Đến thăm cố đô Luang Prabang của Lào, khách du lịch thường được hướng dẫn thăm quan những gì còn lại của nền quân chủ có lịch sử dài hơn sáu thế kỷ.Đó là ngai vàng, thư viện, phòng ngủ của vị vua cuối cùng 'King' Sisavang Vatthana, hay vẫn được gọi theo tiếng Pháp, ngôn ngữ thường sử dụng trong Hoàng Gia Savang Vatthana. Cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp nói bằng một giọng đều đều: ''Sau cách mạng, Ngài đã về Vientiane để hợp tác với chính phủ mới. Ngài mất vì già yếu lúc năm 1981."
Ai căn vặn thì sẽ nhận được câu trả lời: ''Thật sự chúng tôi không rõ lắm, nhất là khi Ngài không còn quyền lực.''
Đó là những lời giả dối, song vẫn lặp đi lặp lại dưới mái vòm thếp vàng Hoàng Cung.
Thảm kịch xảy đến với Hoàng gia Vương quốc Lào là chuyện còn ít ai được biết.
Hàng chục năm trôi qua, chính quyền Lào không đưa ra được một câu trả lời thỏa đáng về sự biến mất của vua Savang Vatthana.
"Tôi muốn nói với các ông rằng, Savang Vatthana chết tự nhiên. Ông ta rất già. Điều đó xảy đến với tất cả mọi người."Lãnh tụ cộng sản Lào, Kaysone Phomvihane, trong lần đến thăm Pháp năm 1989 vẫn khẳng định:
Trong câu nói, lãnh tụ Cộng Hoà Dân chủ Nhân dân Lào Kaysone Phomvihane gọi vua Savang Vatthana trống không, lạnh nhạt, khác tình cảm của người Lào dành cho Hoàng gia.
Trước chiến tranh thế giới thứ hai, Savang Vatthana lúc đó mới chỉ là Thái tử sang Paris học luật sống chung với hai Hoàng thân Souvanna Phouma, Souphanouvong, cũng học ở Pháp. Họ cùng trọ trong căn hộ trên đại lộ Raspail của tướng Pháp Coquelet. Savan đi chợ, Souvanna Phouma (1901-1984) nấu cơm, còn Souphanouvong (1909-1995) rửa bát.
'Hoàng thân đỏ' Souphanouvong sau đó cưới một cô gái Việt Nam, trở thành Chủ tích nước đầu tiên của CHDCND Lào (1976-1985), và 'người rửa bát' không nhớ thủa hàn vi, chẳng dành cho King Savang cả một cái chân lau bàn khốn khổ trong bữa tiệc chiến thắng của họ năm 1975.
Trung lập hay thân Việt Nam?
Vua Savang Vatthana được đánh giá nhân hậu, đạo đức, thường có mặt trong những cuộc tranh luận Thần học.
Ông là người luôn mong mỏi giữ nước mình trong tư thế một nước trung lập, dù giai đoạn trị vì chịu sức ép, chèo kéo và áp lực của cả hai khối cộng sản và tư bản.
Thay mặt vua, Hoàng thân Souvanna Phouma lần đến thăm Nga, gặp Khrushchev tại Sochi, đã được lãnh tụ Xô Viết dành cho sự tiếp đãi trọng thể. Hoàng thân được sử dụng toàn bộ lâu đài của Hoàng tử Yussupov lộng lẫy bên bờ Biển Đen, mới được sửa chữa và phục chế hoàn toàn, salon lát đá cẩm thạch, phòng chơi billard, bể bơi trong nhà với nước biển được sưởi nóng, sauna, phòng ăn khổng lồ luôn luôn đầy ắp hoa quả, trứng cá cavia, rượu vodka...
Nikita Khrushchev đến tận nơi ở với vòng tay dang rộng, hỏi như muốn tự mình xách valy "Vương Thân, đồ đạc của Ngài ở đâu?".
Sau buổi tiếp kiến, Khrushchev thân mật vỗ vai, gọi Hoàng thân bằng tên riêng:
"Ông bạn Souvanna yêu quý của tôi, tôi biết chắc rằng Ngài chưa đủ chín đối với chủ nghĩa cộng sản."
Sự tiếp đón của JF Kennedy vào tháng 9/1962 dành cho phái đoàn Vương quốc Lào ngược lại rất thiếu trọng thị, lạnh nhạt. Các bữa tiệc được mô tả như các suất ăn sáng.
Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Foster Dulles ham dọa: "Trung lập không thể tồn tại. Nếu có điều đó thì là một sự vô đạo đức. Người ta chỉ có thể thân Mỹ hay thân cộng sản."
Averell Harriman thu xếp cho Hoàng gia Lào tiếp kiến Kennedy tại Toà Bạch ốc. Tại đó, tổng thống Mỹ ăn mặc như vừa về sau một trận chơi golf, ngồi trên chiếc ghế xoay nửa nằm, nửa ngồi, chuyện đang nửa chừng đã ngắt lời, hỏi:
"Ngài đánh giá mong đợi ngài muốn ở phía chúng tôi như thế nào?"
"Thưa Tổng thống, chúng tôi không cần tiền. Điều chúng tôi mong mỏi là hậu thuẫn chính trị, những chuyên viên kỹ thuật, thuốc men, máy kéo."
Ngạc nhiên, Kennedy chồm dậy sửng sốt:
"Thế là thế nào, lần đầu tiên tôi nghe..."
Lào - nạn nhân thua thiệt trong Cuộc chiến Đông Dương
Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ - Việt Nam, đúng nghĩa hơn là chiến tranh Đông Dương, Lào đã cho Hà Nội xây dựng tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam trên lãnh thổ Lào, vẫn được gọi là 'Đường mòn Hồ Chí Minh'.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã trực tiếp mở chiến dịch 'Lam Sơn 719' đánh thẳng sang Lào từ Quảng Trị. Mỹ cũng đã tiến hành 550.000 phi vụ tấn công trên lãnh thổ Lào, trung bình cứ 8 phút có một phi vụ rải boom, nã tên lửa trong suốt 9 năm.
Chừng 260 triệu trái boom đã dội xuống đất Lào, nhiều hơn dân số của nước này (6,4 triệu/2015). Lào là đất nước hứng chịu boom đạn nặng nề nhất thế giới so với số dân.
Bắc Việt Nam đã thành công trong việc sử dụng Lào như một chiếc khiên chắn đạn cho VNDCCH, để hậu phương miền Bắc không bị hứng chịu toàn bộ gánh nặng của cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai.
Nội chiến ở Lào giữa quân đội Hoàng gia được người Hmong ủng hộ chống lại Pathet Lào và quân đội Bắc Việt kéo dài từ tháng 11/1953 tới năm 1973, dài hơn chiến tranh Việt Nam. Một triệu người Lào đã bị giết, tương tự cứ 6 người thì có một bị thiệt mạng.
Sau chiến tranh 69.000 người Hmong phải chạy từ Lào sang Thái Lan tỵ nạn rồi một số họ được Hoa Kỳ nhận.
Đóng góp của Lào về sức người, sức của cho Bắc Việt Nam chiến thắng không thể phủ nhận.
Nền quân chủ 622 năm bị truy trốc tận gốc
Nằm cạnh những đế chế hùng mạnh trên bán đảo Đông Dương, Lào luôn giữ một thái độ khiêm nhường.
Đất nước là ngã tư hợp lưu giữa các sắc tộc. Những người bản địa được gọi là người 'Kha' bị những kẻ thắng trận, đầu tiên là Khmer, sau là người Thái, đẩy dần lên vùng núi, bị chiếm mất những mảnh đất tốt.
Fa Ngum, một Hoàng tử trong bộ tộc đã liên kết với Vương triều 'Roi d'Angkor' thành công trong việc thống nhất các tộc trưởng địa phương và đất nước " Lan Xang- Triệu voi" đã ra đời. Vương Quốc tả ngạn sông Mekong có thủ đô là Xieng-Thong, sau được gọi là Luang Prabang. Đó là năm 1353.
Hiệp định Paris và việc triệt thoái quân đội Mỹ khỏi Việt Nam đồng thời mở ra cho Lào một viễn cảnh tìm lại tiếng nói ở Đông Dương.
Ngày 5/4/1974, Vua Savang Vatthana tại vị trên ngai vàng mời hai anh em cùng cha khác mẹ Souvanna Phouma, một người đi với vua và Souphanouvong, một người theo Bắc Việt Nam, ngồi lại với nhau thành lập 'Chính phủ Lâm thời đoàn kết dân tộc'.
Vương quốc Lào tuyên bố đi theo đường lối quân chủ trung lập, không liên kết.
Song, cân bằng lực lượng trong vùng thay đổi sau ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn sụp đổ.
Pathet Lào hiểu, cơ hội chiếm đoạt quyền lực đang nghiêng về phía họ với sự suy yếu của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa biến mất.
Những người thuộc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào giật dây cho các tầng lớp sinh viên, học sinh thành lập các tiểu tổ cách mạng tại Vientiene và nhiều thành phố khác tại Lào.
Kết thúc năm 1975 cùng Sài Gòn sụp đổ
Tháng 5, một cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra, bao vây Hoàng cung Louang-Prabang, ngăn cản Đức vua tham dự ngày Hội Hiến pháp. Ngày 29/9/1975, hai Hoàng thân Souvanna Phouma và Souphanouvong từ chức trước rừng người tụ tập trước Hoàng Cung. Thoạt đầu cuộc biểu tình không có dấu hiệu nào chứng tỏ đám đông phản đối chế độ quân chủ, ngược lại họ tỏ lòng kính trọng với vị vua Savang Vatthana, tin tưởng vào ngai vàng có quá khứ hơn sáu thế kỷ.
Trong lúc đó, những cán bộ tuyên truyền Pathet Lào hô khẩu hiệu"phản đế, phản phong".
Savang Vatthana hiểu rất nhanh những người Pathet Lào muốn gì. Vua tuyên bố thoái vị. Mười ngày sau, "Hội nghị đại biểu nhân dân" nhóm họp tại Vientiane, tuyên bố thành lập nước CHDCND Lào và Chủ tịch không phải ai khác là...Hoàng thân Souphanouvong.
Vua Savang Vatthana được choàng một chút hư vinh, hữu thực "Cố vấn tối cao chính phủ". Ngôn ngữ gọt tròn cho khỏi chấn động những ai còn quyến luyến chế độ cũ.
Những ngày cuối cùng của Nhà vua
Trên thực tế, đứng đầu bộ máy quyền lực Lào là nhà độc tài, Chủ tịch Đảng PPRL (Đảng Nhân dân cách mạng Lào) Kaysone Phomvihane.
Chế độ mới ngay lập tức phải đối mặt với một cơn lốc khó khăn. Nền kinh tế dựa vào viện trợ không được tái cơ cấu, trong khi nguồn tiền Phương Tây biến mất sau việc quốc hữu hoá hàng loạt các cơ sở sản xuất.
Bàn tay sắt trong quản lý, những trưng thu không bù đắp được những thiếu hụt và sụt giảm nền kinh tế, ngược lại còn làm tồi tệ hơn.
Pathet Lào trưng ra một khuôn mặt khác sau khi nắm chính quyền.
Những đối thủ chính trị, thậm chí những người từng đóng góp rất nhiều cho Pathet Lào bị đưa đi cải tạo, cư dân thành phố đẩy đi thành lập những khu 'Kinh tế mới' nơi rừng thiêng nước độc.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bằng chân gia tăng, từ năm 1976 sang 1977, rồi 1978.
Đối mặt với tình hình trong nước ngày xấu đi, thái độ bất bình ngày càng dâng cao của các tầng lớp dân chúng, những người cộng sản lo sợ người dân sẽ hoài niệm về thể chế quân chủ.
Ở Lào đạo Phật được mến chuộng, người dân vẫn tôn thờ ngai vàng, coi biểu tượng của Vua ứng với thần linh và họ nợ Đức Vua lòng trung thành.
Trong nhiều năm, số phận của vua Savang Vatthana, Thái tử kế vị SayVongsavang, cùng Hoàng hậu Khamphoui là đề tài của những tin đồn trái ngược nhau. Một viên chức Lào cho hay rằng, gia đình Hoàng gia sống trong một biệt thự nhỏ, bao quanh là vườn hoa xinh xắn.Khôn ngoan là xoá bỏ vĩnh viễn biểu tượng tinh thần đó. Những người Cộng sản nghĩ thế, họ quen với cái gọi là 'chuyên chính vô sản' hơn công việc xây dựng đất nước.
Đến năm 1987, sự thật tàn nhẫn mới được tiết lộ. Nhà Vua đã bị giam giữ và bắt buộc phải làm lụng trên cánh đồng tám giờ một ngày, sáu ngày trong một tuần ở tuổi 70. Cả ba đều bị chết sau đó vài năm.
Những nhân chứng thoát khỏi nơi đầy ải đã kể những bi kịch như bản Requiem của triều đại đáng kính này.
Ngày 11/3/1977, cả gia đình Hoàng gia gồm vua Savang Vatthana, Thái tử kế vị SayVongsavang, cùng Hoàng hậu Khamphoui bị áp giải ra khỏi Hoàng cung ở Luang-Prabang dẫn giải về nhà tù khét tiếng ở Viengsay. Sau đó họ bị giải đến Hua Phang, thành lũy lịch sử của Pathet Lào. Một vùng biệt lập hoàn toàn với dân cư, bao bọc bởi rừng núi.
Hoàng gia Lào vào trại cải tạo
Họ bị giam giữ trong khu vực dành cho những thành phần nguy hiểm. Khu trại được xây dựng vào năm 1974, biệt lập bởi những hàng rào tre, nứa vót nhọn, và dây thép gai kín đặc, được dựng nên cũng bởi những phạm nhân của chế độ mới. Trại nằm cách Sam Neua về phía Bắc, cách biên giới Việt-Lào 72 km.
Song chưa yên tâm, để che mắt dư luận thế giới, sợ những người tù cùng ở 'quần đảo Gulag' tại Viengsay phát hiện thân thế gia đình Hoàng gia, ba tháng sau, vua Savang Vatthana và gia đình bị dẫn đi tiếp đến Sam Neua, nhốt trong Trại tù số 1.
Hoàng hậu KhamPhoui bị tách khỏi gia đình và giam riêng trong khu dành cho nữ giới. Những người cộng sản Pathet Lào quy định nghiêm ngặt như phạm nhân nam ngước mắt nhìn nữ giới chịu phạt ba ngày nhịn ăn, thậm chí bị nhục hình.
Tháng 9/1977, đại diện cuối cùng của đất nước Triệu Voi được nghe tuyên cáo số 17 của trại: tất cả những phạm nhân bị bắt đều bị coi là kẻ thù của nhân dân và dân tộc Lào, không quyền công dân, giam không xét xử.
Những ngày cuối cùng của Nhà vua
Khi nhập trại, vua Savang Vatthana đã 69 tuổi. Ông không có một đặc quyền lợi nào khác các bạn tù. Ông cùng Thái tử SayVongsavang và ba người cùng trại giam phải lao động ngoài đồng, xay xát lúa gạo. Mỗi ngày, nhà vua nhận từ tay quản giáo hai bát cơm gạo hẩm, lẫn phân chuột. Không quen lao lực, ăn uống thiếu thốn, tuổi cao, Đức vua nhanh chóng suy sụp, sức khỏe xấu đến mức không còn làm việc được.
Nội quy' số 9 'của trại ghi rõ, kẻ nào không lao động sẽ bị cắt khẩu phần ăn. Nhà vua bị liệt vào hạng tù chống đối, bị bỏ đói.
Thái tử SayVongsavang chia phần cơm của mình cho cha, khăng khăng bắt ông phải ăn.
Vào ngày 2/5/1978, Thái tử nối dõi ngai vàng Vương quốc Lào qua đời, nạn nhân của lòng hiếu thảo. Cơm và muối theo khẩu phần khốn khổ cho một người tù không đủ nuôi sống cả hai.
Tự coi mình chịu trách nhiệm về sự hy sinh của con trai, vua Savang Vatthana buông xuôi.
Ngày 13/5/1978, ông nằm trên giường, nói ''Tôi ngủ đây'' và trăn trối ''Tôi hiến dâng linh hồn, giọt máu và thân thể của tôi cho mảnh đất mầu mỡ, tươi đẹp của đất nước Lào và có thể cho tất cả dân tộc Lào''.
Ông thở nặng nhọc và ra đi. Ông mất 11 ngày sau cái chết của con.
Vài giờ sau khi ông mất, ba người nấu bếp đào một hố chôn ông không nghi lễ, ảm đạm, thương tâm như mai táng Thái tử Say Vongsavang không lâu trước đó. Họ không được khóc thành tiếng. Lính áp tải vội về ăn cơm tối.
Mộ phần của vua nằm dưới chân cây Kok Leuang (cây đa vàng), khoảng 100m về phía bắc Trại tù số 1, ở rìa con suối Houy Nor Kok trên bản đồ địa phương. Vua an táng đầu hướng về phía Bắc. Con trai ông nằm quay đầu về phía Nam, chôn không xa Tổng tư lệnh cuối cùng Quân lực Hoàng gia Lào, tướng BounPone Makthepharak. Không có bia mộ nào được phép đặt trước nơi an nghỉ cuối cùng của họ.
Hoàng hậu KhamPhoui chịu thân phận tù đầy cũng không được dự phút khâm liệm cả chồng và con trai. Mà chữ khâm liệm cũng xa vời, họ chỉ ném xác những người đại diện cuối cùng Hoàng gia Lào xuống những hố nông đào vội.
Hai năm sau, bà vẫn không biết là chồng và con đã ra đi. Nhân chứng nhìn thấy bà lần cuối không còn nhận ra Hoàng hậu của nước Lào. Tóc bạc trắng và đôi mắt buồn rầu, bà nhai trầu cả ngày để chìm vào quên lãng. Ánh mắt đó cuối cùng cũng tắt vào ngày 12/12/1981. Mộ của bà nằm cách khoảng một km nơi chồng an táng và cũng không có bia.
Ba lời kể và một nỗi nhớ
Ba nhân chứng qua ba thời kỳ đều xác nhận những sự việc kể trên.
Đại tá Khamphan Thammakanti được trả tự do vào năm 1989, sang đoàn tụ với gia đình tại Portland (Orégon, Hoa kỳ), mất ngày 21/8/2004 kể lại rằng Vua cùng 27 thành viên chính phủ gồm các tướng lĩnh, đại sứ, cựu bộ trưởng bị trói và áp giải đến 'Trại 1' ngày 28/10/1977.
Cựu đại sứ tại Liên hợp quốc và đại sứ tại Australie, Phagna Kamchanh Pradith được trả tự do tháng 12/1992 cũng đã những trang về những ngày cuối cùng của Hoàng gia Lào trong cuốn 'Nhật ký' được dịch ra tiếng Pháp.
Vương hầu Mangkra Souvanna Phouma, trong tác phẩm 'Giải phẫu xác chết một vương triều bị thảm sát' còn thêm vào danh sách những tên tuổi Hoàng gia đã là nạn nhân của sự diệt chủng.
Đó là Hoàng thân Souphantharangsi, cựu đại sứ Lào tại Vương quốc Anh, bí thư Hoàng cung cũng bị bắt vào 'Trại 1' năm 1977. Bị nhốt cấm cố, đói ăn đã chết năm 1980. Ông cũng chôn trong một hố chôn tập thể cùng đại tá Amkha Khantamixay.
Khi tra cứu những tài liệu về đề tài nhạy cảm này tôi, đã đọc những tài liệu của cả phía Pháp và hồi ký của Hoàng Gia Lào tỵ nạn tại Pháp. Rất nhiều, có thể nhắc đến "La tragédie du roi du Laos-Le destin tragique du dernier roi du Laos" của Philippe Delorme - Historia No 497 05/1988, tạm dịch Bi kịch vua Lào - Số phận nghiệt ngã của vị vua Lào cuối cùng.
Quyển sách 'Laos Autosie d'une monarchie asssassinée' (Giải phẫu xác chết một vương triều bị ám sát) của vương thân Mangkra Souvannaphouma.
Chủ đề này được viết trên tờ Le Monde ngày 6/6/2013: 'Le Roi est mort, vive le mensonge' (Đức vua đã chết, hoan hô lời dối trá).
Le Monde ngày 1/12/2015, đã dành một bài trang trọng 'Laos:les derniers soldats du roi' 'Lào: những người lính cuối cùng của nhà vua') của Adrien Le Gal.
Nhà xuất bản Plon năm 1976 cũng cho ra mắt bạn đọc 'L'Agonie du Laos' (Lúc nước Lào hấp hối) của vương thân Mangkra Souvannaphouma.
Tôi không nghi ngờ tính xác thực của các nguồn tài liệu kể trên.
Những người Pathet Lào quả không 'hổ thẹn' với những người Bolshevik Nga vốn đã giết toàn bộ gia đình Nga Hoàng Nicholas II, kể cả bốn con gái Olga, Tatiana, Maria, Anastasia và con trai Alexis ngày 16/7/1918.
Chúng ta có nợ nước Lào một lời tạ ơn và một câu xin lỗi chân thành?
Đến thăm nước Lào, nhìn những khuôn mặt hiền lành chất phác của người dân ở Luang-Prabang, chuyện trò với người bạn Lào bên những chiếc chum đá khổng lồ vùng Cánh đồng Chum, hay khi cô gái Lào khuôn mặt rám nắng bầu bĩnh, cột vào cổ tay vòng chỉ ngũ sắc chúc phúc, tôi không đủ can đảm nhắc tới những câu chuyện đau khổ đó. Mùi hương nếp và những chiếc áo vàng cà sa của những vị sư đi khất thực càng như ngăn cản những tâm sự của tôi.
Tôi sợ họ buồn trong chiều vàng nhuộm đỏ những mái cong Hoàng cung, mà cánh cửa mầu lam ngọc chạm hình hai vũ nữ múa điệu Lam Vong trên đầu hai con nghê vàng chẳng gợi gì cảnh chết chóc.
Nhưng khi về, tôi cảm thấy day dứt khi chưa nói những điều này, như món nợ lương tâm mà dân tộc tôi đã làm. Họ đã quá yêu Việt nam đến mù quáng chăng?
'Đất nước của nụ cười-Đất nước Triệu voi' đã bị những thảm kịch đó làm hoen ố. 'Chúng ta đã không biết đoàn kết nhau, chúng ta đã không thật lòng với nhau, cuối cùng bị nước ngoài dắt mũi và trở thành tiểu quốc của họ', Vương thân Mangkra Souvannaphouma nhỏ máu đau đớn viết ra những lời như thế. Những giọt nước mắt cay đắng, hối hận có phần muộn mằn đó có thể vận vào Campuchia, Lào, hay Việt Nam ?
'Kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục, kẻ đó sẽ bị tương lai trừng phạt bằng đại bác', một ngạn ngữ cổ Dagestan chiêm nghiệm. Thanh bình hôm nay trên đất Lào vẫn cón những gì như chưa hoàn chỉnh, như ảo ảnh.
Sẽ có ngày phán xử, không sớm thì muộn. Chẳng cái chết nào là vô ích cả.
Và ngày ấy, ở trên đó, King Savang Vatthana sẽ có thể mỉm cười. Cái chết của ông không uổng, nó gieo hạt mầm cho tương lai.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong ở Paris, Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét