Năm 2017 bắt đầu với sự kiện Đồng
Tâm (4/2017) đầy kịch tính và đang kết thúc với sự kiện BOT Cai Lậy (12/2017)
còn nóng hổi và không kém bi kịch. Trước đó một năm, vụ Formosa (4/2016) gây thảm
họa môi trường miền Trung làm cả nước rung chuyển, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy
cơ lớn như một quả bom nổ chậm chưa được tháo ngòi. Đây là những vụ bê bối lớn
tầm quốc gia, gây tắc nghẽn về thể chế (institutional bottlenecks) vẫn chưa được
tháo gỡ, làm “chính phủ kiến tạo” mắc kẹt trong thế “tiến thoái lưỡng nan”
(catch-22).
Đồng Tâm “cùng tắc biến”
Vụ khủng hoảng con tin Đồng Tâm
là một sự kiện điển hình về quy luật “cùng tắc biến”. Tuy kết thúc “có hậu” đầy
kịch tính được dư luận lúc đó đồng tình, nhưng vì quyền lực và tham nhũng chưa
được kiểm soát do thể chế chưa đổi mới, nên kết thúc có hậu đang bị người ta
tìm cách đảo ngược. Hành động này đang gây khủng hoảng lòng tin trong dân, và
tiểm ẩn nguy cơ như một quả bom nổ chậm có thể gây ra tai họa khó lường. Vì vậy,
Đồng Tâm vẫn ách tắc mà chưa được hóa giải để “biến tắc thông” như dư luận mong
đợi.
Những vụ bê bối này có cùng một
nguyên nhân cốt lõi là thể chế bị các nhóm lợi ích thân hữu thao túng, bất chấp
lòng dân bất bình, để đạt mục đích trước mắt là tận thu vì lợi ích nhóm. Họ có
thể chiếm đoạt đất đai của dân (như tại Đồng Tâm) hay tận thu phí cầu đường
(như tại Cai Lậy và các trạm BOT khác). Mẫu số chung là lòng tham vô đáy, mà
nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thi Doan đã mô tả là “ăn của dân không từ một
cái gì”.
Chính họ đang cố trì hoãn đổi mới,
làm đất nước tụt hậu, và đẩy người dân đến bước đường cùng, buộc phải phản
kháng (bất bạo động) như tại Đồng Tâm và Cai Lậy. Những người nông dân Đồng Tâm
hay những tài xế trên Quốc lộ 1 không phải là “thế lực thù địch” đang “diễn biến
hòa bình” mà chính những nhóm lợi ích đang đẩy họ tới bước đường cùng để làm
giàu bất minh đang “tự diễn biến” để tận thu, trước khi tẩu tán ra nước ngoài.
Quy trình tận thu
Tại BOT Cai Lậy, chính quyền địa
phương (Tiền Giang) hay cơ quan chức năng (bộ Giao Thông) vẫn ứng xử theo “đúng
quy trình” như tại Đồng Tâm hay Formosa. Điều đó cũng dễ hiểu, vì các nhóm lợi
ích thân hữu thường bảo vệ “lợi ích bất minh” của mình bằng cách thao túng thể
chế như một thế lực ngầm. Khi quyền lực bất minh không bị kiểm soát thì chống
tham nhũng sẽ biến thành tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm.
Thực ra các “nhóm lợi ích”
(interest groups) ở đâu cũng có, như một thực tế bình thường trong xã hộị,
không có vấn đề gì đặc biệt. Nó chỉ có vấn đề khi bị các thế lực độc quyền bóp
méo và thao túng biến thành lợi ích “đặc biệt” (special/vested interests) với mục
đích và phương tiện bất minh. Cũng như vậy, BOT là một phương thức đầu tư tốt,
không có vấn đề. Nó chỉ có vấn đề khi bị các thế lực độc quyền bóp méo và thao
túng biến thành công cụ đặc quyền để tận thu của dân và của nhà nước. Một khi họ
đã tận thu nguồn ngân sách nhà nước đến cạn kiện thì họ sẽ tìm mọi cách tận thu
của dân bằng các hệ thống thu phí (rents-seeking).
Những xã hội chuyển đổi
(transitional) như Việt Nam hay Trung Quốc, là môi trường thuận lợi (và béo bở)
để các thế lực độc quyền và tham nhũng thao túng và làm giàu dưới các hình thức
biến thái của hệ thống thu phí. Họ làm được điều đó không phải vì tài giỏi, mà
vì thể chế và hệ điều hành yếu kém, không dựa trên pháp quyền và “tam quyền
phân lập”, nên dễ bị thao túng. Trong khi đó, đa số người dân còn thiếu hiểu biết
và thiếu ý thức, nên thường sợ chính quyền và cam chịu số phận. Vì vây, người
ta mới nói, “dân nào thì chính phủ ấy”.
Nhưng vụ Đồng Tâm và Cai Lậy đang tạo ra tiền lệ mới, như một bước ngoặt
quan trọng.
Hàn xoong hàn nồi
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có lần
nói đến nghề “hàn xoong hàn nồi” thời trước, tuy nay không còn, nhưng thói quen
tư duy chắp vá cho qua chuyện đến nay vẫn còn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng cái gì
họ cũng xử lý được bằng cách chắp vá, nhưng hàn được chỗ này thì lại thủng chỗ
khác. Hình tượng “hàn soong hàn nồi” rất giống thực trạng khi người ta tìm cách
bịt các lỗ thủng của một hệ thống bất cập như cái xong cũ bị thủng. Đồng Tâm và
Cai Lậy là hai trường hợp điển hình mà người ta đang đối phó như “hàn song hàn
nồi”. Nhưng liệu bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có hàn được lỗ thủng do chính
mình tạo ra? Liệu Việt Nam có thể chống được tham nhũng, nếu không dẹp được các
BOT “biến thái”? Như Einstein từng nói, “bạn không thể giải quyết được vấn đề bằng
chính tư duy đã tạo ra nó”.
Theo báo Tuổi Trẻ (4/12/2017)
trong bài “Trạm BOT Cai Lậy nhầm chỗ: Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa
sai!”, ngày 28/10/2013, ông Nguyễn Văn Thể (nguyên thứ trưởng Bộ GTVT) đã
ký ba công văn hỏa tốc gửi HĐND, UBND và đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh
Tiền Giang về việc “thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự
án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy theo hình
thức BOT”. Ngày 19/12/2013, ông lại ký quyết định phê duyệt dự án đầu
tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy. Ông Nguyễn
Văn Thể (bộ trưởng) và ông Nguyễn Nhật (thứ trưởng) đã thao túng thể chế (bằng
văn bản) và quy trình (bằng chỉ định thầu) chẳng khác gì ông Võ Kim Cự (vụ
Formosa).
Họ có thể chọn nhà thầu là “sân
sau” của ai đó, và tùy tiện thay đổi chủ đầu tư (như công ty Bắc Ái) theo “đúng
quy trình” (bất minh), để được “lại quả” (một cách xứng đáng). Vì vậy mà lúc đầu
ông Nguyễn Nhật luôn lớn tiếng khẳng định để bảo vệ dự án BOT Cai Lậy là “không
có gì sai cả… tất cả đều đúng quy trình…” và ai chống lại quy trình sẽ bị xử
lý. Nhưng khi sự việc vỡ lở, trở thành điểm nóng của cả nước, thì “tư lệnh
ngành” Nguyễn Văn Thể đột nhiên im lặng một cách khó hiểu (chắc lúc này “im lặng
là vàng”). Theo báo chí (chính thống), khi còn là thứ trưởng bộ GTVT, ông Thể
đã ký duyệt quá nửa trong tổng số gần 90 dự án BOT tại Việt Nam, trong đó có 7
dự án BOT đặt trạm thu phí sai vị trí (như Cai Lậy).
Ngưu tầm ngưu mã tầm mã
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, trong
tháng 2/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận ông Nguyễn Nhật vào thời
điểm giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh, “có phần trách nhiệm
trong việc buông lỏng quản lý, điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát trong quá
trình thực hiện dự án, để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp
phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh”. Tháng 11/2014, ông Nhật
(nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT, đã bị “phê bình nghiêm khắc” do để xảy
ra sai phạm tại 3 dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải (là Hòn Gai – Cái Lân,
Vũng Tàu – Thị Vải, Soài Rạp – Hiệp Phước). Nhưng với những thành tích bất hảo
đó, ông Nhật vẫn trở thành thứ trưởng bộ GTVT, một ngành mà người ta hay gọi là
“lục lộ” (và thu phí BOT như “mãi lộ”).
Theo Infonet (5/12/2017) công ty
Bắc Ái là chủ đầu tư thực sự của BOT Cai Lậy. UBND huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã
từng gửi công văn đến UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu làm rõ trách nhiệm của CTCP
Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Bắc Ái trong việc làm sạt lở bờ sông Lô, khu vực xã
Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Nói cách khác, đó là một công ty khai
thác cát (mà người ta hay gọi là “sa tặc”) đã góp phần hủy hoại môi trường một
số nơi, nhưng lại là sân sau của Bộ GTVT. Người ta hay nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm
mã”, hoặc theo lời ông Lưu Vân Sơn khi đến thăm Việt Nam thì đó là cộng đồng
“có chung vận mệnh”.
Nhưng không may cho họ là lúc này
“tay phải và tay trái” đang tìm cách sát phạt lẫn nhau để chuẩn bị cho đại hội
giữa kỳ. Theo quy luật, để duy trì quyền lực trong một thế giới biến động khôn
lường, thì tranh giành quyền lực giữa các phe phái càng gia tăng, để giành giật
lợi ích và để giữ ghế (thậm chí để bảo toàn tính mạng). Nếu dân chúng bị dồn đến
bước đường cùng, họ buộc phải hành động ngày càng táo bạo và khôn ngoan (như
các tài xế trả tiền lẻ cho trạm thu phí BOT) để bày tỏ thái độ bất bình của
mình. Đó là cách họ phản đối việc thu phí bất minh của trạm BOT Cai Lậy, tuy ôn
hòa nhưng rất hiệu quả bằng “bất tuân dân sự” (civil disobedience). Đó là một
bước trưởng thành từ Đồng Tâm đến Cai Lậy…
Cai Lậy “biến tắc thông”
Theo luật sư Trần Quốc Thuận, nếu
có một cuộc điều tra công khai minh bạch thì sẽ thấy “tất cả đều là đại án”. Tại
sao trong mười năm qua, các trạm thu phí cầu đường thi nhau mọc lên như nấm
trên khắp Việt Nam, khiến dân chúng điêu đứng? Hầu như 100% dự án BOT cầu đường
có vấn đề vì từ năm 2011 đến 2015, trên toàn Việt Nam có 71 dự án BOT cầu đường
thì cả 71 dự án đều không tổ chức đấu thầu, mà chỉ định “nhà đầu tư”. Tất nhiên
họ không phải là thường dân. Ai cũng biết chủ đầu tư của BOT Cầu Giẽ và Hà Nội-Bắc
Giang là bà Đỗ Huyền Tâm (phu nhân ông Nông Đức Mạnh). BOT Cai Lậy cũng không
phải ngoại lệ.
Vì vậy, sự phản kháng của dân
chúng đối với các dự án BOT, mà điển hình là với trạm thu phí BOT Cai Lậy, đã
được dư luận đúc kết (tóm tắt như sau). Thứ nhất, lợi ích nhóm tồn tại khắp
nơi. Thứ hai, BOT là mảnh đất màu mỡ nhất của lợi ích nhóm. Thứ ba, BOT là hình
thức bóc lột người dân trắng trợ nhất. Thứ tư, một số quan chức bộ GTVT cùng
nhóm lợi ích BOT. Thứ năm, các nhóm lợi ích BOT sẽ chống đối đến cùng (vì
“chung vận mệnh”). Những gì đã diễn ra tại Đồng Tâm có thể diễn ra tại Cai Lậy
và một số nơi khác tương tự. Tại Đồng Tâm và Cai Lậy, sự trấn áp bằng bạo lực của
chính quyền đã bị vô hiệu hóa.
Câu chuyện không phải chỉ là BOT
Cai Lậy hay các dự án BOT khác, mà là sự bất bình và phản kháng của người dân bị
dồn đến bước đường cùng. Nói cách khác, đó là sự tồn vong của chế độ.
Trong số các câu hỏi cần đặt ra về
những khuất tất của dự án BOT Cai Lậy, phải làm rõ tại sao Công ty TNHH BOT Đầu
tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (pháp nhân quản lý trạm thu phí BOT Cai Lậy) thành lập
vào tháng 4/2014 trong khi công trình khởi công vào tháng 2/2014?; Công ty này
có vốn đối ứng để thi công không hay 100% là vốn đi vay ngân hàng? Công ty này
có đủ điều kiện đáp ứng các quy định về nhà đầu tư BOT hay không?
Những bài học chính yếu
Vụ khủng hoảng BOT Cai Lậy đã làm
rõ mấy bài học chính yếu. Thứ nhất, họ đặt sai vị trí trạm thu phí để “đón
lõng” tất cả xe đi qua đường số một, để tận thu phí một cách bất minh. Thứ hai,
họ không đếm xỉa đến lý do tại sao người dân bức xúc và phản ứng. Thứ ba, thái
độ coi thường dân của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng càng lộ rõ
khi họ huy động không chỉ có cảnh sát giao thông mà còn cả cảnh sát cơ động và
phương tiện trấn áp để “dằn mặt” lái xe như hành vi khủng bố người dân để bảo
kê cho nhóm lợi ích BOT. Thay vì kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng, họ đã
ngang nhiên tham nhũng quyền lực.
Để sửa sai vị trí đặt trạm thu
phí, chính phủ cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia (như tiến sỹ Nguyễn Đức
Thành, viện trưởng VEPR) khuyến nghị nhà nước sử dụng ngân sách để thanh toán
300 tỷ tiền đầu tư của nhà thầu đã nâng cấp đoạn đường cũ đi qua thị xã Cai Lậy.
Đồng thời ông Thành đề nghị dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đầu đoạn đường
tránh mới xây, và yêu cầu kiểm toán lại dự án để đảm bảo công bằng. Người dân
cũng cần rút ra bải học cơ bản về đấu tranh bằng phương thức “bất tuân dân sự”
để gây sức ép. Yếu tố cốt lõi là phải tập hợp đông đảo người dân một cách hợp
pháp, có tổ chức và đoàn kết chặt chẽ, đồng thời huy động báo chí lề trái và lề
phải cùng vào cuộc để có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn.
Tiếp theo dự án Formosa gây ra thảm
họa môi trường tại Miền Trung (cách đây hơn một năm) thì cuộc khủng hoảng con
tin tại Đồng Tâm do tranh chấp đất đai chưa có hồi kết (đầu năm nay) và cuộc khủng
hoảng BOT Cai Lậy làm náo động dư luận cả nước (hiện nay) đang đặt “chính phủ
kiến tạo” vào thế mắc kẹt làm tiến thoái lưỡng nan. Trước mắt, thủ tướng đã quyết
định dự án BOT Cai Lậy ngừng thu phí một/hai tháng như giải pháp tình huống cần
thiết (tuy hơi giống “hàn xoong hàn nồi”). Nhưng về lâu dài, phải có giải pháp
căn cơ hơn theo hướng đổi mới thể chế và dân chủ hóa, để tháo ngòi những quả
bom nổ chậm nói trên. Nếu muốn dự án BOT Cai Lậy “biến tắc thông”, Việt Nam phải
cải cách thể chế toàn diện, chuyển đổi hẳn sang cơ chế thị trường (bỏ định hướng
XHCN). Nói tóm lại, Việt Nam phải thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ tại ngã ba đường,
bằng đổi mới vòng hai (2.0) trước khi quá muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét