Tổng Thống Donald Trump không ưa
việc ngoại giao. Ông muốn cắt một phần ba ngân sách Bộ Ngoại Giao nước Mỹ. Ông
còn để trống nhiều ghế đại sứ, không lo bổ nhiệm, cũng như nhiều chức vụ cao cấp
trong Bộ Ngoại Giao. Ông cũng không thèm quan tâm đến một kỹ thuật trong nghề
ngoại giao là trao đổi, là “ông mất của kia, bà chìa của nọ.” Cho nên, nhiều
khi ông Trump đã “cho không” các nước khác những “món quà quý giá” mà không đòi
hỏi có gì đáp lại.
Ông Trump mới tặng Thủ Tướng
Benjamin Netanyahu một món quà Giáng Sinh khi tuyên bố chính phủ Mỹ công nhận
Jerusalem là thủ đô nước Israel, và sẽ đưa tòa đại sứ từ Tel Aviv về đó. Ông
Netanyahu bỗng dưng đạt thắng lợi; sau khi các chính phủ Israel trong 70 năm vẫn
bị các vị tổng thống Mỹ trước từ chối! Ông Trump không đòi Netanyahu đáp lại bằng
một nhượng bộ nào cả!
Hồi đầu năm 2017, Tổng Thống
Trump cũng tặng cho ông Tập Cận Bình một món quà Tết, hào hiệp cho không giống
như vậy! Vừa bước chân vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump xé bản thỏa ước TPP, hợp tác
kinh tế với 11 quốc gia trong vùng Thái Bình Dương. Trước đó Bắc Kinh đã lên tiếng
chỉ trích thỏa ước TPP này là một âm mưu của Mỹ nhằm bao vây kinh tế nước Tàu!
Tập Cận Bình đã tìm cách chọi lại, thiết lập những liên minh kinh tế khác. TPP
là một dụng cụ ngoại giao để chính phủ Mỹ có thể dùng để mặc cả với Cộng Sản Trung
Hoa. Bởi vì khối kinh tế đó sẽ làm ăn, hợp tác với nhau, cố tình gạt Trung Cộng
ra ngoài, không mời tham dự.
Nếu còn TPP, khi chính phủ Mỹ cần
yêu cầu Trung Cộng mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ vào, hay cho các xí nghiệp,
ngân hàng Mỹ tự do hoạt động trong lục địa, họ có thể đòi hỏi Bắc Kinh nhượng bộ,
và đổi lại bằng cách cho Trung Cộng được dự một phần nào vào các cuộc trao đổi
trong khối TPP. Tất nhiên sẽ chỉ cho Trung Cộng tham dự nếu chịu tuân hành các
phương pháp và thủ tục thị trường dựa trên luật lệ được quốc tế công nhận, theo
kiểu Mỹ.
Bây giờ, TPP không còn nữa. Mỹ vẫn
phải thương thuyết với Bắc Kinh về việc mở rộng thị trường. Nhưng ông Trump sẽ
phải nói chuyện tay đôi, không thể nhân danh một khối kinh tế gồm 12 nước, chiếm
40% tổng sản lượng (GDP) cả thế giới. Trong khi đó, Tập Cận Bình đang mời chào
các nước trong vùng cộng tác, liên minh với nhau. Và tất nhiên sẽ làm ăn theo
kiểu nước Tàu, nghĩa là sính sái, khỏi cần tôn trọng luật lệ quốc tế! Càng
“sính sái” bao nhiêu càng sinh tham nhũng, và Bắc Kinh càng dễ tạo ảnh hưởng
chính trị bấy nhiêu.
Vụ công nhận Jerusalem là thủ đô
của Israel cũng vậy. Trước khi tuyên bố quyết định này, ông Trump có thể nói nhỏ
với ông Netanyahu một vài câu. Có những điều mà các tổng thống Mỹ, kể cả ông
Trump, muốn từ lâu nhưng Israel không chịu làm theo. Bây giờ, hãy yêu cầu họ
nhượng bộ một bước thôi, không có gì lớn quá.
Chẳng hạn, nếu muốn Mỹ chính thức
công nhận Jerusalem là thủ đô, chính phủ Israel hãy tuyên bố ngưng không xây dựng
các khu định cư mới của dân Israel trong vùng đất chiếm đóng của người Á Rập.
Hoặc chính phủ Israel tuyên bố đồng ý với giải pháp “Hai Quốc Gia” trên vùng đất
tranh chấp, một nước Israel, một nước Palestine. Cả thế giới đều thấy giải pháp
này là tốt nhất; nhưng cho tới nay Israel vẫn chưa chịu. Bây giờ nếu nói một
câu cũng mất mát gì đâu, có thể thương thuyết các chi tiết sau nữa mà!
Tổng Thống Donald Trump đã không
đòi hỏi gì cả, tặng không cho ông Netanyahu món quà Jerusalem.
Tại sao ông Trump lại “dại dột”
như vậy?
Kinh nghiệm cho thấy ai nghĩ rằng
ông Donald Trump dại thì người đó sẽ thất vọng, nhận ra chính mình không đủ
khôn!
Ông Trump không thi thố những đòn
ngoại giao cò kè trao đổi, với Tập Cận Bình cũng như với Netanyahu bởi vì ông
không thấy những chuyện đó đáng coi là quan trọng. America First! Ông hô khẩu
hiệu cho chính ông nghe và thực hành: Hãy quan tâm trước hết đến nước Mỹ! Kinh
tế Thái Bình Dương là gì mà quan trọng đến thế? Nước Trung Hoa bành trướng, rồi
sao? (So what?) Hòa bình Trung Đông trong ba năm tới, hay 90 năm nữa mới có,
thì việc gì đến tôi nào? (Who cares?)
Khẩu hiệu của ông Trump là
America First! Lo chuyện tại nước Mỹ trước hết, đối với ông có nghĩa là làm sao
chức vụ tổng thống Mỹ phải vững chắc. Phải củng cố lòng tin của những người ủng
hộ mình trước đã!
Tại nước Mỹ, một số người rất thiết
tha đến việc chính phủ Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đó là những
người thuộc các Giáo Hội Tin Lành rất bảo thủ, đặc biệt có những nhóm gọi tên
chung là “Phái Phúc Âm” (Evangelicals). Đa số những cử tri này, hơn 80%, đã bỏ
phiếu ủng hộ Tổng Thống Trump trong cuộc bỏ bầu cử năm ngoái. Ông Trump đã hứa
hẹn rất nhiều với những người ủng hộ này, và ông muốn chứng tỏ đang thi hành lời
hứa. Một hành động được các cử tri tôn giáo bảo thủ hết sức tán thưởng là bổ
nhiệm Thẩm Phán Tối Cao Neil Gorsuch. Một hành động được hoan nghênh khác là
cho phép tổ chức y tế của các tôn giáo không cần phải theo luật bắt buộc cung cấp
thuốc ngừa thai. Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel chính là để giữ lời
ông hứa năm ngoái với các nhóm cử tri tôn giáo bảo thủ.
Người theo Do Thái Giáo, Hồi
Giáo, và Thiên Chúa Giáo đều coi Jerusalem là đất thánh. Nhưng 80% các tín đồ
trong Phái Phúc Âm (Evangelicals), căn cứ vào Kinh Thánh, tin tưởng nhiệt thành
rằng Thượng Đế đã trao Jerusalem cho dân tộc Do Thái. Ngược lại, chỉ có 40% những
người Mỹ gốc Do Thái đồng ý điều đó (Theo Pew Research Center nghiên cứu năm
2013).
Cho nên, trong nhiều năm qua, các
mục sư Evangelicals đã thúc đẩy chính phủ Mỹ phải đưa tòa Đại Sứ Mỹ từ Tel Aviv
về Jerusalem. Đặc biệt, từ khi ông Trump nhậm chức, họ gần như mỗi ngày đều
thúc đẩy ông làm việc đó. Các mục sư lãnh đạo Phái Phúc Âm bay đi thăm
Jerusalem như đi chợ!
Dư luận người Mỹ gốc Do Thái lại
khác. Một cuộc nghiên cứu vào Tháng Chín vừa qua cho thấy chỉ có 16% muốn chính
phủ Mỹ dời tòa đại sứ về Jerusalem; 40% chống, và 36% muốn dời tòa đại sứ sau
khi đã ký kết hòa bình với dân Palestine. Tiếng nói của người gốc Do Thái không
ảnh hưởng tới ông tổng thống, vì năm ngoái họ chỉ có 23% bỏ phiếu cho ông!
Những tín đồ Evangelicals dựa
theo Sách Khải Huyền trong Kinh Thánh, nói rằng Chúa Giê Su sẽ trở lại khi người
Do Thái trở về Jerusalem. Việc chính phủ Mỹ đưa tòa đại sứ về Jerusalem sẽ thúc
đẩy tiến trình đó chạy nhanh, ngày phán xét cuối cùng sẽ tới sớm hơn!
Tuy nhiên, Tổng Thống Donald
Trump cũng nổi tiếng là người nói rất mạnh nhưng làm thì chậm chạp. Từ năm
1995, mỗi sáu tháng các vị tổng thống Mỹ đều phải ký một lệnh cho phép hoãn việc
đưa tòa đại sứ về Jerusalem.
Tháng Sáu vừa qua, ông Trump đã
ký lệnh đó. Sau lời tuyên bố nảy lửa vừa rồi, ông lại ký lần nữa. Chưa biết bao
giờ chuyện đổi địa chỉ tòa đại sứ mới được thi hành. Nhưng chỉ cần một lời
tuyên bố nóng bỏng, ông Trump đã làm nức lòng các cử tri bảo thủ đã ủng hộ ông.
Đó mới là điều quan trọng nhất. Còn những chuyện như tranh chấp Israel với
Palestine cũng như chuyện Trung Cộng bành trướng ở Á Đông, cứ để đó từ từ,
không có chi vội! America First!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét