BBC
Các chuyên gia đặt dấu hỏi về tính khả thi của
siêu dự án Hoa Sen ở Cà Ná, Ninh Thuận
Bộ trưởng Công thương trong những ngày qua được chú ý nhiều
sau khi cam kết ông 'sẽ chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná gây hệ lụy'. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được một tờ báo Việt Nam hôm 30/12 dẫn
lời: "Với dự án này, Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo
không xảy ra bất kì hệ lụy nào."
"Bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với
nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa."
"Chúng tôi khẳng định không phải lợi ích nhóm hay bảo
thủ bất chấp môi trường để phát triển dự án mà đó là quan điểm phát triển. Tuy
nhiên, Bộ Công Thương luôn tiếp cận cởi mở, cầu thị, có trách nhiệm với tất cả
những luồng dư luận về dự án này và quy hoạch này."
Các báo trong nước ghi nhận lời Bộ trưởng Tuấn Anh nói ông
"sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná có hệ lụy".
'Không đoái hoài tới phản biện khoa học'
Hôm 2/1, trả lời BBC từ Đà Nẵng, nhà hoạt động môi trường
Nguyễn Anh Tuấn, người từng thực hiện điều tra độc lập vụ Formosa gây thảm họa
cá chết năm 2016, bình luận: "Nếu đó đúng là phát ngôn của Bộ trưởng Tuấn
Anh thì những lời đó rất thiếu trách nhiệm, coi thường dư luận và coi trọng chức
vụ của ông."
"Tôi không hiểu tại sao ông ấy có thể phát ngôn như vậy
sau hệ lụy của vụ Formosa ảnh hưởng đến sinh kế của cả triệu người dân ở miền
Trung và thiệt hại kinh tế lên đến hàng triệu đôla."
"Ai cũng biết từ khi một dự án thép bắt đầu thi công đến
khi gây hậu quả thường mất bảy, tám năm. Lúc ấy thì đằng nào ông ấy cũng đã về
hưu rồi."
Thảm họa môi trường trong vụ Formosa xả thải
đã làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình của ngư dân miền Trung
"Phát ngôn của ông Tuấn Anh và các quan chức khác về
thép Cà Ná cho thấy phản biện và quan ngại xác đáng của các nhà khoa học cũng
như các tổ chức xã hội dân sự không được đoái hoài đến."
"Ngoài ra, ở đây còn có vấn đề xung đột lợi ích... [ông
Tuấn Anh được cho là có quan hệ thân tình với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước
Vũ] nên rất cần có quy trình giám sát, kiểm soát xung đột lợi ích trong dự án
này."
"Nếu có trám được lỗ hổng pháp lý này thì người dân mới
có lòng tin về phát ngôn của quan chức."
Dự án thép Cà Ná sẽ lấy quặng ở đâu?
Cùng ngày, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, một người dân Ninh Thuận,
nói với BBC: "Nếu Bộ trưởng Tuấn Anh tự tin về việc ngành Công thương quản
lý chặt chẽ dự án thép thì phát ngôn của ông có thể xem là dũng cảm."
"Tuy vậy, tôi cũng như những người dân ở Ninh Thuận
mong muốn rằng nếu chính phủ nhận thấy những người đề xuất dự án này đủ năng lực
vận hành nhà máy thì cấp phép, nhưng phải đi kèm việc kiểm tra công nghệ thật gắt
gao."
"Bằng không thì nhà máy thép ra đời sẽ gây thảm họa tại
vùng Nam Trung Bộ và khiến người dân vùng này đau khổ bởi những thiệt hại không
thể bù đắp được."
Dự án thép Cà Ná đặt tại tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen
đăng ký với Bộ Công Thương làm chủ đầu tư.
Dự án gây phản ứng mạnh trong dư luận do quan ngại về hệ lụy
môi trường tương tự vụ Formosa gây thảm họa cá chết hồi năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét