Nước Pháp có mùi thơm hoa oải
hương. New Caledonia thì có cây đàn hương. Còn Venezuela nổi tiếng với quả đậu
hương. Đó là một trong số những hương liệu nổi tiếng không thể thiếu trong chế
biến dầu thơm.
Từ ngàn xưa, hương thơm đã gắn bó
với nhân loại. Từ thuở còn sơ khai, con người không ngừng tìm cách nắm giữ lấy
dấu vết hương thơm từ cây cỏ, hoa lá và đôi khi từ động vật để tạo mùi thơm cơ
thể. Cho đến tận ngày nay, hương thơm vẫn kích thích bao trí tò mò, do quy
trình pha chế vẫn là một điều bí ẩn.
Nhưng hương thơm vẫn chưa được
nhìn nhận như biểu thức của một nền nghệ thuật đặc biệt, vốn cũng có những tiêu
chí đánh giá riêng, là bởi vì hương thơm chưa bao giờ được trưng bày như là một
vật thể xứng đáng được chiêm ngưỡng và suy ngẫm về mặt thẩm mỹ.
Có mấy ai có thể trả lời được các
câu hỏi : Hương thơm đầu tiên được biết đến trong lịch sử nhân loại là gì ? Làm
thế nào các nhà pha chế tạo ra được các hương thơm ? Khứu giác và cảm xúc có mối
quan hệ ra sao ? Khứu giác và trí nhớ khứu giác hoạt động như thế nào ? Ngày
nay, những chất liệu nào được sử dụng trong các loại dầu thơm ?
Đây có lẽ là một thiếu sót mà dường
như Le Grand Musée du Parfum (Bảo tàng Lớn về Dầu thơm) tại Paris đang cố gắng
bù đắp, ban tặng cho người sành điệu, những ai yêu thích dầu thơm một cơ hội để
khám phá và giải mã những bí ẩn được cất giấu trong những tinh chất đó.
Hương thơm và nghệ thuật quyến rũ
Nguồn gốc lịch sử của hương thơm
phải là bước khám phá đầu tiên. Hành trình phát triển về ngành pha chế dầu thơm
đã được bảo tàng cố gắng tái hiện thông qua các kiểu vật dụng được sử dụng để
pha chế, các kiểu dáng lọ đựng dầu thơm qua từng giai đoạn, các câu chuyện, các
nhân vật lịch sử, những người đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp
dầu thơm.
Các nghiên cứu khảo cổ cho thấy
người Ai Cập Cổ đại, cách đây gần 4500 năm đã biết chế tạo ra kyphi. Một loại
nhang thơm đầu tiên được chế biến từ mật ong, quế, nhựa trám hương và gỗ cây
đàn hương.
Gian giới thiệu một số nhân vật lịch sử nổi tiếng thích dùng dầu thơm-RFI Tiếng Việt
Có điều lạ là hễ nhắc đến hương
thơm, người ta thường liên hệ đến sự quyến rũ và nhất là với tình dục. Chẳng biết
thực hư thế nào, chỉ nhớ rằng vào thế kỷ I trước Công Nguyên, có nàng Cléopâtre
quyến rũ, vốn mang tham vọng hồi phục đại cường Ai Cập đã làm say đắm Jules
Cesar, và vị tướng trẻ Marc-Antoine. Nhất là trong lần gặp với người sau cùng,
Cléopâtre trong trang phục theo kiểu thần Vệ nữ, đã sai đốt nhang thơm trên chiếc
tầu đưa nàng đến gặp vị tướng.
Trong vở bi kịch, Shakespeare đã
viết rằng những cánh buồm “thơm ngào ngạt đến mức gió cũng phải khao khát thèm
thuồng”. Theo đúng truyền thống Ai Cập, thân thể nàng tẩm loại dầu thiêng dành
cho các vị thần và các vị vua. Nhựa trám hương, hương liệu, hương chanh và hoa
là những thành phần chính trong dung dịch thơm đến tuyệt vời.
Nàng thích hương thơm, chàng cũng
vậy. Tương truyền rằng vẻ đẹp và hơi tỏa từ Marc-Antoine cũng không kém phần gợi
cảm. Văn hóa thành La Mã đặc biệt chú trọng đến việc pha các chế phẩm hương khi
tắm để làm thơm thân thể.
An tức hương, lô hội, nghệ tây, xạ,
hay như long diên hương- ngần ấy mùi hương gắn liền với các vị thần trong các đền
thờ La Mã. Những mùi hương được các vị chức sắc tẩm lên thân thể được chăm sóc
kỹ lưỡng. Chính niềm đam mê hương thơm đã kết hợp đôi tình nhân, cho cả đến lúc
lìa cõi đời cũng không rời xa.
Hiện đại hơn một chút thì có chuyện
anh chàng Giacomo Casanova, thế kỷ XVIII. Người Venezia, Casanova là một gương
mặt tiêu biểu cho sự phóng đãng và chơi bời vô độ. Dầu thơm và sức quyến rũ là
những yếu tố thành công chính trong 122 cuộc phiêu lưu tình ái. Khăn tay tẩm
tinh dầu hoa hồng, phấn hoa chi diên vĩ và tóc tẩm mùi đinh hương: nắm bắt được
bí quyết các mùi thơm đã giúp Casanova chinh phục hàng trăm con tim.
Bình đốt nhang thơm bằng sứ được phát hiện tại Đức khoảng vào năm 1770-RFI Tiếng Việt
Chiếc mũi « thần kỳ »
Tuy nhiên, theo ông Roland
Salesse, kỹ sư nông học Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia vùng Jouy-en-Josas,
khoa Thần kinh sinh học về khứu giác, chiếc mũi con người mới chính là đầu câu
chuyện. Nhờ vào những tế bào tiếp nhận do chính cơ thể con người tạo ra và hệ
thống thần kinh khứu giác, mà chúng ta có thể cảm nhận, nhận dạng và ghi nhớ
mùi vị.
Ông Roland Salesse còn cho rằng,
khác với loài động vật, vốn chỉ sử dụng mùi cơ thể để quyến rũ bạn tình vào thời
điểm sinh sản, con người tẩm hương thơm cơ thể còn thể hiện một dấu ấn xã hội :
« Nếu dựa vào loài động vật, mùi
cơ thể chỉ phát ra vào thời điểm sinh sản, đủ để thu hút một con đực đến với
con cái hay ngược lại. Ở loài người, vốn là một loài động vật phức tạp hơn,
chúng ta đã phát minh ra những kiểu tín hiệu tình dục thứ yếu. Những hương thơm
đó cũng không hẳn đến che đậy mùi cơ thể, mà chúng thật sự lại là những tín hiệu
quyến rũ được gởi đến người khác, đương nhiên không hẳn là mang tính gợi dục mà
có thể đơn giản chỉ là một sự quyến rũ mang tính xã hội ».
Về điểm này chắc không ai hơn hẳn
Napoleon Ier hay hoàng hậu Eugenie, người có công góp phần thúc đẩy ngành chế
biến dầu thơm của Pháp. Cả hai vị này đã giúp đưa Eau de Cologne thành một biểu
tượng của hoàng tộc thế kỷ XIX. Chuyện kể rằng Napoleon yêu thích dầu thơm đến
mức mỗi tháng ông sử dụng trung bình hết 40 lít Eau de Cologne. Thậm chí, trước
khi ra trận ông còn uống vài giọt.
Là người rất nhậy cảm với hương
thơm, ngay cả khi đã bị đi đày, ông còn nài nỉ Mamelouk Ali, người hầu trung
thành chế biến dầu thơm cho ông bằng những hương liệu có tại nơi đày.
Với hoàng hậu Eugenie, vẻ đẹp đầy
quyến rũ và tinh tế, bà không che giấu niềm đam mê với sự xa xỉ. Chính bà đã hối
thúc hoàng đế Napoleon III, phát triển ngành công nghiệp dầu thơm. Năm 1853,
François Pascal Guerlain, một nhà pha chế dầu thơm nổi tiếng lúc bấy giờ đã tạo
riêng cho hoàng hậu một loại Eau de Cologne Imperiale. Lọ đựng dầu còn dùng lấy
biểu tượng của hoàng đế là hình con ong.
Vườn hoa nhân tạo - RFI Tiếng Việt
Ông Roland Salesse cho rằng con
người chúng ta với 400 gien cảm nhận khứu giác, tuy ít hơn của loài chó đến 2 lần,
loài gậm nhấm 3 lần và 5 lần so với loài voi, có khả năng cảm nhận từ 100.000 –
400.000 mùi vị khác nhau, thậm chí còn hơn nữa.
« Con số này còn cao hơn nữa.
Theo một tính toán do các đồng nghiệp mới công bố gần đây, con người có thể cảm
nhận đến một tỷ mùi. Mỗi một gien trong số 400 gien cảm nhận không chỉ là cảm
nhận có một phân tử mùi mà là rất nhiều mùi vị khác nhau. Chỉ cần làm một phép
tính tổ hợp đơn giản, chẳng hạn như mỗi một gien có thể cảm nhận ba mùi, kết quả
đưa ra có thể lên đến một tỷ mùi ».
Tuy nhiên, ông Salesse cũng khẳng
định rằng trên thực tế, một nhà pha chế chuyên nghiệp có thể ghi nhớ từ 400-500
hương vị khác nhau. Dù có một khả năng nhận dạng mùi tiềm tàng khá lớn đến như
vậy, nhưng nghiên cứu về khứu giác dường như đang bị phớt lờ và việc giảng dạy
về giác quan này cũng bị bỏ qua. Khứu giác cũng gắn liền với trí nhớ. Đó còn là
một nguồn thông tin đáng tin cậy. Khứu giác tạo thuận lợi cho việc nhận dạng một
địa điểm, một con người, một loại cây, một mùi thơm,… cho phép dự báo một mối
hiểm nguy hay một kỷ niệm nào đó.
Hương thơm, những phương thuốc hiệu nghiệm
Như để đánh động dư luận về những
tính năng của khứu giác, bảo tàng dành một không gian cho ngành hóa học hương
thơm. Một vườn hoa thơm nhân tạo được thiết kế tại bảo tàng giúp người xem trải
nghiệm khả năng cảm nhận và nhận dạng hương thơm. Đặc biệt, với cách bố trí độc
đáo và tiên tiến, người xem sẽ có dịp khám phá nhiều loại nguyên liệu chính sử
dụng trong chế biến dầu thơm. Giám đốc bảo tàng cho biết :
« Mỗi một quả cầu tròn là một
trong số 25 mùi hương được các nhà pha chế dầu thơm sử dụng (…). Đây là lần đầu
tiên người tham quan tự cảm nhận từng hương liệu riêng rẽ trong ngành pha chế.
Ví dụ như mùi cỏ hương bài hiếm khi nào được cảm nhận tự nhiên như thế vì chúng
thường pha chế trong các dầu thơm. »
Gian giới thiệu 25 loại nguyên liệu phổ biến trong ngành chế biến dầu
thơm. RFI Tiếng Việt
Nhưng trước khi khép lại chương
trình, xin gửi đến quý thính giả một câu chuyện nhỏ. Chuyện kể rằng vào những
năm 1628 – 1631, tại Toulouse miền nam nước Pháp xảy ra một trận đại dịch hạch,
giết chết hơn 50000 người. Trong khi xảy ra đại dịch, bốn tên trộm đã lợi dụng
thời cơ để giết chết những người đang hấp hối và tước đoạt tài sản của họ.
Cả bốn tên trộm sau đó đều bị bắt.
Một vị quan tòa lấy làm ngạc nhiên vì sao chúng không bị nhiễm bệnh. Vị quan
tòa đó mới dụ dỗ chúng rằng: «Bọn ngươi sẽ bị kết án thiêu sống, trừ phi bọn
ngươi chịu tiết lộ bí mật thì sẽ được giảm án».
Những tên trộm này cho biết đã
khám phá ra một phương thuốc, trong đó các loại cỏ thơm và cây thuốc có tính chất
sát trùng được ngâm trong nước giấm. Dù đã cứu sống được nhiều người nhờ vào
phương thuốc này, nhưng cả bốn tên trộm đều bị xử treo cổ.
Liều thuốc đó giờ đã trở nên phổ
biến và «Vinaigre des 4 voleurs» giờ trở thành một thương hiệu nổi tiếng.
Phương thuốc này hiện vẫn được bày bán tại Pháp chống lại các chứng bệnh lây
nhiễm, chăm sóc da, mệt mỏi, đau đầu, diệt chấy…. Ai bảo rằng hương thơm chỉ để
dùng quyến rũ, đâu biết rằng đó có thể còn là những « thần dược » cho nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét