Cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt, Sam Rainsy. RFI/Khmer
Chủ Nhật 03/12/2017, ông Sam
Rainsy, cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt hiện đang lánh nạn tại Pháp đã dành cho
phóng viên ba cơ quan truyền thông tại Paris là RFI, TV5 và báo Le Monde một cuộc
phỏng vấn dài. Trong buổi nói chuyện này, ông lần lượt đưa ra các nhận xét về
tình hình nền dân chủ đất nước, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và mối
quan hệ láng giềng phức tạp mà Cam Bốt đang duy trì với Việt Nam cũng như là
Thái Lan.
Trước tiên, ông Sam Rainsy nhìn
nhận Thỏa thuận Paris năm 1991 đã cho phép tái lập hòa bình và trong một chừng
mực nào đó là tiến trình dân chủ hóa tại Cam Bốt. Tuy nhiên, ông cũng lấy làm
tiếc là cộng đồng quốc tế, dưới sức ép của Trung Quốc, đã không đưa thuật ngữ «
diệt chủng » vào trong thỏa thuận, để lên án Khmer Đỏ thảm sát hàng triệu người
Cam Bốt dưới thời Pol Pot.
Thời gian gần đây, tình hình
chính trị Cam Bốt có những biến đổi nhanh chóng. Đảng đối lập bị giải thể, lãnh
đạo Kem Sokha bị khởi tố vì tội phản quốc với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ
với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, bản thân ông Sam Rainsy cũng phải chạy trở về Pháp sống
lưu vong..., nhưng ông vẫn hy vọng mọi việc sẽ có thay đổi. Tuy nhiên, ông cũng
khẳng định tạm thời chưa trở về nước vì e sợ cho sự an toàn của chính bản thân.
Hoa Kỳ từng cam kết hỗ trợ tài
chính cho Cam Bốt để tổ chức bầu cử lập pháp, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2018.
Thế nhưng, trước những diễn biến gần đây, Nhà Trắng thông báo ngưng chương
trình hỗ trợ này. Câu hỏi đặt ra liệu đấy có là một phương pháp tốt hay là nên
làm như Pháp và Anh Quốc là chỉ lên án mà không trừng phạt ?
Về điểm này, ông Sam Rainsy cho rằng
phương Tây không nên chỉ dừng ở việc lên án mà còn phải đi xa hơn. Chẳng hạn
như không nên hỗ trợ cơ quan bầu cử mà ông cho là vô nghĩa. Đối với ông, một cuộc
bầu cử mà không có đối lập là một trò hề. Hơn nữa, phương Tây nên có nhiều áp lực
dưới nhiều hình thức nhắm vào cá nhân các lãnh đạo : từ chối cấp visa nhập cảnh,
tịch biên tài sản có được tham nhũng, từ buôn lậu, phá rừng...
Cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt cho
rằng nhiều hồ sơ quốc tế lớn như Afghanistan, Irak, Trung Quốc hay Bắc Triều
Tiên đã khiến cộng đồng quốc tế lơ là với Cam Bốt. Theo ông, Cam Bốt tuy nhỏ
bé, nhưng cũng đáng để quốc tế dành chút sự quan tâm do việc Phnom Pênh đang dần
đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh. Một việc mà ông Sam Rainsy đánh giá là có thể để
lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho hòa bình khu vực.
Đây cũng là điểm được các phóng
viên RFI, TV5 và Le Monde đặc biệt quan tâm, muốn biết quan điểm của Sam Rainsy
về việc Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế, tài chính và nhà đầu tư hàng đầu
tại Cam Bốt, trong khi mà ảnh hưởng của Việt Nam lên xứ Chùa Tháp này vẫn chưa
hề suy giảm.
RFI Tiếng Việt xin lược dịch lại
một phần phỏng vấn liên quan đến mối quan hệ phức tạp mà Cam Bốt đang duy trì với
Việt Nam và Trung Quốc.
RFI, TV5, Le Monde : Thủ tướng
Hun Sen mới đây có chuyến thăm Bắc Kinh. Phải chăng mối quan hệ ưu tiên này sẽ
giúp Cam Bốt thoát được mọi áp lực đến từ châu Âu và Mỹ ?
Sam Rainsy: « Tôi nghĩ là mối
quan hệ nhân – quả sẽ như sau : Bởi vì Hun Sen đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền,
ông ấy đã cho giải tán đảng đối lập, Cam Bốt không còn là một nền dân chủ. Hun
Sen bị phương Tây lên án và cảm thấy bị cô lập nên ông ấy không còn lựa chọn
nào khác là xích lại gần và tìm cách dựa vào Trung Quốc. Một kịch bản gần giống
như dưới thời Pol Pot. Khmer Đỏ đã giết chết hàng triệu người dân. Dĩ nhiên họ
bị cả thế giới cô lập, ngoại trừ Trung Quốc, vốn dĩ không màng đến chuyện nhân
quyền. »
Trung Quốc là do độc đảng cai trị.
Phải chăng Hun Sen cũng đang hướng theo mô hình này ?
« Chính xác. Trung Quốc dường như
mang đến cho Hun Sen cùng một kiểu mô hình. Nhưng có một điểm khác biệt. Bởi vì
Trung Quốc có một mô hình chủ nghĩa chuyên chế "khai sáng", còn tại
Cam Bốt chủ nghĩa chuyên chế của Hun Sen là "ngu muội" (…)
Nghĩa là tại Trung Quốc các nhà
lãnh đạo họ có học thức hơn, nội bộ đảng có sự thống nhất, và cứ mỗi 5 hay 10
năm thì lãnh đạo thay đổi. Trong khi đó, Hun Sen cầm quyền từ 32 năm nay, đảng
của ông lãnh đạo đất nước từ 38 năm qua. Chẳng có một sự đổi mới gì cả. Và ông ấy
cũng không chấp nhận bất cứ ý kiến thay đổi nào. Đấy chẳng phải ngu muội là gì
».
Ở đây có một sự nghịch lý. Trong
các chiến dịch tranh cử, nhất là vào năm 2013, ông đã cáo buộc chính quyền Pnom
Pênh lúc bấy giờ là thần phục, là bị Việt Nam mua chuộc. Nhưng giờ đây ông lại
cáo buộc Hun Sen thần phục Trung Quốc. Điều này không mấy tương thích. Bởi vì Bắc
Kinh và Hà Nội gần như đang đối đầu nhau, chủ yếu trong hồ sơ Biển Đông. Vậy
chính quyền Cam Bốt hiện nay là thần phục ai, Trung Quốc hay là Việt Nam ?
« Hun Sen hiện đang đánh đu giữa
hai phe. Đây là một trò nguy hiểm. Ông ấy đang tìm cách dàn xếp với cả hai bên.
Nhưng vì do cố đánh đu giữa hai phía nên sẽ có ngày ông ấy ngã đau. Cựu hoàng
Norodom Sihanouk đã từng cho là Cam Bốt nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc và
Việt Nam. Nhưng điều này nguy hiểm. Bởi vì một khi căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc
Kinh gia tăng, vị thế của Hun Sen sẽ khó mà giữ được ».
Trong suốt chiến dịch vận động
tranh cử, ông thường cáo buộc người Việt Nam là đến cướp công ăn việc làm, phá
rừng tại Cam Bốt. Phải chăng đất nước của ông đang chịu một hình thức xâm chiếm
nào đó từ Việt Nam ? Liệu những phát biểu đó mang tính chất dân tộc chủ nghĩa,
thậm chí là bài người Việt của ông có thể dẫn đến bạo động hay không ?
« Không hẳn như thế. Người Cam Bốt
là một dân tộc hiếu hòa. Từ hơn 20 năm qua chưa bao giờ có những hành động bạo
lực xuất phát từ tình trạng phân biệt chủng tộc cả. Nhưng có một dạng bạo động
chính trị dai dẳng mãnh liệt. Ở đây tôi muốn nói là Trung Quốc và Việt Nam đang
chia nhau kiểm soát Cam Bốt.
Hà Nội kiểm soát Pnom Pênh chủ yếu
trên phương diện quân sự, bởi vì có rất nhiều cố vấn quân sự Việt Nam nhan nhản
khắp nơi. Hà Nội còn triển khai cả một đội quân quan trọng nằm dọc theo biên giới
và tại một số vùng thuộc Cam Bốt. Do đó, ảnh hưởng Việt Nam về mặt quân sự lên
Cam Bốt là điều không thể chối cãi.
Ngược lại, Trung Quốc lại có tầm ảnh
hưởng tài chính đáng kể. Đó là nhà đầu tư lớn nhất. Trên bình diện chính trị,
Hun Sen ngày càng xích lại gần với Bắc Kinh hơn. Ông đã phá vỡ tình liên đới của
khối ASEAN trong tranh chấp Biển Đông và ông ấy đã ủng hộ Trung Quốc để cho nước
này không tôn trọng Công ước Quốc tế về luật biển. »
Theo ông đâu là giải pháp cho Cam
Bốt ? Ngoảnh mặt với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam ?
« Không phải. Giải pháp duy nhất
có thể nhắm đến là một nước Cam Bốt trung lập và độc lập. Cam Bốt phải thoát khỏi
tầm ảnh hưởng tai hại từ Việt Nam cũng như là Trung Quốc ».
Liệu Cam Bốt có thể thoát được cuộc
chơi tranh giành ảnh hưởng của những nước lớn đó hay không ?
« Trong chính trị nên biến những
gì cần thiết thành điều có thể ».
Hoa Kỳ phải có phản ứng như thế
nào đối với Cam Bốt ?
« Trong khu vực này hiện nay đang
có những biến đổi sâu sắc về địa chính trị. Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đồng
minh. Họ làm đồng minh với nhau là để chống Trung Quốc. Điều đó đã làm thay đổi
diện mạo khu vực. Khi Cam Bốt phải khẳng định vị thế của mình trên trường quốc
tế để tồn tại và bảo vệ nền độc lập và chủ quyền quốc gia, thì cũng nên tính đến
diện mạo địa chính trị này »
Như vậy là những phát biểu của
ông nhắm vào Việt Nam có thể bị chuyển hướng ?
« Nó có khả năng bị chuyển hướng
nếu như tình hình chính trị có tiến triển. Như vậy, lập trường của chúng tôi và
những phát biểu của chúng tôi cũng phải thay đổi theo để bảo vệ bằng mọi giá
các lợi ích quốc gia. »
Nhưng hiện nay đất nước của ông
không có chiến tranh. Có thể chính vì vậy mà quốc tế không nói đến gì nhiều về
Cam Bốt, bởi vì trong trước mắt Cam Bốt đang trong một thế cân bằng tạm thời với
các nước láng giềng có đường biên giới chung như Thái Lan, Việt Nam. Tất cả đều
cho thấy có sự cân bằng bấp bênh ?
« Có một cuộc chiến mà không ai
nói đến đó là cuộc chiến mà Hun Sen đang tiến hành chống lại chính người dân của
mình. Cam Bốt tiêu tốn nhiều kinh phí cho an ninh quốc gia, nhưng trên thực tế,
binh sĩ Cam Bốt không được bố trí dọc theo các vùng biên giới mà được huy động
để trấn áp người dân. Tình trạng này cần phải được quan tâm đến sao nền dân chủ
lấy lại được quyền tại Cam Bốt ».
Cuộc phỏng vấn diễn ra tại trụ sở
của đài Radio France Internationale với sự tham gia của các phóng viên
Françoise Joly (TV5 Monde), Christophe Ayad (báo Le Monde) và Sophie Malibeaux
(RFI).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét