Giới chức di trú Singapore trong một cuộc kiểm tra ngoại
kiều - hình minh họa
Luật sư Singapore của ông Phan Văn Anh Vũ đang chờ đợi phiên điều trần ở tòa ngày 18/1.
Sau khi gặp thân chủ Anh Vũ chiều 3/1, luật sư Remy Choo nói với BBC Tiếng Việt rằng ông Vũ đang trong tình trạng sức khỏe "không tốt và mong muốn được trả quyền tự do đi lại". Cuộc gặp diễn ra khoảng một giờ đồng hồ. "Tại cuộc gặp, ông Vũ nói ông có vấn đề về tim mạch và rất mệt mỏi vì bị giam giữ", luật sư Remy Choo nói.
"Ông Anh Vũ nói ông rất lo lắng cho sự an toàn của mình."
"Ông ấy cũng bày tỏ mong muốn được trao trả quyền tự do đi lại."
Cuộc gặp diễn ra tại Cục Di trú Singapore (ICA), dưới sự giám sát của nhân viên ICA.
Cuộc gặp là kết quả của buổi ra tòa kéo dài 5 phút sáng 3/1 nhằm giải quyết đơn kiến nghị cho ông Anh Vũ được quyền tiếp cận luật sư.
Luật sư Remy Choo cũng cho biết đã gửi thư tới ICA Singapore đề nghị trả lời lý do vì sao ông Anh Vũ bị bắt và tạm giam, và căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để họ tiếp tục tạm giam ông Vũ.
"Sẽ có thêm một phiên điều trần ở tòa để trả lời về những vấn đề này hôm 18/1", ông Remy Choo cho hay.
"Dù ICA cho hay ông Vũ vi phạm luật di trú nhưng lý do đó không rõ ràng và chính xác. Cụ thể là vi phạm điều gì và như thế nào chúng tôi chưa nắm được, do đó chưa biết được nguyên nhân chính thức", luật sư Remy Choo nói với BBC từ Singapore.
Luật sư Remy Choo cũng cho hay việc ông Anh Vũ sẽ bị tạm giam bao lâu nữa vẫn chưa rõ ràng.
Các tin trước đó:
Trước đó, giới chức Singapore lần đầu tiên xác nhận với BBC Tiếng Việt họ đã 'bắt giữ' ông Phan Văn Anh Vũ vì 'vi phạm Luật Di trú'.
Trong thư hồi âm tối ngày 2/1 giờ Singapore, Cục Di trú Singapore (ICA) chính thức nói với BBC rằng ông Anh Vũ "bị bắt ngày 28/12/2017 vì có vi phạm theo Luật Di trú".
Trong khi đó, đang có câu hỏi về sức nặng của yêu cầu dẫn độ ông Anh Vũ về Việt Nam dựa trên tội danh "lộ bí mật" mà Việt Nam không nói là bí mật gì.
Bình luận về vụ việc, luật sư Vũ Đức Khanh, sống ở Canada, nói với BBC khả năng trục xuất ông Vũ 'nhôm' ra khỏi Singapore "là có thực" nhưng "sẽ không có chuyện dẫn độ về Việt Nam."
"Ông Anh Vũ được xem như một dạng người trong loại những người "bị cấm nhập cư và/hoặc không được hoan nghênh" đến Singapore."
"Trong trường hợp này thì theo thông lệ, Singapore có thể sẽ yêu cầu ông Anh Vũ tự nguyện rời khỏi Singapore trong thời hạn sớm nhất có thể được và nếu ông từ chối mà không có lý do chính đáng thì Singapore sẽ cưỡng chế trục xuất ông."
"Tuy nhiên theo quan điểm của cá nhân tôi, trường hợp của ông Anh Vũ không hề đơn giản chút nào vì thế ông mới bị tạm giam đến hôm nay," luật sư Vũ Đức Khanh bình luận.
Luật sư của Anh Vũ nói gì?
Trao đổi với BBC qua email ngày 2/1, luật sư Remy Choo xác nhận thông tin ông Phan Văn Anh Vũ đã đăng ký tỵ nạn tại Đức.
Luật sư người Singapore khẳng định ông Vũ "nhôm" xin 'tỵ nạn chính trị.'
Ông cũng xác nhận thông tin các luật sư tại Đức của ông Anh Vũ đã nộp đơn cho Đại sứ quán Đức tại Singapore yêu cầu xét đơn xin tỵ nạn của ông Anh Vũ.
Ông Remy Choo nói nhóm luật sư tại Singapore chưa được gặp gỡ hay nói chuyện với thân chủ của mình.
Ông Choo cho biết ông đã đệ đơn lên tòa án nước này ngày 2/1 đề nghị ông Anh Vũ được nói chuyện với nhóm luật sư đại diện.
"Hôm nay, tôi đã thay mặt ông Anh Vũ đệ đơn lên tòa án đề nghị cho ông Vũ được phép nói chuyện với luật sự đại diện do gia đình yêu cầu, bao gồm cá nhân tôi. Tôi hi vọng sẽ có buổi điều trần của tòa án vào sáng sớm mai [ngày 3/1], " luật sư Remy Choo nói.
Luật sư Remy Choo cho hay trong nhóm luật sư đại diện cho ông Anh Vũ tại Singapore còn có luật sư Foo Chow Ming.
Ông Remy Choo không cung cấp thông tin về gia đình ông Anh Vũ.
Trong sáng cùng ngày, BBC liên lạc với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội để xác nhận thông tin xin tỵ nạn của ông Anh Vũ, nhưng đại diện báo chí của cơ quan này cho biết Đại sứ quán từ chối trả lời.
Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore nói với BBC qua điện thoại ngày 2/1 rằng họ không hay tin gì về vụ việc ông Anh Vũ bị bắt giữ và tạm giam tại nước này.
'Cửa rộng hay hẹp tùy quan hệ'
Trả lời BBC từ Hà Nội hôm 2/1/2018, Luật sư Nguyễn Hà Luân, Trưởng văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, nói:
"Tôi không biết thực tế là có truy nã quốc tế đối với ông Phan Văn Anh Vũ hay không."
"Tôi chưa nắm bắt được thông tin này."
"Hơn nữa thông tin đó không được công khai, trong lúc tôi cũng không được tiếp cận hồ sơ nên cũng khó đưa ra bình luận."
"Tuy nhiên theo như tôi biết đã có lệnh truy nã ông Anh Vũ tại Việt Nam của cơ quan tố tụng."
"Tôi biết đã có một vài trường hợp dẫn độ quan chức bỏ trốn ra nước ngoài nhưng tin về các vụ này không được công khai, đầy đủ."
Đề cập về tội danh "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" mà ông Anh Vũ đang bị cáo buộc, luật sư Hà Luân nói:
"Ở Việt Nam, có nhiều trường hợp khi bắt đầu khởi tố thì tội danh này nhưng trong quá trình điều tra thì có thể bổ sung hoặc thay đổi tội danh."
"Khó có thể đánh giá cánh cửa dành cho quan chức Việt Nam đào thoát là hẹp hay rộng, vì nó tùy thuộc cánh cửa đó nằm ở vị trí nào.""Còn tại sao ông Anh Vũ được biết đến là doanh nhân mà có "tài liệu mật" để làm lộ thì tôi không thể biết được."
"Ví như tôi mà muốn đào thoát thì cánh cửa sẽ rất hẹp."
Khả năng dẫn độ có cao?
Cùng ngày 2/01/2018, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC từ TP. Hồ Chí Minh:
"Dẫn độ tội phạm được đặt trên nền tảng các quốc gia tôn trọng chủ quyền của nhau. Do đó, cơ sở để dẫn độ tội phạm là điều ước quốc tế (song phương hoặc đa phương) hoặc dựa vào nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia với nhau và pháp luật quốc gia nơi tội phạm cư trú."
"Thường khi tham gia các điều ước quốc tế, các quốc gia đều thừa nhận nếu có sự khác biệt giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia thì sẽ ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế."
"Do đó, đối với quốc gia có ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế thì việc dẫn độ tội phạm sẽ được thực hiện căn cứ trên điều ước quốc tế đó. Mà không phải loại tội phạm nào cũng được dẫn độ mà chỉ những loại tội phạm mà điều ước quốc tế cho phép dẫn độ mà thôi."
"Đối với những loại tội phạm không được đề cập trong các điều ước quốc tế hoặc giữa các quốc gia không ký kết/tham gia điều ước quốc tế thì việc dẫn độ tội phạm sẽ được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại."
"Khi thực hiện dẫn độ trên nguyên tắc có đi có lại vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc chủ quyền quốc gia của nước nơi tội phạm cư trú. Nghĩa là phải được căn cứ vào luật quốc gia nơi tội phạm cư trú."
"Chỉ những loại tội phạm mà pháp luật quốc gia đó cho phép dẫn độ thì mới được dẫn độ."
"Các tội phạm về kinh tế, chức vụ thường là những tội phạm có trình độ, có hiểu biết nên trước khi trốn ra nước ngoài họ thường né các quốc gia có ký hoặc tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm với Việt Nam."
"Thường họ chọn các quốc gia không có ký hoặc tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm với Việt Nam. Đối với những quốc gia này thì việc dẫn độ tội phạm chỉ có thể được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại. Và mức độ thành công dẫn độ tội phạm theo nguyên tắc này thường phụ thuộc vào vị thế của Việt Nam đối với quốc gia đó."
"Theo nhận định chủ quan của tôi, vị thế kinh tế lẫn chính trị của Việt Nam đang ở top dưới của thế giới và thuộc top trung của khu vực Đông Nam Á nên khả năng dẫn độ tội phạm thành công trên nguyên tắc có đi có lại là không cao, đặc biệt khi tội phạm đang cư trú tại quốc gia có vị thế kinh tế lẫn chính trị cao hơn Việt Nam."
Cùng ngày 2/01, một nhà báo tự do tại Berlin, Đức cho BBC hay dù Đức chỉ chấp nhận đơn tỵ nạn "nộp từ người đã có mặt tại Đức", vẫn còn khả năng ông Phan Văn Anh Vũ được tới Đức:
"Luật sư bên Đức của ông Anh Vũ có thể làm đơn kiến nghị để ông được hưởng qui chế nhân đạo với lý do ông ta có khả năng gặp nguy hiểm khi về Việt Nam, hoặc chính quyền Đức muốn ông Anh Vũ là người cung cấp thông tin cho Đức."
"Nếu một lá đơn như vậy được cứu xét thì ông Anh Vũ vẫn có thể được phép tới Đức trong thời gian tới," theo nhà báo trả lời trong điều kiện ẩn danh.
Bí mật và bất thường
Trả lời BBC hôm 26/12/2017, nhà phân tích Hà Hoàng Hợp từ Singapore nói câu hỏi nay là ông Phan Văn Anh Vũ "làm lộ bí mật cho ai, bí mật gì", và điều đó cũng vẫn đang "nằm trong vòng bí mật".
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cũng nói, dư luận thì nghĩ có thể có "tham nhũng chính sách, thậm chí tham nhũng chính trị" nhưng ông không muốn bình luận việc này.Ông Hà Hoàng Hợp nói trên kênh BBC Vietnamese YouTube của BBC rằng vấn đề là ở chỗ "tin tức trên báo chí Việt Nam cho rằng ông Vũ đe nạt người này, người kia, để mua tài sản công, để kinh doanh, thì những điều này lại không thấy nói đến trong quyết định khởi tố".
Đây là câu chuyện hơi ly kỳ, theo ông Hà Hoàng Hợp, và chính ông Trương Quang Nghĩa (tân Bí thư Đà Nẵng) mới là người "lộ bí mật" vì ông ấy nói với các cán bộ hưu trí rằng "ông Vũ là thượng tá công an".
Trở lại câu chuyện bằng cách nào ông Phan Văn Anh Vũ ra khỏi Việt Nam, Luật sư Phùng Thanh Sơn bình luận:
"Nếu ông Phan Văn Anh Vũ đi đường "tiểu ngạch" thì giới chức Việt Nam không biết hiện nay Phan Văn Anh Vũ đang ở đâu cũng là điều bình thường."
"Còn nếu ông Anh Vũ đi đường "chính ngạch" mà giới chức Việt Nam không biết ông Anh Vũ ở đâu mới là bất thường."
"Không loại trừ giới chức Việt Nam biết nhưng cố tình không xác nhận để gây rắc rối cho Phan Văn Anh Vũ tại nước mà ông này đang cư trú. Khi đó, quốc gia mà Phan Văn Anh Vũ có quyền nghi ngờ hộ chiếu Việt Nam của Phan Văn Anh Vũ là hộ chiếu giả vì nếu là hộ chiếu thật thì giới chức Việt Nam sẽ biết rõ và xác nhận được ông đã xuất cảnh đến quốc gia nào."
Tin từ văn phòng BBC News tại Singapore hôm 02/01 cho hay luật sư đại diện cho ông Phan Văn Anh Vũ đã nộp đơn lên toà án xin lệnh cấm (injunction) để ngăn không cho Cục Di trú trục xuất ông ta về Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét