Ông Robert Mueller, khi còn là giám đốc FBI, ảnh chụp tại
Washington, ngày 13/06/2013.
REUTERS/Yuri Gripas/File Photo
Nhật báo kinh tế Les Echos (17/01/2018) phác họa chân dung của
công tố viên đặc biệt Robert Mueller, khiến tổng thống Trump đứng ngồi không
yên. Hiếm khi cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa cùng đồng thuận như trong việc đề
cử ông Mueller làm công tố viên đặc biệt vì suốt sự nghiệp, ông luôn hành động
vì luật pháp và lợi ích chung.
Ông Mueller điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ
năm 2016 và đã cho điều tra một số nhân vật thân cận của ứng viên Cộng Hòa lúc
đó vì đã tiếp xúc với chính phủ nước ngoài. Dù bị áp lực tứ bề, công tố viên đặc
biệt giữ bí mật gần như tuyệt đối, không để tiết lộ bất kỳ thông tin nào về tiến
triển cuộc điều tra.
Vào tháng 12/2017, tổng thống Mỹ khẳng định không có ý định
cách chức ông Mueller, nhưng đội ngũ của Nhà Trắng đang « bới lông tìm vết » vì
biết rằng không thể tấn công công tố viên đặc biệt nếu không có bằng chứng vững
chắc. Dĩ nhiên có một vài thắc mắc về mối quan hệ giữa một số cộng tác viên của
ông Mueller, trong nội bộ đội ngũ mà ông thành lập… nhưng không đủ nghiêm trọng
để viện cớ cách chức vị công tố viên đặc biệt này, vì « Muller là người không
thể mua chuộc được », theo tựa đề bài báo của Les Echos.
Có thể nói, ông đã trải qua rất nhiều biến cố lớn nhỏ tại Mỹ.
Sinh ra tại New York, lớn lên ở Philadelphia, từ nhỏ ông đã được đào tạo trong
một ngôi trường danh tiếng Saint-Paul, ở New Hampshire, nơi thành tích học tập
được công khai để học sinh tự so sánh và ganh đua. Nhờ vậy, ông rèn luyện được
đức tính kỷ luật và bền bỉ. Sau đó, ông theo học luật và khoa học chính trị tại
Princeton trước khi gia nhập Hải Quân Mỹ. Tham chiến ở Việt Nam và bị thương ở
đùi vào năm 1969, ông hồi hương một năm sau đó rồi xuất ngũ vì tôn trọng ý kiến
của vợ. Tiếp tục học luật ở đại học Virginia rồi làm việc ở tòa án San
Francisco và chuyển sang sống ở Boston để con gái được điều trị bệnh tại đây.
Dần dần từng bước, ông bắt đầu giữ những chức vụ quan trọng
hơn. Năm 1988, khi Bush cha lên làm tổng thống, ông Mueller vào bộ Tư Pháp, làm
việc ở bộ phận hình sự và góp phần hình thành đơn vị phòng chống tội phạm mạng
đầu tiên của Mỹ. Khi trở thành tổng thống Mỹ, ông George W. Bush (Bush con) tìm
một giám đốc mới cho FBI, lúc đó đang mất lòng tin ở dân, để cải tổ cục điều
tra liên bang, ông Mueller ứng cử dù không có kinh nghiệm trong ngành cảnh sát.
Bản điều tra về thân thế của ông Mueller ghi rõ ông là người trung thành, nhiệt
tình, chăm chỉ và kín đáo. Đúng những tiêu chí mà tổng thống Bush tìm kiếm.
Nhân viên của FBI cần phải trung thành, dũng cảm và toàn tâm toàn ý, Robert
Mueller hội tụ đủ ba phẩm chất này.
Khi nhậm chức giám đốc FBI, Robert Mueller vừa điều trị xong
ung thư tuyến tiền liệt. Không có kinh nghiệm thì học, nhưng chỉ sau tám ngày
nhậm chức, sự kiện 11/09/2001 là thử thách lớn đầu tiên trong vai trò lãnh đạo
FBI của vị tân giám đốc. Ông Mueller làm việc cật lực và guồng máy cũng làm việc
theo nhịp độ của ông. Nhờ đó, FBI đã lấy lại được lòng tin của người dân Mỹ, hiện
đại hóa và hướng đến lĩnh vực chống khủng bố. Uy tín của ông Mueller có thể được
tóm gọn trong việc tổng thống Barack Obama đã triển hạn thêm hai năm nhiệm kỳ
giám đốc FBI cho Robert Mueller, dù ông đã hết hai nhiệm kỳ 10 năm.
Điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ : « Đặc vụ cuối
cùng » ?
Được Rod Rosenstein, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Jeff
Sessions, bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt. Vụ điều tra nghi án Nga can thiệp
vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có lẽ là « đặc vụ cuối cùng » trong sự nghiệp của
ông Mueller. Đích thân ông tuyển chọn đội ngũ của mình, với những nhân vật nổi
tiếng là kiên trì và trung thực : James Quarles từng tham gia vụ Watergate ;
Aaron Zebley, hung thần của Al Qaida ; Andrew Weissmann từng đứng đầu cuộc điều
tra về Enron ; Ryan Dickey, một trong những chuyên gia giỏi nhất về tội phạm mạng…
Ngoài ra, đây còn là một đội ngũ trình độ cao, quy tụ nhiều luật gia và các nhà
điều tra giỏi nhất Hoa Kỳ mà ông Robert Mueller từng tiếp xúc hoặc làm việc
chung trước đó.
Sau tám tháng điều tra, dường như công tố viên đặc biệt
Mueller và nhóm cộng sự đã có những tiến triển dù chủ yếu là các cuộc thẩm vấn,
vì gần như không có thông tin nào bị tiết lộ. Gọng kìm đang dần siết chặt quanh
những người thân cận của tổng thống Donald Trump : hai cố vấn đã bị buộc tội,
hai người khác thừa nhận đã nói dối FBI. Tuy nhiên, cho đến nay, khó có thể khẳng
định là công tố viên đặc biệt Mueller có đủ yếu tố để quy tội tổng thống Mỹ, hoặc
liệu có chuyện cản trở tư pháp, thông đồng với nước ngoài… Đối với phe của tổng
thống Trump, thế là đã quá giới hạn. Còn với Mueller, chắc chắn còn chưa đủ.
Châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Một điều trớ trêu, châu Âu tiếp tục trừng phạt kinh tế Nga
nhưng phải sưởi ấm nhờ vào khí đốt của nước này. Theo thông báo vào tuần trước
của tập đoàn dầu khí Gazprom, các nước châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khầu 194 tỉ
mét khối vào năm 2017, cho thấy ngày càng « phụ thuộc hơn vào khí đốt Nga »,
theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.
Đức và Áo là hai nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của
Nga. Trong khi đó, Pháp, dù đã đa dạng hóa nguồn cung cấp, cũng phải tăng thêm
7% lượng khí nhập khẩu từ Nga. Nguyên nhân chính là quyết định đóng cửa một số
nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu cũng là một
lý do giải thích nhu cầu gia tăng này. Nhờ vậy, khí đốt của Nga chưa bao giờ lại
lấn át như vậy trên thị trường châu Âu, chiếm 35% thị phần trên toàn Liên Hiệp.
Nhưng « ngoài Ba Lan và một số nước vùng Baltic tiếp tục
theo đuổi chính sách đa dạng hóa, châu Âu không thật sự hành động », theo nhận
định của một chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) vì khí đốt của
Nga giá rẻ. Sắp tới, thế thống trị của Gazprom trên thị trường châu Âu sẽ chấm
dứt vì Novatek, một tập đoàn khác của Nga, đã đưa vào hoạt động khu chế xuất
khí đốt trên bán đảo Yamal, ở Siberi, và tập đoàn Pháp Total là một đối tác.
Miến Điện : Hai năm để hồi hương người Rohingya
Thời sự châu Á được chú ý là số phận của người Hồi Giáo
Rohingya tị nạn tại Bangladesh. Theo thỏa thuận ký ngày 15/01/2018 giữa hai
chính phủ Miến Điện và Bangladesh, khoảng 655.000 « người Rohingya sẽ được hồi
hương trong vòng hai năm ».
Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ tỏ ra hoài nghi, theo
nhận định của nhật báo La Croix. Còn nhật báo Libération đánh giá « kế hoạch hồi
hương có vẻ đánh lừa » để xoa dịu cộng đồng quốc tế. Cụ thể, theo giải thích của
Ro Nay San Lwin, một nhà đấu tranh Rohingya tại châu Âu, với nhịp độ xét 300
đơn mỗi ngày theo kế hoạch, thì cần đến 10 năm mới giải quyết được hết yêu cầu
của người Rohingya tị nạn, chứ không phải 2 năm được nêu trong thỏa thuận.
Tổ chức phi chính phủ Hành động chống nạn đói (Action contre
la faim) cũng dự đoán : « Tình hình liên quan đến hơn 650.000 người không thể
giải quyết trong vài tuần. Các tổ chức phi chính phủ hiểu rằng họ còn ở lại
Bangladesh trong nhiều năm nữa ».
Cả Libération và La Croix đều cho biết phía Miến Điện đã thông
báo xây 5 khu trại tại bang Rakhine nơi người Rohingya sinh sống. « Trong những
ngày tới, người tị nạn có thể bắt đầu đăng kí hồi hương », theo phát biểu của đại
sứ Bangladesh tại Miến Điện. Thời gian có vẻ cấp bách vì người tị nạn sống
trong điều kiện rất bấp bênh ở Cox’s Bazar, trong khi mùa mưa sắp đến vào tháng
Tư.
Dân số : « Nước Pháp già »
Theo thống kê được cơ quan Insee công bố ngày 16/01/2018, tỉ
lệ sinh con ở phụ nữ Pháp tiếp tục giảm trong vòng ba năm liên tiếp, thay vì
trung bình 2 con hiện chỉ còn 1,88 con. Chủ đề này được các nhật báo Pháp đề cập.
Với Le Monde, « Tỉ lệ sinh đẻ : Trường hợp đặc biệt Pháp đến
hồi kết thúc ». Le Figaro đánh giá trên trang nhất : « Sự sụt giảm đáng lo ngại
về tỉ lệ sinh đẻ tại Pháp ». Tương tự, với Les Echos « Tỉ lệ sinh đẻ tiếp tục
giảm tại Pháp ». Ngoài bài xã luận đánh giá « Nước Pháp già cỗi », La Croix
cũng lo ngại « nguy cơ suy giảm dân số ».
Theo các nhật báo, dù dân số Pháp vẫn tăng trong năm 2017 và
hiện là 67,2 triệu người, nhưng không còn tăng theo nhịp độ của những năm trước
(tăng 0,3%, so với +0,5% giữa những năm 2008 và 2013). Sự chênh lệch giữa tỉ lệ
sinh và từ là 164.000 người, đuợc coi là mức thấp nhất kể sau chiến tranh.
Vậy đâu là những nguyên nhân chính ? Nhật báo Le Monde nêu một
số lý do : công việc bấp bênh, chính sách gia đình, cách sống… Tuy nhiên, bài
xã luận của nhật báo La Croix lại cho rằng cha mẹ Pháp sinh con không phải để
được hưởng phúc lợi xã hội hoặc đảm bảo tương lai cho hệ thống hưu trí.
Trang nhất các nhật báo
Ngoài chủ đề dân số Pháp được các nhật báo đề cập, chính
sách nhập cư và chuyến thị sát của tổng thống Pháp Macron về tình trạng người
nhập cư tập trung ở Calais được nhật báo Le Monde và La Croix chú ý.
Người đứng đầu nhà nước Pháp thể hiện tham vọng kết hợp «
nghĩa vụ nhân đạo » trong việc tiếp đón người nhập cư nhưng đồng thời tôn trọng
« trật tự của nền cộng hòa », ông cũng nhấn mạnh là nước Pháp không thể đón hết
được người nhập cư trên thế giới. Le Monde cũng cho biết số người nhập cư đến
và bị trục xuất cũng tăng mạnh trong năm 2017.
Thời sự quốc tế nổi bật là số phận của nhân viên công ty sản
xuất xi măng Pháp Lafarge ở Syria được Libération dành trọn trên trang nhất
cùng với 6 trang điều tra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét