Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

2147 - "Bắc Triều Tiên là nước nghèo nhất trong nhóm các nước phát triển" (Phần I)


Các phái đoàn Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đàm phán về việc đoàn nghệ thuật Bình Nhưỡng đến tham dự Thế Vận Hội Pyeongchang, Bàn Môn Điếm ngày 15/01/2018.
The Unification Ministry/Yonhap via REUTERS

Trong trò chơi « ai có nút bấm to nhất ? », chính Kim Jong Un là người thắng cuộc. Cũng tương tự trong trò chơi « ai là người táo tợn nhất ? », lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc áp đặt thời khóa biểu cho tổng thống Mỹ hiện là người theo đuôi Kim Jong Un. Sau khi Kim Jong Un đề xuất gửi một phái đoàn Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội ở Hàn Quốc, Donald Trump vào cuối tuần trước đã tuyên bố « hoàn toàn » sẵn sàng gọi điện thoại tới Bình Nhưỡng.

Phần 1 : Món quà « bằng vàng » cho Moon Jae In

Trong quá trình thực hiện chiến lược của mình và bất chấp các sức ép của Hoa Kỳ, Kim Jong Un chưa bao giờ mất đi nụ cười. Thế là « lửa và cuồng nộ », nếu như không đổi bên, thì ít ra cũng bị đẩy sang phía Washington. Làm cho Bắc Triều Tiên lớn mạnh trở lại. Được Donald Trump giúp đỡ, chế độ Bắc Triều Tiên đã trở thành bậc thầy trong lĩnh vực tuyên truyền, quan hệ công chúng.

Mở cửa cho nhà báo rộng rãi hơn khu tự trị Tây Tạng, Bắc Triều Tiên đã liên tục mời truyền thông nước ngoài tới, trong những năm gần đây. Do vậy, 70 nhà báo đã có thể tới theo dõi việc phóng « vệ tinh quan sát » hồi tháng 04/2012, mở đầu cho một loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo với kết quả là Bắc Triều Tiên làm chủ được vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 05/2016, Bắc Triều Tiên còn mời 130 nhà báo tới đưa tin về Đại hội Đảng Lao Động.

Tiệc rượu cocktail, đường trượt băng mới và bắn tên, dường như đã mang lại hiệu quả. Bắc Triều Tiên sử dụng đan xen sức mạnh mềm và đe dọa. Dù vậy, người ta vẫn biết rất ít về điều kiện sinh sống của người dân Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, sau nhiều tháng bế tắc ngoại giao, một tia nắng mới dường như đang dọi vào quan hệ Liên Triều.

Nhân chủ đề này, ông Théo Clément, nghiên cứu sinh trường Ecole Normale Supérieure tại Lyon, và từng có một thời gian đến giảng dậy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Stephane Lagarde, báo mạng Asialyst chuyên về thời sự châu Á cho rằng đã đến lúc thế giới nên thay đổi cách nhìn về Bắc Triều Tiên. RFI Việt ngữ xin giới thiệu toàn văn bài viết này.

Asialyst : Việc một phái đoàn Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc đã được thảo luận vào ngày 10/01/2018, tại trụ sở của Ủy Ban Olympic Quốc Tế ở Lausanne. Ông có ngạc nhiên về thông báo này mà Kim Jong Un đưa ra trong bài diễn văn nhân dịp năm mới hay không ?

Théo Clément : Theo truyền thống, diễn văn đầu năm, ngày 01/01 thường nói đến quan hệ của Bình Nhưỡng với miền Nam. Do vậy, đề xuất thiện chí của Kim Jong Un không phải là một điều bất ngờ. Ngược lại, điều gây ngạc nhiên là đề xuất được đưa ra vào lúc tình hình rất căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Kim Jong Un tìm cách dấn thêm một bước gây chia rẽ trong liên minh Mỹ-Hàn. Đó chính là cách khu biệt một vấn đề cụ thể (ở đây là vấn đề Thế Vận Hội) trong một bối cảnh cụ thể : đó là đối thoại Bắc-Nam và gạt hẳn Hoa Kỳ sang một bên.

Cuối cùng thì Kim Jong Un đã đáp lại đề xuất thiện chí của đồng nhiệm Hàn Quốc…

Đúng là Kim Jong Un đã tặng tổng thống Hàn Quốc một món quà đẹp. Sau khi lên cầm quyền với tuyên bố là sẽ hòa giải hai miền Triều Tiên, Moon Jae In đôi khi bị xem là một tổng thống yếu thế. Giờ đây, Kim Jong Un dâng tặng ông ý tưởng hai miền xích lại gần nhau. Moon Jae In đủ thông minh để nắm bắt lấy cơ hội này. Nhờ vậy, chỉ trong có ba ngày, tỷ lệ được lòng dân của ông đã tăng vọt, lên tới 72%.

Dường như phía Seoul gần như thở phào nhẹ nhõm. Điều hiếm thấy là dân Hàn Quốc lo ngại về diễn tiến các sự kiện trong những tháng gần đây, đặc biệt là những động thái múa may của Donald Trump…

Trong mọi trường hợp, về phía Bình Nhưỡng, không có gì thay đổi cả. Bắc Triều Tiên vẫn nhất quán trong chính sách của họ. Có một sự khác biệt về mức độ, chứ không phải là về bản chất giữa chiến lược mà Kim Jong Un đang tiến hành so với chiến lược của cha ông, Kim Jong Il. Do đó, tình trạng bấp bênh ngờ vực là do Hoa Kỳ gây ra và do một vị tổng thống - nói thẳng là ít đáng tin cậy – gây ra.

Đương nhiên, việc thiếu lòng tin vào một người - theo đúng từ ngữ ông ta dùng - có một « nút bấm ra lệnh tấn công nguyên tử to hơn » thật đáng lo ngại. Còn một vấn đề khác nữa, đó là Hàn Quốc không có tiếng nói trong hồ sơ nguyên tử. Kim Jong Un đã thành công trong việc tách vấn đề quan hệ Bắc-Nam được xử lý trực tiếp với Seoul, ra khỏi vấn đề nguyên tử đang là chủ đề đọ sức với Hoa Kỳ.

Hiện nay, một số người ở Hàn Quốc, nhất là giới nghiên cứu giảng dạy đại học mong muốn thực hiện một chương trình răn đe hạt nhân…

Hàn Quốc có công nghệ và kỹ năng cần thiết để phát triển một chương trình như vậy. Đối với Seoul, đó không phải là một thách thức công nghệ, mà là quyết định chính trị. Câu hỏi được đặt ra phải chăng dân Hàn Quốc là những người đầu tiên bị bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên đe dọa ?

Cá nhân tôi nghĩ là không. Bình Nhưỡng chưa bao giờ gắn vấn đề thống nhất Triều Tiên với chương trình nguyên tử. Bắc Triều Tiên coi Hàn Quốc là một phần lãnh thổ của họ bị Mỹ chiếm đóng. Thế thì tại sao họ lại tàn phá san bằng nơi mà họ coi là lãnh thổ của mình ?

Tôi hiểu là Bắc Triều Tiên cảm thấy bị đe dọa, nhưng tôi không thấy rõ là việc ném bom nguyên tử xuống Hàn Quốc thì mang lại lợi ích gì cho Bình Nhưỡng ? Và chúng ta cũng thấy phản ứng nhậy cảm của Trung Quốc khi Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD.

Tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ trước đã ra lệnh đóng cửa khu công nghiệp Kaesong. Vậy phải chăng những tín hiệu giảm căng thẳng này cho thấy Seoul muốn áp dụng trở lại chính sách « Vầng thái dương » ?

Cho đến lúc này, tình hình chưa tiến triển đến mức ấy. Tổng thống Moon Jae In đã tuyên bố ủng hộ việc nối lại hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên và các nhà ngoại giao đang xem xét chuẩn bị cho khả năng. Tuy vậy, sự hợp tác này trở nên rất khó khăn do việc gia tăng các trừng phạt kinh tế sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Nếu hai miền quyết định mở lại khu công nghiệp Kaesong, chắc chắn điều này đi ngược lại lệnh cấm vận đối với Bắc Triều Tiên. Do vậy, cần phải nghĩ tới các dàn xếp, sửa đổi nhưng có nguy cơ là Hoa Kỳ không đồng ý.

Trong khi chờ đợi, việc gửi một phái đoàn Bắc Triều Tiên tới dự Thế Vận Hội ở Hàn Quốc là một động thái vượt ra bên ngoài khuôn khổ thể thao. Người được chỉ định đàm phán về hồ sơ tham dự Olympic là đại tá Ri Son Won, đó là tổng thư ký ủy ban thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên, thành viên Tiểu ban đối ngoại Quốc Hội Bắc Triều Tiên. Nếu Bắc Triều Tiên muốn cử một chuyên gia về các vấn đề thể thao, thì họ sẽ chọn lãnh đạo ủy ban Olympic quốc gia. Đối với tôi, việc chỉ định này là dấu hiệu cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên muốn đi xa hơn.

Đó là cơ hội tốt đối với Kim Jong Un ?


Kim Jong Un là kẻ đã thắng trong những tháng căng thẳng gần đây. Điều này trở nên dễ dàng do Trung Quốc chơi trò nước đôi, sự yếu kém của chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản thì không còn gì để nói với Bắc Triều Tiên. Cuối cùng, Kim Jong Un cũng đã lợi dụng được tình trạng thê thảm của ngoại giao Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét