Hà Tường Cát
Tờ giấy bạc 100 nhân
dân tệ được trưng ra chụp hình trước một tòa nhà trong số các ngân hàng cũ ở
khu phố lịch sử Bund bên bờ sông Hoàng Phố, Thượng Hải. (Hình: Mark
Ralston/AFP/Getty Images)
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hôm Thứ Hai thông báo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ được tham gia vào giỏ các đồng tiền dự trữ chính của tổ chức này kể từ 1 Tháng Mười, 2016.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hôm Thứ Hai thông báo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ được tham gia vào giỏ các đồng tiền dự trữ chính của tổ chức này kể từ 1 Tháng Mười, 2016.
Theo các chuyên viên
tiền tệ, đây là dấu hiệu một ngày kia đồng nhân dân tệ sẽ được nhìn nhận có giá
trị trao đổi trên thế giới giống như đô là của Mỹ hay đồng euro của Liên Âu.
Hiện nay trong nhóm
tiền tệ này chỉ có đô la của Mỹ, euro của Liên Âu, yen của Nhật, và đồng bảng của
Anh. Thay đổi gần nhất ở IMF trước kia là vào năm 2000, khi đồng euro thay thế
đồng franc của Pháp và đồng mark của Ðức.
Trung Quốc rất mong
muốn đồng tiền của họ, còn gọi là “renminbi” (RMB), hay quen gọi là đồng nguyên
(yuan), sẽ trở thành đồng tiền có giá trị trao đổi quốc tế. Do đó, quyết định của
IMF là một thắng lợi mang tính biểu tượng cho họ. Tuy nhiên, theo giới phân
tích, điều ấy chưa có nghĩa là đồng nhân dân tệ đương nhiên trở thành ngoại tệ
quốc tế. Vai trò này chỉ thực sự phát triển nếu đồng tiền này được hoán đổi tự
do và đồng thời Trung Quốc phải tiếp tục tiến hành các cải tổ tài chánh cần thiết
khác.
Bà Christine Lagarde,
tổng giám đốc IMF, nói rằng nhân dân tệ “đáp ứng tất cả các tiêu chí hiện nay”
và có đủ điều kiện trở nên một phần của giỏ các loại tiền tệ chính. Theo bà,
đây là sự công nhận các tiến bộ mà nhà chức trách Trung Quốc đã đạt được trong
những năm qua trong nỗ lực cải cách hệ thống tiền tệ và tài chính.
Ðồng nhân dân tệ là đồng
tiền thứ năm được đưa vào giỏ tiền tệ tạo thành “Special Drawing Rights-SDR”
(quyền rút vốn đặc biệt) của IMF. SDR, cũng có thể viết tắt là XDR, được IMF ấn
định và điều hành, là tài sản ngoại hối dự trữ bổ sung, có trị giá căn cứ trên
giỏ tiền tệ quốc tế chính và được IMF duyệt lại mỗi năm năm.
IMF nói rằng sự duyệt
xét mới nhất của hội đồng điều hành đi đến kết luận là Trung Quốc và đồng tiền
của họ đã hội đủ hai tiêu chuẩn để được đưa vào giỏ: Quốc gia phát hành là một
trong những nguồn xuất cảng lớn nhất thế giới và nhân dân tệ là đồng tiền được
sử dụng tự do.
IMF định nghĩa một đồng
tiền được coi là sử dụng tự do khi nó được dùng rộng rãi trong việc thanh toán
các chuyển khoản quốc tế và trao đổi rộng rãi trên các thị trường hối đoái
chính.
Căn cứ trên sự duyệt
xét vào ngày 30 Tháng Mười Một, năm loại tiền tệ trong SDR là đô la 41.73%,
euro 30.93%, nhân dân tệ 10.82%, yen 8.33%, và bảng Anh 8.09%. Hiện nay, trị giá
SDR vào khoảng 200 tỷ SDR.
Trên bản chất, SDR
không phải là một đồng tiền có thể dùng như các đồng tiền khác, chỉ là đơn vị
quy ước dùng để tính toán chứ không phải trong lưu thông. SDR tượng trưng quyền
được đòi hỏi bằng tiền hoán đổi với các ngoại tệ khác trong IMF. Ðồng nhân dân
tệ được đưa vào SDR phản ánh tầm quan trọng của nền kinh tế đứng hàng thứ nhì
thế giới và là sự hỗ trợ cho chiều hướng tự do trao đổi tiến tới việc Trung Quốc
mở cửa hệ thống tài chính.
Ðồng nhân dân tệ đứng
hàng thứ tư trên thế giới, chiếm khoảng 2.5% trị giá trong mậu dịch toàn cầu.
Qua thời gian, quyết định của IMF có thể khiến các ngân hàng trung ương giữ một
số lượng nhân dân tệ lớn hơn trong dự trữ của mình. Theo kinh tế gia Haibin Zhu
của JP Morgan, đồng nhân dân tệ có thể chiếm tới 5% dự trữ toàn cầu, hay là khoảng
$530 tỷ, trong vòng năm năm nữa. Tình trạng ấy sẽ thúc đẩy sự sử dụng nhân dân
tệ cho mậu dịch và đầu tư.
Các nhà kinh tế cho
là quyết định của IMF có thể khuyến khích ban lãnh đạo Trung Quốc giảm sự kiểm
soát đồng nhân dân tệ thêm nữa. Kế hoạch phát triển ngũ niên hiện nay của đảng
Cộng Sản Trung Quốc nói rằng đến năm 2020 đồng tiền của họ có thể được tự do mậu
dịch và sử dụng. Hồi Tháng Tám, trong một chuyển hướng bất ngờ về cơ chế, đồng
nhân dân tệ được phá giá 3.5%. Nhưng tới Tháng Chín, Thủ Tướng Lý Khắc Cường khẳng
định là sẽ không có kế hoạch hạ giá mới.
Một số các nhà mua
bán chứng khoán và đầu tư lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ giá đồng tiền
của họ một khi đạt mục tiêu được chấp nhận vào giỏ tiền tệ IMF. Nhưng những người
khác cho rằng có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn chứng tỏ là họ đáng tin cậy
hơn. Ông Chen Kang, phân tích gia trưởng ban trái phiếu của SWS Research Co. ở
Thượng Hải, nhận định: “Ðồng nhân dân tệ được nhìn nhận là đồng tiền quốc tế sẽ
thúc đẩy Trung Quốc chấp nhận thêm những biện pháp để đẩy mạnh tiến trình mở cửa
thị trường ngoại hối và tư bản.”
Nhưng ông Derek
Scissors của American Enterprise Istitute ở Washington, DC, cho là việc chính
quyền Trung Quốc định tỷ giá đồng tiền hiện giờ căn cứ theo đồng đô la khiến
cho đồng nhân dân tệ “chẳng qua chỉ là đô la trá hình.” Theo ông, “cho đến chừng
nào đồng nhân dân tệ được hoàn toàn tự do trao đổi, thì quyết định của IMF sẽ
chỉ là làm gia tăng tầm quan trọng của đồng đô la.”
Dù sao, IMF đã quyết
định và Trung Quốc cũng phải có trách nhiệm mới có thể thụ hưởng những lợi ích.
Ông Dariusz
Kowalczyk, chiến lược gia của ngân hàng Pháp Credit Agricole, nói: “Các ngân
hàng trung ương không bó buộc phải căn cứ vào cấu tạo của giỏ tiền tệ, nhưng
trong thực tế, họ thường dựa theo đó.” Theo ước lượng của ông, trong vòng sáu
năm, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong các kho dự trữ ngoại tệ có thể tăng từ
1.4% hiện nay lên khoảng từ 4.7% đến 10%, có nghĩa là khoảng $110 tỷ nhân dân tệ
sẽ được mua vào mỗi năm.
Còn ông Raymond
Yeung, chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ, thì cho rằng: “Ðà vươn lên của đồng
tiền Trung Quốc trên trường quốc tế không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Ðiều ấy còn tùy thuộc vào niềm tin của các tổ chức tài chính đối với đồng tiền
này.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét