Châu Phi phải gánh chịu hậu quả về tổn thất nhân mạng, nền kinh tế suy sụp, và các mối quan hệ gãy đổ vì chủ nghĩa khủng bố. Đây là châu lục mà al-Qaeda khơi mào cuộc chiến chống Mỹ vào năm 1998 bằng cách đánh bom các tòa đại sứ nước này tại Nairobi, Kenya và Dar es Salaam, Tanzania; nơi tổ chức khủng bố Boko Haram bắt cóc 276 nữ sinh người Nigeria vào năm 2014; và nơi 147 học sinh bị giết khi đang ngủ tại trường Đại học Garissa ở Kenya vào năm 2015.
Trong khi những sự vụ tấn công này khiến thế giới phải chú ý, phần lớn công chúng không nhận ra rằng chỉ trong năm năm qua, 33.000 người đã chết vì bạo lực liên quan đến khủng bố tại châu Phi. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực cùng các phe nhóm ủng hộ nó đang đe dọa làm đảo ngược những nỗ lực phát triển của châu Phi không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong nhiều thập niên tới.
Trong khi những sự vụ tấn công này khiến thế giới phải chú ý, phần lớn công chúng không nhận ra rằng chỉ trong năm năm qua, 33.000 người đã chết vì bạo lực liên quan đến khủng bố tại châu Phi. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực cùng các phe nhóm ủng hộ nó đang đe dọa làm đảo ngược những nỗ lực phát triển của châu Phi không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong nhiều thập niên tới.
Các nước châu Phi đặc biệt rất dễ bị tác động từ các luồng tư tưởng bạo lực do các thể chế yếu kém phổ biến cùng với cơ chế giám sát lãnh thổ lỏng lẽo, tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố cực đoan sinh sôi. Việc quản lý kém cỏi sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo cũng đã khuấy động một bộ phận lớn lớp trẻ không có việc làm nhưng được kết nối với nhau qua công nghệ số, và tạo ra một lục địa mang những điều kiện lý tưởng cho sự hỗn loạn.
Học tập những quốc gia nơi khác, chính phủ các quốc gia châu Phi cũng đáp trả chủ nghĩa cực đoan bạo lực chủ yếu bằng cách ưu tiên an ninh “cứng”. Tuy nhiên chiến lược này không làm giảm uy lực hoặc hạn chế tầm ảnh hưởng của các nhóm cực đoan. Trên thực tế, bằng chứng cho thấy động thái đáp trả bằng quân sự thuần túy là một sự lãng phí nguồn lực, hoặc thậm chí gây hại nhiều hơn có lợi. Cái còn thiếu ở đây là việc tìm hiểu sâu hơn về cội rễ vấn đề, đặc biệt là những thách thức phát triển ẩn sâu bên dưới.
Nhiều ý kiến cho rằng mối liên hệ giữa các điều kiện kinh tế-xã hội và chủ nghĩa cực đoan bạo lực là không chính xác, vì phần lớn các cộng đồng nghèo khó và bị gạt ra bên lề không tham gia các nhóm khủng bố. Song lập luận này không đề cập đến một vấn đề liên quan: đói nghèo, bị gạt ra bên lề xã hội và mất quyền chính trị là mảnh đất màu mỡ mà các nhóm cực đoan cần để bám rễ và lớn mạnh. Trên khắp thế giới, các chính sách và phản ứng bằng hành động trước chủ nghĩa cực đoan bạo lực đa phần dựa trên lý thuyết hơn là những chứng cứ thực nghiệm rõ ràng về những động cơ cá nhân và các yếu tố mang tính hệ thống thúc đẩy con người thực hiện hành động khủng bố.
Trong một dự án thuộc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhằm nghiên cứu căn nguyên chủ nghĩa cực đoan ở châu Phi, tôi đến thăm vùng Galkayo, miền Bắc Somalia, để phỏng vấn các tay súng al-Shabaab bị bắt giữ. Điều ám ảnh tôi chính là dù bị cầm tù, những thanh niên trẻ này dường như hoàn toàn rất bình thường, và hành trình của cá nhân họ đến với chủ nghĩa cực đoan thuần túy không xuất phát từ lý do tôn giáo. Thay vào đó, điểm chung của các binh lính al-Shabaab trẻ mà tôi phỏng vấn nằm ở chỗ họ có chung trải nghiệm về cảm giác bị tước đoạt. Họ đều lớn lên trong xung đột, và không ai trong số họ được trao cho lí do để nhìn nhận chính phủ như là một lực lượng có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của mình. Khi tôi hỏi liệu họ có đến trường không, đa phần trong số họ thậm chí còn không mường tượng được về khái niệm giáo dục hay chăm sóc sức khoẻ miễn phí. Những đứa trẻ và thanh niên này là phụ phẩm của một xã hội và nhà nước thất bại; họ đã sống cả đời mình trong một môi trường chín muồi cho việc chiêu mộ và khai thác các phần tử khủng bố.
Cũng như bệnh lao khi xâm nhập một cơ thể đã bị nhiễm HIV, chủ nghĩa cực đoan phát triển mạnh khi có những điều kiện thích hợp, như những điều kiện được hình thành từ xung đột ở Somalia, hoặc từ nền chính trị yếu ớt và sự bỏ rơi của xã hội ở miền bắc Nigeria, những vùng đất mà các cuộc phỏng vấn cho thấy rõ sự hạn chế trong việc tiếp cận giáo dục tôn giáo lẫn thế tục.
Nghiên cứu sơ cấp của UNDP về động cơ cá nhân của các phần tử cực đoan, dựa trên hơn 350 cuộc phỏng vấn với các phần tử bạo lực cực đoan trong tù hoặc trong trại cải tạo ở Cameroon, Kenya, Niger, Nigeria, Somalia, và Uganda, là dự án lớn nhất thuộc thể loại này ở châu Phi, nếu không muốn nói là toàn cầu.
Các kết quả sơ bộ của chúng tôi cho thấy hệ tư tưởng đằng sau chủ nghĩa cực đoan bạo lực được truyền tải thông qua một chiến lược marketing linh hoạt, khi mà các nhóm cực đoan tùy chỉnh thông điệp của mình cho phù hợp với những chiến binh tiềm năng. Đối với đối tượng thất nghiệp hoặc người nghèo, họ mời gọi các công việc có lương; với cộng đồng tôn giáo hoặc dân tộc thiểu số bị bỏ rơi, họ mời chào giải pháp bạo lực; còn với giới trung lưu, họ tô vẽ một chuyến phiêu lưu, một cảm giác ‘sống có mục đích’, và sự giải thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Các tư tưởng biến hóa nhằm khai thác điểm yếu của các tân binh.
Nghiên cứu của chúng tôi, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017, có mục tiêu làm sáng tỏ hành trình cá nhân đến với chủ nghĩa cực đoan, thông qua lời lẽ và góc nhìn của những người từng tham gia các tổ chức khủng bố tại châu Phi. Nghiên cứu cũng sẽ cung cấp thêm những bằng chứng thực nghiệm cho cộng đồng, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách nhằm qua đó định hình phương cách can thiệp của họ trong tương lai.
Một điều mà chúng ta đều biết chắc chắn là đói nghèo và kém phát triển sẽ không thể tiếp tục bị phớt lờ nếu chúng ta muốn chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực một cách hiệu quả. Giải quyết các vấn đề này thay vì tăng cường năng lực quân sự và thực thi luật pháp phải được xem là ưu tiên hàng đầu để xây dựng bất cứ chính sách phù hợp nào.
Mohamed Yahya là điều phối viên Chương trình Khu vực châu Phi của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Nguồn: Mohamed Yahya, “Africa’s Unique Vulnerability to Violent Extremism”, Project Syndicate, 09/01/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét