Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Cát Linh - Hà Đông: giá trị niềm tin của dân là vô hạn?



Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sau khi sử dụng đâu máy công trình để chạy thử nhằm khiến dân “yên tâm về tiến độ”, thì nay đã xin lùi lại thời gian chạy thử sau 11 tháng nữa. Đây là lần lùi thứ 4, và mỗi lần lùi đều có lý do rất riêng của nó, nhưng chỉ có một nguyên nhân duy nhất là: yếu kém.

Toàn bộ dự án và những sai phạm có liên quan đến dự án đường sắt trên cao này cho thấy, từ cái bút đặt ký hợp đồng vay vốn ODA đến những con chữ Việt – Trung xen kẻ trên đầu xe điện đều là lỗ hổng, sự bàng quan, và nguồn tiền “cha chung không ai khóc”.

Trở về với thời điểm năm 2009, với sự hân hoan trước dự án được cho là sẽ cải thiện căn bản giao thông trục Hà Nội – Hà Nội, với tổng vốn ban đầu là 8.000 tỷ đồng, ông Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam lúc ấy là Vũ Xuân Hồng đã chia sẻ: cuối năm 2009 sẽ thực hiện ngay, và theo “cam kết của nhà thầu”, sau 36 tháng (tức năm 2012), Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt trên cao đầu tiên.

Đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại nhà ga La Khê Ảnh Minh Chiến
Thậm chí thời điểm báo chí năm 2009 – 2010, cũng dành hẳn nhiều bài viết bàn về cái tầm nhìn 2020, cái tầm nhìn của một đất nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa, với sự đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân Hà Nội lên đến 9.000 người/ giờ, và dự kiến đến năm 2030 là 19.200 người/ giờ.

Đúng, phải thừa nhận đường sắt trên cao nảy sinh từ nhu cầu phát triển của xã hội, cũng như đường sắt cao tốc bắc nam; đường cao tốc bắc-nam; nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận,… Có điều, nhu cầu xã hội dù có, nhưng chưa bao giờ, Nhà nước VIệt Nam lại giải quyết tốt điều kiện cần là thẩm định, vốn và quản lý vốn. Thành ra, dù dựa vào sự tự hào là đánh 2 đế quốc to, hay đầu tư để làm của hồi môn cho con cháu, thậm chí là đi tắt đón đầu vì phát triển chậm,… thì tất cả cũng chỉ dừng ở ngưỡng “ý tưởng đẹp”, và vì đẹp nên khi đi vào thực tế nó hoàn toàn phũ phàng.

Trở lại thực tại, tính đến nay, dự án đường sắt trên cao đã đội vốn lên mức 300 triệu USD (tương ứng gần 6.900 tỷ đồng, tức gần bằng số vốn ban đầu dự tính đề ra trong năm 2009), tất nhiên là con số đó sẽ chưa dừng lại. Và để dễ hình dung hơn, có thể nhìn dự án này giống như dự án đường nước sông Đà – đường ống đã có 21 lần bị vỡ, mặc cho “họp hành, chỉ đạo, đề nghị, kiểm điểm, kỷ luật”. Quá đó, để lỡ như đường sắt trên cao có lùi thời gian chạy thử đến năm 2020 thì cũng khỏi phải sốc, bởi những lời hứa hẹn của các vị quan chức và cơ quan có thẩm quyền nó chỉ giá trị là lời hứa gió – dù về hình thức, nó được thể hiện như là một văn bản pháp quy.

Tiếp theo, 300 triệu USD sẽ do ai trả? Tất nhiên là lấy từ nguồn ngân sách của quốc gia ra, và để đảm bảo không rơi vào trạng thái khánh kiệt, thì thuế phí mới sẽ ra đời hoặc tìm cách tăng.

Một cái vòng luẩn quẩn của một định luật có giá trị bất biến với cái Nhà nước hiện tại, đó là nguồn tiền không tự nhiên mất đi, mà chỉ chảy từ túi người này sang người khác. Thế nên, 300 triệu USD đội vốn, dân thì lo, nhưng có không ít vị quan chức “ấm cúng cả đời” cũng là vì vậy.

Đường sắt trên cao sau 8 năm chỉ đang chạy trên mô hình
Câu hỏi đặt ra là, nếu Nhà nước còn vô trách nhiệm trong quản lý và giám sát dự án, nếu như những kẻ ăn “lại quả đậm” để nhắm mắt ký hợp đồng liên quan đến nhà thầu vẫn chưa bị trừng trị, thì có nên hủy bỏ hoàn toàn dự án? Nên và dân có quyền được yêu cầu dừng lại vì tiền thuế đã không được cơ quan nhà nước sử dụng tốt. 

Đó có phải là “Hạnh phúc của một tang gia” hay không? Có thể, ít nhất đối với người dân là như vậy, họ cần một dự án sử dụng không đúng, không hiệu quả nguồn tiền thuế phải chết. Không cần đánh cược vào một giá trị Nghị quyết 2020, 2030 khi mà bản thân nó hoàn toàn là sự sáo ngữ - khi không được xây dựng trên bài toán kinh tế và kỹ thuật. Khi mà sự lệch pha giữa lý thuyết và thực tế, giữa ý chí và khă năng quản lý nhà nước, giữa niềm tin và trách nhiệm còn quá lớn.

Cũng như bauxite Tây Nguyên, Nhà nước – mà thực ra là Bộ Chính trị nên tập dần xu hướng biết lắng nghe hơn với tinh thần cầu thị hơn, biết sự “chửi bới” trong dân đối với các chủ trương, chỉ đạo của mình như thế nào, để từ đó tập cách sử dụng nguồn tiền đầu tư một cách có hiệu quả hơn trong bối cảnh Việt Nam là một nước nghèo.

Và cũng vì bởi niềm tin trị giá 300 triệu USD là quá đắt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét