Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

1834 - Sau Vũ ‘Nhôm’ thì đến ai?


Lê Thanh Hải, hàng sau bên trái, trong một đại hội năm 2011, Hà Nội.

Năm 2017 đầy biến động và mở màn cho chuỗi biến động ghê gớm ở những năm sau.

Nếu vụ Đinh La Thăng bị bắt đã phá vỡ tiền lệ chính trị “ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam”, thì sự sa cơ của trùm bất động sản Vũ “Nhôm”, chứ không phải thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ, như đánh dấu quan niệm bỏ qua ranh giới thỏa hiệp giữa các nhóm quyền lực - lợi ích mới với các nhóm quyền lực - lợi ích cũ để chính thức chuyển qua thời kỳ “tàn sát” nhau.

“Nhả” những gì đã “nuốt”

Mức độ tàn khốc và dã man của cuộc chiến phe phái luôn tỷ lệ thuận với trò chơi băng đảng thôn tính tài sản và tranh giành lãnh địa làm ăn của nhau. 5 năm trước khi Trầm Bê của Ngân hàng Phương Nam và được xem là một trong những “tay hòm chìa khóa” của gia đình thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng, thôn tính Sacombank (Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) của Đặng Văn Thành, ông Thành đã suýt dính phải vòng lao lý. Nhưng cuối cùng vẫn thoát. Với điều kiện phải “nhả” Sacombank. 5 năm sau - 2017, khi Đặng Văn Thành trở lại thương trường và cùng nở nụ cười đắc thắng bên cạnh tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến lượt Trầm Bê sa cơn hoạn nạn. Nhưng lúc này, hoạn nạn đã không còn giản dị là mối đe dọa của cơ quan tư pháp, mà Trầm Bê đã đi thẳng vào tù.

Vũ “Nhôm” - thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ cũng không tránh khỏi số kiếp quả báo của Trầm Bê.

Vũ - đã từng là một người quyền thế ở Đà Nẵng và có thể lọt vào hàng trăm người giàu của xứ sở điêu tàn vì nạn quan chức tận vét và tham nhũng, giờ này đang phải “nhả” một phần lớn những gì đã “nuốt”. Ngay trước mắt và cái có thể thấy được sờ được là hơn ba chục ngôi nhà có gốc gác công sản mà Vũ đã từng ly từng tí, vừa dọa nạt vùa “đấm tiền vào mõm”, tích góp cho mình. Chưa kể nhiều dự án bất động sản kéo theo những thị trường đất nền và căn hộ màu mỡ ở Đà Nẵng, Sài Gòn…

Nhưng “nhả” cho ai?

Cứ nhìn vào bộ mặt “nền báo chí cách mạng” là có thể cảm nhận và đoán biết.

“Nền báo chí cách mạng”

Khác với quang cảnh đấu đá những năm trước với chỉ truyền thông mạng xã hội - được những bàn tay ẩn giấu trong nội bộ đảng chi phối, từ năm 2016 đến nay đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy báo chí nhà nước đang tăng tốc “mặt trận thứ hai”, sau “mặt trận thứ nhất” là mạng xã hội.

Ngày càng nhan nhản báo nhà nước đã lao vào “đánh đấm” và quá bị nghi ngờ phục vụ cho các tập đoàn quyền lực lẫn lợi ích nhóm, trong khi những tờ báo này chẳng mấy quan tâm đến nhan nhản vấn nạn dân sinh và dân quyền bị bóc lột và bị chà đạp ở Việt Nam.

Cũng ngày càng rõ về khuynh hướng một số quan chức đã lợi dụng chủ trương “chống tham nhũng” để sử dụng báo nhà nước như “mặt trận thứ hai”, để không chỉ tranh giành quyền lực mà còn tiến đến thâu tóm lãnh địa làm ăn của nhau. Một số tờ báo nhà nước cũng bởi thế lại có cơ hội “ăn bẫm”.

Bối cảnh “Trung ương đánh Đà Nẵng” trong năm 2017 và được báo nhà nước chạy theo đưa tin viết bài một cách nhiệt tình hiếm thấy là một minh chứng rất sống động về “người có cơm, kẻ có cháo”.

Trong khi đó, “Nhất thể hóa bộ máy và chức danh giữa Đảng và Nhà nước” - một chủ trương của đảng cầm quyền bắt đầu được thi hành trong năm 2017 - hiện đang ngày càng trở thành thời cơ bất ngờ sáng rỡ dành cho những quan chức nào đó, nhưng cũng biến thành nỗi nguy hiểm “kề dao vào cổ” đối với nhiều quan chức khác, nhất là số đầu tỉnh thành.

Sớm hay muộn đôi chút cũng sẽ diễn ra một phong trào “tái cơ cấu nhóm quyền lực” từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Nếu đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền chỉ nhằm giải quyết chủ đề “bất cứ ai trừ Dũng”, các hội nghị trung ương 5 và 6 trong năm 2017 chỉ nhằm “xử” vài “dây” thời cũ, thì những tháng tới sẽ là một trận tổng công kích của các tập đoàn quyền lực dành cho nhau, giữa nhóm quyền lực mới đối với nhóm quyền lực cũ, và cả giữa các nhóm quyền lực mới với nhau. Đà Nẵng của Sungroup, Sài Gòn của Vạn Thịnh Phát, Kiên Giang của Nguyễn Thanh Nghị… có thể là những cái tên đầu tiên được “thí điểm hồi tố”.

Sau Vũ “Nhôm” là đại gia nào?

Ai là “nạn nhân” tiếp theo?

Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Trương Mỹ Lan. Tập đoàn này hiện có vốn điều lệ tới 12.800 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (9.300 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là 7.200 tỷ đồng.

Chỉ riêng tại 2 công ty Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà – chủ tịch tập đoàn Nam Cường.

Nhưng cái tên Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan lại khá bí ẩn khi thông tin cá nhân rất hiếm hoi được tiết lộ với giới truyền thông.

Cái tên Vạn Thịnh Phát thực sự được chú ý khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ Giao thông vận tải) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.

Từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết trên báo nhà nước mang tựa đề “Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì?”, cho rằng “Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để “trùm mền”, động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc TP.HCM đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm”.

Sau đó, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ “đặc biệt” giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy TP.HCM từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự “bảo kê” của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này.

Ngày 27/10/2017, một số tờ báo nhà nước bất chợt đăng tin lạ: “Bà Trương Mỹ Lan và 9 người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam”.

Rất đáng chú ý, bản tin trên lại kèm theo một nội dung được trích từ văn bản pháp quy mà chỉ áp dụng đối với những trường hợp bị xem là phạm tội: “Khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định: Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam; b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam; d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án…”

Khó mà nghi ngờ rằng bản tin “Bà Trương Mỹ Lan và 9 người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam” không có “mùi”. Đó là một thứ mùi rất đặc trưng của thời đại: sau đại hội 12, những nhóm quyền lực và lợi ích mới nổi lên để thay thế và tìm cách “nuốt” những nhóm quyền lực và lợi ích cũ, đặc biệt từ giữa năm 2016 khi chiến dịch “chống tham nhũng” được Tổng bí thư Trọng tung ra đã bị không ít kẻ lợi dụng như một bình phong để bắt những kẻ khác phải “ói” ra.

Từ cuối năm 2015 và trước đại hội 12, đã có tin Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan nằm trong danh sách “bị thịt”.

Sau đại hội 12, ông Lê Thanh Hải bị loại khỏi Bộ chính trị, không còn giữ chức bí thư thành ủy TP.HCM và coi như “hạ cánh”. Ông Hải cũng bị một số dư luận đồn đoán là “một trong những người tham nhũng và giàu nhất Việt Nam”.

Ngày càng hiện rõ triển vọng trong thời gian không bao lâu nữa, một thế lực chính trị và tài phiệt nào đó sẽ hất cẳng Vạn Thịnh Phát, và do đó hất cẳng cả cựu bí thư Lê Thanh Hải theo cách “của thiên trả địa”.


Đó cũng là cách mà những con cá mập ở Việt Nam vẫn hàng ngày đớp nuốt lẫn nhau, sau khi dạ dày của chúng đã thỏa thuê phần xương thịt của dân chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét