Tòa án ở TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xử nhóm người bị cáo buộc "khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất" trong lúc một luật sư nói "nhà nước không nên máy móc hễ cứ thấy người nào nhận tiền từ các thế lực "thù địch" thì cho là phản động."
Báo Việt Nam cho hay, phiên tòa sơ thẩm xử vụ án đặt bom xăng trong sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh từ hôm 26/12 và dự kiến kéo dài đến ngày 29/12.
Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, cáo trạng cho biết, ông Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi), ông Nguyễn Đức Sinh (32 tuổi) cùng 13 đồng phạm bị truy tố tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", bà Lê Thị Thu Phương (21 tuổi, bạn gái ông Thiện) bị truy tố tội "Không tố giác tội phạm."
Cáo trạng cũng nói những người nêu trên "bị lôi kéo qua mạng xã hội và làm theo chỉ đạo" của ông Đào Minh Quân, người bị cáo trạng mô tả là "cầm đầu tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài" và bà Phạm Lisa.
Trả lời BBC Tiếng Việt ngày 26/12, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: "Ông Đào Minh Quân và bà Lisa Phạm là những người có những hoạt động chống đảng Cộng sản Việt Nam là điều rõ ràng."
"Tuy nhiên, không phải mọi hỗ trợ của những người này cho các bị cáo (nếu có) thì liệt những bị cáo này vào tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo khoản 1 Điều 84 Bộ luật Hình sự trừ khi có sự bàn bạc, thống nhất ý chí giữa ông Đào Minh Quân, bà Lisa Phạm và các bị cáo về mục đích khi thực hiện hành vi phạm tội."
"Nếu các bị cáo chỉ muốn gây hoảng sợ cho công chúng và ông Đào Minh Quân, bà Lisa Phạm ủng hộ và hỗ trợ tài chính cho hoạt động này thì hành vi này có dấu hiệu của tội khủng bố được quy định tại Điều 230a Bộ luật Hình sự 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009 hơn là tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân."
Luật sư phân tích thêm: "Thực tế não trạng của đa số người Việt trong nước cũng như chính quyền là suy nghĩ rất tiêu cực khi nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân bị nhà nước liệt vào danh sách đen.""Và trong trường hợp này, nếu ông Đào Minh Quân, bà Lisa Phạm biết được mục đích của các bị cáo và vẫn chuyển tiền về cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì ông Quân và Lisa Phạm có dấu hiệu của tội tài trợ khủng bố được quy định tại Điều 230b Bộ luật Hình sự chứ không phải là kẻ chủ mưu trong tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân."
"Theo tôi, suy nghĩ như thế là không thỏa đáng. Không phải cứ nhận tiền tài trợ từ các thế lực "phản động" là phản động."
"Vấn đề mấu chốt là anh sử dụng tiền tài trợ đó cho mục đích gì, có hợp pháp hay không mới là quan trọng chứ không phải anh nhận tiền từ ai. Chúng ta không thể cấm một kẻ cướp làm từ thiện được."
"Do đó, nhà nước cũng không nên máy móc hễ cứ thấy người nào nhận tiền từ các thế lực "thù địch" thì cho là phản động mà cần phải xem xét tiền tài trợ đó được dùng vào những việc gì. Những việc đó có đi ngược lại sự vận động và phát triển của xã hội hay không. Chỉ khi nào hành vi của họ đi ngược lại với sự vận động và phát triển của xã hội thì mới xem là phản động."
'Tính chính danh'
Hôm 26/12, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam nói với BBC: "Đây là cáo buộc rất nặng nề, trong đó mức nặng nhất có thể tử hình."
"Cáo trạng ghi nhận về ông Đào Minh Quân, một người chưa ai thấy xuất hiện ở Việt Nam và theo tôi cũng thường hay có những phát ngôn mang tính hoang tưởng, phi thực tế trên mạng xã hội. Còn bà Lisa Phạm cũng ở hải ngoại, thường xuyên livetream phát trực tiếp những lời kêu gọi, nói về chế độ, xã hội trên trang trang facebook cá nhân."
"Cáo trạng ghi nhận về hai người này thể hiện sự tác động rất rõ, rất mạnh dù chỉ tương tác trên mạng xã hội của họ đến nhóm người bị truy tố.""Có vẻ như nhiều người đã hoàn toàn bị thuyết phục, tin vào những lời nói của hai người này dẫn đến có những hành động mang tính bạo động như "đốt kho giữ xe", "đặt bom xăng ở sân bay", "chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng."
Ông Lâm nói thêm: "Cá nhân tôi nghĩ rằng có rất nhiều lời kêu gọi của các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động ở trong nước mà ở đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết đó là những con người thật, tổ chức thật. Họ đồng hành cùng chúng ta trong từng bước chân, từng hành động trong những lời kêu gọi ấy."
"Ví dụ như lời kêu gọi tuần hành ôn hòa phản đối Formosa ở Sài Gòn của các tổ chức xã hội dân sự, chương trình tổng tuyệt thực toàn cầu cho tù nhân lương tâm năm 2015 của Mạng lưới blogger Việt Nam hay lễ tưởng niệm các anh hùng ngã xuống trong cuộc chiến biên giới phía Bắc, cuộc chiến Hoàng Sa, Trường Sa của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng…"
"Và tất nhiên, trong những lời kêu gọi, các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động thật sự đã nghiên cứu kỹ về pháp luật hiện hành để có tính chính danh trong lời kêu gọi và đưa ra những khuyến cáo để giữ mức độ an toàn tối đa cho người tham gia. Cũng như họ sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ người tham gia cũng như gia đình người tham gia ấy về các mặt pháp lý, thông tin, tinh thần trong trường hợp ai đó bị câu lưu hay sách nhiễu."
Mạng xã hội nói gì?
Hôm nay an ninh thắt chặt ở Sài Gòn, tất cả các nhà hoạt động xã hội dân sự đều bị giám sát nghiêm ngặt. Lý do là vì Tòa án ở thành phố xét xử trong 4 ngày vụ án khủng bố có liên quan đến "Thủ tướng" tự phong Đào Minh Quân.
Tôi thực sự ngạc nhiên vì nhiều người đã đặt niềm tin vào tay "Thủ tướng" tâm thần này để số phận của mình bị liên luỵ như vậy. Lý tưởng tự do dân chủ cao đẹp không thể được thực thi bằng đường lối bạo lực, mà kẻ chủ xướng thì ... không không thấy trên thực địa.
Bạo lực là bản chất của cộng sản, được thể hiện trên mức thượng thừa. Do đó, tranh đấu với nó bằng phương pháp sở trường của chính nó chắc chắn không phải là giải pháp hữu hiệu.
Câu thần chú duy nhất có thể giải trừ âm binh mà Karl Marx đã triệu đến hành tinh này từ địa ngục chỉ có thể là: Sắc Sắc Không Không
------
Pham Doan Trang
CHẾT VÌ “CHÚ PHỈNH” ĐÀO MINH QUÂN
15 người, trong đó có người sinh năm 1990, 1992, 1993, ra trước Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày hôm nay (26/12) với cáo buộc “phạm tội khủng bố chống chính quyền nhân dân”, trong một vụ án nhằm vào “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân
Theo phản ánh của một số nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Sài Gòn thì nhiều bị cáo rất trẻ và đều “hâm hâm, ảo ảo”, hay theo dõi livestream của một vài nhân vật “đấu tranh” ở hải ngoại và cực kỳ tin tưởng các “nhà đấu tranh” đó. Trong khi ấy, chính những người đang hoạt động trong nước khuyên can, thuyết phục thì họ lại không nghe.
Qua câu chuyện này, có thể thấy rõ một điều rằng: Khi không hiểu biết về chính trị, bạn trẻ rất dễ sa vào một trong các thái cực sau:
1. Chấp nhận sống như một con cừu để nhà nước (và các nhóm lợi ích cấu kết với nhà nước) vặt lông, đứng trước cơ quan công quyền thì run lập cập, gặp công an thì… tè ra quần. Điều này có thể hiểu được và cũng không có gì xấu xa, nhưng bạn thử nghĩ xem, sống ở trên đời mà cứ phải sợ một thế lực nào đó – mà thế lực này là những con người giống như mình chứ không phải thần thánh ma quỷ gì – thì có bõ sống không?
2. Tham gia những nhóm hội, những hoạt động nghe có vẻ rất sang, như “khai dân trí”, “đấu tranh cho tự do”… nhưng thật ra là vô bổ, không chiến lược đường lối, không chiến thuật, không tổ chức, và nhất là không đem lại lợi ích gì cho chính bạn, cả về kiến thức lẫn kỹ năng, tiền bạc lẫn vốn xã hội, tài chính lẫn danh tiếng. Bạn chịu nhiều thiệt thòi, nhưng cái thiệt lớn nhất mà những nhóm hội, những hoạt động đó gây ra cho bạn là mất thời gian: Bạn mất đi những năm tháng của tuổi trẻ quý báu trong khi chẳng tạo ra mấy giá trị cho xã hội, cũng không thu được gì cho mình.
3. Ảo tưởng sức mạnh (nặng hơn nữa thì thành tâm thần hoang tưởng): Bạn lúc nào cũng ở trong một màn sương, đầu óc quay cuồng với những thuyết âm mưu, chiến lược, kế hoạch, quyết định, ý tưởng, sáng kiến, v.v. Cùng với đó, bạn chẳng làm được việc gì mà còn bị cô lập dần khỏi những người xung quanh. Có vẻ như chính trị là một trong những lĩnh vực có nhiều người dễ mắc chứng hoang tưởng nhất.
4. Trở thành công cụ, con rối trong tay những kẻ cơ hội chính trị, để chúng giật dây bạn vào những mưu đồ mà lợi nhuận thì chúng hưởng, tổn thất thì bạn chịu, mà vụ “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân là một ví dụ mới nhất. Chế tạo bom xăng, bom gas, súng, đốt bãi xe và mưu tính đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, theo kế hoạch do các ông trùm, bà trùm ở hải ngoại vạch ra sau bàn phím – các bạn định làm gì vậy?
Nếu âm mưu thành công và có người thiệt mạng trên sân bay Tân Sơn Nhất hôm đó, bạn nghĩ số phận của họ có khác gì những người Việt chết trong khu cư xá Brinks mà biệt động Sài Gòn đánh bom vào ngày 24/12/1964?
Ở một quốc gia dân chủ, công dân hoạt động chính trị là điều quá đỗi bình thường. Ở xứ độc tài như Việt Nam, muốn hoạt động chính trị, đấu tranh cho tự do, trước hết bạn cần phải hiểu biết đã, dù ít dù nhiều.
------
TRẢ GIÁ VÌ “GÃ HỀ CHÍNH TRỊ”
Các hoạt động bạo động vũ trang, phá hủy tài sản, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của bất kỳ ai đều đáng bị lên án và không thể biện minh cho bất kỳ mục đích gì.
Thúc đẩy một xã hội dân chủ tiến bộ không thể tiến hành bằng phương pháp khủng bố, phá hoại và các hình thức huỷ hoại các giá trị nhân bản của con người.
Đây không phải là thời điểm thập niên 70-80 của thế kỷ trước để chấp nhận cho một hình thức đấu tranh hoạt động vũ trang nhằm thay đổi chế độ.
Thế giới giờ đã thay đổi, một xã hội mở, dưới thời đại Internet và xu thế toàn cầu hoá, sự thù địch về ý thức hệ dần được thu hẹp, các bất đồng đang được giải quyết bằng phương pháp đối thoại trong hoà bình. Hình thức đấu tranh bạo lực được thay thế bằng phi bạo lực là xu hướng tất yếu và là chuẩn mực chung của nhân loại.
Nhưng đáng tiếc vẫn còn đó những người thiểu số tiếp tục duy trì một hình thức đấu tranh bạo động vũ trang bị nghiêm cấm theo luật lệ quốc tế hiện hành. Vụ án có tới 15 người ở VN bị bắt và truy tố khi tham gia “nhóm hành động” của “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” do ông Đào Minh Quân làm “thủ tướng” là một ví dụ mới nhất.
Tôi không đủ thông tin để đánh giá cáo trạng của Viện Kiểm Sát truy tố 15 người này ra Toà án TP.HCM vào sáng nay 26/12/2017, về tội “khủng bố chống chính quyền nhân dân” là có tương xứng với hành vi hay không? Nhưng chỉ xét trên yếu tố gia nhập, thiết lập quan hệ hay ủng hộ lực lượng Chính phủ “tự phong” của ông Đào cho thấy họ là những người không thể theo cùng thời đại và tự huỷ hoại tương lai của mình một cách vô dụng.
Nói một cách sỗ sàng thì có thể gọi đây là “đám người thần kinh, ảo tưởng chính trị”.
Nhìn những gì ông “thủ tướng” Đào Minh Quân thể hiện, nhiều người cho rằng ông ấy là một kẻ bịp bợm chính trị, nhưng đối với tôi thì ông ta chỉ là một “gã hề chính trị”.
Vì Chính phủ do “Đào thủ tướng” điều hành không cần đến sự dối trá và lừa phỉnh một cách tinh vi để khó nhận diện, mà lại phô trương nó ra một cách kệch cỡm và khôi hài.
Nhưng thật khó hiểu khi vẫn có người chui vào sân khấu của “gã hề chính trị”, tham gia vào vai diễn phụ quần chúng nhưng đã phải trả giá thật sự bằng bi kịch của cuộc đời.
Điều đó cho thấy, sự kiếm khuyết về nhận thức chính trị của một bộ phận hoạt động đấu tranh chính trị tại Việt Nam lẫn hải ngoại vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại.
Ảnh: kết luận của cáo trạng truy tố ra toà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét