BBT - Web Việt Tân
Phái đoàn các anh em hoạt động dân chủ Việt Nam đã bắt đầu
ngày thứ nhì của chuyến đi học hỏi Miến Điện với một buổi gặp gỡ rất thú
vị với một tổ chức đấu tranh của giới trẻ mang tên Generation Wave (Thế
Hệ Cơn Sóng). Generation Wave ra đời sau cuộc xuống đường và bị đàn áp
đẫm máu của các sư sãi vào năm 2007. Họ được các tổ chức quốc tế biết
đến như một tổ chức trẻ với nhiều sáng kiến và phương thức đấu tranh mới
lạ.
Khi nghe đại diện Generation Wave trình bày về quá trình hoạt động
của họ, chúng tôi không ngừng liên tưởng đến phong trào Zombie của Việt
Nam. Cũng là những người trẻ, cũng đầy nhiệt huyết cho đất nước, cũng có
những cách thức rất sáng tạo trong đấu tranh, thậm chí hai bên rất
giống nhau trong nhiều phương thức hành động. Tuy nhiên, Generation Wave
có tính tổ chức cao, có đường lối hành động và phát triển nhân sự rõ
rệt, vì vậy, dù chỉ một thời gian ngắn ngủi sau khi thành lập, từ những
thanh niên trẻ phải lấy tiền bố mẹ cho đi học để sử dụng cho việc hoạt
động, họ đã trở thành một tổ chức được nhiều sự hậu thuẫn và tài trợ từ
quốc tế.
Buổi gặp gỡ tiếp theo của phái đoàn là với Đài Tiếng Nói Dân Chủ Miến
Điện (DVB), một đài truyền hình và truyền thanh đã hoạt động ngoài Miến
Điện nhưng phát sóng về nước. Tuy nhiên, sau năm 2012 họ đã trở về Miến
Điện và trở thành cơ quan truyền thông độc lập duy nhất tại đất nước
này cho đến hôm nay. Hiện nay DVB có một mạng lưới gồm hơn 150 ký giả
trải dài trên mọi tỉnh thành của đất nước.
Chia sẻ về việc hoạt động dân báo, anh Than Win Htut, người sáng lập
ra đài DVB nói rằng: "Muốn làm dân báo trong chế độ độc tài, điều kiện
đầu tiên: phải chấp nhận đàn áp, tù đày!" Trong vụ xuống đường của các
sư sãi vào năm 2007, các ký giả dân báo làm việc cho DVB đã không quản
ngại nguy hiểm để quay hình lại những cảnh đàn áp khủng khiếp và gởi ra
bên ngoài, nhờ vào đó thế giới đã chứng kiến được thảm trạng tàn khốc
của Miến Điện dưới chế độ độc tài quân phiệt.
Một năm sau đó, một cuốn phim tài liệu mang tên Burma VJ ra đời (VJ ở
đây gọi tắt cho chữ Video Journalist - phóng viên thu hình). Cuốn phim
nói về những ký giả can trường của đài DVB đã nhận được hơn năm mươi
giải quốc tế và được đề cử cho giải Oscar. Sau khi nhìn thấy được sự tận
tụy và chuyên nghiệp của các ký giả dân báo của Miến Điện, cả phái đoàn
khi bước ra khỏi trụ sở đài DVB ai cũng phải trầm trồ rằng: bây giờ thì
có thể hiểu tại sao tình hình Miến Điện lại được thế giới quan tâm như
vậy!
Buổi họp tiếp theo là với Hội Hỗ Trợ Tù Nhân Chính Trị Miến Điện
(AAPP). Đây là tổ chức làm việc để hỗ trợ mọi mặt cho các tù nhân chính
trị, từ việc tổ chức các chiến dịch kêu gọi tự do cho tù nhân chính trị,
đến giúp đỡ gia đình họ khi họ còn ở tù hay giúp chính họ khi ra tù.
Đặc biệt, AAPP còn dạy nghề cho các tù nhân chính trị sau khi ra tù để
họ có công ăn việc làm và trở lại với đời sống bình thường.
Khi vừa bước vào văn phòng của AAPP, chúng tôi lặng người bởi một bức
tường lớn đăng di ảnh các tù nhân chính trị đã chết trong ngục tù tại
Miến Điện trong 30 năm qua. Nhiều người chết vì tra tấn, có người chết
trên đường đến trại tù, và có người như một sự phản kháng cuối cùng -
chết sau khi tuyệt thực. (Nhưng đó là chuyện của quá khứ).
Sau một tiếng rưỡi trao đổi về tình hình Miến Điện và Việt Nam, người
đại diện của AAPP cho rằng tình hình Việt Nam có 2 điểm khó khăn hơn
Miến Điện. Thứ nhất, “vấn đề Việt Nam quốc tế biết còn ít quá, các bạn
cần làm nhiều chiến dịch, nhỏ thôi, không cần to tát gì, nhưng làm
nhiều, thật nhiều để tạo tiếng vang tranh thủ sự quan tâm của quốc tế.”
Và điều thứ hai, theo anh, “ở Miến Điện ngay thời điểm này nếu tôi bị
cảnh sát bắt giữ, tôi có thể an tâm là dầu gì thì sinh mạng tôi cũng
được bảo đảm! Tôi biết điều này không xãy ra cho Việt Nam của các bạn.
Tôi biết các bạn nếu bị bắt giữ, dù là vì chính trị hay dân sự, việc lớn
hay nhỏ, tính mạng của các bạn bị lâm nguy.” Các anh em trong phái đoàn
ngẩn người “sao họ hiểu tình hình côn an nước mình đến thế!”
Chỉ vọn vẹn trong nửa ngày, chúng tôi đã học hỏi rất nhiều điều với
sự ngưỡng mộ không ngừng đối với phong trào Miến Điện. Các tổ chức của
họ làm việc rất chuyên nghiệp, họ nhận được sự quan tâm và tài trợ khá
nhiều từ quốc tế, đa số người dân của họ sẵn sàng bày tỏ và hành động
cho lý tưởng dân chủ. Nhưng chúng tôi cũng lấy làm vui vì khi nhìn lại
phong trào Việt Nam, mặc dù còn yếu, còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm
của quốc tế, nhưng qua những gì nhìn thấy từ các tổ chức Miến Điện, có
một điều có thể chắc chắn rằng: chúng ta đang đi đúng đường!
http://viettan.org/Ngay-thu-nhi-cua-chuyen-di-Mien.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét