Nếu căn cứ theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quy định số 105-NĐ/TW [*], do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ban hành và hiệu lực ngay ngày ký là ngày 19-12-2017, thì các nội dung quy định này hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Còn nếu Quy định số 105-NĐ/TW “quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” có giá trị thi hành, thì cũng đồng nghĩa Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 cần được viết lại.
Chính phủ thuộc Bộ Chính trị?
Trong “Phụ lục 1, chức danh cán bộ do bộ chính trị, ban bí thư quyết định hoặc phân cấp; chức danh cán bộ cần có sự thẩm định nhân sự của các ban đảng trung ương (Kèm theo Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị)”, thì các chức danh cán bộ ở các cơ quan Trung ương do Bộ Chính trị quyết định:
Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh; Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Trưởng các ban chỉ đạo do Bộ Chính trị thành lập; Thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; trưởng các ban của Trung ương Đảng; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
Quy định số 105-NĐ/TW “quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” |
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Như vậy, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 sẽ vô hiệu từng phần, chỉ còn giá trị ở các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng. Và quyền hạn của 3 chức danh này cũng đã bị cắt giảm rất mạnh.
Hiện tại, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định như sau về nhân sự cấp cao tại Điều 8 và 9:
1. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước.
2. Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
3. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
4. Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
5. Quốc hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước.
6. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
7. Ngoài những người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người ứng cử để bầu vào chức danh quy định tại Điều này trong trường hợp đại biểu Quốc hội ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử.
8. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
9. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.
10. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
11. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước.
12. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Hiểu một cách nôm na: nếu thực hiện theo Quy định số 105-NĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, thì kể từ ngày 19-12-2017, Chính phủ không còn phải “chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước” và Chính phủ cũng không còn “là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội” như quy định tại Điều 94, Hiến pháp 2013.
Lý do: kể từ ngày 19-12-2017, Chính phủ thuộc quyền quản lý của Bộ Chính trị.
Quy định số 105-NĐ/TW đã vi hiến?
Điều 4.3 của Hiến pháp 2013 quy định như sau: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Quy định số 105-NĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, thì kể từ ngày 19-12-2017 đây là văn bản vi phạm vào Điều 4.3, Hiến pháp 2013, khi tổ chức của Đảng là Bộ Chính trị đã tự cho mình quyền đi ngược lại với hàng loạt các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc 2015, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Trong khi ở Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp, để tôn trọng pháp quyền xã hội chủ nghĩa, và cũng để Quy định số 105-NĐ/TW của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp, cần thiết Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang tiến hành các thủ tục về “Trưng cầu ý dân” theo Điều 19, Luật Tổ chức Quốc hội: “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân”.
Bởi, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. (Điều 69, Hiến pháp 2013).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét