Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Đề xuất bỏ Chí Phèo khỏi SGK: ‘Đừng hiểu văn học theo tư duy của Xã hội học’


Một tác phẩm nghệ thuật

Chí Phèo là tên của nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, được ông sáng tác vào tháng 2 năm 1941.  Là một đứa trẻ mồ côi, Chí Phèo được người làng Vũ Đại thay phiên nhau nuôi lớn. Ở đợ là nghề của hắn. Thêm cái nghề canh điền cho Bá Kiến. Bị Bá Kiến hãm hại dẫn đến 7 năm tù, sau đó Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại chuyên vạch mặt ăn vạ.

Từ bát cháo hành nóng hổi của Thị Nở, Chí Phèo ‘hồi sinh’ với mối tình đầy bản năng của con người và nỗi khao khát làm người lương thiện. Thế nhưng, bà cô của Thị Nở đã ngăn cản, hay nói cách khác, chính xã hội từ chối con đường trở về của Chí Phèo. Tuyệt vọng, Chí Phèo tìm đến Bá Kiến, người đã đưa hắn từ 1 người nông dân bình thường trở thành tên tù tội, thành nỗi sợ hãi của làng Vũ Đại. Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát.

Chí Phèo của Nam Cao được cho là một kiệt tác văn xuôi Việt Nam hiện đại, có giá trị hiện thực, khắc hoạ rõ nét từng vết nứt bi kịch của một xã hội phong kiến thời phân chia giai cấp.

Hơn 70 năm sau, bình luận về Chí Phèo, vị nghiên cứu sinh ngành giáo dục ở Đại học Newcastle, Australia, ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng nhân vật này “chẳng đại diện cho ai cả. Anh ta chỉ đơn giản là một đứa trẻ không được giáo dục, bị lưu manh hóa. Nếu nói rằng Chí đại diện cho tầng lớp nông dân bị áp bức thì thật là "tội nghiệp" cho nông dân mình quá.”

Còn đối với nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả của Mối Chúa, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được săn lùng ráo riết do bị cấm xuất bản, nhìn về nhân vật Chí Phèo là một số phận, số phận của xã hội, số phận của một con người “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, số phận của một con người có cái bản ngã của con người. Ông nói.

“Đấy là một số phận. Số phận ấy có thể đại diện cho nông dân nhưng trước hết, nó là một thế giới, 1 ngã thể. Những khao khát của ông ấy, những bi kịch của ông ấy, những xấu xa trong tâm hồn ông ấy, tại sao không nghĩ là nó cũng có trong tâm hồn người khác?

Nó là 1 phản chiếu, một ẩn ngữ của nhà văn để nói lên 1 điều gì đó về mặt nhân cách, tự do, về nhu cầu của con người trước cái đẹp, trước tình yêu.”

Theo cách nhận xét và lập luận của nhà nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền, ông viết rằng: “Chí Phèo phải bị phê phán vì hành vi cưỡng bức Thị Nở. Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu.”

Lời kết tội của ông Nguyễn Sóng Hiền dành cho Chí Phèo khá hợp lý, phù hợp với tư duy của một người đánh giá vấn đề mang cơ sở lý tính.

Và nếu xét ở xã hội hiện tại với luật pháp của một phiên toà xét xử thì cũng hoàn toàn hợp lý.

Nhưng đối với nhà văn Tạ Duy Anh, ông nhìn Chí Phèo, và cả Thị Nở không giản đơn như thế. Ông đặt nhân vật của Nam Cao ở cương vị là những nhân tố hư cấu của tác phẩm nghệ thuật. Mà nếu đã như thế thì theo ông:

“Nghệ thuật cao xa hơn tất cả những thứ qui chụp về mặt xã hội học”

Hơn thế nữa, nhà triết học, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức, từ Hà Nội nói với chúng tôi nhận xét của ông về Chí Phèo của Nam Cao là một tác phẩm của lịch sử.

“Nó đầy tri thức, nhân văn, là một giai đoạn lịch sử, tôi tạm gọi nó được kết cấu từ những dư vị của thời gian đấy, quá khứ đấy. Văn học là tâm cảm của thời đại. Mà nếu bỏ tâm cảm của thời đại ấy đi thì mình không có gì cả.”

Với góc nhìn của nhà văn Tạ Duy Anh, ông cho rằng “Ở Việt Nam hiện nay, cho đến thời điểm này, chưa có 1 tác phẩm văn học nào có thể thay thế được tác phẩm Chí Phèo về mọi mặt”. Còn đối với nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức thì ông khẳng định “Chí Phèo của Nam Cao là tác phẩm truyện ngắn thành công nhất Việt Nam.”

Ông Nguyễn Hoàng Đức không ngần ngại nói rằng “rất ngu xuẩn khi đề nghị loại bỏ tác phẩm này khỏi chương trình sách giáo khoa văn học.”

Đừng hiểu văn học như đạo đức học

Chí Phèo đã “sống” qua nhiều thập kỷ, đi vào chương trình sách giáo khoa văn học của thời nay để trở thành hình tượng tiêu biểu của một nghệ thuật văn học hiện thực và sâu xa hơn nữa, biểu tượng của một thời kỳ lịch sử…

Cho đến khi vị nghiên cứu sinh ngành giáo dục, ông Nguyễn Sóng Hiền đưa ra đề xuất việc bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa ngữ văn lớp 11.

Lý do ông nêu ra là “Một nhân vật khi bế tắc là uống rượu rồi chửi bậy, đốt quán, xin đểu, bí bách quá thì rút dao giết người rồi tự sát. Với hình tượng như thế thì trẻ sẽ học được gì? Ở lớp 11, tôi không tin là học trò đủ nhận thức để nhìn thấy được tính nhân văn và sự tốt đẹp của Chí Phèo”.

Không ít người đã bày tỏ ủng hộ với đề xuất này. Cô Trang Nhung, một nhà hoạt động nhân quyền khá nổi tiếng ở Việt Nam viết trên trang cá nhân quan điểm của cô là: “Giả sử tại một trường PTTH tư thục do tôi lập ra trong tương lai, tác phẩm này không có cửa trong chương trình giáo dục của tôi. Giáo dục con người trở nên CON NGƯỜI đích thực thì thiếu gì hình tượng mà cứ Chí với chả Phèo.”

Đưa ra ý kiến về điều này, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng “đối với văn học, thì mỗi người có 1 cách hiểu khác nhau trong tâm thế của họ. Do đó, ông tôn trọng đề xuất cá nhân của ông Nguyễn Sóng Hiền.

“Họ hiểu tác phẩm văn học theo cách như thế. Đúng hay sai thì mình chưa biết nhưng ít nhất cậu ấy cũng dám bộc lộ suy nghĩ trong đầu cậu ấy.”

Nếu vị nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Nguyễn Sóng Hiền đề nghị lấy Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa vì lo lắng là học sinh sẽ học được những gì từ nhân vật ấy -  1 nhân vật “vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu là hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chủi ngay tất cả làng Vũ Đại”?

Thì câu trả lời của nhà văn Tạ Duy Anh là “phải dạy và dạy kỹ hơn nữa”. Ông nói

“Không những nên dạy mà phải dạy 1 cách đầy đủ, 1 cách nghiêm túc ở chỗ cho học sinh được nói lên những suy nghĩ của nó, được hiểu theo cách của nó, được quyền cảm nhận về mặt thẩm mỹ và đạo đức của học sinh.”

Có một cách phân tích khác từ nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức. Ông đặt ra câu hỏi “Tại sao Chí Phèo chửi đổng?” Câu trả lời được ông đưa ra cũng chính là cách ông định nghĩa về văn học, đó là “Văn học là phải bất mãn với thời cuộc.”

“Tại sao lại có nhân vật Chí Phèo? Nó chửi đổng là sự bất mãn của nhà văn. Nó chửi đổng vì nó không thể làm gì khác hơn là chửi đổng. Chí Phèo buộc phải rạch mặt và chửi đổng, thì phải hiểu rằng đó là tính biểu tượng của văn học và chỉ văn học mới làm được điều ấy.”

Khi bàn về vấn đề này với báo giới trong nước, Nữ Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết nói rằng “Cần trân trọng những giá trị văn hoá đích thực. Cần ứng xử với văn chương cho xứng đáng với văn chương.” Bà nhấn mạnh bà không đồng tình với đề xuất loại bỏ Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa văn học.

Tuy chưa có người cầm bút nào đưa ra phản biện về câu nói “văn là người”, nhưng theo nhà văn Tạ Duy Anh, đánh  giá, nhận thức về văn học lại là một chuyện khác. Đặc biệt, không thể bóc tách tác phẩm nghệ thuật ra từng mảnh để đánh giá tác động của nó về mặt xã hội.

“Họ hiểu văn học theo tư duy của xã hội học, đạo đức học, những quan điểm mang tính chất xa rời mục tiêu cao hơn của nghệ thuật.”

Sau khi sự việc gây ra nhiều tranh luận trên báo chí, ông Nguyễn Sóng Hiền giải thích là ông không phủ nhận giá trị nhân văn và nghệ thuật của tác phẩm. Điều làm ông lo lắng là liệu các giáo viên có thể truyền tải được hết và đầy đủ những điều tốt đẹp của nhân vật và tác phẩm không?

Thế nhưng theo nhà văn Tạ Duy Anh, ông cho rằng có lẽ chính cách dạy theo khuôn khổ có sẵn, bình văn theo sườn bài có sẵn của giáo viên mà đã tạo ra cho vị nghiên cứu sinh kia “một phản ứng như thế” đối với một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam.

“Cái khả năng, cái tâm thế xã hội, tất cả những gì họ được tiếp xúc, được cảm nhận về xã hội chỉ đủ để hiểu đến thế thôi.”


Rất nhiều những tranh cãi từ dư luận về đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa văn học. Nhưng theo những ý kiến chúng tôi ghi nhận được, thì nhân vật Chí Phèo đã vượt qua khỏi ranh giới của tác phẩm văn học, trở thành biểu tượng của một thời kỳ văn hoá lịch sử không thể chối bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét