Vào ngày này năm 1968, một trong những trận đánh được biết đến nhiều nhất và gây tranh cãi nhất trong Chiến tranh Việt Nam đã nổ ra tại căn cứ Khe Sanh, nằm cách khu vực phi quân sự (DMZ) 14 dặm và cách biên giới Lào 6 dặm. Bị Thủy quân Lục chiến Mỹ chiếm đóng từ một năm trước đó, căn cứ Khe Sanh, vốn là một tiền đồn cũ của thực dân Pháp, đã được sử dụng làm căn cứ tiến hành các chuyến tuần tra tiền phương, đồng thời là điểm xuất phát tiềm năng cho các chiến dịch dự tính trong tương lai nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào.
Đợt tấn công không ngừng đã khiến các lính thủy Mỹ tại Khe Sanh phải chôn chân trong các chiến hào và boong ke. Do căn cứ buộc phải được tiếp tế bằng đường không, bộ chỉ huy tối cao của Mỹ đã miễn cưỡng không muốn đưa thêm quân vào và thảo ra một kế hoạch chiến đấu sử dụng pháo kích và không kích quy mô lớn.
Trong cuộc bao vây 66 ngày này, các máy bay Mỹ đã thả xuống 5.000 quả bom mỗi ngày, với sức nổ tương đương 5 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Chiến dịch giải cứu Khe Sanh, được gọi là Chiến dịch Pegasus, bắt đầu vào đầu tháng 4 khi Sư đoàn Không kỵ 1 và một tiểu đoàn của Việt Nam Cộng hòa tiếp cận căn cứ từ phía đông và nam, trong khi lính thủy từ bên trong đánh sang hướng tây để mở lại Đường 9.
Cuộc bao vây cuối cùng đã kết thúc vào ngày 06/04 khi lực lượng Kỵ binh hội quân được với lực lượng Thủy quân Lục chiến số 9 tại phía nam sân bay Khe Sanh. Trong cuộc đụng độ cuối cùng một tuần sau đó, Tiểu đoàn 3, Thủy quân Lục chiến 26 đã đẩy lùi lực lượng Bắc Việt khỏi Đồi 881 (Cao điểm 881-Bắc). Tướng William Westmoreland, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, cho rằng Khe Sanh giữ vai trò nút chặn quan trọng ở phía tây DMZ, và khẳng định rằng nếu căn cứ này sụp đổ, lực lượng Bắc Việt đã có thể đánh tập hậu lực lượng phòng thủ của Thủy quân Lục chiến dọc theo vùng đệm.
Nhiều tuyên bố trên báo của Đảng Cộng sản Bắc Việt cho thấy Hà Nội coi trận Khe Sanh là cơ hội để lặp lại chiến thắng Điện Biên Phủ nổi tiếng, khi quân cộng sản đánh bại quân Pháp trong một trận đánh đỉnh cao mang tính quyết định, nhờ đó đã chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét