Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Nếu kỹ trị là tốt thì ai đưa các nhà kỹ trị lên?



Nguyễn Quốc Tấn Trung  


Trong bài viết gần đây, Tiến sĩ Kinh tế học Parag Khanna đã hết lời ca ngợi thành quả của nhiều quốc gia Châu Á trong bài toán phát triển.

Chiến lược gia gốc Ấn Độ cho rằng sự phát triển vượt bậc và mạnh mẽ của những quốc gia này (bao gồm Singapore, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam; đối ngược với tình cảnh của Philippines hay Bangladesh), được xây dựng trên nền tảng của mô hình nhà nước kỹ trị.

Ông cũng khẳng định rằng, sự thực dụng của mô hình kỹ trị mới thật sự là câu trả lời cho các vấn đề kinh tế, xã hội mà các quốc gia Châu Á đang gặp phải. Trong khi đó, mô hình dân chủ của nhiều quốc gia phương Tây đang đi vào thế bế tắc, không hiệu quả, hay thậm chí thoái trào.

Nhưng sự thật có phải là như thế? Liệu kỹ trị có phải là chiếc gậy thần như ông mô tả?

Không. Kỹ trị không phải câu trả lời duy nhất.

Ở đây, bài viết đang làm cho chúng ta tin rằng thành quả, bản chất và nguyên tắc chính cho thành tựu của nhiều quốc gia Đông Á đều được hình thành bởi mô hình kỹ trị. Cho rằng kỹ trị là yếu tố tất yếu, là trái tim của sự tiến bộ tại những quốc gia này. Nói cách khác, ông đang tin rằng kỹ trị là bản thể của những con rồng mới nổi tại Châu Á.

Ông quên rằng, còn rất nhiều yếu tố khác quyết định đến thành bại của một quốc gia, như lịch sử, địa chính trị hay văn hóa.

Hãy nghĩ đến Malaysia và Singapore. Họ không xây dựng nhà nước và chính thể của họ từ con số không. Cả hai quốc gia này đều may mắn được thừa hưởng một hệ thống hành chính, tổ chức dân sự và các thể chế vận hành cực kỳ hiệu quả từ chính quyền thực dân Anh.

Thành tựu của Singapore ngày nay dựa trên nền tảng mà Ngài Stamford Raffles – một quan chức quản lý thuộc địa Anh và là người sáng lập ra Singapore – đặt ra từ năm 1819. Ảnh: yoursingapore.

Mong muốn xóa bỏ chế độ thực dân là chính đáng. Nhưng cũng không thể vì thế mà chúng ta có thể phủ nhận những di sản về thông luật Anh (cả về văn bản pháp luật lẫn tư duy pháp lý), hệ thống dịch vụ công hoàn thiện, tri thức know – how về rất nhiều vấn đề quản lý công – tư.

Đặc biệt, phải kể đến mô hình tổ chức tư pháp vừa hiệu quả, vừa công minh của tòa Anh. Ngày nay, toà án Malaysia và Singapore vẫn dẫn chiếu các án lệ từ Anh để xét xử.

Những gì chính quyền tiền nhiệm để lại chính là nền tảng kỹ trị cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Chúng tạo nên một mặt bằng hiểu biết và kỳ vọng chung rất cao ở người dân; từ đó tạo nên áp lực cho bất kỳ mô hình chính thể nào trong tương lai. Singapore đạt đến ngày nay không phải chỉ bởi một nhóm chính đảng, phe phái nào đó cho rằng họ tinh hoa và hoàn hảo hơn phần còn lại của quốc dân.


Bề nổi của tảng băng chìm

Dân chủ cho phép mọi người tiếp cận với hàng loạt các thông tin tiêu cực về chính quyền. Điều này khiến cho chúng ta nghĩ rằng thể chế dân chủ có quá nhiều điều xấu xa. Chúng chưa bao giờ tốt đẹp.

Nhưng báo chí phổ thông phương Tây và các nhà khoa học như Khanna có từng quan tâm đến bao nhiêu người nông dân bị mua lại đất với giá rẻ mạt tại các quốc gia Đông Á? Có bao nhiêu cuộc xung đột kinh tế, môi trường bị đàn áp bằng vũ lực? Bao nhiêu hệ thống hạ tầng sang trọng được xây dựng không nhờ vào sự đồng thuận, mà nhờ vào sự tước đoạt và đè nén xung đột xã hội?

Rõ ràng những nhà kinh tế học nên thôi đánh giá thành tựu hạ tầng được xây dựng dựa trên các vi phạm vô cùng căn bản về quyền con người và quyền công dân. Họ có thể thỏa mãn khi được tiếp đón một cách xa hoa bên trong các cung điện, nhà cao tầng. Nhưng điều đó không làm mất đi các vấn đề mà hệ thống đó tạo ra.

Kỹ trị là tốt, nhưng ai được quyền chọn và kiểm soát các cá nhân tinh hoa trong bộ máy kỹ trị đó?

Người dân Philippines đã mệt mỏi với hệ thống dân chủ nửa vời. Điều đó đúng.

Nhưng Philippines có thật sự là một nền kinh tế rệu rã so với các quốc gia mà tác giả đưa ra so sánh?

Không. Trong nhiều năm qua, Philippines vẫn luôn ở nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới. Năm 2016, Philippines là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Sự phân bổ tái đầu tư và nguồn thu nhập tại Philippines khiến người dân không hài lòng. Họ buộc phải chọn lại nhà lãnh đạo của họ và đưa một con người thực dụng như Duterte lên nắm quyền. Nhưng hãy nhớ rằng, họ còn quyền được chọn thông qua bầu cử tự do. Việt Nam hay Trung Quốc không phải là không gặp các bài toán về hạ tầng và dân cư như Philippines, nhưng chúng ta có quyền được chọn không?

Tương tự với Singapore, nhiều nhà nghiên cứu đã quá dễ dãi khi cho rằng Lý Quang Diệu là ngôi sao duy nhất cho thành tựu của Singapore.

Khi người Anh rời thành phố cảng này, cuộc tổng tuyển cử năm 1959 chưa bao giờ được xem là một cuộc bầu cử dễ dàng cho đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông Lý. Để bảo đảm cho chiến thắng, và với hệ thống nhà nước được người Anh để lại, toàn bộ lãnh đạo của PAP tập trung vào một tôn chỉ thu hút cử tri duy nhất: Không để hiện tượng tha hóa và tham nhũng xuất hiện trong khu vực công.

Lý Quang Diệu không phải từ trên trời rơi xuống. Ông nắm quyền thông qua những cuộc bầu cử và cạnh tranh khốc liệt với các đảng phái và lực lượng chính trị khác tại Singapore. Ảnh: Straits Times.

Đến khi tuyên thệ nắm quyền kiểm soát chính phủ, Lý Quang Diệu và các thành viên nội các thuộc PAP đã mặc áo trắng đồng loạt, thể hiện quyết tâm duy trì một Chính phủ Singapore trong sạch và không thể bị mua chuộc.

Chính điều này đã xác định kỳ vọng và định hướng hoạt động cho nhà nước Singapore từ đó, khiến cho các chính sách quản lý được đưa ra đều phần nào nhắm đến việc duy trì một nhà nước Singapore trong sạch.

Nếu PAP làm người dân Singapore thất vọng, không có gì bảo đảm rằng một cuộc đảo chính bầu cử trong một nhà nước bán độc tài như Singapore sẽ không diễn ra.

Còn nhìn lại các quốc gia như Trung Quốc, điều gì bảo đảm rằng những nhà “kỹ trị” tài ba được đào tạo từ phương Tây trở về sẽ luôn luôn quan tâm phần “hiệu quả” của chính sách mà không phải lợi ích của chính họ? Không phải rằng quốc gia này luôn nằm ở vùng tối nhất của bản đồ tham nhũng thế giới hay sao?

Và nếu chúng ta đề cập về một cơ chế “kiểm tra – giám sát” hiệu quả, dân chủ, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, luôn luôn là sự lựa chọn hiệu quả nhất.

Có một nhà kinh tế học từng bình luận rằng “Dân chủ có thể làm chậm sự phát triển, nhưng luôn phân bổ nó tốt hơn”. Đây có lẽ mà điều mà những nhà kỹ trị nên nhớ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét