Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

2333 - Bộ trưởng Thể, ông có biết mình đang nói gì không?

Khổng tử, một triết gia và nhà giáo nổi tiếng thời cổ đại, đã nói: “Danh không chính thì ngôn không thuận. Ngôn không thuận thì việc không thành. Việc không thành thì lễ nhạc suy. Lễ Nhạc suy thì hình phạt không đúng. Hình phạt không trúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu cho đúng chỗ”. Túi mình không móc, lại móc túi người khác. Thế là tay nhầm. Đường mình không đi, lại đi vào đường người khác. Thế là chân nhầm. Vợ mình không ôm, lại ôm vợ người khác. Thế là cả tay lẫn chân đều nhầm. Ruộng mình không cày, lại cày ruộng người khác. Thế là nhầm vào đến ruột gan. Người có đạo không thờ, lại tôn thờ kẻ vô đạo. Thế là nhầm vào đến cốt tủy… Rốt cuộc thiên hạ nhầm lẫn lung tung. Mầm loạn cũng từ đấy mà sinh ra
Làm người, cũng như đạo làm quan, đời nào cũng vậy, kỵ nhất là lúc nói thế này, lúc nói thế khác. Nói theo cách gọi của cổ nhân “tiền hậu bất nhất”.
Vậy mà một người quyền cao, chức trọng như ngài Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lại mắc phải sai lầm này. Hôm qua, ông đã khẳng khái tuyên bố trên báo chí: “Không có chuyện đặt trạm nhầm chỗ, do chính sách thay đổi nên không còn hợp lí” - Câu này cũng tựa như câu trả lời cử tri ở Cần Thơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trước đó: “Trong thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư BOT có một số dự án làm chưa đúng, còn sai sót ở chỗ đặt trạm thu phí, mức thu phí như thế nào, thời gian...”
Làm đường một nơi, đặt trạm thu phí một nẻo, sao lại không nhầm vị trí được thưa Bộ trưởng Thể? Chẳng lẽ nên hiểu câu nói trên của ông là, làm đường một nơi, đặt trạm một nơi là chủ ý ngay từ đầu của Bộ GTVT, cho nên không có chuyện đặt nhầm? Từng giữ chức Thứ trưởng của Bộ GTVT lẽ nào ông đã quên, chính Bộ GTVT đã từng thừa nhận có tình trạng trạm thu phí đặt “nhầm chỗ”, đặt trạm trên tuyến này để thu hộ phí cho tuyến khác, trong đó có trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa), trạm Bắc Thăng Long (Hà Nội).
Trạm thu phí BOT không đặt nhầm chỗ, nghĩa là chủ đầu tư không sai, người dân bức xúc là do “hiểu sai” mà tất cả là do chính sách ? Chính sách chưa hợp lý hay chính sách sai?
Chính sách không từ trên trời rơi xuống. Chính sách là do con người đề ra, có đúng có sai. Vậy phải truy trách nhiệm người đề ra chính sách ? Nhưng khổ thay, chính sách là của Đảng mà Đảng thì không sai bao giờ.
Có thể nói tóm tắt thế này. Trước kia chủ trương làm BOT là làm trên đường độc đạo như quốc lộ 1A, là đặt trạm nơi này thu phí cho dự án nơi khác, là chỉ định thầu, là tiền ngân hàng. Nay thay đổi, làm BOT trên đường mới để dân có lựa chọn, làm dự án đâu đặt trạm ở đó, đấu thầu công khai, chủ đầu tư phải đủ năng lực tài chính. Đó là thay đổi chính sách. Tôi nói thật, ở Việt Nam mà không làm BOT trên đường hiện hữu, độc đạo nữa thì chẳng nhà đầu tư nào dại nhảy vào.
Bộ trưởng Thể lý giải nguyên nhân trước đây làm BOT trên đường hiện hữu, độc đạo: “Trước khi có Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về BOT (trong đó có nội dung không cho phép làm BOT trên đường hiện hữu), các văn bản của Đảng, Chính phủ không cấm làm dự án BOT trên đường hiện hữu”. Nói như thế nghĩa là không cấm thì cứ làm tuỳ tiện, làm đại, làm càn mặc hậu quả, mặc dư luận? Làm gì có cái thứ lý lẽ đó. Xin thưa rằng, đã là cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức nhà nước thì chỉ được làm những điều luật cho phép, còn dân mới được phép làm những gì pháp luật không cấm.
Tôi còn nhớ khi mới nhận chức (lên chức) Bộ trưởng, ông Thể đã nói rằng: “Tôi nghĩ có làm thì cũng có đúng có sai tuy nhiên cái tâm của những đồng chí trong ngành giao thông là vì lợi ích chung không vì lợi ích nhóm, không vì tư túi”.
Đúng là nói đùa, ngay đến lát đá vỉ hé thôi cũng đã có bàn nay nhem nhuốc của con ông cháu cha thò vào thì nói các dự án BOT ngàn tỷ mà không có lợi ích nhóm, không tư túi thì đến trẻ lên ba cũng không tin.
Giả sử ông Thể nói đúng thì tiến sĩ Hoàng Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển đã phạm tội vu khống khi nói rằng: “Chúng ta thấy rất rõ có lợi ích nhóm trong các hợp đồng BOT giao thông, bởi có phải nhà đầu tư nào cũng vào đó được đâu và có phải ai cũng được chỉ định thầu đâu” (nguồn báo thanh niên).
Giả sử ông Thể nói đúng thì ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương Mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội đã nhận định: “Tham nhũng là lý do nhà đầu tư Mỹ không hứng thú với dự án BOT giao thông Việt Nam”.
Giả sử ông Thể nói đúng thì phải giải thích thế nào về ý kiến của ông Đăng Huy Đông, nguyên Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư: “Cách làm BOT hiện nay là theo kiểu, tôi thấy anh và giao cho anh, cứ có quan hệ là duyệt hết và nhận xét rất chung chung. Tính toán chi phí đầu vào, dù tăng gấp đôi, cũng không có con số chứng minh. Rồi để được thu nhiều hơn thì hạ lưu lượng xe xuống, tù mù về đếm lưu lượng xe, sau đưa ra mức thu phí cao nhất, với thời gian dài nhất”.
Không có lợi ích nhóm, không tư túi mà “có quan hệ là duyệt”? Quan hệ ở đây là gì?
Còn nói về BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thì đó là sản phẩm của chính Bộ trưởng Thể, khi là thứ trưởng Bộ GTVT – đã ký quyết định phê duyệt dự án và gửi văn bản "gợi ý" đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1, tức nằm ngoài tuyến tránh, đề nghị tỉnh Tiền Giang thống nhất để hợp thức hóa thủ tục. Đúng, sai thì đã quá rỏ, sao không chịu sữa sai mà cứ loanh quanh đỗ lỗi này nọ ?
Bộ trưởng Thể thừa nhận: “Những bất cập của BOT hiện nay có yếu tố lịch sử và Bộ GTVT có trách nhiệm và nhận trách nhiệm về việc này”. Để xem, ông nhận trách nhiệm và sữa chữa những sai lầm ấy như thế nào ?
Xin nhắc ông thêm một câu: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác” (Lưu Quang Vũ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét