Trong bài phân tích trên Le Monde mang tựa đề « Sự quan trọng
về mặt lịch sử của ông Trump », cây bút Alain Frachon nhận định lợi dụng sự xuống
cấp của tự do dân chủ do Donald Trump gây ra, đã giúp Nga và Trung Quốc thủ lợi.
Cứ mỗi lần Donald Trump gây rắc rối, có ít nhất hai « đồng
nghiệp » đắc chí, đó là Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Riêng về việc làm xấu
đi hình ảnh của nền tự do dân chủ, ông Trump là vô địch. Tổng thống Mỹ tỏ ra rất
tài ba trong khía cạnh này, ngay từ khi mới bước vào Nhà Trắng. Thái độ « lịch
sự » mới nhất, gọi Haiti và các nước châu Phi là những nước « thối tha », đã được
lan truyền rộng rãi ở Matxcơva và Bắc Kinh. Truyền thông Nga và Iran đưa tin bằng
tiếng Ả Rập, China Global Television Network phát ở châu Á và châu Phi…
Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc chiến tranh tư tưởng để biện
hộ cho độc tài chính trị. Đó là một cuộc chiến đầy quyết tâm, chủ yếu diễn ra tại
Liên Hiệp Quốc, với việc thường xuyên chỉ trích nền dân chủ phương Tây, nhằm khẳng
định tính chính danh cho cách thức cai trị độc đoán. Tham vọng của hai nước này
là xúc tiến một cách diễn dịch khác của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền :
cách hiểu của chúng tôi tốt đẹp hơn, quý vị không độc quyền về nhân quyền đâu
nhé ! Theo Bắc Kinh và Matxcơva, tự do dân chủ chỉ là sự mị dân của những nước
mà với những gì diễn ra quá khứ không thể dạy dỗ ai cả.
Không có bài diễn văn nào của tổng thống Mỹ bảo vệ cho tự do
dân chủ cả, mà thái độ của ông ngày càng làm giảm đi sự hấp dẫn của mô hình dân
chủ. Thay vì cổ vũ, ông lại chỉ trích các định chế Mỹ, thả lỏng cho những gì bị
các định chế này phản đối trên trường quốc tế.
Ở khía cạnh này, theo tác giả Alain Frachon, Donald Trump
quan trọng về mặt lịch sử. Ông ngự tại Nhà Trắng vào lúc mô hình dân chủ tự do
bị sa sút từ nhiều năm qua, và Trump càng làm tăng tốc. Năm 1989, sau khi bức
tường Berlin bị sụp đổ, dân chủ tự do cùng với kinh tế thị trường trở thành viễn
cảnh không thể tránh được. Mỗi nước đều cố chuyển đổi theo nhịp độ của mình, và
những nước nào không muốn cũng giả vờ theo xu hướng này. Số lượng các nền dân
chủ tăng lên.
Dân chủ giảm, toàn trị tăng
Nhưng dần dà sau đó, từ việc Mỹ đổ quân vào Irak năm 2003
cho đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, mô hình dân chủ nhạt nhòa đi. Kể từ
năm 2000, thế giới đã mất đi khoảng 20 nền dân chủ - các nước này ít nhiều đã
trở nên toàn trị.
Các nhà phân tích Mỹ lo lắng. Từ vài tháng qua, xuất hiện những
cuốn sách đặt vấn đề, liệu dân chủ tự do đã lỗi thời ? David Brooks trên New
York Times hôm 14/1 viết « Các nền dân chủ suy tàn như thế nào », và hôm sau,
cây bút Ross Douthat đặt câu hỏi « Sau chủ nghĩa tự do là gì ? ».
Trong Liên Hiệp Châu Âu (EU), hai thành viên Hungary và Ba
Lan đang chuyển sang dân chủ không tự do. Đối với các nước « phương Tây bị Liên
Xô bắt cóc » này - theo từ ngữ của Milan Kundera - quay lại với phương Tây có
nghĩa : bầu cử tự do, Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường. Nhưng theo
chuyên gia Jacques Rupnik : « Tại Ba Lan, người ta đang chứng kiến Nhà nước
pháp quyền đang đi xuống, còn tại Hungary thì bị tháo dỡ ».
Nguyên tắc dân chủ tự do rất đơn giản : đảng thắng cử sẽ làm
chủ Nhà nước. Chính quyền, tư pháp, Tòa Bảo hiến, cảnh sát, truyền thanh truyền
hình công đều nằm trong tay người thắng cuộc. Theo Rupnik : « Xu hướng chuyển
sang toàn trị đánh vào tam quyền phân lập, độc lập của báo chí và tính trung lập
của các định chế công ». Trấn áp đối lập, kiểm soát tòa án… cốt lõi của Nhà nước
pháp quyền bị Viktor Orban ở Budapest và Jaroslaw Kaczynski ở Vácxava tấn công.
Tự do dân chủ bị xuống dốc còn do những lý do khác từ bên
kia Đại Tây Dương : nhập cư, cảm giác về đa văn hóa đè bẹp văn hóa quốc gia, chủ
nghĩa cá nhân cực đoan, bất bình đẳng gia tăng… Một trong những đặc tính của mô
hình tự do là khả năng tái tạo, nhưng Donald Trump lại thích tham gia vào việc
hủy diệt mô hình này.
Cũng về tổng thống Mỹ, nhà báo Virginie Robert trên Les
Echos phân tích « Vì sao năm II của Trump cũng sẽ hỗn loạn ».
Từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump toàn làm những điều
khiến cử tri của ông hài lòng. Không có tư tưởng gì mới, ông tin rằng người thắng
cuộc có thể làm tất cả, tuy nhiên vấn đề là lớp cử tri của khá hẹp. Tỉ lệ tín
nhiệm 39% là thấp nhất từ trước đến nay trong năm đầu của một tổng thống Mỹ.
Ngoài cải cách thuế và một Tối cao Pháp viện thiên hữu, những thành công của
Donald Trump quá ít.
Tính nghiệp dư của tổng thống và ê-kíp của ông khiến những nỗ
lực của ông hoặc bị Quốc Hội, hoặc tòa án chận lại, giúp người Mỹ được trấn an
về sức mạnh của các định chế. Nếu không có cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt
Mueller, thì Nhà Trắng vẫn có vẻ bình thường. Nhưng các cuộc thăm dò bắt đầu
cho thấy thế của phe Dân Chủ đang lên ở Hạ Viện.
Tổng thống Mỹ sẽ phải tìm ra phương cách đồng thuận, có thể
là về chính sách đối ngoại, tuy đây là điều giới trung lưu không mấy quan tâm.
Nhiều nước không còn coi Hoa Kỳ là đồng minh khả tín. John Sawers, người từng đứng
đầu cơ quan tình báo Anh, coi ông Donald Trump là « tổng thống bất tài nhất của
Hoa Kỳ ». Hàn Quốc luôn trong tình trạng cảnh báo, không chỉ vì Bắc Triều Tiên
mà còn vì tính cách bất định của tổng thống Mỹ. Nhất là với sự thiếu vắng một
chiến lược khu vực và quốc tế, đại cường số một thế giới đã bỏ trống sân chơi
cho Tập Cận Bình.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ coi như trưng cầu dân ý
Thông tín viên của Les Echos tại New York, Elsa Conesa nhận
định « Chưa hết năm thứ nhất, Donald Trump đã sẵn sàng lao vào chiến dịch ».
Theo tác giả, cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2018 mang ý nghĩa một cuộc trưng
cầu dân ý.
Tờ báo nhắc lại, tám tháng sau khi thông qua được cải cách bảo
hiểm y tế, và hai năm sau khi đắc cử tổng thống, ông Barack Obama đã bị mất đa
số ở Hạ Viện. Người ta không khỏi nhớ lại sự kiện này khi vào ngày mai, ông
Donald Trump sẽ mừng một năm cầm quyền náo động ở Nhà Trắng, với một cải cách
quy mô : giảm 1.500 tỉ đô la thuế trong 10 năm.
Nhưng đây là cải cách duy nhất mà Nhà Trắng đạt được trong
năm qua, và vẫn không thể làm tăng tỉ lệ tín nhiệm cho tổng thống. Ông Trump
đích thân lao vào chiến dịch, dành thời gian cho việc vận động, chủ yếu về chủ
đề kinh tế. Ê-kíp của ông đã bắt đầu tiếp xúc 116 ứng cử viên Cộng Hòa ra tranh
cử ở Thượng Viện, Hạ Viện và một số ghế thống đốc. Đặc biệt là một số tiểu bang
có thể nghiêng ngả như Missouri, Florida, Maine.
Tuy nhiên, một số ứng viên Cộng Hòa lại muốn giữ khoảng cách
với Donald Trump. Số khác làm đảng lúng túng khi quyết định không ra ứng cử ở Hạ
Viện, nơi mà số dân biểu Cộng Hòa chỉ vượt qua Dân Chủ một ít. Ông Jared
Leopole, thuộc hiệp hội các thống đốc Dân Chủ giễu cợt : « Chúng tôi rất nóng
lòng chờ xem những gì sẽ được phát ra từ iPhone của tổng thống ».
Dân Chủ chuẩn bị phản công
Libération đề cập đến một nước Mỹ của những người Dân Chủ,
đang tổ chức phản công, qua việc hàn gắn những quan hệ tại chỗ và làm hồi sinh
ngọn lửa xã hội tại đất nước tư bản hàng đầu này.
Trong bài xã luận với tựa đề « Tỉnh thức », Libération nhận
định, cuộc bầu cử giữa kỳ là cơ hội cho các phe cấp tiến đang bị đảng Dân Chủ
che khuất chứng tỏ khả năng thuyết phục và huy động của mình. Liệu năm 2018 sẽ
vang lên hồi chuông đánh thức cho phe phản kháng ? Hồi 2 chỉ mới bắt đầu. Tờ
báo điểm qua tình hình của nhiều phong trào và các đảng nhỏ, những khuôn mặt nổi
bật trong phe Dân Chủ, cả cũ và mới, đang trên con đường tái chinh phục.
Donald Trump làm thế giới thêm xáo trộn
Nhật báo La Croix có bài đầu tiên trong loạt bốn bài viết
theo chủ đề « Hoa Kỳ dưới thời Trump », mang tựa đề « Một tay đại khuấy động ở
Washington ». Theo tờ báo, chủ nghĩa dân tộc dẫn đường cho chính sách đối ngoại
của ông Donald Trump đã làm thế giới thêm xáo trộn.
Trong năm qua, Mỹ đã rút khỏi hiệp định TPP, hiệp ước khí hậu
Paris, đòi xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ ALENA, hiệp định nguyên tử
Iran và thỏa ước với Bắc Triều Tiên. Dự thảo ngân sách 2018 cắt giảm đến 42% viện
trợ cho các nước, Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế
giới cũng bị nằm trong tầm ngắm. Quan hệ với các đồng minh và đối tác được đánh
giá theo trao đổi thương mại với Hoa Kỳ. Các nhà độc tài như Vladimir Putin, Tập
Cận Bình, Rodrigo Duterte được ca ngợi vì « tính hiệu quả ».
Một chính sách đối ngoại như thế cộng với tính bốc đồng của
tổng thống Mỹ, khiến Hoa Kỳ trở thành « nhân tố gây bất ổn », theo cựu đại sứ
Pháp tại Mỹ Pierre Vimont. Còn theo Richard Haass, chủ tịch hội đồng đối ngoại ở
New York, thì « việc tự nguyện chối từ quyền lực và trách nhiệm » của Hoa Kỳ,
đã tạo thêm nghi ngại về sự phân chia quyền lực mới, trong một thế giới không
phải là lưỡng cực hay đơn cực, mà không còn cực nào.
Tựa chính báo Pháp
Về thời sự nước Pháp ngày 19/01/2018, Le Figaro nhấn mạnh «
Macron muốn tái lập lòng tin nơi quân đội ». Nhận xét về quyết định của chính
phủ từ bỏ một dự án sân bay lớn, Le Monde cho rằng « Notre-Dame-des-Landes, một
bước rẽ để ra khỏi ngõ cụt ».
Nhật báo kinh tế Les Echos phân tích « Bitcoin, những nguyên
nhân của cơn điên toàn cầu », còn tờ báo công giáo La Croix cho biết « Giáo hội
trên tuyến đầu ở Congo », đấu tranh chống độc tài.
Trang bìa của Libération mang nền đen, với tấm ảnh một ngón
tay giữa chỉ ngược, đầu ngón tay mang hình tổng thống Mỹ và chạy tựa « Trump, một
năm sau ». Một năm cầm quyền của ông Donald Trump cũng là đề tài được hầu như tất
cả các báo Pháp hôm nay đề cập đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét