Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Kinh tế thế giới: Đừng thấy cây mà không thấy rừng!



Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng


Nguồn: J. Bradford Delong, “Missing the Economic Big Picture,” Project Syndicate, 28/11/2016.


 


Gần đây tôi nghe cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy nhắc lại một câu cách ngôn kinh điển của Phật giáo, trong đó vị thế tổ thứ sáu của Thiền tông là Huệ Năng nói với ni cô Vô Tận Tạng: “Trí giả chỉ trăng, ngu giả chỉ thấy ngón tay mà không thấy trăng.” Lamy nói thêm, “Chủ nghĩa tư bản thị trường là mặt trăng. Toàn cầu hóa là ngón tay.”

Với việc tư tưởng chống toàn cầu hóa ngày càng tăng ở phương Tây, năm nay quả là một năm mà người ta chỉ thấy ngón tay. Trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh, “những người Anh nhỏ bé” đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu; và ở Mỹ, Donald Trump thắng cử tổng thống bởi vì ông đã thuyết phục được đủ số cử tri ở những bang quan trọng rằng ông sẽ “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại,” nhất là bằng cách đàm phán những “thỏa thuận” thương mại rất khác cho đất nước.

Chúng ta hãy xem mình đang đứng ở đâu bằng cách xem mặt trăng chính sách kinh tế trông lúc này ra sao, đặc biệt là về mặt tăng trưởng và bất bình đẳng. Đầu tiên, những tiến bộ công nghệ trong những lĩnh vực như xử lý thông tin, rô bốt, và công nghệ sinh học tiếp tục tăng tốc với tốc độ đáng kể. Nhưng tăng trưởng năng suất lao động hàng năm ở các nước Bắc Đại Tây Dương đã giảm từ mức 2% mà chúng ta đã quen từ năm 1870 xuống còn 1% hiện nay. Tăng trưởng năng suất lao động là một chỉ dấu kinh tế quan trọng, do nó đo lường mức giảm trong từng năm của lượng tài nguyên hoặc nhân lực cần thiết để đạt được cùng một sản lượng kinh tế.

Nhà kinh tế Robert J. Gordon tại Đại học Northwestern cho rằng mọi tiến bộ “thay đổi cuộc chơi” thực thụ vốn tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong quá khứ – điện, hàng không, hệ thống vệ sinh hiện đại, v.v… – đã được tận dụng tối đa, và chúng ta không nên cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục một cách vô hạn định. Nhưng Gordon gần như chắc chắn đã sai: các phát minh đột phá đã thay đổi hoặc định nghĩa lại cuộc sống một cách cơ bản, nghĩa là chúng thường nằm ngoài phạm vi của các phép đo tăng trưởng kinh tế thông thường. Vì vậy, chúng ta nên chờ đón thêm những phát minh đột phá nếu xét tới tốc độ tiến bộ công nghệ hiện tại.

Các phép đo tăng năng suất lao động hoặc giá trị gia tăng của công nghệ chỉ tính đến sản xuất và tiêu thụ dựa trên thị trường. Nhưng của cải vật chất của một người không đồng nghĩa với của cải thật, tức là sự tự do và khả năng có một cuộc sống trọn vẹn về vật chất của anh ta. Phần lớn của cải thật của chúng ta được tạo dựng trong hộ gia đình, nơi chúng ta có thể kết hợp các đầu vào phi thị trường về thời gian, thông tin, và xã hội với hàng hóa và dịch vụ của thị trường để đạt được nhiều mục đích tự chọn của chúng ta.

Dù các phép đo tiêu chuẩn cho thấy tăng trưởng năng suất lao động đang suy giảm, nhưng tất cả những chỉ số khác lại cho thấy tăng trưởng năng suất lao động thật ra đang tăng vọt, do sự phối hợp giữa hàng hóa và dịch vụ của thị trường với các công nghệ thông tin và liên lạc mới nổi. Nhưng khi các nước có nền kinh tế tăng trưởng chậm không giáo dục dân số của họ một cách đầy đủ, gần như tất cả những ai ở dưới top một phần năm thu nhập cao nhất sẽ không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế được đo lường, nhưng vẫn được hưởng lợi từ những công nghệ mới, những công nghệ có thể giúp cải thiện cuộc sống và phúc lợi của họ.

Như nhà kinh tế Karl Polanyi chỉ ra trong thập niên 1930 và 1940, nếu một hệ thống kinh tế hứa hẹn sẽ tạo dựng sự thịnh vượng được chia sẻ cho tất cả nhưng có vẻ chỉ phục vụ cho những người có thu nhập ở top 20%, thì nó sẽ làm thất vọng phần lớn kỳ vọng của những người tham gia vào nền kinh tế. Về phần mình, chủ nghĩa tư bản thị trường đã không đem lại được mức sống phải chăng hơn bao giờ hết của thập niên 1980 mà rất nhiều người lúc bấy giờ đã mong chờ.

Thay vào đó, trong 30 năm qua, một “siêu giai cấp” (“overclass”) đã xuất hiện, một giai cấp có quyền lực kinh tế tương đối lớn hơn cả những ông trùm cướp bóc của Kỷ nguyên Vàng (giai đoạn từ những năm 1870 đến đầu thế kỷ 20 trong lịch sử Hoa Kỳ). Tuy nhiên, những nguyên nhân góp phần vào sự trỗi dậy và quyền lực quá mức của giai cấp này vẫn còn bí ẩn.

Ở những nơi khác, Trung Quốc, Ấn Độ, và một số nước Vành đai Thái Bình Dương đã đạt được hoặc sẽ sớm đạt được mức năng suất và thịnh vượng của các nước Bắc Đại Tây Dương. Phần còn lại của thế giới không còn tụt hậu thêm so với Bắc Đại Tây Dương, nhưng cũng không thu hẹp được khoảng cách năng suất và thịnh vượng, có nghĩa là họ sẽ tiếp tục tụt hậu mãi mãi.

Những đặc trưng nêu trên đều là những bộ phận cấu thành nên mặt trăng tư bản thị trường của chúng ta. Khi thị trường tăng trưởng và tương tác với các lực lượng xã hội, chính trị, và công nghệ, nó tạo ra cả mừng lẫn lo. Toàn cầu hóa là một mảnh ghép trong một bức tranh lớn hơn: dù quyết tâm tìm ra cách tốt nhất để quản lý hệ thống thương mại toàn cầu là điều quan trọng thì nó cũng không thể thay thế được cho thách thức lớn hơn nhiều là quản lý chủ nghĩa tư bản thị trường.

Bằng cách tập trung vào các hiệp định thương mại tự do riêng lẻ, dù được đề xuất hay đã tồn tại, hay vào việc đóng cửa biên giới với người nhập cư, chúng ta đang nhìn ngón tay mà quên mất mặt trăng. Nếu muốn nắm bắt được quỹ đạo của nền kinh tế toàn cầu, giờ là lúc để nhìn lên.

Bradford DeLong là giáo sư kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, và nghiên cứu viên tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia. Ông là phó trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Clinton, vị trí có liên quan rất nhiều đến các cuộc đàm phán ngân sách và thương mại. Vai trò của ông trong việc thiết kế gói giải cứu Mexico trong cuộc khủng hoảng đồng peso năm 1994 đã đặt ông vào vị trí tiên phong của cuộc chuyển đổi Mỹ Latinh thành một khu vực của các nền kinh tế mở, và củng cố vị thế của ông như một tiếng nói hàng đầu trong các cuộc tranh luận chính sách kinh tế.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét