An Tôn-VOA
Người thân đau buồn trước cái chết của anh Toàn. (Ảnh cắt từ
video trên Facebook Tham Nguyen)
Vào đêm 2/1, người dân ở một xã của tỉnh Bình Định đã vây
đánh 2 nhân viên công an vì nghi họ đã đánh chết một người địa phương.
Thông tin trên mạng xã hội và một số báo Việt Nam cho hay vụ
việc xảy ra trong khoảng 22h15 đến 22h30 ngày 2/1, khi công an bắt một nhóm
đánh bạc tại một khu chợ thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Tin cho hay khoảng 20-30 người đánh bạc đã “bỏ chạy tán loạn”
khi thấy 6 nhân viên công an, nhưng không có thông tin chi tiết về diễn biến cụ
thể nào đã làm anh Phạm Đặng Toàn, 29 tuổi, bị thiệt mạng trong vụ này.
Mạng xã hội và báo chí nói người dân đã đưa nạn nhân đến một
bệnh viện và bắt giữ hai công an có tên Trần Đức Thuận và Nquyễn Ngọc Khánh vì
nghi hai người này đã đánh chết anh Toàn. Có thông tin là nhiều người không kiềm
chế tức giận đã đánh và bắt hai nhân viên công an quỳ gối.
Sáng 3/1, thượng tá Võ Quý Tuấn, Trưởng phòng Tham mưu Công
an tỉnh Bình Định, cho báo chí biết nhà chức trách “đang làm rõ nguyên nhân tử
vong của anh Phạm Đặng Toàn” và “điều tra những người vây đánh 2 chiến sĩ công
an để xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo khách quan”.
Không có con số thống kê chính thức về các vụ dân tử vong
liên quan đến các vụ bắt bớ của công an Việt Nam song tin tức về các vụ như vậy
xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí và mạng xã hội.
Hồi tháng 3/2015, Bộ Công an Việt Nam ra báo cáo cho biết có
226 người chết trong các nhà tạm giam, tạm giữ vì “bệnh lý và tự sát”. Những
người này chưa bị coi là tội phạm.
Từ Hà Nội, anh Trịnh Bá Phương, một người đấu tranh vì quyền
đất đai, nói với VOA về hành xử bạo lực của công an Việt Nam:
“Tình trạng chung ở Việt Nam thì do thể chế độc tài, và cái
thể chế lấy công an để cai trị người dân, trong thời gian vừa qua, trong những
năm gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ người dân bị công an đánh chết. 260 người chết
trong vòng ba năm thì tôi nghĩ con số báo cáo đó chỉ là một phần nổi thôi. Trên
thực tế, rất nhiều người bị chấn thương, thương tật, rồi nhiều người ở những
nơi không có thông tin, truyền thông, mạng xã hội, thì hầu hết các vụ đó không
được thông tin. Ở Việt Nam tôi thấy là đặc biệt trong các nhà tù nhiều người bị
chết và các con số đó chưa được thống kê”.
Anh Phương, con của nhà hoạt động Cấn Thị Thêu đang ngồi tù,
cho biết thêm bố mẹ, em trai anh và bản thân anh nhiều lần bị công an đánh đập
dã man khi đấu tranh về quyền đất đai trong những năm qua.
Theo Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành đầu
năm 2016, nhiều nhân viên Bộ Công an Việt Nam có hành động giết người tùy tiện
hoặc trái luật cũng như lạm dụng bạo lực gây chết người. Báo cáo Nhân quyền nói
trong hầu hết các trường hợp, nhà chức trách Việt Nam chỉ cung cấp rất ít thông
tin về việc điều tra, và có một vài vụ chính quyền buộc một số quan chức phải
chịu trách nhiệm.
Nhà đấu tranh Trịnh Bá Phương nói với VOA nhiều người Việt
Nam hy vọng Luật Magnitsky của Mỹ về trừng phạt các quan chức đàn áp hoặc vi phạm
nhân quyền có thể tác động thay đổi cách hành xử của các quan chức Việt Nam, kể
cả giới công an. Anh nói trong thời gian tới nhiều người sẽ ghi lại các bằng chứng
về những quan chức, nhân viên nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền để chuyển
cho phía Mỹ và mong Mỹ có các biện pháp trừng phạt.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét