Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Bốn "huyền thoại" giúp sâm banh của Pháp nổi tiếng


 Bốn
Rượu sâm banh của vùng Champagne, Pháp.Pixabay/Gellinger


Tiếng nổ vui tai khi bật nắp sâm banh trong lễ rót rượu tại tiệc cưới ngày càng trở nên phổ biến. Một buổi lễ khai trương triển lãm nghệ thuật hay để đánh dấu chiến thắng trong thể thao, đặc biệt là đua xe Công thức 1, luôn hoàn hảo hơn với tiếng bật nắp sâm banh và lớp bọt tràn trắng khỏi miệng chai. Sâm banh trở thành biểu tượng của thành công và không khí hội hè !

Sâm banh được sản xuất từ những giống nho trồng trên khu vực khoanh vùng và được bảo hộ ở vùng Champagne (đông bắc nước Pháp), nằm giữa hai thành phố Reims và Troyes. Theo giải thích với RFI của ông Jean-Baptiste Denisart, đồng sở hữu nhãn hiệu sâm banh André Robert, chỉ có rượu sản xuất ở trong khu vực này mới được mang tên “Champagne” (Sâm banh) :

“Chúng tôi may mắn nằm trong khu vực được bảo hộ. Chúng tôi có 33.000 ha được xếp hạng “Tên gọi được bảo hộ nguồn gốc” (Appelation d’Origine Protégée, A.O.P.). Và chỉ những người làm việc và những cánh đồng nho nằm trong khu vực này mới có thể nhận được A.O.P. Champagne. Sản phẩm của chúng tôi được bảo vệ và không sản phẩm nào có thể được gọi là “Sâm banh” nếu như không được làm ở vùng Champagne”.

Ruộng nho nhà sản xuất André Robert nằm ở Mesnil-sur-Orge, phía Bờ Trắng, nổi tiếng với loại nho trắng “chardonnay”. Cùng với loại nho đỏ “pinot noir” và nho đen “pinot meunier”, đây là một trong ba loại nho chính làm nên danh tiếng của sâm banh. Ngoài ra, niên hiệu (millésime) cũng là dấu hiệu cho thấy giá trị của rượu. Nho được thu hoạch vào năm được cho là tốt sẽ được cất và xử lý riêng. Loại rượu không ghi năm thường là tổng hợp từ các giống nho và năm thu hoạch của mỗi nhà : đây cũng chính là nền tảng và danh tiếng của mỗi nhà sản xuất.

Vậy những yếu tố nào đã giúp loại rượu vang bình dị, có nguồn gốc từ một vùng trồng nho bình thường, lại trở thành đồ uống nổi tiếng trong các sự kiện trọng đại ? Trên trang The Conversation, giáo sư marketing Joonas Rokka, trường Thương Mại Lyon, phân tích bốn “huyền thoại” giúp sâm banh nổi tiếng : nguồn gốc, thước đo giầu sang, lòng tự hào dân tộc và tính hiện đại.

Huyền thoại về nguồn gốc

Trước đây, vùng Champagne nổi tiếng về nghề bán len hơn là sản xuất rượu, vì đất ở đây có vẻ không thích hợp để làm rượu vang ngon. Do vậy, những thùng rượu đầu tiên được sản xuất chỉ dành làm quà tặng cho khách mua len.

Chất lượng sâm banh dần được cải thiện nhờ các tu sĩ dòng thánh Benedicto (Biển Đức) để gây quỹ cho các nhà dòng. Nhưng họ không phải là người “phát minh” ra sâm banh như nhiều người vẫn nghĩ. Sau này, tu sĩ Pierre “Dom” Pérignon (1635-1713), quản lý một tu viện ở thành phố Reims, được lưu danh là “huyền thoại về nguồn gốc” do chất lượng rượu mà tu viện sản xuất, thường được gọi dưới tên “vang Pérignon”. Sở hữu tu viện từ giữa thế kỷ XIX, Nhà Moët & Chandon đã đưa ra dòng rượu đặc biệt Dom Pérignon vào năm 1936. Từ đó, rượu Dom Pérignon nổi tiếng trên khắp thế giới.

Sâm banh chỉ thật sự phát triển khi các nhà sản xuất len vùng Champagne nhận được nhiều đơn đặt hàng rượu hơn là len từ phía khách hàng. Với họ, đó là cơ hội để thoát khỏi ngành công nghiệp len với loại sản phẩm mang lại nhiều lợi nhuận hơn và có tương lai hơn.

 
Rượu sâm banh của Nhà Moët Pixabay/Avantrend

Huyền thoại về giầu sang quyền quý

Sâm banh còn là biểu tượng của sự giầu sang quyền quý, là một mặt hàng xa xỉ... và điều này đến cũng rất tình cờ.

Năm 496, vua Clovis của người Francs (tức người Pháp thời xưa) được rửa tội tại thánh đường Reims. Sau này, theo truyền thống, kinh thành Reims trở thành nơi đăng quang của hầu hết các vị vua Pháp. Dĩ nhiên, sau mỗi buổi lễ là bữa tiệc linh đình và khách mời thưởng thức sâm banh của địa phương. Từ đó, sâm banh được coi là đồ uống hội hè, chỉ một bộ phận thượng lưu mới được thưởng thức.

Biểu tượng giầu sang của sâm banh còn được khẳng định nhờ vị vua giầu nhất nước Pháp, Louis XIV. Sau lần đầu tiên thử sâm banh vào năm 16 tuổi ở nhà thờ Reims, vị vua Mặt Trời đã gắn liền sâm banh với những khát vọng của ông : thời trang, uy quyền và xa hoa.

Ngành công nghiệp rượu có thêm lực đẩy mới nhờ một sắc lệnh của vua Louis XIV. Lần đầu tiên, sâm banh - và chỉ duy nhất loại rượu này - được phép vận chuyển trong chai thuỷ tinh thay vì chứa trong các thùng phuy bằng gỗ. Trong những năm 1660, sâm banh sủi bọt đã xuất hiện ở Anh Quốc, nhờ hầu tước Saint-Evremond xuất thân từ vùng Champagne nhưng sống ở Luân Đôn.

Trả lời RFI, chị Fanny Heucq, chủ một cửa hàng rượu ở khu Saint-Michel, Paris, cho biết chính người Anh đã nghĩ ra hình thức đóng chai kiểu mới này :

“Đó là một loại rượu vang được người Anh mua rất nhiều. Chính họ đã yêu cầu đóng rượu vào chai vì khi vượt biển Manche, rượu trong thùng lớn thường bị sóng sánh và thỉnh thoảng khi tầu cập cảng trễ, đó không còn là rượu nữa mà giống như dấm vậy. Sâm banh ra đời từ đó. Mỗi khi mở nắp chai, người ta nghe thấy tiếng “pop”, có nghĩa là rượu đã lên men và chính điều này khiến người Anh thích thú”.

Từ luật mới của vua Louis XIV, bao bì đóng gói rượu được thiết kế trau chuốt hơn và được in hình của người nổi tiếng để quảng cáo, như hoàng hậu Marie-Antoinette, Jeanne d’Arc, sĩ quan của đoàn quân thắng trận, các nhà quý tộc, nghệ sĩ... Các nhà sản xuất sâm banh nhanh chóng hiểu được lợi ích của kỹ thuật xây dựng hình ảnh để tăng thêm tiếng tăm cho thương hiệu và để kích thích đam mê của một bộ phận khách hàng ngày càng đông và giầu có hơn.

 
Lễ mừng mùa thu hoạch của nhà Deutz, xã Ay, vùng Champagne, Pháp, ngày le 22/09/2016.
REUTERS/Benoit Tessier/Archivo

Huyền thoại quốc gia

Cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 đánh dấu chấm hết cho sự liên kết giữa sâm banh với giới quý tộc giầu có. Chính cuộc cách mạng cũng là nguồn gốc của huyền thoại thứ ba, và có lẽ là huyền thoại thế lực nhất, khi liên hệ chặt chẽ sâm banh với “linh hồn” và giá trị của nền Cộng hoà mới của Pháp. Theo Voltaire, chai “sâm banh là hình ảnh chói sáng của đất nước chúng ta” và đến lúc phải coi đó là “biểu tượng vinh quang nhất” của nền văn minh Pháp.

Trong giai đoạn Đế Chế, sứ mệnh vẻ vang của sâm banh được hoàn thiện. Hoàng đế Napoléon dùng loại rượu này khi muốn xây dựng một xã hội tư sản, công nghiệp và trung thành mới. Jean-Rémy Moët thành lập thương hiệu Moët ở Hoa Kỳ và phát triển một bộ phận khách hàng mới, trong đó có tổng thống George Washington. Sau khi quân Nga đánh tan đội quân của Napoléon và chiếm được thành phố Reims, nhà sản xuất, bà quả phụ Clicquot đã mở các hầm rượu của gia đình cho quân đội Nga với hy vọng nhờ đó bà sẽ chinh phục được thị trường Nga.

Tất cả các chiến lược trên đều mang lại kết quả. Sau khi Đế Chế sụp đổ và trước cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ nhất, sâm banh đạt đến thời kỳ vàng son. Nhờ hệ thống đường sắt, sâm banh được chuyển nhanh hơn đến các thị trường xa xôi, với số lượng lớn hơn. Thêm vào đó, trang thiết bị mới cũng giúp quá trình sản xuất hiệu quả hơn và giúp sâm banh trở nên thu hút hơn cả về thẩm mỹ lẫn chất lượng. Sâm banh nhanh chóng trở thành một biểu tượng của nước Pháp trong mắt các nước trên thế giới.

Huyền thoại về tính hiện đại

Ngay từ đầu những năm 1900, sâm banh đã được các nhà quảng cáo nâng thành một biểu tượng của tính hiện đại. Trong “Thời Kỳ Tươi Đẹp” (Belle Epoque), các quảng cáo sâm banh thường được dàn dựng thành những “câu chuyện thần tiên” thời hiện đại mà tầng lớp trung lưu ngày càng mơ đến, như hình ảnh ô tô, khinh khí cầu, tầu thủy, máy bay...

Có lẽ vì thế, không có gì là lạ khi thấy sâm banh được chiêu đãi trên con tầu Titanic hay được thử tại Triển Lãm Hoàn Cầu Paris năm 1889, hay khi tháp Eiffel được giới thiệu với khắp thế giới. Sâm banh trở thành biểu tượng cho sự hiện đại vào thời điểm mà nước Pháp đang cố quên những nỗi đau kinh hoàng do Thế Chiến Thứ Nhất gây ra và muốn hướng đến một thời kỳ mới, đầy hứa hẹn.

Năm 2016, tổng doanh thu nhờ xuất khẩu sâm banh lên đến 4,71 tỉ euro. Theo Ủy ban Champagne (Comité Champagne), năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp đạt kỷ lục về doanh thu (sau năm 2015 với 4,74 tỉ euro). Người tiêu dùng ngày càng chuộng những dòng rượu quý hiếm, điều mà các nhà sản xuất vùng Champagne không ngừng cố gắng để bảo vệ danh tiếng sản phẩm đã được ghi vào di sản thế giới của Unesco.

 
Mùa hái nho ở Champagne : 17 vùng phía đông nước Pháp trồng nho để sản xuất rượu Champagne
REUTERS /Benoît Tessier

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét