến sĩ Gơ-ben phụ trách. Phe phát xít vốn rất coi trọng mặt trận tuyên truyền. Đảng quốc xã của Hitler chính nhờ tuyên truyền “đen” mà lôi kéo cả một dân tộc Đức đi theo con đường hoang tưởng và bi thảm. Bởi vậy, quân Đồng minh, cụ thể là quân đội Anh phải mở chiến dịch phản tuyên truyền. Họ thành lập đơn vị đặc nhiệm mang tên The 79th Armoured Division.

Nhiệm vụ của “Lữ đoàn vỏ bọc 79” là phản công và tấn công mặt trận tuyên truyền của phe phát xít. Đó là hành động quốc phòng chân chính.

Ở nước ta, Lực Lượng 47 chống lại ai?

Theo lý, đơn vị này phải chống lại kẻ xâm lược hiện thời và tiềm năng của đất nước.

Tuy nhiên trong Hội nghị tuyên giáo bàn về xử lý mạng xã hội, “lực lượng” này được công bố.

Toàn thể cộng đồng mạng internet Việt Nam chiếm khoảng 50- 60 triệu người. Họ không cần thành lập “mặt trận” chống ai cả. Họ sống trên FB tự nhiên như đời sống thường nhật, chia sẻ cho nhau thông tin cần thiết, với đủ cảm xúc vui buồn hờn giận lo âu và hào hứng mê say trên mạng xã hội. Khi cần thiết họ báo động cho báo chí và chính quyền biết bao vấn đề cần thiết. Ví như sự kiện xấu hổ vừa xảy ra, Nhà hát Lớn Hà Nội và Cục biểu diễn đón mời ĐOÀN CA MÚA NỘI MÔNG TRUNG QUỐC sang diễn ngay vào ngày 19/1- ngày quần đảo Hoàng Sa bị đánh chiếm. Báo chí nhà nước im thin thít, mạng xã hội kêu thét lên. Một Facebooker nhạy cảm là cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang vội điện thoại ngay cho Bộ trưởng Bộ văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện. Ông này đang trên đường đi công tác vội vã điện thoại về, hạ lệnh ngừng hoãn buổi biểu diễn (mặc dù đã phát hành giấy mời).

LL47 là một lữ đoàn đặc công (công tác đặc biệt) hoặc sư đoàn đặc nhiệm. Lực lượng này thường phải giấu mình để gây bất ngờ với đối phương. Tại sao Bộ quốc phòng lại công bố cho thiên hạ biết ? Phải chăng là rung cây doạ khỉ hay là nghi binh kiểu cổ xưa?


Không phải vậy, tướng Nghĩa công bố LL 47 trong Hội nghị tuyên giáo. Ngành tuyên giáo của Đảng không có nhiệm vụ quốc phòng. Tuyên giáo chỉ nhằm “giáo dục tuyên truyền cho đảng viên, dân chúng thôi. Vậy là Bộ QP lấn vào sân chơi của Ban tuyên giáo, dẫm chân lên Ban tuyên giáo. Lãng phí nhân lực và kinh phí vô cùng.

Báo Quân đội Nhân dân đã mở chuyên mục “Chống diễn biến hoà bình” từ lâu. Nay lại mới mở thêm mục “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hoá”. Chuyên mục trước nhằm chống kẻ thù bên ngoài (kẻ thù không lộ diện, không địa chỉ), chuyên mục sau quay mũi giáo (ngòi bút) chống nội bộ đảng suy thoái. Nhiệm vụ thứ hai có lẽ là không chính danh, và sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Tiếc thay nhân dân không còn đọc báo QĐND như ngày xưa nữa.

(Ấy là chưa kể bên báo CAND cũng có mục y hệt: “Chống diễn biến hòa bình”).

Lực Lượng 47 có khả năng gì để hi vọng “đánh bại” cả thiên hạ?

“Hồng và chuyên” ư ? Khái niệm này đã quá cũ. Ba chục năm qua vắng hẳn câu này, năm nay mới thấy phó Tổng cục chính trị quân đội nhắc lại. 

Thực tế ngày nay, hồng và chuyên đã đối lập với nhau. 

“Hồng” là kiên định, bảo thủ chủ nghĩa xã hội bằng tư duy siêu hình, phi thực tế. 

“Chuyên” là chuyên môn văn hoá khoa học luôn mở cửa trí tuệ tiếp nhận thành tựu văn minh thời đại và nhận thức đúng tình hình thế giới. 

“Vừa hồng vừa chuyên” giống như một hiệp sĩ bị trói một tay, chừa một tay cầm vũ khí. Họ sẽ đối đáp sao được với trí tuệ thiên hạ mênh mông ? Chẳng lẽ lại dùng thủ thuật đơn giản của “dư luận viên” quá lứa lỡ thì của ông Hồ Quang Lợi đẻ ra nay số phận chẳng biết ra sao ?

“Hồng” đã đóng hết vai trò lịch sử. Hồng đã giành thắng lợi cuối cùng: giành “toàn bộ lãnh thổ” dù phải trả giá quá đắt.

Hồng đã thắng một cuộc chiến.

Hậu chiến, Hồng nhận thấy mình bất lực trong cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Vì tồn tại, hồng vội vàng thay đổi, nhưng không muốn thừa nhận thua và không đổi tên thành màu khác.

Việc xây dựng đất nước phải rất “chuyên”. Lúc này “hồng” vô dụng, thậm chí hồng còn cản bước của chuyên. Trống đánh xuôi kèn thổi ngược, sa lầy.

Hồng nhủ rằng phải “kiên định lập trường”.

Chuyên lại đòi “phải thay đổi lý luận phù hợp đường lối xây dựng của Đảng, cần phải thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, phát triển tối đa kinh tế doanh nghiệp tư nhân. v.v...”.

Hồng và Chuyên không thể ngồi cùng một chiếu, khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Vụ đại án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cho thấy sự sa lầy lý luận của viện kiểm sát, luật sư và bị cáo tự biện hộ. Chính ở chỗ toà án này, diễn ra cảnh “hồng và chuyên” kỵ nhau như nước với lửa. Thôi thì cuối cùng Toà án muốn tuyên án thế nào cũng…đúng!


Dư luận có hai thái độ khi chính phủ công bố “Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng”.

Lạc quan: mừng rằng từ nay quân đội sẽ tìm diệt tin tặc, hacker cho dân chúng được nhờ. Lực Lượng 47 sẽ bảo vệ các sân bay khỏi bị tin tặc kẻ thù chiếm sóng (như vụ sân bay Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội năm ngoái). Hi vọng các tài liệu điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân sẽ không bị tin tặc xâm chiếm phá phách lấy tài liệu.

Hoang mang: E rằng lại nảy ra một loại DLV đời mới, ngăn chặn tự do ngôn luận và thông tin trên FB.

Theo chúng tôi, nếu hoang mang vì sợ bị chụp mũ, trấn áp, thậm chí bị phá vì mã độc thì còn có lý để hoang mang. Nếu đây là những cuộc đối thoại công khai minh bạch với một “đội quân dư luận chính quy của nhà nước” thì hay quá.

Vậy thì, tôi hoan nghênh Bộ quốc phòng. Đấu tranh tư tưởng là một mặt trận không tiếng súng, mặt trận ngôn luận, hiển nhiên, chính phủ nào cũng phải làm để bảo vệ an ninh nội bộ và an ninh quốc gia. Không có lý do gì dân mạng với đủ thành phần đang bày tỏ chính kiến một cách công khai, minh bạch mà phía chính phủ lại im lặng làm ngơ hoặc để cho những nhóm “dư luận viên nặc danh, giả danh” lên tiếng bậy bạ, ngu dốt làm mất uy tín của Chính phủ.

Cấm hẳn dư luận mạng không phải là giải pháp tốt, làm thế khác nào Chính phủ tự bịt mắt, bưng tai không cần nghe dân nói.

Rình rập chờ cơ hội bắt bớ tù đày càng là giải pháp tồi, vì quyền lực chỉ là thứ mong manh nếu chức năng duy nhất của nó là trấn áp.

Theo tôi, việc Chính phủ thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng để đấu tranh một cách công khai với các thế lực thù địch, mặt khác đối thoại dân chủ với dân. Đó sẽ là sự tiến bộ vượt bậc để vươn đến một “chính phủ kiến tạo”, liêm chính, minh bạch đúng nghĩa.

Chúc mừng quyết định sáng suốt của Thủ tướng Chính phủ. Riêng cá nhân tôi đứng về phía Dân để đối thoại mà không theo “mặt trận” của phe nào (ý kiến tiến sĩ Châu Minh Hùng).

Tiến sĩ Châu Minh Hùng trịnh trọng yêu cầu:

Thứ nhất, đối tác tranh luận phải công khai danh tính, kể cả cấp bậc, chức vụ nếu đó là đối tác thuộc mặt trận của Chính phủ.

Thứ hai, không đối thoại với những kẻ nặc danh, giả danh thuộc bất cứ phe phái nào.

Trong trường hợp 2, nếu gọi những kẻ nặc danh, giả danh kia là tin tặc hay an ninh mạng thì đều không phải. Cũng không thể gọi là “chiến sĩ quân đội NDVN”, nên người ta cứ gọi họ là dư luận viên thì đúng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét