BOT Cai Lậy hỗn loạn ngày 30/11/2017.
Tuy trạm thu phí cho Dự án BOT đường
tránh Cai Lậy đã tạm ngưng hoạt động nhưng thiên hạ vẫn còn bàn luận sôi nổi về
những vấn đề có liên quan tới dự án này và công an – lực lượng thực thi pháp luật,
bảo vệ trật tự, trị an - đột nhiên trở thành một trong những đối tượng chính…
Ngày 4 tháng 12, Công ty Đầu tư
quốc lộ 1 Tiền Giang – chủ đầu tư Dự án BOT đường tránh Cai Lậy - gửi cho Bộ
Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang một báo cáo kèm đề nghị
“các đơn vị chức năng quyết liệt xử lý các đối tượng có hành vi chống đối, gây
rối”.
Trong khi Bộ Giao thông Vận tải
và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang im lặng, chờ nghe ý kiến của Thủ tướng Việt
Nam thì chiều cùng ngày, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng kiêm Phát
ngôn viên Bộ Công an Việt Nam, tuyên bố với báo giới, lãnh đạo Bộ Công an Việt
Nam đã “chỉ đạo công an địa phương làm rõ và xử lý nghiêm chuyện làm mất trật tự,
đặc biệt đối với những người cầm đầu xúi giục, gây rối ở Trạm thu phí Cai Lậy -
Tiền Giang”. Viên tướng này nhấn mạnh, Tổng cục Cảnh sát sẽ hướng dẫn về mặt
nghiệp vụ để sớm tìm ra những người gây rối.
Khoan kể tới phản ứng trên mạng
xã hội, đa số độc giả của những tờ báo chính thống do Bộ Thông tin – Truyền
thông Việt Nam cấp giấy phép và kiểm soát nội dung cũng tỏ ra không đồng tình với
chỉ đạo từ Bộ Công an Việt Nam. Trên VnExpress, có 4.310 người tán thành đề nghị
của độc giả Đoàn Thái Sơn: Nên điều tra xem nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng
này thì đúng hơn. Tương tự, trên Dân Trí, độc giả Nguyễn Hồng An thắc mắc: Tại
sao Bộ Công an không điều tra xem những ai làm sai, đặt trạm thu phí nhầm vị
trí?. Độc giả Nguyen Tran của tờ Tuổi Trẻ thì dựa vào nhận định của chính Bộ
Công an rằng có dấu hiệu “lợi dụng bất cập trong BOT” để gây rối trật tự công
công kèm nhận định: Đã thấy rõ có sự bất cập thì Bộ Công an nên điều tra xem sự
“bất cập” ấy có vi phạm chủ trương, chính sách, luật pháp hay không (?), ai phải
chịu trách nhiệm (?). Theo Nguyen Tran: Hãy dẹp Trạm thu phí Cai Lậy, nguyên
nhân chính gây ra bất ổn, dân chúng bất tín trước khi nghĩ đến những việc khác…
Một ngày sau khi Phát ngôn viên của
Bộ Công an Việt Nam lên tiếng, hôm 5 tháng 2, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc
Công an tỉnh An Giang, bảo với tờ Một Thế Giới rằng, những chi tiết kiểu như
“phát giác 14 xe sử dụng tiền lẻ chạy qua, chạy lại Trạm thu phí Cai Lậy” mà
Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang nêu trong báo cáo đã kể, “không thể xem là
vi phạm trừ khi họ tổ chức kích động gây rối”. Theo lời ông tướng này, “người
ta thích thì người ta chạy, người ta có xe thì người ta chạy, miễn đi đúng luật
là được rồi”. Tướng Bùi Bé Tư nói thêm, ông ta không chỉ bất bình về việc đặt
trạm thu phí ở Cai Lậy mà còn bức xúc về việc đặt trạm thu phí T2 ở diểm giáp
giới giữa Cần Thơ và An Giang khiến nhiều người không sử dụng đường được đầu tư
theo hình thức BOT cũng vẫn phải trả phí.
Nói cách khác, giữa tướng Bùi Bé
Tư với tướng Lương Tam Quang và các tướng là “lãnh đạo Bộ Công an” dường như có
sự khác biệt rất lớn về mặt nhận thức. Ngành Tuyên giáo của Đảng CSVN thường gọi
sự khác biệt lớn về mặt nhận thức ấy là dấu hiệu “phân hóa tư tưởng”.
Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí
ở trạm BOT Cai Lậy
Dấu hiệu phân hóa trở nên rõ ràng
hơn khi một ông tướng công an bảo rằng, “người ta thích thì người ta chạy, người
ta có xe thì người ta chạy, miễn đi đúng luật là được rồi” còn ông Nguyễn Phú
Hiệp, đại diện Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, thú thật với tờ Một Thế Giới
là danh sách 14 xe “chạy qua, chạy lại” mà công ty này đưa vào báo cáo đề nghị
giới hữu trách ở Việt Nam xử lý là do Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Tiền
Giang ghi nhận chứ Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang “không có dữ liệu đó”!
***
Theo báo chí Việt Nam thì người đầu
tiên mà Công an tỉnh Tiền Giang mời làm việc sau khi Bộ Công an Việt Nam tuyên
bố sẽ “hướng dẫn về mặt nghiệp vụ để sớm tìm ra những người gây rối” là bà Nguyễn
Thị Mỹ Tỉnh, chủ quán “Bà Tám BOT”. Quán “Bà Tám BOT” không xa lạ gì với giới
tài xế vì đó là nơi họ chọn để nghỉ ngơi, giải khát khi diễn ra cuộc chiến giữa
giới này với chủ đầu tư Trạm Thu phí Cai Lậy. Quán “Bà Tám BOT” cũng chẳng xa lạ
gì với công chúng vì cả báo giới lẫn một số người dùng mạng xã hội từng kể rằng,
bà Tỉnh là người nhiệt thành trong việc hỗ trợ tài xế nước uống miễn phí, đẩy
Trạm thu phí Cai Lậy đến chỗ phải tạm ngừng hoạt động.
Có một điểm đáng chú ý là nơi mời
bà Tỉnh đến làm việc không thuộc khối cảnh sát – chuyên lo trật tự, trị an. Đơn
vị phát giấy mời và tiếp bà chủ quán “Bà Tám BOT” là Phòng PA 88 – đặc trách chống
phản động và khủng bố ở Tiền Giang. Sau cuộc gặp PA 88, trò chuyện với VOA, bà
Tỉnh kể rằng, lý do khiến bà được PA 88 mời là vì trước đó, lúc bà đang hết
mình ủng hộ tài xế thì có người đến quán tặng tiền cho bà. Phát giác số tiền
quá lớn, bà giao mười triệu đó lại cho công an nhưng cả công an xã lẫn công an
huyện không chịu nhận… và bây giờ thì khoản tiền đó trở thành một vấn đề làm cơ
quan đặc trách an ninh quốc gia phải bận tâm.
Nghe chuyện, trên mạng xã hội nhiều
người tỏ ra ái ngại cho bà Tỉnh. Ái ngại cũng phải vì biết đâu tặng mười triệu
là một trong những “biện pháp nghiệp vụ” của công an nhân dân nói chung và an
ninh nhân dân nói riêng. Tuy nhiên cũng có người như Trương Châu Hữu Danh cho rằng
đó chính là cơ hội để PA 88 giúp giới tài xế “sàng lọc đội ngũ” vì trong quán
“Bà Tám BOT có tụi chim lợn” và do vậy “Tám nên cung cấp thông tin chuẩn”.
Những sai sót trầm trọng trong việc
thực hiện chủ trương phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT trên toàn quốc dường
như đã trở thành chuyện thứ yếu, điều chính yếu bây giờ là phải tìm ra những
người cầm đầu, xúi giục gây rối ở Trạm thu phí Cai Lậy. Dẫu có vài dấu hiệu cho
thấy công an đang phân hóa nhưng lối hành xử của Bộ Công an Việt Nam và Công an
Tiền Giang khiến người ta tin rằng, thế nào công an nhân dân cũng tìm được vài
nhân vật để dán cho nhãn cầm đầu, xúi giục gây rối.
Cho đến bây giờ, cả trăm triệu
người Việt vẫn bị chính quyền đối xử như trẻ con. Các hành động phản kháng vẫn
không được thừa nhận như tâm tư, nguyện vọng của đám đông, cần xem xét, giải
quyết thấu đáo mà luôn được mặc định là do “nhẹ dạ, cả tin” thành ra mới bị
“xúi giục, kích động”. Tìm ra, “trừng trị đích đáng” một hoặc những “kẻ cầm đầu”
vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu để trị an.
Đó có thể là lý do khiến
facebooker Nguyễn Thiện bỡn cợt, chuyện lộn xộn ở Trạm thu phí Cai Lậy có thể
tránh được nếu mọi bất hợp lý được phản ảnh đến cấp có thẩm quyền theo quy
trình đã tồn tại mấy chục năm qua. Đó là làm… Đơn xin cứu xét. Trước tiên, từng
tài xế làm đơn gửi cho Phòng Giao thông – Vận tải thị xã Cai Lậy khiếu nai về
những điểm bất hợp lý của dự án BOT này. Nguyễn Thiện lưu ý mỗi người phải viết
một đơn vì luật cấm khiếu nại tập thể. Trong khi chờ lãnh đạo Phòng Giao thông
– Vận tải thị xã Cai Lậy xem xét, các tài xế vẫn phải chấp nhận thực tại, chấp
hành yêu cầu trả phí. Ba tháng sau, nếu Phòng Giao thông – Vận tải thị xã Cai Lậy
không giải quyết thì mỗi tài xế phải viết một đơn khác gửi Sở Giao thông – Vận
tải tỉnh Tiền Giang xin minh xét và trong khi chờ minh xét thì vẫn phải tuân thủ
yêu cầu trả phí. Nếu sau ba tháng đó, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Tiền Giang
không giải quyết thỏa đáng thì mỗi tài xế phải viết một đơn nữa gửi Bộ Giao
thông – Vận tải… Cứ kiên trì như thế thì chắc chắn Trạm thu phí Cai Lậy sẽ bị dẹp
bỏ vì hết thời hạn thu phí!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét