Biến đổi khí hậu dẫn đến thiên
tai và kèm theo đó là nghèo đói, bệnh tật
Thêm 100 triệu người bị đe dọa
lâm vào cảnh bần cùng, thêm 600 triệu bị đe dọa đói kém, thêm 150 triệu phải đối
mặt với các căn bệnh đường ruột. Đó là cái giá phải trả nếu quốc tế để mặc cho
khí hậu của Trái đất nóng lên.
Báo cáo được Ngân Hàng Thế Giới
công bố ba tuần trước Thượng đỉnh khí hậu COP21 tổ chức tại Paris đưa ra kết luận
biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai và kèm theo đó là nghèo đói, bệnh tật. Đời sống
của người dân nghèo càng thêm khốn đốn. Đơn giản là vì số này thường tập trung
sống ở những khu vực có rủi ro cao, đó là những vùng đất bị thiên nhiên bạc
đãi, chỉ cần một đợt hạn hán kéo dài hay một trận mưa lớn cũng đủ khiến dân cư
trong vùng điêu đứng.
Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới :
« Shock Waves, Managing the Impacts of Climate Change on Poverty » chỉ ra rằng
tại Indonesia, rủi ro phải đối mặt với lũ lụt của người nghèo cao hơn 30 % so với
thành phần có thu nhập trung bình. Trước đe do hạn hán, tỷ lệ đó lên tới 50 %.
Nói một cách đơn giản là những biến đổi về khí hậu, thời tiết là mối đe dọa lớn
hơn đối với người nghèo. Đứng trước cùng một trận bão, thành phần này dễ trở
nên trắng tay hơn hết.
Theo như giải phích của người phối
hợp công trình nghiên cứu trên cho Ngân Hàng Thế Giới, chuyên gia kinh tế
Stéphane Hallegate, người nghèo may lắm thì có được một mái nhà xiêu vẹo, với tất
cả của cải trong đó. Một con nước lớn có thể cuối trôi đi tất cả.
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ,
ông Hallegate nhấn mạnh đến liên hệ giữa hiện tượng biến đổi khí hậu và cảnh
đói nghèo của một phần dân số trên thế giới, đặc biệt là đối với giới canh
nông. Số này có thể mất sạch cơ nghiệp, nếu ruộng bị ngập nước hay gia súc bị hủy
diệt vì bệnh tật hay thiên tai :
« Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới
tập trung vào hoàn cảnh của những người đang cố gắng thoát khỏi cảnh bần cùng,
hoặc là những ca đã thoát khỏi nghèo đói, nhưng rồi do thiên tai họ lại rơi vào
cái vòng luẩn quẩn đó. Trước hết chúng tôi xác định được ba nguyên nhân giữa một
phần nhân loại trong cảnh khốn cùng và khí hậu. Một là do thay đổi thời tiết thất
thường, gây thiệt hại mùa màng và kèm theo đó là giá thực phẩm leo thang. Yếu tố
này gây thiệt hại cho nông dân. Đồng thời, khi giá nhu yếu phẩm tăng lên, những
người có thu nhập chỉ vừa đủ sống sẽ không đủ phương tiện để bảo đảm cơm ngày
hai bữa cho tất cả mọi thành viên trong gia đình.
Nguyên nhân thứ hai, đương nhiên
nhiên là thiên tai : Đừng quên rằng, một phần nhân loại có thể mất hết tất cả,
từ nhà cửa đến tiền bạc, hoa màu sau một trận đại hạn, hay lũ lụt, bão tố …. Thế
rồi nguyên nhân thứ ba giải thích cho mối liên hệ chặt chẽ giữa cảnh bần cùng với
biến đổi khí hậu là thiên tai thường đem tới bệnh tật. Thường là những căn bệnh
đường ruột do thiếu vệ sinh, hay do các nguồn nước sạch bị ô nhiễm … Vấn đề đặt
ra là tại một số nơi trên thế giới, như ở Nam Á, ở châu Phi phía nam sa mạc
Sahara, thiên tai ngày càng thường xuyên xảy ra hơn và xảy ra với cường độ ngày
càng lớn ».
Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới,
đến năm 2030 trên thế giới sẽ có thêm 100 triệu người bị đẩy vào cảnh bần cùng
do hậu quả của thiên tai nếu như cộng đồng quốc tế khoanh tay ngồi nhìn.
Khí hậu đe dọa an toàn lương thực
Trước Ngân Hàng Thế Giới, Liên Hiệp
Quốc đã lên tiếng báo động về nguy cơ mất mùa, đẩy giá nhu yếu phẩm lên cao. Cuối
tháng 10/2015 báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về an toàn lương thực, Hilal Elver giải
thích : Lũ lụt, hạn hán đe dọa hệ sinh thái và biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác
động đến các hoạt động nông nghiệp trên toàn cầu.
Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc
vào đầu năm 2015 dự phóng vào năm 2050 dân số trên toàn cầu sẽ lên đến 9 tỷ,
thay vì 7 tỷ người như hiện tại. Để cung ứng lương thực thực phẩm cho ngần ấy
con người, sản lượng của thế giới phải tăng thêm 70 % trong vòng 35 năm tới.
Vấn đề đặt ra là nhiều vựa lúa
trên thế giới bị đe dọa dưới tác động của hiệu ứng lồng kính.
Tại những khu vực như Đông Nam Á
và Châu Phi phía nam sa mạc Sahara, nơi vẫn có tới 80 % dân số sống về các nghề
canh nông, thì đây thực sự là một vấn đề quốc tế cần quan tâm. Theo Chương
trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc, hiện có hơn 800 triệu người trên thế giới
bị đe dọa đói kém và con số đó có nguy cơ tăng lên thành 1,5 tỷ vào quãng 2080.
Đó là chưa kể nắng hạn và thay đổi thời tiết bất thường làm giảm năng suất của
nông dân từ 2 đến 5 % trong một thập niên sắp tới.
Nói một cách đơn giản, nếu khí hậu
bị hâm nóng hơn 2 độ C thì cứ 10 năm, thu hoạch mì, gạo hay ngô sẽ giảm đi 2 %.
Hậu quả kèm theo là giá những mặt hàng thiết yếu này sẽ tăng vọt. Theo thẩm định
của tổ chức Oxfam chống nạn nghèo đói và bất công xã hội, đến cuối thế kỷ này,
trung bình giá nông phẩm trên thế giới sẽ nhân lên gấp đôi so với hiện tại.
Đây chính là lý do vì sao trong
báo cáo vừa công bố hồi đầu tháng 11/2015 Ngân Hàng Thế Giới đã gióng lên tiếng
chuông báo động. Trong một cách tính toán hơi khác so với của Oxfam, Ngân Hàng
Thế Giới đưa ra kết luận : chỉ trong 15 năm nữa, hạn hán, lũ lụt, thiệt hại mùa
màng sẽ đẩy giá lương thực, thực phẩm tăng thêm 12 %. Đối với gần 10 % nhân loại
sống dưới ngưỡng nghèo khó, với thu nhập chưa đầy 2 đô la một ngày, hay đối với
những thành phần phải dành ra tới 60 % thu nhập để đủ ngày hai bữa, kịch bản
này là một tai họa. Chuyên gia kinh tế Stéphane Hallegate đặc biệt quan tâm đến
hai khu vực là châu Phi và châu Á trên vấn đề này :
« Nếu như cộng đồng quốc tế không
có những chính sách đúng đắn để chống lại hiện tượng khí hậu đang bị biến đổi
thì tình hình càng thêm nghiêm trọng, sẽ có thêm những người bị ‘lôi kéo’ vào
vòng xoáy của cảnh đói, nghèo. Tôi muốn trở lại với hai khu vực là Nam Á và các
nước châu Phi ở phía nam sa mạc Sahara, bởi đó là những vùng vừa hứng chịu nhiều
thiên tai, vừa kém phát triển nhất. Kém phát triển do năng suất thấp, thu nhập
của nông dân trong vùng lại rất bấp bênh và một phần lớn dân số ở đây sống mấp
mé ngưỡng nghèo khó. Theo tiêu chuẩn của Ngân Hàng Thế Giới, ngưỡng nghèo khó
được quy định ở mức thu nhập tính theo đầu người là 1,90 đô la một ngày.
Trong trường hợp giá lương thực
thực phẩm tăng lên vì mất mùa, những thành phần phải dành đến 60 % thu nhập để
nuôi sống tất cả mọi người trong gia đình rất dễ lâm vào cảnh đói kém ».
Có giải pháp nào cho người nghèo
?
Trước cảnh nông dân trên thế giới
và qua đó là những vựa lúa của hành tinh bị đe dọa như vậy thì cộng đồng quốc tế
có thể làm được những gì ? Chuyên gia kinh tế Hallegate, điều phối viên báo cáo
của Ngân Hàng Thế Giới nêu lên một số giải pháp :
«Chỉ riêng trong lĩnh vực nông
nghiệp, phải nói là đã có rất nhiều các giải pháp được đề xuất từ phía các nhà
cầm quyền tại các vùng liên quan. Riêng về phần Ngân Hàng Thế Giới, chúng tôi
luôn nhấn mạnh đến việc nâng cao năng suất thu hoạch. Điều đó có nghĩa là chúng
ta phải đầu tư vào khâu đào tạo cho nông gia ; thứ nữa, những nhà trồng trọt,
chăn nuôi cũng phải được bảo đảm an sinh xã hội, phải được bảo hiểm trong trường
hợp bị mất mùa.
Vế thứ ba cần được đẩy mạnh là
các nước kém phát triển phải được hỗ trợ để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các
nước nghèo cần có được một hệ thống giao thông, để cho nông phẩm dễ và nhanh
chóng đến tay người tiêu dùng. Đó cũng là một trở ngại lớn, một thách thức
trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Tựu chung, để khắc phục hậu quả
thiên tai, ngăn chận bớt hậu quả biến đổi khí hậu đối với con người, quốc tế cần
có một chiến lược phát triển toàn diện, từ chính sách nông nghiệp đến y tế, từ
đầu tư vào hệ thống cầu đường, để thu hẹp khoảng cách giữa người trồng ra hoa mầu
với người tiêu thụ, đến những việc đơn giản như là hệ thống cung cấp nước sạch,
hệ thống quản lý nước thải … để giảm thiểu nguy cơ về dịch bệnh … Chắc chắn là
trong công cuộc đó, các nước chậm phát triển cần được các nước giàu giúp đỡ, và
đó là vì lợi ích chung của toàn nhân loại ».
Ngoài đe dọa đói, nghèo do biến đổi
khí hậu đem lại, Ngân Hàng Thế Giới còn quan tâm đến những hậu quả về y tế. Bởi
thiên tai thường đi kèm với hàng loạt các dịch bệnh, như đã được chuyên gia
kinh tế Stéphane Hallegate nói tới ở trên. Riêng trong trường hợp của Ấn Độ hẳng
hạn, nếu như nhiệt độ của trái đất nóng lên quá 2°C , 45 triệu dân xứ này sẽ
rơi vào cảnh bần cùng với thu nhập dưới ngưỡng nghèo khó. Ấn Độ cũng sẽ có thêm
150 triệu người bị bệnh sốt rét và sẽ có thêm ít nhất là 10 % những ca bị các
loại bệnh đường ruột trong 15 năm tới.
Trở ngại to lớn nhất đặt ra với
thế giới là để hiện tượng biến đổi khí hậu không xua tan những nỗ lực xóa đói
giảm nghèo mà cộng đồng quốc tế đã đạt được, và để giúp cho hơn 700 triệu người
trên thế giới thực sự thoát khỏi cảnh bần cùng, để giữ được cho 100 triệu người
trên hành tinh không bị nạn đói đe dọa. Để đạt được những mục tiêu đó, thế giới
cần 1000 tỷ đô la - tức là cao gấp 10 lần so với cam kết của các nước giàu hỗ
trợ các nền kinh tế chậm phát triển đối mặt hiện tượng trái đất đang bị hâm
nóng. Đó là một mục tiêu, mà như chính chuyên gia kinh tế Stéphane Hallegate,
thuộc Ngân Hàng Thế Giới nhìn nhận : không ai có phép lại để hoàn thành.
Báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc
đã đưa ra con số 600.000 người thiệt mạng trong 20 năm qua vì thiên tai. Con số
đó có chiều hướng tiếp tục tăng thêm từ nay tới cuối thế kỷ XXI và các chuyên
gia cho rằng, phần lớn các nạn nhân của hiện tượng khí hậu bị đảo lộn xuất phát
từ cảnh nghèo.
Chỉ cần so sánh hai trận bão lớn
: Katrina ập vào Hoa Kỳ năm 2005 và bão Bhola thổi tới Bangladesh năm 1970. Cả
hai cùng là những cơn bão cấp 3 và đã hoành hành trên một diện tích gần như
tương đương với nhau. Thế nhưng ở một nước nghèo như Bangladesh, thì số nạn
nhân thiệt mạng cao hơn gấp 150 lần so với ở một nước giàu như Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét