Một con kênh tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, châu thổ sông Mêkông cạn khô nước từ cả tháng trước đó. ( Ảnh chụp ngày 08/03/2016 ).AFP
Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng cộng 13 tỉnh, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Tính đến tháng 04/2017, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối đầu với ba thách thức lớn mang tính sống còn: Thứ nhất, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thứ hai, quá trình phát triển nội tại. Thứ ba, tác động do khai thác và sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn.
Nhìn chung, những thách thức mà đồng bằng sông Cửu Long đang đối phó là do tác động của con người hơn là do tác động của biến đổi khí hậu. Hôm nay, xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai-Cửu Long, Úc châu, về vấn đề này:
RFI :Thưa ông Huỳng Long Vân, trước hết về tác động của khai thác và sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn, có mối liên quan nào giữa tình trạng sạt lở trầm trọng của bờ biển đồng bằng sông Cửu Long và các đập thủy điện của Trung Quốc?
TS Huỳnh Long Vân: Hiện nay, trên dòng chính sông Mekong có 8 hồ chứa thủy điện, 7 của Trung Quốc và 1 của Lào. Đồng bằng sông Cửu Long nhận khoảng 89% khối lượng nước từ thượng nguồn, và 160 triệu tấn phù sa/năm, trong đó 50% là phù sa thô. Phù sa thô là vật liệu chắn sóng bảo vệ vùng ven biển chống sạt lở và bồi lấp đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, kể từ khi các đập thủy điện của Trung Quốc vận hành, khối lượng phù sa thô này hoàn toàn bị giữ lại ở các hồ chứa nước, khiến cho dọc theo bờ biển đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có 49 điểm/266km bị sạt lở nghiêm trọng và mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 500 ha đất.
Về sạt lở bờ sông, theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, miền Tây hiện có 513 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 520 km, đe dọa cuộc sống hàng nghìn hộ dân cùng nhiều công trình hạ tầng. Tác động xói mòn của “dòng nước đói phù sa” và việc khai thác cát ở các lòng sông là nguyên nhân chính gây ra sạt lở các bờ sông. Và sạt lở dọc theo các kinh, rạch là do vận chuyển của các ghe thuyền trang bị các động cơ quá mạnh.
RFI : Vậy thì, thưa ông Huỳnh Long Vân, chúng ta phải có những giải pháp ứng phó như thế nào với tình trạng sạt lở đó?
TS Huỳnh Long Vân : Đối với sạt lờ bờ biển, ta có thể thiết lập hàng rào phá sóng bằng những vật liệu rắn chắc như các trụ cột, các khối đá hoặc bê tông, đồng thời tái tạo, phục hồi rừng ngập mặn. Đối với sạt lở bờ sông, phải chấm dứt tệ nạn khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch. Đối với sạt lở kinh rạch, phải cấm ghe máy sử dụng các động cơ mã lực cao.
RFI :Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn gặp tình trạng bị sụt lún. Vậy thì nguyên nhân là vì sao và phải có giải pháp nào để ngăn chận tình trạng đó ?
TS Huỳnh Long Vân : Kết quả nghiên cứu của dự án “ Rise and Fall” tại đồng bằng sông Cửu Long, do Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại học Utrecht (Hà Lan) thực hiện, cho thấy sự sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân là do việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát và quá trình đô thị hóa. Riêng ở Cà Mau - tỉnh ngày đêm khai thác hơn 400.000 m3 nước ngầm, theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Địa Kỹ Thuật Hoàng Gia Na Uy, nền đất của tỉnh Cà Mau mỗi năm sụt lún 1.56-2.3cm và mảnh đất ở phần cuối của lãnh thổ Việt Nam có nguy cơ biến mất trong vài thập niên nữa.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khoảng 3mm/năm, trong khi ở nhiều nơi vùng nông thôn của đồng bằng sông Cửu Long, mức độ sụt lún khoảng 10-20mm/năm. Riêng khu vực thành thị và ở các khu công nghệ, mức độ sụt lún khoảng 25mm/năm. Sụt lún còn có tác động cộng hưởng với việc mất nguồn phù sa thô, khiến cho bờ biển bị sạt lở trầm trọng hơn, mất rừng, nước mặn xâm nhập sâu vào nội vùng, các sông và các tầng nước ngầm. Riêng đối với tỉnh Cà Mau, nếu để tình trạng sạt lở sụt lún tiếp tục như hiện nay, mỗi năm có thể mất đến 90.000ha .
Để ngăn chặn tình trạng sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia đều đồng ý là cần có biện pháp hạn chế khai thác nguồn nước ngầm và đưa ra những đề xuất như sau:
Ở vùng thượng nguồn châu thổ (Đồng Tháp, Khu Tứ Giác Long Xuyên..), có nguồn nước mặt dồi dào, nên có thể xây dựng các hồ trử nước trong mùa lũ, giảm sản xuất lúa vụ 3 và giảm xây dựng đê bao để vừa giữ được nước mặt, vừa bổ cập cho nước ngầm.
Ở vùng giữa của châu thổ với các đô thị như Cần Thơ, Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, phải triệt để cấm khai thác nước ngầm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trang bị công nghệ tái sử dụng nước thải sau khi đã được xử lý.
Ở vùng ven biển, cần xây dựng các hồ chứa nước mưa, kết hợp với việc xây dựng các đường ống dẫn nước ngọt từ khu vực thượng nguồn châu thổ.
Được biết, tỉnh Cà Mau đang triển khai kế hoạch xây dựng các hồ chứa nước ngọt, có diện tích từ 200 ha đến 300 ha. Bên cạnh đó, địa phương cũng dự kiến tận dụng một số các tuyến sông, kinh, rạch để tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Bến Tre cũng đã tiến hành xây các hồ chứa nước ngọt có dung tích 1 triệu m3.
Chính phủ cũng đang tiến hành kế hoạch đầu tư 1.7 tỷ đôla và o dự án cung cấp 200.000-300.00 m3/ngày đêm nước ngọt, lấy từ sông Hậu cung cấp cho 7 tỉnh thành của miền Tây sông Hậu.
Ngoài ra, hiện nay công nghệ biến nước mặn thành ngọt bằng những kỹ thuật Nano và Reverse Osmosis tương đối rẻ tiền, nên thiết nghĩ đây cũng là một giải pháp khả thi cần được lưu ý.
RFI:Riêng Cần Thơ thì hiện nay bị ngập vào mùa nước nổi. Tác động của các đê bao là như thế nào ? Vì sao Cần Thơ và các thành phố khác bị ngập khi có mưa to ?
TS Huỳnh Long Vân : Các đê bao ở Đồng Tháp và khu Tứ giác Long Xuyên được xây dựng để ngăn chận nước lũ tràn vào ruộng đồng của vùng này giúp canh tác lúa vụ 3. Kế hoạch này dẫn đến hậu quả tai hại là gần như toàn bộ khối nước lũ theo sông Tiền và sông Hậu đổ xuống các vùng phía dưới như Cần Thơ, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long. Những tỉnh thành này vốn có nền đất rất thấp so với mặt biển và không được bao che bởi các bờ đê, nên nước lũ tràn bờ ngập phủ nhiều tuyến đường trong thành phố, đặc biệt ở những nơi gần các kinh rạch.
Ở Cần Thơ vào tháng 09 và 10 vừa qua, mực nước sông Hậu đã lên cao đến 1,90m, mức báo động 3, cùng lúc với triều cường, nên một số tuyến đường như các đường 30 Tháng 4, Châu Văn Liêm, Mậu Thân ở quận Ninh Kiều, đường Bùi Hữu Nghĩa, ở quận Bình Thủy bị ngập nước (mặc dù mặt đường đã được nâng cao nhiều lần với các lớp nhựa), khiến xe cộ ì ạch, cư dân bì bõm trong nước. Riêng ở Sóc Trăng, nông dân phải đốn mía dù còn non, để tránh bị ngập úng.
Trong tháng 09 vừa qua, tại Hội nghị thảo luận chiến lược chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức tại Cần Thơ, thủ tướng đã đồng ý cấp ngân khoản để kiện toàn, nâng cao khả năng xả lũ của đập Trà Sứ và khuyến cáo giảm dần canh tác lúa vụ 3. Ngoài ra, được biết thành phố Cần Thơ cũng có dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải và ứng phó với tình trạng ngập úng ở hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy.
Ngoài ảnh hưởng của đê bao, thành phố Cần Thơ và một số nơi khác như ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi khi có mưa lớn, một số nơi trong thành phố cũng bị ngập nước. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước cũ kỹ hay quá sơ sài; ngoài ra cũng do một số kinh rạch, vốn là nơi nước rút, nay được lấp đất để làm mặt bằng trong kế hoạch đô thị hóa; mở rộng và xây thêm đô thị dàn trải, khiến một diện tích lớn đất đai bị xi măng hóa, nên việc thoát nước bị chậm lại. Tình trạng ngập nước này trở nên tồi tệ hơn nếu xảy ra cùng lúc với triều cường.
RFI: Trước những tác động của biến đổi khí hậu và việc Thái Lan chuyển dòng nước sôngMêkông và Cam Bốt cũng có ý định muốn sử dụng nguồn nước ở Biển Hồ để gia tăng sản xuất nông nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long phải có kế hoạch ứng phó như thế nào trước tình trạng sẽ thiếu nước trầm trọng vào mùa khô?
TS Huỳnh Long Vân : Thái Lan định làm dự án Khon-Loei-Chi-Mun để hàng năm chuyển 4,5 tỉ m3 nước từ sông Mekong qua sông Loei, để tưới vùng Đông Bắc. Cam Bốt cũng rục rịch muốn sử dụng khối nước ở Biển Hồ để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp.
Trước đây, vào năm 1989, Thái Lan đã triển khai, nhưng thất bại, một dự án tương tự để chuyển nước sông Mekong, trong kế hoạch gia tăng sản xuất nông nghiệp ở khu vực Isaan, miền Đông Bắc Thái Lan. Còn ý định của Cam Bốt hiện còn trong giai đoạn thai nghén.
Tuy nhiên, thiết nghĩ nhà chức trách Việt Nam cũng nên tiến hành xây dựng các hồ chứa nước, để ứng phó với tình trạng thiếu nước trầm trọng có thể xảy ra trong tương lai và xem đây như một “biện pháp không hối tiếc”, nghĩa là nếu kế hoạch của Thái Lan một lần nữa thất bại và Cam Bốt từ bỏ ý định của mình, thì việc xây dựng các hồ chứa nước cũng sẽ góp phần đáng kể vào giải pháp ứng phó với tình trạng sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long do việc khai thác nước ngầm quá đáng. Và trước những toan tính này của hai quốc gia láng giềng, việc giảm dần canh tác lúa vụ 3 để tiết kiệm nước cũng là điều phải dứt khoát.
RFI: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, tình trạng ngập úng ở vùng Đồng Tháp, Tứ Giác Long Xuyên sẽ trầm trọng hơn và nước mặn sẽ lấn sâu vào nội địa khiến diện tích canh tác giảm dần. Vậy phải có giải pháp nào để sản xuất và cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng hoặc tồi tệ hơn ?
TS Huỳnh Long Vân: Ngày 17/11/2017, thủ tướng chính phủ CHXHCN Việt Nam đã ban hành nghị quyết 120/NQ-CP, công bố chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược này xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao là xu thế tất yếu, một thách thức lớn lao đối với đồng bằng sông Cửu Long và vạch ra đường hướng phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, bao gồm hai tiểu vùng nêu ra trong câu hỏi trên.
Nghị quyết còn nhấn mạnh là việc phát triển đồng bằng sông Cửu Long phải phù hợp với điều kiện thực tế, và trong quy hoạch không chỉ có nước ngọt, mà nước lợ, nước mặn cũng được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.
Và nghị quyết120/NQ-CP đưa ra một số giải pháp tổng thể, trong đó có phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng đô thị thích hợp với các tiểu vùng sinh thái:
Vùng ngập sâu (Đồng Tháp và một phần của khu Tứ giác Long Xuyên) trở thành vùng quản lý ngập và trữ nước ngọt, nhằm chủ động cung cấp nước ngọt cho toàn thể châu thổ; diện tích lúa vụ 3 sẽ được giảm dần và lối sản xuất nông nghiệp độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sẽ được chuyển sang luân canh với các loại cây trồng, thủy sản khác để tận dụng nước lũ ; hoàn chỉnh các công trình xây dựng những cụm dân cư vượt lũ và phát triển đô thị ở tiểu vùng này được hạn chế.
Vùng sinh thái nước ngọt (nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và Tây sông Hậu) là vùng sản xuất nông nghiệp (lúa, trái cây và hoa màu…). Đây là tiểu vùng thuận lợi cho phát triển đô thị, nhưng không dàn trải, để dành đất nông nghiệp màu mở cho sản xuất.
Vùng ven biển (ven biển Đông, biển Tây và bán đảo Cà Mau là vùng có những chuyển đổi, sẽ mở rộng nuôi trồng thủy sản nước lợ trong điều kiện nước mặn xâm nhập, gắn với trồng rừng ngập mặn, và phát triển luôn cả ngành nuôi hải sản ở vùng biển ngoài khơi (nuôi trồng rong biển, cá biển, tôm hùm, ..). Việc mở rộng đô thị ở vùng này cũng cần hạn chế, để giảm rủi ro do thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Giải pháp nêu trên không can thiệp thô bạo vào điều kiện tự nhiên, không xây dựng các đê biển bao bọc toàn bộ vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, như ở Hà Lan, nhưng dựa vào tính đặc trưng của từng tiểu vùng để thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế của mỗi khu vực, đảm bảo cuộc sống của người dân trong châu thổ. Giải pháp này dựa theo phương châm “chủ động sống chung với lũ, với nước lợ và mặn” để biến thách thức thành cơ hội.
Còn đối với vấn đề nước biển dâng khiến diện tích canh tác bị giảm dần thì trong mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy: “kinh tế nông nghiệp” có chất lượng cao sẽ thay thế lối canh tác nông nghiệp trước đây chú trọng đến sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực; những giống lúa đặc sản, cao sản sẽ được lựa chọn và gieo gặt trên những cánh đồng lớn bằng phương tiện cơ giới ; công nghệ chế biến thực phẩm sẽ được kết hợp để gia tăng chuổi giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Như thế, mặc dù diện tích canh tác sẽ bị thu hẹp, nhưng mức thu nhập của nông dân sẽ được nâng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét