Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

Mỹ và đối tác có thể kiềm chế sự bành trướng của Hải quân Trung Quốc như thế nào?



Trong 70 năm, quân đội Mỹ đã thống trị các vùng biển và vùng trời ở Đông Á, tận hưởng quyền tự do đi lại gần như tuyệt đối và khả năng ngăn cản quyền tự do đó của kẻ địch. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đã có được tên lửa tiên tiến và phương tiện phóng có khả năng tiêu diệt tàu, máy bay và căn cứ của Mỹ trong vòng 500 dặm từ lãnh thổ Trung Quốc, cũng như phá hoại các mạng lưới vệ tinh và máy tính vốn làm cơ sở cho sức mạnh quân sự của Mỹ trên khắp Đông Á. Nhiều nhà phân tích người Mỹ lo sợ rằng Trung Quốc có thể sử dụng các khả năng chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) để ngăn cản quân đội Mỹ trong khi thực thi các tuyên bố chủ quyền bành trướng của mình, vốn gồm phần lớn biển Hoa Đông và Biển Đông. Một số người lo sợ rằng nếu không bị kiểm soát, Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một bá quyền của Đông Á và bắt đầu triển khai sức mạnh quân sự sang các khu vực khác, trong đó có Tây bán cầu. 

Quân đội Mỹ nên phản ứng với các khả năng A2/AD của Trung Quốc như thế nào? Một lựa chọn sẽ là sẵn sàng chuẩn bị tiêu diệt các lực lượng tấn công của Trung Quốc ngay đầu một cuộc xung đột. Lựa chọn khác sẽ là từ bỏ bằng cách rút các lực lượng Mỹ khỏi Đông Á, bãi bỏ các liên minh của Mỹ trong khu vực và trao cho Trung Quốc một khu vực ảnh hưởng. 
Cả hai lựa chọn này đều có hạn chế. Việc chuẩn bị cho những cuộc tấn công chặn trước nhằm vào các lực lượng A2/AD của Trung Quốc sẽ không chỉ tốn kém, mà còn có thể làm tăng nguy cơ chiến tranh bằng cách khuyến khích Mỹ và Trung Quốc nổ súng trước trong một cuộc khủng hoảng. Mặt khác, việc rút lui không chỉ làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á, mà còn có thể khuyến khích Trung Quốc tìm cách chinh phục nhiều phần của khu vực này. 
Liệu Mỹ có một lựa chọn thứ ba không? Trong một bài viết trên tạp chí An ninh quốc tế, tác giả lập luận cho điều một số nhà phân tích gọi là chiến lược "ngăn chặn tích cực", một mức trung bình giữa sẵn sàng và từ bỏ. Theo chiến lược này, Mỹ sẽ từ bỏ những nỗ lực chỉ huy vùng biển Đông Á và thay vào đó, tập trung giúp đỡ các nước xung quanh biển Hoa Đông và Biển Đông để ngăn cản Trung Quốc kiểm soát biển và bầu trời trong khu vực. Trong thời bình, Mỹ sẽ giúp đỡ các lực lượng A2/AD của các nước láng giềng của Trung Quốc bằng cách cung cấp cho họ viện trợ và vũ khí. Trong thời chiến, quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc bằng cách cung cấp tin tức tình báo, hậu cần và nếu cần thiết, các cuộc không kích và tấn công tên lửa hạn chế vào những lực lượng Trung Quốc hoạt động bên ngoài bờ biển Trung Quốc. 
Chiến lược này duy trì sự răn đe bằng cách ngăn chặn khả năng Trung Quốc giành chiến thắng quân sự quyết định trong khi nâng cao sự ổn định khủng hoảng bằng cách bảo đảm với Trung Quốc rằng nước này sẽ không phải chịu tấn công ồ ạt vào lãnh thổ đất liền của mình ngay ngày đầu của một cuộc chiến. Điểm yếu tiềm tàng của chiến lược này đương nhiên là nó đòi hỏi các nước láng giềng của Trung Quốc phải giữ vững trận tuyến chống sự bành trướng của Trung Quốc trong những khoảng thời gian kéo dài và có lẽ là không hạn định. Họ có khả năng làm điều đó không? 
Tác giả phát hiện ra rằng nhiều nước láng giềng biển của Trung Quốc trên thực tế đã triển khai các khả năng A2/AD vốn có thể ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát biển và bầu trời một cách khả thi trên khắp các vùng biển gần của nước này. Hơn nữa, Trung Quốc không thể có khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để vượt qua những lực lượng A2/AD này, vì các lực lượng triển khai sức mạnh tốn kém hơn các lực lượng A2/AD một cấp độ lớn, nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà và tích lũy nợ khổng lồ, và các hoạt động an ninh nội địa tiêu thụ lượng lớn nguồn lực quân sự của Trung Quốc. Do đó, trong tương lai thấy trước, Trung Quốc khó có khả năng vẽ lại bản đồ Đông Á bằng vũ lực - chừng nào các nước láng giềng vẫn sẵn sàng sử dụng các lực lượng A2/AD của họ và Mỹ tiếp tục giúp đỡ và ủng hộ họ. 
Những trở ngại đối với sự mở rộng hải quân của Trung Quốc 
Chỉ 2 nước trong lịch sử hiện đại từng thiết lập thế bá quyền biển trong khu vực: Mỹ từ những năm 1890 đến nay và Nhật Bản trong những năm 1930 và đầu thập niên 40 của thế kỷ 20. Cả 2 trường hợp đều cho thấy rằng Trung Quốc sẽ cần 2 điều để thực thi phiên bản học thuyết Monroe của riêng mình ở Đông Á: hiện diện quân sự trên các bờ biển xung quanh biển Hoa Đông và Biển Đông, và độc quyền sức mạnh hải quân trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc còn cách rất xa nữa mới đạt được 1 trong 2 mục tiêu này. 
Thứ nhất, Mỹ và đế quốc Nhật Bản đã kiểm soát các vùng biển gần của họ bằng cách chiếm các vùng đất xung quanh, đặt các căn cứ quân sự bên bờ biển và ngăn các nước láng giềng xây dựng lực lượng hải quân độc lập. Ngược lại, Trung Quốc hiện nay không có triển vọng kiểm soát các bờ biển ở Đông Á. Các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc có mật độ dân số cao và sở hữu các quân đội hiện đại, và rất khó để thực hiện xâm lược đổ bộ, nếu không muốn nói là không thể, trong thời buổi vũ khí điều khiển chính xác. 
Thứ hai, Mỹ và Nhật Bản đã xây dựng và duy trì một sự độc quyền sức mạnh hải quân, chiếm 80% đến 99% trọng tải hải quân trong khu vực tương ứng của họ. Ngày nay, hải quân Trung Quốc chiếm chưa đến 30% trọng tải hải quân của châu Á, và các nước châu Á tranh cãi với tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc cộng lại đạt ngang bằng mức Trung Quốc mua sắm tàu ngầm, tàu nổi, máy bay và tàu tuần duyên cảnh sát biển hiện đại trong 2 thập kỷ qua. 
Hải quân Trung Quốc có thể hùng mạnh nhất châu Á, nhưng các nước láng giềng trên biển của nước này tranh giành nhiều phần của biển Hoa Đông và Biển Đông trong khi trong nhiều trường hợp, Trung Quốc còn cách xa hàng trăm dặm. Trong hầu hết kịch bản chiến tranh, các lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc sẽ cần phải di chuyển qua lại giữa các chiến trường và căn cứ trên Đại lục, một quãng đường đi lại sẽ hạn chế nghiêm trọng số lượng phương tiện quân sự mà Trung Quốc có thể duy trì trên chiến trường, trong khi các nước láng giềng của Trung Quốc có thể tác chiến từ các căn cứ trong nước liền kề tới chiến trường và do đó có sẵn vũ khí đạn dược đầy đủ. 
Nhiều trong số các nước láng giềng của Trung Quốc đã tận dụng những lợi thế địa lý này để phát triển các khả năng A2/AD bao gồm các dàn tên lửa đặt trên bờ biển, tàu ngầm tấn công chạy bằng điêden, nhiều tàu chiến nổi nhỏ và máy bay chiến đấu được vũ trang tên lửa chống tàu và ngư lôi. Do đó, biển Hoa Đông và các khu vực phía Tây và Nam của Biển Đông hiện gần với những lực lượng có khả năng ngăn chặn chỉ huy hải và không quân Trung Quốc. 
Ở biển Hoa Đông, Nhật Bản vẫn tiếp tục là một lực lượng đáng gờm. Nhật Bản đã tuyên bố kế hoạch nối một tuyến dàn phóng tên lửa dọc quần đảo Ryukyu mà có thể nhắm mục tiêu tới tất cả phương tiện trên biển và trên không trong vòng 200 đến 300 dặm giữa đất liền Nhật Bản với Đài Loan, khu vực có quần đảo Senkaku. Nhật Bản đang mở rộng đội tàu ngầm của mình, mua sắm các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 được vũ trang tên lửa hành trình chống tàu, duy trì các lực lượng chiến tranh chống tàu ngầm hạng thế giới và một mạng lưới cảm biến rộng lớn dưới biển mà có thể theo dõi đường đi của các tàu và tàu ngầm Trung Quốc khi chúng rời cảng. Cán cân trọng tải hải quân đang nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng Nhật Bản vẫn có số lượng tàu chiến nổi lớn nhiều gần gấp đôi so với Trung Quốc. 15 tàu tuần duyên và tàu khu trục nhỏ hơn của nước này, dù ít hơn so với 57 tàu khu trục của Trung Quốc, sẽ có thể tiếp nhiên liệu và đạn dược tại các cảng dọc quần đảo Ryukyu và vì thế duy trì nhịp độ tác chiến cao hơn trong một cuộc chiến tranh trong các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông so với các tàu tên lửa và tàu khu trục của Trung Quốc. 
Ở phía Tây Biển Đông, Việt Nam đã mua sắm các dàn tên lửa hành trình chống tàu đặt trên bờ biển, tàu ngầm lớp Kilo, tên lửa đất đối không tiên tiến, và hàng chục máy bay chiến đấu, cũng như tàu chiến nổi được vũ trang tên lửa hành trình tiên tiến. Tập hợp lại, các phương tiện này cho phép Việt Nam tiêu diệt tàu và máy bay hoạt động trong vòng 200 dặm tính từ bờ biển nước này - một khu vực bao gồm một phần ba phía Tây của Biển Đông và căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. 
Ở phía Nam của Biển Đông, Indonesia và Malaysia cũng đã phát triển các khả năng để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Quân đội của 2 nước này không gây ấn tượng nếu xét theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, nhưng họ có hàng chục căn cứ hải quân và không quân gần khu vực phía Nam “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cách khu vực đó đến hơn 1.000 dặm. Trong một cuộc chiến tranh, Indonesia và Malaysia có thể sử dụng toàn bộ sức mạnh hải quân và không quân của họ. Ngược lại, Trung Quốc sẽ gặp rắc rối trong việc duy trì hơn một chục chiếc tàu nổi và tàu ngầm cũng như hàng chục máy bay chiến đấu ở vùng tác chiến. 
Không có nhiều cơ hội cho sự bành trướng của Trung Quốc 
Trung Quốc phải đối mặt với một hàng rào ngăn chặn sớm ở nhiều vùng ở Đông Á. Tuy nhiên, có một số khu vực mà nước này có thể dễ dàng đánh bại sự chống đối ở địa phương và thiết lập quyền kiểm soát trên không và trên biển. 
Một trong những vực đó là Eo biển Đài Loan. Trung Quốc có 1.500 tên lửa chính xác nhắm vào Đài Loan và hơn 1.000 máy bay chiến đấu tiên tiến. Nếu Trung Quốc gây bất ngờ cho Đài Loan - với các dàn tên lửa, máy bay và tàu biển của nước này đã được bố trí công khai - họ có thể tiến hành các cuộc không kích và tấn công tên lửa bất ngờ và tiêu diệt hàng phòng không tầm xa của Đài Loan, không quân mặt đất của Đài Loan và nhấn chìm tàu hải quân lớn của Đài Loan chỉ trong vài giờ. Tin tốt là Trung Quốc vẫn không có khả năng chinh phục Đài Loan, ngay cả khi không có sự can thiệp của Mỹ, vì nước này thiếu khả năng tiến hành một cuộc xâm lược đổ bộ hay duy trì một cuộc phong tỏa đáng kể. Hơn nữa, Mỹ có một loạt lựa chọn để phá hoại một cuộc xâm lược hay phong tỏa của Trung Quốc mà tận dụng được các lợi thế của Mỹ và sẽ không đặt các tàu nổi hay máy bay không tàng hình của Mỹ trước mối nguy từ các lực lượng A2/AD của Trung Quốc hay đòi hỏi Mỹ phải tấn công Trung Quốc Đại lục. Do đó Đài Loan chắc chắn sẽ không phải chịu cuộc chinh phạt nào của Trung Quốc vào lúc này, nhưng họ sẽ phải gia tăng đầu tư vào các lực lượng A2/AD và phòng thủ dân sự nếu họ muốn tiếp tục được an toàn trong các thập kỷ sắp tới. 
Khu vực thứ hai dễ bị tấn công là ở phía Đông Bắc của Biển Đông, vốn do Philippines tuyên bố chủ quyền, một nước đã không phát triển được bất kỳ sức mạnh hải quân có ý nghĩa nào. Trong khi phần còn lại của khu vực đã mua sắm vũ khí điều khiển chính xác và phương tiện tiên tiến để khai hỏa, Philippines chỉ chi một phần rất ít ngân sách quốc phòng vào an ninh nội địa. Rõ ràng, các nhà lãnh đạo ở Manila tin rằng Mỹ sẽ giải cứu họ nếu Trung Quốc đưa hải quân của nước này vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Quân đội Mỹ chắc chắn có thể tiêu diệt một lực lượng đặc nhiệm hải quân Trung Quốc gần Philippines mà không gặp phải nhiều rủi ro cho các lực lượng Mỹ, nhưng không gì bảo đảm họ sẽ làm vậy. Washington chỉ có thể đánh liều đổ máu và mất mát nghiêm trọng khi các lợi ích sống còn của Mỹ bị đe dọa. Trong khi một học thuyết Monroe của Trung Quốc ở Đông Á sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn này, việc Trung Quốc vi phạm quyền đánh bắt cá của Philippines thì không. Vì thế góc phía Đông Bắc của Biển Đông vẫn dễ bị tổn thương trước sự bành trướng của Trung Quốc. 
Cuối cùng, Trung Quốc có thể mở rộng một cách bí mật thông qua một "chiến lược bắp cải", trong đó nước này bao bọc các vùng biển tranh chấp bằng nhiều lớp cảnh sát biển, dân quân trên biển và tàu đánh cá. Chiến thuật này đã cho phép Trung Quốc áp đặt sự hiện diện đầy nhức nhối trong thời bình ở một số khu vực nhỏ ở Đông Nam Á, tuy nhiên khó có khả năng nó cho phép Trung Quốc chế ngự các vùng biển Đông Á. Một lý do là các nước láng giềng của Trung Quốc cộng lại đã đạt ngang bằng mức mua sắm tàu cảnh sát biển của Trung Quốc. Đội tàu của Trung Quốc vẫn là lớn nhất ở châu Á, nhưng nó cũng phải trải mỏng để bảo vệ các tuyên bố bành trướng của Trung Quốc, vốn bao gồm gần 2 triệu dặm vuông. Mặt khác, các nước láng giềng của Trung Quốc tập trung các hạm đội của họ xung quanh những tuyên bố chủ quyền hạn chế hơn. Quan trọng hơn, các nước láng giềng của Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng sức mạnh quân sự chống lại các tàu dân sự của Trung Quốc, nổ súng và đuổi đánh họ và, trong trường hợp Indonesia, cho nổ các tàu đó trên truyền hình quốc gia. 
Những giới hạn đối với sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc 
Cán cân sức mạnh quân sự này ở Đông Á sẽ vẫn ổn định trong nhiều năm, vì tình hình công nghệ quân sự có lợi rất nhiều cho các nước phòng thủ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, và các chiến dịch an ninh nội địa làm cạn kiệt nguồn lực quân sự của Trung Quốc. 
Thứ nhất, phòng thủ là vấn đề chi phối, ít nhất bên trong vùng biển Đông Á, vì vũ khí điều khiển chính xác cho phép thậm chí là các nước tương đối yếu đánh chìm tàu nổi và bắn hạ máy bay gần đất liền của họ. Trước đây, các nước láng giềng của Trung Quốc có thể phải tranh giành quyền kiểm soát biển của Trung Quốc một cách đối xứng, bằng cách cử tàu chiến đi bắn hạ đội tàu của Trung Quốc, một cuộc đấu mà họ gần như chắc chắn sẽ thất bại. Hiện nay, các nước này có thể chống lại một cách bất cân xứng sự bành trướng của Trung Quốc, bằng cách phóng vũ khí điều khiển chính xác từ nhiều phương tiện phóng đơn giản vốn rẻ hơn trung bình 50 lần so với các lực lượng triển khai sức mạnh Trung Quốc mà họ hoàn toàn có thể đe dọa phá hủy. 
Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc - động cơ cho sự hiện đại hóa quân sự của nước này - đang dần mất đà. Kể từ năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm một nửa, và nợ của nước này đã tăng gấp 4 lần và giờ đã vượt qua 300% GDP. Trên lý thuyết, Trung Quốc có thể giải phóng tiền vốn cho tăng trưởng hiện đại hóa quân đội bằng cách rút bớt chi tiêu xã hội. Trên thực tế, cắt giảm chi phí như vậy sẽ là bất khả thi, vì Trung Quốc sắp trải qua cuộc khủng hoảng dân số già đi nhanh nhất trong lịch sử loài người, với tỷ lệ người lao động trên người nghỉ hưu thu hẹp từ mức 8/1 hiện nay xuống 2/1 vào năm 2040. Tới thời điểm đó, Trung Quốc sẽ không có quỹ để chi trả 10 nghìn tỷ USD đến 100 nghìn tỷ USD lương hưu. Nếu thêm vào đó là chi phí y tế liên quan đến một trong những xã hội già nhất hành tinh, thì ngày càng rõ ràng Trung Quốc sẽ rất may mắn mới có thể duy trì được mức độ chi tiêu quân sự tương lai giống như hiện nay, chứ chưa nói đến gia tăng chi tiêu. 
Thứ ba, chi phí an ninh nội địa làm cạn kiệt một phần đáng kể nguồn lực quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc có biên giới trên biển và đất liền với 19 nước, 5 trong số đó từng có chiến tranh với Trung Quốc trong thế kỷ qua; biên giới Đông Bắc và Tây Bắc đầy lỗ hổng và là nơi ở của các nhóm dân tộc thiểu số bất mãn; và chính phủ nước này đang phải điêu đứng vì tình trạng náo động lớn ở trong nước. Để đối phó với các mối đe dọa này, quân đội Trung Quốc dành hơn 1 triệu lính (khoảng 45% lực lượng tại ngũ) cho an ninh nội địa và biên phòng. Chi phí duy trì các đơn vị này tiêu tốn ít nhất 35% ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, một "trở ngại trong nước" kinh niên đưa các lực lượng triển khai sức mạnh hùng mạnh ngày càng xa ra khỏi tầm với của PLA. 
Một chiến lược "ngăn chặn tích cực" cho Mỹ 
Mỹ nên lợi dụng cán cân quân sự Đông Á đang tồn tại bằng cách áp dụng một chiến dịch ngăn chặn tích cực bao gồm 2 thành phần chính. 
Thứ nhất, Mỹ nên giúp đỡ các lực lượng A2/AD của các nước láng giềng của Trung Quốc bằng cách cung cấp cho họ các khoản vay, vũ khí, huấn luyện và tin tức tình báo. Mục tiêu sẽ là biến các nước láng giềng của Trung Quốc thành những "con nhím" gai góc, có khả năng ngăn chặn lãnh thổ đối với Trung Quốc nhưng bản thân họ lại không chiếm giữ lãnh thổ. Mỹ đã cung cấp một phần viện trợ cho các đối tác châu Á của mình, nhưng không đủ và không phải luôn đúng loại cần thiết. Chẳng hạn, Mỹ đã trao cho Philippines các khả năng chống nổi dậy, nhưng không đàm phán việc triển khai các khả năng của Mỹ mà thực tế có thể đe dọa lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc, như dàn tên lửa đối không và chống tàu của lục quân Mỹ. Một ví dụ khác là trong thời kỳ Chính quyền Obama, Mỹ đã bán cho Đài Loan một số tàu đã ngừng sử dụng và một số tên lửa chống tăng cũng như chống máy bay, nhưng không phải thứ gì đó có thể tăng cường khả năng do thám, tấn công dưới mặt biển, trên không hay tầm xa của Đài Loan - được cho là 4 nhân tố quan trọng nhất trong bất kỳ kịch bản chiến tranh Trung-Đài nào. Gói bán vũ khí mới được Chính quyền Trump thông qua bao gồm các nâng cấp rađa, tên lửa phóng trên không và ngư lôi, nhưng không có viện trợ hữu hình dành cho sáng kiến đóng tàu ngầm non trẻ của Đài Loan. Nói tóm lại, Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa để biến chuỗi đảo thứ nhất - trải dài từ Nhật Bản đến Indonesia - thành một hàng rào ngăn chặn đáng sợ. 
Thứ hai, trong thời chiến, Mỹ nên củng cố cán cân sức mạnh địa phương, nhưng nên làm vậy một cách từ từ. Trong các cuộc xung đột nhỏ, Mỹ sẽ tìm cách thuyết phục Trung Quốc xuống nước bằng cách sử dụng các hình thức ép buộc phi quân sự, kể cả trừng phạt tài chính, cấm vận hoặc các hoạt động mạng. Nếu cuộc xung đột leo thang thành chiến tranh, Mỹ ban đầu có thể "lãnh đạo từ phía sau", hỗ trợ các lực lượng địa phương bằng hậu cần, tình báo và nếu tối cần thiết, các cuộc không kích và tấn công tên lửa hạn chế vào những lực lượng Trung Quốc đang hoạt động trên chiến trường thay vì các lực lượng đồn trú trên Đại lục. Các cuộc tấn công này có thể được tiến hành từ tầm ngầm, máy bay tàng hình hoặc dàn pháo đặt trên bờ biển di động trên đường dọc theo chuỗi đảo thứ nhất - tất cả ít có khả năng bị tổn thương hơn nhiều trước các lực lượng A2/AD Trung Quốc so với tàu nổi và máy bay không tàng hình. Nếu Mỹ cần gia tăng thương tổn, nước này có thể leo thang theo chiều ngang thay vì chiều dọc; tức là bằng cách mở các mặt trận địa lý mới (ví dụ như phong tỏa Eo biển Malacca) thay vì đổ các lực lượng Mỹ vào chiến trường chính. 
Chiến lược này chắc chắn sẽ hy sinh sự hiệu quả quân sự để nâng cao ổn định khủng hoảng. Quân đội Mỹ có thể giành được một lợi thế lớn so với quân đội Trung Quốc nếu họ đơn thuần chỉ trút giận lên các căn cứ trên Đại lục của Trung Quốc ở đầu một cuộc xung đột. Tuy nhiên, một thế công kích như vậy không chỉ tốn tiền duy trì, mà còn có nguy cơ biến những cuộc xung đột nhỏ thành các cuộc chiến tranh lớn. Trung Quốc có thể muốn nổ súng trước trong một cuộc khủng hoảng, trong một nỗ lực liều lĩnh nhằm khiến Mỹ sững sờ trước khi quân đội Mỹ "phá hủy hoàn toàn" các lực lượng tấn công của Trung Quốc. 
Nếu Trung Quốc sẵn sàng tràn khắp Đông Á, có thể có lý khi Mỹ liều lĩnh gây ra một cuộc chiến lớn để kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nghiên cứu của tác giả cho thấy rằng Trung Quốc không có năng lực hoành hành theo kiểu đế quốc Nhật Bản trên khắp Đông Á. Do đó, rủi ro đối với Mỹ trong một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và các láng giềng của nước này sẽ là vừa phải, và mối nguy chính sẽ là làm quá nhiều chứ không phải quá ít. Thay vì vội vàng tham gia một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, Mỹ nên lựa chọn cuộc đấu của mình kĩ càng, leo thang từ từ và để các bên tham gia trong khu vực gánh phần việc nặng nề nhất.
***
Michael Beckley là nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Belfer về Khoa học và Quốc tế, Trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard; phó giáo sư về Khoa học Chính trị Đại học Tufts. Bài viết được đăng trên War on the Rocks.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét