Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Những phận đời miền Trung trôi dạt vì mưa lũ, biển chết

Thụy My


Cảnh lụt lội tại Quảng Nam, 04/12/2016.



(FB Nga Thi Bich Nguyen 31/12/2016) Tối qua, ra ngoài về muộn, đói, ghé hủ tiếu lề đường ăn tô hủ tiếu chống đói. Cụ ngoài 80 tuổi, 1 giờ khuya vẫn lụm cụm đi mời khách mua vé số. Mình mua một tờ, đưa cụ tờ 50 ngàn và bảo, "Con mời bác uống nước." Cụ cảm ơn rối rít. Mình tiếp, "Bác ngồi đây với con, bác ăn tô hủ tiếu hay bò kho đi, cho đỡ đói, đỡ lạnh." Cụ kéo ghế ngồi, nước mắt rịn ra từ khoé mắt nhăn nheo. "Tui xin đem về nghen cô." "Dạ. Bác đem về ăn sau cũng được ạ. Bác thích ăn gì cứ nói chị chủ làm cho bác đem về." 
Trong khi chờ chị chủ quán làm bò kho đem về, tôi kéo ghế cho cụ ngồi đợi. Như bao người bình thường khác, trong đầu tôi có rất nhiều câu hỏi muốn được hỏi như nhà bác ở đâu, bác có con cái không, tại sao bác lớn tuổi mà còn phải đi bán vé số mưu sinh, tại sao…nhưng tôi nhịn được, tôi im lặng vì không muốn làm người đàn bà già hơn tuổi mẹ mình phải buồn tủi thêm nữa.

Bác nói giọng miền Trung, "Cô làm tui chảy nước mắt." Rồi bác đưa tay dụi khoé. "Tui ở Phú Yên. Năm nay mưa lũ chi mà tàn bạo cô ơi. Ở quê giờ khổ lắm. Tui đi nhờ xe tải của thằng cháu trong xóm vô đây hơn chục ngày rồi." "Dạ. Vậy bác ở đâu?" "Tui ở nhà đại lý. Họ cho ở, cho ăn, cho điện nước hết, mình đi bán mỗi tấm vé số họ cho 1.000 đồng. Mất một tờ là đền 10.000 đồng." Hộp bò kho được chị chủ đem ra. Cụ đỡ lấy, hai bàn tay gầy nhăn và lạnh ngắt nắm tay tôi cám ơn lần nữa. Bóng cụ khuất dần sau góc phố.

Hôm trước, tôi có chút việc riêng ở Đức Trọng. Một anh ở đây cho tôi biết người dân miền Trung sau vụ việc biển chết không còn đi biển được nữa, họ tìm đường đi làm khắp nơi. Họ vào Đức Trọng, đứng đầy đường, xin việc. Việc ít người nhiều, họ xin việc chỉ với yêu cầu duy nhất là cho họ được một chỗ ngủ và hai bữa cơm mỗi ngày. Họ đói và tuyệt vọng ở quê nhà cũng như nơi đất khách. 

Người Đức Trọng thuê họ làm rẫy với giá 200.000 đồng/ ngày. Nhưng người thất nghiệp miền Trung nhiều quá, người miền Tây cũng đã đi lên Đức Trọng xin làm thuê…mà đất Đức Trọng không thể sinh sôi cũng như tấm lòng thương người của dân Đức Trọng không thể bảo bọc được hết những phận đời. Sài Gòn rộng lớn, nhưng có lớn đến đâu thì cũng không thể đủ để dân miền Trung kiếm sống và cả dân miền Tây tiếp tới. 

Tôi có thể mời cụ tô hủ tiếu cũng như tôi mời các cụ già cả phải vất vả mưu sinh mà tôi gặp bất chợt tô phở, ly nước. Người Đức Trọng, người Sài Gòn có thể bảo bọc cho dân mất nghề khắp nơi đổ về kiếm sống, ừ thì cứ cho là đủ rộng đất rộng lòng, nhưng đó không phải giải pháp lâu dài và bền vững. Đất nước này nhất định phải thay đổi để người tài thực sự có thể điều hành, quản lý và quy hoạch lại cho sự phát triển có cơ hội đâm chồi. Làm sao để đất nước thay đổi, để không còn độc tài độc đảng? Tôi đem câu hỏi này qua năm 2017. 

Ừ thì năm mới. Chúc các anh chị và các bạn năm mới nhiều sức khoẻ. Tôi không chúc an lành và vui vẻ, vì tôi biết chẳng có tâm hồn Việt nào có lương tri lại có thể cảm thấy an lành và vui vẻ được khi bà già ngoài 80 vẫn còn còng lưng trên phố đêm đêm... Cầu chúc sức khoẻ để tiếp tục hành trình, tiếp tục chịu đựng và tiếp tục đấu tranh cho một Việt Nam thay đổi.

(Tựa do Thụy My tạm đặt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét