Cản trở 'duy nhất và lớn nhất' cho dân chủ hóa và bầu cử tự
do hay 'tự do đầu phiếu' ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai chính là chế độ
một Đảng, theo nhận định của một nhà quan sát và phân tích chính trị Việt Nam
đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS).
Khi so sánh diễn tiến chính trị và dân chủ hóa ở Việt Nam với
Myanmar, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện này, nói với BBC
hôm 20/12/2015:
"Với Myanmar, họ có thuận lợi là từ xưa đến nay là một
thể chế đa nguyên và đa đảng. Thế còn với Việt Nam, thì cho đến năm 1946, Việt
Nam đã có thể chế chính trị đa nguyên và có nhiều đảng.
"Sau đó thì thôi.
"Cho nên điều kiện tiên quyết để mà có bầu cử tự do, gọi
là tự do đầu phiếu, thì cái cản trở duy nhất và lớn nhất của nó là chế độ một đảng,"
nhà nghiên cứu nói.
Ai bảo lãnh cho Đảng?
Trước câu hỏi, ai có thể 'bảo lãnh' hay bảo đảm an nguy' cho
Đảng Cộng sản và những người lâu nay gắn bó với bộ máy và chế độ chính trị do Đảng
cầm quyền ở Việt Nam, nếu đảng muốn 'đồng ý' để cho tiến hành bầu cử dân chủ tự
do, mở đường cho cải tổ chính trị và 'thay đổi chế độ' trên cả nước, Tiến sỹ Hợp
đáp:
"Về thủ tục hay bài học thì chúng ta có rất nhiều những
bài học về chuyển đổi hay thậm chí là về thay đổi chế độ về mặt chính trị, gần
đây nhất là những cuộc thay đổi về mặt chính trị mà không xảy ra đổ máu ở Đông
Âu.
"Ở Đông Âu, ví dụ, từng thành viên của khối xã hội chủ
nghĩa trước đây người ta thay đổi mà không hề xảy ra đổ máu, mà cũng không xảy
ra những chuyện chế độ mới khi mà họ lên rồi họ sẽ trả thù, hay họ thế nọ, thế
kia với những người mà đã từng làm việc cho chế độ trước đây, là không có.
"Đấy là những bài học rất cụ thể, nhưng đấy chỉ là thủ
tục mà thôi, để mà có được những thay đổi dẫn đến những thủ tục đấy, thì phải
có những điều kiện chính trị, xã hội rất là đặc biệt thì rồi mới đến những chỗ
đấy.
"Mà những điệu kiện như thế, hiện nay chúng ta có thể
thấy ở hai đầu khác nhau, gọi là hai cái cực khác nhau, ở một cực tức là sẽ rất
khó khăn, ở một cực thứ hai, ngược lại là nó có thể xảy ra bất kỳ lúc
nào," nhà phân tích chính trị nói.
Lo nhiều hơn sợ?
Thời gian gần đây, ngay trước Đại hội 12 của Ban chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, rất nhiều phát biểu, thông điệp, văn kiện của
lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam, đặc biệt của Tổng bí thư Đảng, có nhấn mạnh
tới các nguy cơ trong đó có việc các 'thế lực thù địch' tiếp tục 'âm mưu chống
phá', 'diễn biến hòa bình', và đặc biệt là cảnh báo nguy cơ 'tự diễn biến'
trong nội bộ Đảng.
Nhiều động thái tăng cường quyền lực của Đảng và chính thể
thông qua đẩy mạnh bạo lực nhà nước, được hiểu là 'chuyên chính vô sản', với
các xu hướng đã đang được giới quan sát nhận thấy xuất hiện ngày một nhiều như
tăng cường công an, an ninh trong xã hội, tăng bổ nhiệm nhân sự có gốc từ các
cơ quan thuộc lực lượng vũ trang, an ninh, trong các ngành các cấp, trấn áp các
nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, siết chặt không gian xã hội dân sự đối với
các tổ chức hội đoàn độc lập v.v...
Được hỏi phải chăng đằng sau những động thái này thể hiện những
mối 'lo sợ' hay quan ngại nào đó về tương lai của chế độ và đảng cộng sản ở giới
lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước và đảng cộng sản, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp trả lời:
"Nói về nỗi sợ thì không có nhiều lắm, nhưng mà cũng
có.
"Người ta lo nhiều hơn là người ta sợ.
"Bình thường nếu mà mình đặt vị trí của mình vào những
chỗ như vậy, thì không phải là mình sợ mà mình sẽ lo. Tôi chắc là người ta nghĩ
như thế."
Đảng được lợi gì?
Khi được hỏi trong lúc đảng cộng sản đang cầm quyền và nhiều
thành viên của chính quyền được cho là đang 'hưởng lợi' từ lợi thế này, nếu một
ngày họ đồng ý cho phép bầu cử tự do và thay đổi thể chế, chuyển giao hay chia
sẻ quyền lực, thì Đảng và các thành viên đó có được lợi gì không, nhà nghiên cứu
cao cấp Hà Hoàng Hợp đáp:
"Bây giờ chúng ta quay trở lại tính chính danh của một
đảng cầm quyền hay là của một đảng chính trị. Một đảng chính trị mà có vai trò
cầm quyền, thì tính chính danh của nó, bản chất của tính chính danh của nó, hay
của đảng chính trị ấy, là phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
"Nếu không đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, thì trước
sau tính chính danh ấy cũng sẽ bị suy giảm và rồi nó sẽ mất đi.
"Và khi đã mất đi rồi thì chính đảng đó sẽ khó mà có thể
còn ở chỗ đấy.
"Như là nói đến nỗi sợ hay không, nỗi sợ hay không sợ,
thì bây giờ chúng ta phải đặt vấn đề bản chất như vậy.
"Và bây giờ chúng ta thấy rằng là nếu như một chính đảng
mà người ta đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, thì chắc chắn những đảng ấy, những
người lãnh đạo ở đấy, số ít hay số đông, chắc chắn người ta sẽ biết cách tìm một
lối ra hay một lối đi nào đấy...
"Mà có thể bây giờ người ta chưa cụ thể hóa được ngay ở
bằng văn bản, hay văn kiện, để rồi người ta sẽ thực hiện cho được nguyên tắc
chính trị ấy để đảm bảo tính chính danh của cái đảng ấy," TS. Hà Hoàng Hợp
nói với BBC từ Hà Nội, hôm Chủ Nhật, trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp
hành Trung ương của Đảng CSVN, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 12, đang diễn ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét