Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Theo Wikipedia thì độc lập được định nghĩa sau đây: “Độc lập là quyền bất khả xâm phạm của một đất nước, một quốc
gia bởi chính người dân sinh sống ở đó, có nghĩa là có chủ quyền tối cao.
Khái niệm “độc lập” có ý nghĩa tương phản với “nô dịch” (sự
khuất phục). Khái niệm nô dịch chỉ một vùng lãnh thổ chịu sự điều khiển về
chính trị và quân sự của một chính quyền ở bên ngoài. Khái niệm độc lập đôi khi
cũng được dùng với nghĩa là bị điều khiển gián tiếp của một quốc gia khác có sức
mạnh hơn….”
Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì định nghĩa độc
lập như sau:
“Tự chủ, đứng một mình, không dựa vào ai và không chịu ai kiềm
chế; tinh thần độc lập, đảng độc lập, ứng cử viên độc lập, nước độc lập”
Độc Lập, từ ngữ xem ra thật dễ hiểu, xem ra ai cũng hiểu được
chữ nghĩa này. Tuy nhiên có phải chúng ta thực sự hiểu được nghĩa thật của từ
ngữ Độc Lập? Và phải chăng đất nước chúng ta, sau khi thoát được đô hộ của
Pháp, chúng ta thật sự có sự Độc Lập?
Ngay cả chính cá nhân của bài viết này cũng đã hiểu nghĩa Độc
Lập rất là đơn giản là đất nước không còn bị thống trị dưới ảnh hưởng của ngoại
bang. Nhưng sự thống trị của ngoại bang hôm nay — không đơn thuần là đưa quân đội
sang mà họ dùng kinh tế để tôn tính đất nước mình, họ dùng kinh tế để dựa vào
cái “độc lập” bình thường của người Việt nhằm cai trị người Việt mà người Việt
không hề nhìn ra sự mất “độc lập” của chính mình.
Theo sự nhận định của tiên sinh Lý Đông A (cha đẻ của Duy
Dân Chủ Nghĩa) thì “bốn điều chính yếu nhất để thật là có ý nghĩa Độc Lập là Độc
Lập phải thực tại, căn bản, chân chính và siêu nhiên”(1). Trong bài viết này,
chúng ta cùng nhau tìm hiểu bốn điều mà Lý tiên sinh nhắc đến trong tuyển tập
“Đường Sống Việt” mà Lý tiên sinh viết vào năm 1945 và so sánh với cái độc lập
hiện giờ của Việt Nam — để cùng nhau nhận định rõ bản chất là chúng ta có thực
sự độc lập hay không.
Độc Lập Thực Tại
Độc lập phải thực tại được hiểu ra sao? Theo Lý tiên sinh
thì “Độc Lập nghĩa là tự mình sống, tự mình làm, tự mình thu xếp, đặt định lấy
bước đi cho đúng nơi ăn chốn ở của mình, tự mình theo trí nghĩ của mình mà làm,
tự có hướng sống mà mình vạch sẵn. Độc Lập như thế nghĩa là không để ai can thiệp,
không dúng vào được những hành vi cử động của mình; và nhất là không một ai có
thể dự vào mà tìm cách làm sai lạc nguy hại cho đời sống của mình. Độc lập theo
đúng ý nghĩa ấy mới thật là độc lập hẳn hoi, Độc Lập Thực Tại”.
Nói nôm na thì chính cá nhân phải có một cuộc sống độc lập
trong cuộc sống mà không bị bất cứ thế lực nào ép buộc phải sống theo cái yêu cầu
của thế lực đó, hoặc phải suy nghĩ theo cái thế lực ép buộc đó. Vậy thì người
Việt Nam đang sống ở Việt Nam có thực sự độc lập trong cuộc sống, trong suy
nghĩ, trong hành động có lợi cho quyền lợi của mình cũng như quyền lợi của dân
tộc hay không? Hoàn toàn là không. Tất cả những suy nghĩ, tất cả những việc làm
đều bị sự kìm hãm của đãng (cố ý viết dấu ngã cho đúng bản chất) cầm quyền
csvn. Khi môi sinh ở Vũng Áng ô nhiễm, người dân lên tiếng biểu tình, đòi hỏi sự
minh bạch nhưng rồi cuối cùng những đòi hỏi này bị dập tắt bởi đi ngược lại quyền
lợi của đãng cầm quyền.
Khi người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình để cải
thiện xã hội, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, hoặc tố cáo những sai phạm của
giới cầm quyền thì lập tức những bộ luật 79, 88, 245, 258 lần lượt bỏ tù những
cá nhân muốn thực hiện sự độc lập trong suy nghĩ của mình. Hoặc khi người dân
biểu tình chống sự bành trướng của Trung Quốc thì các cuộc biểu tình được đàn
áp bằng nhiều hình thức. Những người muốn tham gia cuộc biểu tình để bài tỏ ý
kiến độc lập của mình bị công an chận trước nhà, không cho đi đâu. Những người
ra được đến chỗ biểu tình thì bị công an bao vây, không cho khởi hành đến những
địa điểm khác. Ngay cả nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ngồi tọa kháng để biểu tình trước
sự ô nhiễm của Vũng Áng thì bị ba, bốn công an đưa đi chỗ khác, tướt đoạt quyền
tọa kháng của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Cuối cùng thì tất cả mọi người muốn được
“bình an” phải suy nghĩ theo cái đãng muốn, lắng nghe cái đãng muốn phải lắng
nghe, nói theo cái đãng cho phép nói, ngoan ngoãn phục tùng những chủ trương của
đãng một cách tuyệt đối.
Vậy thì điều kiện đầu tiên để có sự Độc Lập Thực Tại không hề
có với các cá nhân sinh sống tại VN.
Độc Lập Căn Bản
Sự độc lập về cá nhân vẫn chưa đủ để nhận định một quốc gia
có sự độc lập đúng nghĩa của nó. Cũng theo Lý tiên sinh: “Độc lập phải có cỗi gốc
tự dân chúng. Phải do dân chúng toàn thể tự mình gây lấy nền độc lập ấy. Dân
chúng tự mình xét xử lấy đời sống của mình. Cái gì qui định, đặt rõ lấy qui mô
mẫu mực, cách thức cho đời sống của dân chúng, đó là chính thể là hình vẽ của nền
chính trị. Cái chính thể ấy phải tự dân chúng tự quyết lấy, thì nền Độc Lập mới
gọi là có Căn Bản được”.
Cái Độc Lập Căn Bản này thì người dân Việt hiện giờ hoàn
toàn không có khi mà bản hiến pháp đã khẳng định đãng csvn là lực lượng duy nhất
lãnh đạo đất nước. Khi mà đãng csvn vẫn tiếp tục bắt cả dân tộc theo đuổi chủ
nghĩa không tưởng — Xã Hội Chủ Nghĩa — mà ông Tổng Bí Thư, Nguyễn Phú Trọng,
cho rằng “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt
Nam hay chưa”. Một vị Tổng Bí Thư thấy rõ sự thất bại của Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn toàn biến mất ở nơi đẻ ra chủ nghĩa xã hội là Liên Sô —
thế những ông vẫn bắt buộc cả dân tộc này theo cái chủ nghĩa không tưởng đó.
Vậy thì cái Độc Lập Căn Bản mà Lý Đông A nói đến là người
dân phải có quyền quyết định cho vận mệnh chính trị của chính mình, của dân tộc
mình hoàn toàn thiếu vắng tại VN. Trái lại đãng csvn áp đặt suy nghĩ của đãng,
cương lĩnh của đãng và bắt buộc dân tộc phải nghe theo chứ không có sự lựa chọn.
Tiêu chuẩn thứ hai để có sự độc lập đúng nghĩa thì đất nước và Con Người Việt
Nam hoàn toàn chưa có.
Độc Lập Chân Chính
Điều kiện kế đến cần phải có cho một nền độc lập thực sự là
phải Độc Lập Chân Chính. Thế nào gọi là
Độc Lập Chân Chính? Tiên sinh Lý Đông A diễn giải như sau:
“Nền độc lập ấy phải có giá trị đối với các nòi giống dân tộc
khác, phải bằng sự tranh đấu mà đạt tới làm cho được công nhận, hoặc phải bằng
sự khôi phục cái cốt cách sẵn có khiến toàn thế giới đồng tình mà kết nạp. Quốc
tế phải chân thành mà công nhận trên ba điều là:
Dân tộc tự mình có
năng lực tự quyết lấy sự sống còn.
Dân tộc tự mình có
quyền lợi ngang hàng.
Dân tộc tự mình có
một danh dự của quốc dân đối với các quốc dân khác.
Điều quan trọng là nơi quốc tế công nhận cái chủ quyền của
nhân dân trên lãnh thổ mình đang sống.
Độc lập như vậy mới là độc lập chân thực, chính cốt, Độc Lập
Chân Chính”.
Điều kiện thứ ba này nói đến sự độc lập giành lại chủ quyền
phải bằng chính sức mạnh của dân tộc và được sự công nhận của quốc tế.
Ở điều kiện thứ ba này sẽ có nhiều tranh cãi. Vấn đề là bản
tuyên ngôn độc lập của ông Hồ vào năm 1945 có thực sự là nền độc lập do toàn
dân đứng lên giành lấy hay do đãng csvn lợi dụng để giành lấy quyền thống trị
và lợi dụng dân tộc để đọc bản tuyên ngôn độc lập?
Cũng theo sử sách thì chính Bảo Đại đã tuyên bố độc lập từ
Pháp vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 (2) và bản tuyên bố độc lập này đã không được
nhiều người Việt biết đến. Nếu vậy thì bản tuyên bố độc lập của ông Hồ chỉ là một
bản tuyên bố cướp chính quyền từ Bảo Đại mà đứng đầu chính phủ Bảo Đại là Trần
Trọng Kim. Một sự cướp chính quyền thì không thể nào gọi là chính danh đối với
quốc tế. Cho dù hiện giờ quốc tế công nhận Việt Nam là một chính thể độc lập
nhưng không có nghĩa là tự bản chất của nó, Việt Nam thực sự có độc lập đúng
nghĩa độc lập với bốn điều kiện cần phải đạt được mà Lý tiên sinh đã đưa ra
trong bài viết “Đường Sống Việt” của ông.
Ba điều kiện căn bản trong a, b, và c thì dân tộc hoàn toàn
không có bởi vì đãng csvn hoàn toàn thống trị toàn bộ và dân tộc thì hoàn toàn
không có quyền quyết định cho vận mệnh của chính mình trong điều kiện a và b —
từ đó dẫn đến điều kiện c hoàn toàn không có giá trị đối với nền độc lập đúng
nghĩa cần phải có.
Độc Lập Siêu Nhiên
Cho dù dân tộc Việt thực sự đạt được ba điều kiện bên trên
nhưng nếu dân tộc Việt không đạt được điều kiện thứ tư này thì nền độc lập của
người Việt vẫn là nền độc lập không toàn vẹn. Độc Lập Siêu Nhiên là gì?
“Độc lập không phải chỉ có đất đai, đời sống bình thường và
những công nhận chủ quyền trên quốc tế. Độc lập còn phải tính đến cả việc không
bị lệ thuộc vào văn hoá ngoại lai. Đời sống tinh thần phải được hoàn toàn từ
trí nghĩ, từ suy tưởng của mình, đặt định xây dựng trên cái cốt cách của mình;
và như thế vạch một chính nghĩa xứng đáng, thích hợp đưa dẫn đời sống.
Độc lập như thế là linh hồn được giải phóng, quốc hồn được cởi
mở, và tự mình đào tạo lấy văn minh độc đặc của mình, nắm giữ và vận dụng được.
Đó là nền độc lập cao cả nhất, bao trùm hết. Một nền Độc Lập Siêu Nhiên”.
Điều bốn này nói đến tính độc lập trọn vẹn trong đó chúng ta
không lệ thuộc vào nền văn hóa ngoại lai nào. Chúng ta dựa vào văn hóa Việt và
tự mình vạch ra một hướng đi cho chính mình; với nền kinh tế tự lập, bằng tâm
quyết của chính người Việt; sử dụng chất xám Việt và tạo điều kiện cho người
dân tạo ra bản sắc riêng cho chính dân tộc mình mà không lệ thuộc vào bất cứ quốc
gia nào. Đây là nền độc lập mà Lý tiên sinh gọi là Độc Lập Siêu Nhiên.
Việt Nam hiện giờ đang du nhập chủ nghĩa ngoại lai Cộng Sản
với lý thuyết Mác-Lê làm kinh điển cho sự hình thành một cơ chế cầm quyền, cơ
chế kinh tế. Ngay cả cơ chế kinh tế, đãng cầm quyền cũng đã thấy sự thất bại của
nó để chuyển sang cơ chế kinh tế tư bản với cái đuôi định hướng xã hội chủ
nghĩa. Có nghĩa là vừa áp dụng kinh tế tư bản nhập nhằng với nền kinh tế cộng sản
và cuối cùng thì tạo ra một tập đoàn mafia đỏ — trắng trợn cướp tất cả tài sản
của người dân dưới danh nghĩa là phát triển đất nước nhưng mục đích để phục vụ
đãng cầm quyền, phục vụ đãng viên chứ không phải là để phục vụ Dân Tộc. Tất cả
những chính sách gì xảy ra bên Trung Quốc thì chính sách đó xuất hiện ở VN. Sự
lệ thuộc vào tư tưởng ngoại lai, lệ thuộc vào nền kinh tế của Trung Cộng hoặc lệ
thuộc vào sự giúp đỡ của các quốc gia tây phương thì không thể nào gọi là độc lập
đúng nghĩa của nó.
Qua những điều kiện mà tiên sinh Lý Đông A đưa ra trên lãnh
vực Độc Lập thì bốn điều kiện cần phải có — để đất nước có một nền độc lập đúng
nghĩa với sự tôn trọng của các quốc gia trên thế giới đối với quốc gia của
chính mình. Việt Nam chưa hề đạt được bất cứ điều kiện nào trong bốn điều kiện
cần thiết để người Việt hãnh diện với nền độc lập của chính mình. Nói một cách
chính xác hơn là Việt Nam chưa hề có sự độc lập kể từ khi thoát khỏi ách đô hộ
của thực dân Pháp.
Để chấm dứt bài viết này, xin trích dẫn đoạn cuối cùng trong
phần Độc Lập mà tiên sinh Lý Đông A đã viết hơn 71 năm trước.
“Bốn điều độc lập trên đây, như không thực hiện được đầy đủ,
thì không có ý nghĩa gì là độc lập cả; mà nếu có gọi là độc lập thì chỉ là độc
lập ngoài mặt, đi ngược lại ý nghĩa của độc lập đó vậy, tức là giả độc lập và
phản độc lập”.
Nếu chúng ta không có độc lập thì chúng ta phải làm gì? Đây
là câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm câu trả lời trong bài viết sắp đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét